Một góc xã Quỳnh Đôi

Huyện Quỳnh Lưu vừa được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Có lẽ không chỉ tôi, một người con đất Quỳnh, mà hầu như người dân Quỳnh Lưu nào cũng đều phấn khởi, bởi “cái cây mình chăm bẵm, vun trồng bao lâu, nay đã cho mùa quả ngọt”. Trong niềm vui ấy, tôi nhớ lại những chuyến đi thực tế kiểm tra cơ sở cùng lãnh đạo các ban ngành của tỉnh, của huyện mà thấy quý trọng hơn sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà.

Đoàn khách và đoàn chủ nhà vừa gặp nhau đã xởi lởi, chào hỏi thân tình như người thân quen lâu ngày hội ngộ. Theo chương trình làm việc, Đoàn tỉnh sẽ nghe anh Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông báo nhanh tại hội trường những vấn đề mà Hội đồng thẩm định Trung ương yêu cầu huyện hoàn thiện thời gian qua và kết quả đã khảo sát của các sở, ban, ngành. Đồng thời nghe thêm những ý kiến của đại diện các ngành về các lĩnh vực theo dõi phụ trách, chỉ đạo. Sau đó, tất cả chia thành các tổ đi nghiệm thu thực tế những nơi được cho là chưa thực sự hài lòng để xem sự cố gắng, phấn đấu hoàn thiện những tiêu chí đó như thế nào. Cuối cùng đoàn sẽ tập trung về hội trường để thống nhất bổ sung các ý kiến vào văn bản đề nghị ra Chính phủ…

Nghe vậy, tôi tâm sự với anh Hoàng Danh Lai – Bí thư Huyện ủy ngồi sát bên:

– Lọt qua các vòng để được công nhận là huyện Nông thôn mới thật khó như thi chọn hoa hậu, anh nhỉ?

Uống xong ngụm nước chè xanh đặc quánh, anh Lai xởi lởi:

 – Còn khó hơn ấy chứ! Chọn hoa hậu chỉ qua hơn chục vị giám khảo “đầu hói đeo kính” thôi (anh cười), còn đây là cả một quy trình, qua nhận xét đánh giá của các sở ban ngành trực tiếp quản lý, mà các vị cứng rắn lắm, cứ “thẳng mực tàu” tính điểm theo ba-rem anh ạ. Chưa hết nhé, còn phải qua một số vị lãnh đạo các huyện, thành thị là những đơn vị tiêu biểu trong tỉnh cũng đang phấn đâu xây dựng huyện Nông thôn mới, họ cũng ra đây tham quan rồi nêu ý kiến và cho điểm. “Cái anh này” còn khắt khe hơn mẹ chồng nhận xét con dâu ấy chứ. Vì chính huyện họ cũng muốn đề nghị Chính phủ công nhận đạt danh hiệu cao quý này mà.

Thấy tôi gật gù cho là chí lý, anh cười nói thêm:

– Đấy là tôi mới nói tới quan khách bên ngoài. Ngay trong nội bộ huyện cũng không dễ đồng thuận khi đưa ra ý kiến đề nghị chung. Các ngành trong huyện, các xã tự đánh giá theo đúng tinh thần khiêm tốn và cầu tiến bộ nên thường chưa hài lòng. Việc lấy ý kiến này được tổ chức bỏ phiếu kín một cách tự do, dân chủ. Thế mới có chuyện, phát ra 62.698 phiếu thăm dò, tôi nhớ chính xác thế, thì có 860 phiếu chưa thật hài lòng. Cũng may con số ấy cực nhỏ, chỉ chiếm hơn 1,3% thôi. Nhưng Hội đồng thẩm định Trung ương vẫn cho là chưa được, phải làm sao tất cả các thành phần tham gia chấm điểm đều hài lòng, vì thế họ cho thêm thời gian để hoàn chỉnh các tiêu chí, để mỗi người dân được khảo sát đều thấy thỏa mãn, vui vẻ, đồng thuận, thấy huyện mình thực sự xứng đáng với danh hiệu này nhà báo ạ.

Đoàn thẩm định xây dựng Nông thôn mới tại xã Sơn Hải.

Vừa lúc đó tôi thấy anh Nguyễn Quế Sự – Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải. Tôi đến chào anh và ngỏ ý tranh thủ hỏi thêm về kết quả thực hiện tiêu chí giao thông thủy lợi của Quỳnh Lưu. Anh hẹn lát nữa trên đường đi kiểm tra thực tế cơ sở, có thời gian thong thả hơn anh sẽ cung cấp cho tường tận. Có lẽ ở đâu anh cũng bị cánh báo chí “quây” lại hỏi số liệu, vì giao thông vận tải là chỉ tiêu giúp bộ mặt nông nghiệp, nông thôn khởi sắc nhất. Nó lại là chỉ tiêu khó đạt chuẩn vì “tiêu xài” rất nhiều tiền của, kinh phí.

