Tháng Năm là tháng có nhiều ý nghĩa với các ngày lễ lớn của dân tộc: Ngày sinh nhật Bác Hồ, Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…, đặc biệt hơn tháng Năm năm nay diễn ra sự kiện trọng đại, được xem như một ngày hội lớn của toàn dân: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Trong ngày tháng xôn xao với nhiều sự kiện đặc biệt này, nhà văn – nhà báo Hồ Ngọc Quang đã có buổi tìm gặp và trò chuyện đầy thú vị với nhà thơ Hồ Phi Phục (hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An). Không chỉ là một người làm văn nghệ, có vốn văn hóa phong phú, ông Hồ Phi Phục còn là một nhà quản lý giàu uy tín. Ông nguyên là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An…

*****

Thưa ông Hồ Phi Phục, có lẽ xin cho tôi được gọi là nhà thơ Hồ Phi Phục trong cuộc trò chuyện này, vì chúng ta đang đối diện cùng bạn đọc của tờ tạp chí văn nghệ tỉnh nhà. Có thể nói chúng ta đang trong không khí tháng Năm với đầy ắp các sự kiện đáng nhớ, trong đó sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có thể coi là ngày hội của toàn dân, thể hiện và thực hiện nền dân chủ của mình, ông có suy nghĩ gì với sự kiện chính trị đặc biệt trọng đại này?

Nhà thơ Hồ Phi Phục. Ảnh: Ngô Kiên

Tôi theo dõi Tạp chí Sông Lam – tiếng nói đại diện của văn nghệ sỹ tỉnh nhà và thấy, trong số tháng 3 vừa rồi có bài trò chuyện khá thú vị của phóng viên (cộng tác viên) Tạp chí với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh. Những ý kiến trả lời của bà Minh Sinh đã tương đối đủ đầy, sắc sảo. Tôi chỉ muốn nói thêm, mà nói đúng hơn là cho tôi được nhớ lại một vài kỷ niệm về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, khi nghĩa lớn hai chữ “Dân chủ” bắt đầu sáng rực trên bầu trời Việt Nam. Ngày ấy tôi là một cậu bé bảy, tám tuổi có tham gia hoạt động trong tổ chức đội thiếu niên, nhi đồng cứu quốc. Chúng tôi khoác khăn quàng đỏ nô nức đến đình làng tham dự mít tinh và nghe cán bộ Việt Minh trong chính quyền lâm thời do dân bầu ra nói về ý nghĩa cuộc bầu cử khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nghe trách nhiệm của công dân đối với chính quyền mới… Tôi không hiểu nội dung các văn bản ông chủ tịch Ủy ban lâm thời hồi ấy đọc những gì, nhưng nhớ rất rõ những tiểu sử tóm tắt mà các vị trong danh sách bầu cử Quốc hội vì nó bằng… thơ (vè) có vần điệu. Hơn nữa bố mẹ tôi, chú bác tôi về nhà ăn cơm vẫn đố nhau nhắc lại. Tôi cũng nhớ tiếng hô khẩu hiệu ủng hộ cuộc bầu cử vang vang trên đường làng.
Ông vừa nhắc về chuyện tuyên truyền bầu cử bằng… thơ. Ông có thể nhớ một vài câu thơ ngày ấy?
Có chứ! Khỏi phải nói về các quy định, chỉ thị, thủ tục… Riêng thơ ca cổ động thì rất mộc mạc, hồn nhiên. Chúng ta cũng biết, giai đoạn đó chúng ta cần mộc mạc, hồn nhiên thì mới gần gũi, mới dễ nhớ, dễ thuộc, mới “đi vào lòng” nhân dân. Ví dụ nói về ứng cử viên Tôn Thị Quế thì: “Tôn Thị Quế gái không vừa” (chữ “không vừa” ở đây là tinh thần chống thực dân phong kiến). Nói về Võ Nguyên Giáp thì: “Võ Nguyên Giáp chí lao lung…”. Nói về Đặng Thai Mai thì: “Đặng Thai Mai tiếng đồn lừng lẫy…”. Mỗi người có được 4, 5 câu ca ngợi, tôi chỉ nhớ câu nổi nhất. Có một vị cách mạng nổi tiếng có được câu kết là: “Gánh giang san một quảy bon bon/ Tình nước non, tình nước non…”… Tóm lại, mỗi đại biểu được ban tuyên truyền gói gọn thành tích và phẩm chất trong vài bốn câu thôi. Chừng ấy mà thể hiện lòng tôn trọng và nêu rõ về đặc điểm, đạo đức và tài năng của họ có thể gánh vác việc công cho dân cho nước.
Chỉ qua một vài chấm phá như thế đã thấy cái không khí thật vui ngày đầu tiên ấy rồi! Bây giờ nhìn lại lịch sử, qua thuật ngữ “Dân chủ” tôi muốn ông đi sâu chút ít về nội hàm của nó kể từ khi đất nước đã sang trang trong tiếng hát “Tiến quân ca” và “Diệt Phát xít” vang dội một thời. Hơn 75 năm qua với thực tiễn đã diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới, nền Dân chủ đã phải vượt qua bao nhiêu là thách thức, ông có nghĩ là đã và sẽ phát hiện ra những vấn đề mới và rút ra được những nhận định mới về sự vận động của tình hình kinh tế – chính trị của đất nước và thế giới?
Có thể nói, hơn 75 năm qua với thực tiễn đã diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới, nền Dân chủ đã phải vượt qua bao nhiêu là thách thức để hoàn chỉnh và chắc chắn sẽ còn phát hiện ra những khía cạnh mới để tiếp tục hoàn thiện.
Trên đây, chúng ta vừa nhắc với nhau về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên với những kỷ niệm đầy dân chủ và náo nức ấy. Ngay sau bầu cử, đất nước ta tiến hành cuộc chiến tranh vĩ đại chống thực dân Pháp quay lại cướp nước ta một lần nữa. Từ đó trải qua chín năm kháng chiến, dù tất cả hướng về tiền tuyến nhưng vấn đề dân chủ luôn được đề cao và thực hiện. Mọi vấn đề về quốc kế dân sinh, kháng chiến toàn dân toàn diện hay những vấn đề cụ thể như thuế nông nghiệp, tiếp tục duy trì bình dân học vụ, tòng quân đánh giặc, về lựa chọn những người xứng đáng vào bộ máy chính quyền đoàn thể… đều được “dân bàn”.
Xin nhắc lại, một bài học thấm thía, trong công cuộc cải cách ruộng đất khi chúng ta không thực hiện cách làm dân chủ, chúng ta đã phải trả một giá đắt. Nhắc đến để biết rằng, con đường để thực hiện dân chủ không phải không có những thách thức, những lầm lỗi. Nhắc đến không phải để “xét lại” mà để chúng ta thấy rõ hơn cái giá trị của dân chủ, và cũng để thấy được rằng chúng ta đã dũng cảm nhìn lại, đã rơi nước mắt mà sửa sai. Vì thế, trong xây dựng xã hội chủ nghĩa và kháng chiến chống Mỹ, cả sau 1975 khi đất nước khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng toàn diện sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước ta giữ vững và phát huy dân chủ ngày càng tốt hơn. Những vấn đề quan trọng của địa phương, của cả nước, chúng ta có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chúng ta đã khẳng định vai trò của tổ chức MTTQ các cấp. Những câu khẩu hiệu: “Chính quyền ta là do dân và vì dân”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… được nêu cao và chứng minh ngày càng rõ nét.
Còn hiện nay, có thể thấy, chúng ta đã giữ vững được nền dân chủ trong tình hình chung giữa quốc gia và quốc tế đầy rẫy khó khăn. Giả thử có mối quan hệ “hàm” và “biến”, thì hiểu theo nghĩa rộng, tính quy luật đã loạn lạc trong những trận đồ của thiên nhiên và xã hội: Tầng ozôn xuống cấp; đàn cá voi sắp tuyệt chủng; sóng thần, biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… Trước mắt là đại dịch Covid-19 kinh hoàng cả thế giới… Rồi thì vấn đề Biển Đông chưa có lối thoát; nạn khủng bố, sự tranh chấp sát phạt nhau đẫm máu giữa các dân tộc; các cuộc cách mạng gầm thét và tự phản bội; các nước lớn bắt nạt các nước nhỏ, vẽ lại địa đồ; nạn tham nhũng tràn lan; kho bom hạt nhân đã đủ sức thiêu 4 lần nhân loại vẫn chạy đua vũ trang; các hình thức đấu đá mới về ý thức hệ, thể chế, vấn đề lợi ích dân tộc không giảm… Những yếu tố đó quay cuồng ảnh hưởng một cách phức tạp đến các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam. Khó mà dự báo tình hình theo những kịch bản tin cậy. Sự khôn ngoan là con người và xã hội phải biết mềm mại biến hóa, hòa hợp, tương tác, bổ sung các yếu tố trong không gian hỏa mù đó. Và cuối cùng thì vẫn là Nhân dân – chủ thể quyết định. Thế kỉ XX đã phát hiện một vấn đề rất lớn: Không chỉ là Dân chủ mà phải có Nhân quyền. Nhân quyền trang bị quyền lực cho từng cá nhân. Dân chủ quan tâm ai cai trị ai. Nhân quyền quan tâm việc cai trị như thế nào. Các nước phương Tây thường la lối nước này, nước nọ thiếu nhân quyền, nhưng mỗi quốc gia đều có pháp luật và nền văn hóa riêng của mình. Cần tăng cường Nhân quyền để hoàn thiện nền Dân chủ. Tạo sức mạnh vô địch của đất nước chống thù trong giặc ngoài là ở chỗ đó. Biểu tượng của nhân tố lãnh đạo là ngôi sao, bộ não, cuốn sách…
Như vậy là sau bầu cử, đất nước ta, nhân dân ta lại tiếp tục một thời kỳ đổi mới, chỉnh đốn, tăng cường sức mạnh mọi mặt – không hề dễ dàng, đơn giản, ông có thể hình dung và quan tâm điều gì nhất?
Trước hết là hy vọng chắc chắn nhân dân ta sẽ chọn cử được những người lãnh đạo chân chính từ phẩm chất và năng lực của họ. Mặt khác, chính nhân dân phải là một lực lượng đoàn kết đồng thuận xây dựng đất nước. Nhưng một điều rõ ràng là: cán bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Nghĩa là trong quan hệ đôi bên, cầu nối vẫn phải là công tác dân vận? Ông có ý kiến gì về vấn đề này? Thưa, ông đã từng là trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy…
Về dân vận tôi đã thấy có nhiều hội thảo bàn luận dài dòng. Tôi vẫn nghĩ khái niệm “Dân vận khéo” Bác Hồ đã nêu ra từ khi có chính quyền mới. Nó mang nhiều ý nghĩa lịch sử về phong cách, về phương pháp. Đến bây giờ đã gần 80 năm cần phải có cách nhìn trong tình hình mới điều Bác dạy.
Vậy theo ông, dân vận có những yếu tố quyết định là gì?
Có hai yếu tố quyết định: Một: các quy định, cơ chế, chính sách đưa ra cơ bản phải được lòng dân (cho dù tạm thời đôi khi dân phải chịu khó khăn, thiệt thòi). Hai: cán bộ phải liêm khiết, gương mẫu. Yếu tố thứ hai này sẽ quyết định cho mọi sự phát triển xã hội. Nhưng khó. Hiện tại, nhân dân rất nhức nhối khi cán bộ quan liêu, hống hách, vụ lợi nhiều. Từ điển không kịp bổ sung, bổ nghĩa nhiều từ ngữ xấu xa. Lấy vài ví dụ: “ăn”, “chạy”. Không ai sống bằng nước lã, nhưng ăn, cái gì cũng ăn, ăn không chọn lọc… Không ai sống cô độc, nhưng chạy, việc gì cũng chạy, vừa chạy vừa… đấu thầu! Cái “bộ phận không nhỏ” này vẫn còn không nhỏ! Trên cái nền suy đồi bất hảo đó nhiều những giá trị lai căng, rẻ tiền làm mất uy tín chính trị, mất niềm tin của nhân dân và lớp trẻ. Dân vận khéo trước hết phải là sự quản lý, kiểm tra, tu dưỡng cán bộ. Cán bộ tử tế thì dân đâu dám chống cháng.
Vâng. Nếu được như vậy thì công tác Dân vận sẽ tự nhiên trôi chảy. Nhân ông nói đến công tác cán bộ, tôi cũng xin hỏi thêm điều này. Qua tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi thấy nhiều cử tri lo lắng tình trạng thiên nhiên, môi trường xuống cấp thảm hại. Và người ta quy trách nhiệm cho cán bộ và chính quyền trên góc độ quản lý. Ông nghĩ sao?
Về những bức xúc trước thiên nhiên, môi trường đang đứng trước những nguy cơ có lẽ chúng ta ai cũng nhìn thấy: Đó là nạn thủy điện kiếm tiền tràn lan. Trên mảnh đất chữ S nhỏ bé đã mọc lên như nấm hơn 500 công trình thủy điện. Thử hỏi còn gì là rừng nữa. Rừng sinh thủy đã biến thành hồ, đập chứa thủy. Và nguồn nước cạn kiệt, đất nương rẫy ngàn năm bị xóa sổ. Đồng bào dân tộc phải bỏ buôn làng, lao đao kiếm sống. Mùa mưa cuộc sống còn điêu đứng hơn: lũ ống, lũ quét, xả nước trôi làng, dân tình kêu la. Đầu tư thủy điện vừa qua là một đòn chí mạng cho miền núi. Biện pháp khắc phục thế nào, chờ đến bao giờ? Thứ hai là nạn đốn phá rừng, nhất là rừng nguyên sinh. Nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Nguyễn Hữu Đợi – một nhân vật trong nhiều bài báo của anh, đã nói một câu rất hay: “Rừng tàn thì dân tộc tan”. Vấn đề này một kỳ họp Quốc hội khóa trước đã phải kêu lên cấp thiết và Chính phủ đã hứa kiểm tra, xử lý nghiêm túc. Rõ ràng, không những cán bộ mà người dân cũng hiểu, rừng quan trọng với con người đến mức thế nào rồi. Nhưng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục mất, phải chăng có một số người, nhất là cán bộ quản lý, quan niệm vấn để gì đó sai? Điều nguy hiểm là nhiều người lãnh đạo vẫn cạn nghĩ, ngây thơ rằng “rừng trồng có thể thay thế được rừng nguyên sinh”. Đâu phải thế, từ thời Liên Xô, Viện sĩ Nga V. Danilov đã chỉ rõ: “Môi trường xung quanh hành tinh chúng ta được bao bọc bởi các biôta đã có từ hàng tỉ năm. Nhân loại không thể sáng tạo ra được cái gì thay thế nó với tư cách điều hòa viên môi trường. Nhưng nhân loại đã tiêu hủy 70% hệ sinh thái biôta đó mà thiên nhiên phải mất một ngàn năm mới tái tạo được. Sự phá hoại rừng nguyên sinh, phá hủy tầng ôzôn, diệt chủng sinh vật đại dương, tăng dân số bừa bãi, suy thoái văn hóa là dấu hiệu khủng khiếp của đại thảm họa đang tới”.
Nhìn những cảnh gốc cây cổ thụ Tây Nguyên đường kính vài ba người ôm ứ nhựa phơi bày la liệt mà thấy như máu người đang chảy. Sự việc như thế đã diễn ra nhiều lần, nhiều nơi. Tôi khâm phục các nhà báo đã lăn lộn điều tra, vạch tội ác này, nhưng không thấy họ được khen thưởng gì cả. Bài ca “Lâm oán ngâm khúc” sẽ còn thê thảm mãi đến bao giờ?! Cũng cần phải nhắc đến những nơi bảo vệ tốt rừng. Ở huyện Yên Thành có một làng, dân làng còn giữ được một đồi rừng lim cổ ngay cạnh làng. Đó là một minh triết vô ngôn đáng kính.
Hiện thời nhân dân đang rất vui mừng Chủ tịch nước vừa đề ra việc lớn trồng 1 tỷ cây xanh, cho đất nước xanh.
Vậy nên, nhân chuyện người dân bức xúc về môi trường và quy trách nhiệm cho… cán bộ, tôi cũng muốn nói thêm điều này: Sau bầu cử, đất nước ta, nhân dân ta lại tiếp tục một thời kỳ đổi mới nữa, nhằm chỉnh đốn, tăng cường sức mạnh mọi mặt của cả hệ thống chính trị. Mà chẳng phải tìm mô hình đâu xa, cứ tiếp tục làm tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” trong cán bộ là được.
Thưa ông, ta vừa nhắc về màu xanh hy vọng của việc trồng cây, lại nói những hy vọng về công tác cán bộ sau bầu cử, là một nhà thơ, lại cũng từng là nhà chính trị, ông có thấy ngay giới văn nghệ của ta, sau kỳ bầu cử này cũng cần đổi mới tư duy với chương trình hành động thiết thực, hiệu qua hơn nữa không ạ?
Cố nhiên là phải đổi mới rồi. Trong mọi cuộc cách mạng, trí thức bao giờ cũng đóng vai trò châm ngòi nổ. Văn nghệ sĩ chúng ta là một bộ phận trong đội ngũ trí thức ấy. Có điều bây giờ thì ngòi nổ ở đây là chống tham nhũng, sự nhận thức và noi gương. Tôi hy vọng ở những đổi mới gần đây của Hội Nhà văn và các văn nghệ sỹ mọi miền sẽ lan tỏa và tạo nên những giá trị tích cực mới cho cuộc sống chung.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Hồ Ngọc Quang (Thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 13/2021)