Lát sau xe đã bon bon trên mấy chục cây số từ đường huyện, đường xã cho đến đường liên hương, có khi còn rẽ vào ngõ ngách để tham quan các mô hình kinh tế gia đình mà xe vẫn chạy êm như trong sân hội trường. Lúc nửa đêm hôm qua có trận mưa rất to, suốt gần bốn tiếng đồng hồ. Nước ruộng, nước mương đầy ăm ắp. Hai bên đường, lúa chiêm đang vào vụ gặt. Năm nay được mùa, bông dài như đuôi trâu, hạt căng tròn mây mẩy, gặp mưa lớn nên nhiều thửa cây lúa nằm rạp trông như tấm thảm lớn. Trận mưa bất ngờ làm cho việc thu hoạch lúa có phần khó nhưng đường sá thì vẫn khô ráo, sạch bong. Mỗi con đường bê tông nội đồng như những con lươn lớn, vắt qua cánh đồng vàng sậm, dẫn vào thôn xóm. Không kiềm giữ được niềm thích thú, tôi thốt lên:

– Cảnh sắc Quỳnh Lưu đẹp thât! Tôi có cảm tưởng chúng như những đường thêu trên tấm vải màu vàng ửng. Anh Sự này, đường giao thông, kênh mương nội đồng của Quỳnh Lưu giờ đã phát triển rất khá phải không anh? Dưới con mắt của Sở, các anh đi nhiều, biết nhiều và soi vào tiêu chí nông thôn mới nữa, các anh thấy thế nào?

Quang cảnh thị trấn Cầu Giát – địa bàntrung tâm huyện Quỳnh Lưu.

– Chúng tôi đánh giá cao chất lượng hệ thống giao thông, thủy lợi của Quỳnh Lưu – anh Sự trả lời ngay. Chúng tôi cũng rất đồng tình với nhận định: Những năm qua kinh tế huyện Quỳnh phát triển nhanh, đều khắp các vùng là nhờ hệ thống giao thông, vận tải đi trước một bước, mở ra điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng. Có được kết quả này là do huyện đã làm tốt công tác quy hoạch. Quỳnh Lưu là 1 trong 3 huyện sớm có quy hoạch tổng thể được tỉnh phê duyệt đó anh. Cái đó nó thể hiện được tầm nhìn của các anh lãnh đạo huyện Quỳnh, biết đi trước đón đầu và biết làm cái lớn, cái dài lâu trước. Theo thống kê, hiện nay các tuyến đường huyện, đường xã với tổng chiều dài trên 300 cây số thì đã bê tông, nhựa hóa cơ bản xong, chỉ còn chưa đến dăm cây số chưa đạt chuẩn. Đây cũng là lý do dẫn đến có một số phiếu thăm dò chưa hài lòng. Đợt này huyện đã khắc phục những hạn chế này coi như ”chuẩn” rồi. Anh có cảm giác từ trung tâm ủy ban các xã mà ta đã đi qua ra đến đường huyện cứ như là đường thành thị không?

Không chờ tôi tỏ sự đồng tình, anh tiếp:

– Chúng tôi đã đi nhiều nơi, đều thấy, hệ thống đường thuộc xã, thôn, đường nội đồng nữa, loại đường do xã quản lý này chưa có nơi nào tốt hơn ở đây. Loại đường này ở Quỳnh Lưu hiện có tổng chiều dài đến gần 520 km, nhưng chỉ còn hơn 20 km chưa được cứng hóa. Kênh mương tưới tiêu nội đồng dài 458 km cũng đã cơ bản cứng hóa hầu như tất cả, giúp cho việc cấp thoát nước rất chủ động và khoa học. Chỉ trong vòng dăm năm mà huyện Quỳnh làm được như vậy quả là tăng tốc vượt bậc!

Tôi gật gù đồng ý với anh, và không quên phóng tầm mắt ra xa thưởng thức bức tranh phong cảnh hữu tình của quê hương mình. Phía trước là một đoạn đường nội đồng chưa cứng hóa nhưng vẫn rộng rãi, cao ráo. hai chiếc máy gặt liên hợp to kềnh càng như xe tăng vẫn chạy ngang dọc trên bờ vùng, bờ thửa đến tận ruộng. Quay sang anh Sự, tôi phấn khởi “khoe”, bây giờ vào mùa vụ, mùa thu hoạch lúa, bà con quê tôi đỡ vất vả rất nhiều vì máy móc đã làm thay con người ở hầu hết các khâu nặng nhọc, vất vả. Anh Sự tỏ vẻ đồng tình với câu hỏi mà như tự trả lời: Giao thông, vận tải góp phần tăng thêm giá trị của sản phẩm cây lúa, cây màu, không chỉ là đưa năng suất lên cao mà còn giúp hạ giá thành chi phí sản xuất xuống, đúng không nào?

Phụ nữ các địa phương nhận chăm sóc, làm đẹp các con đường thôn xóm.

Anh Sự còn khen các xã khéo kết hợp làm đẹp những con đường hiện đại bằng cách trồng cây xanh, trồng hoa. Trên đường đi, chúng tôi gặp chị em phụ nữ xã Quỳnh Hậu đang ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, làm đẹp đường hoa mình phụ trách, ai cũng hân hoan, phấn khởi vì những đổi thay trên quê hương. Chị Nguyễn Thị Hiền – Bí thư Chi bộ thôn 3 cho biết: Nhà văn hóa thôn 3 được xây dựng  tổng chi phí trên 2 tỷ đồng, chủ yếu do dân tự nguyện đóng góp. Chị em phụ nữ thôn rủ nhau trồng hoa, cây cảnh để bức tranh làng quê mình càng thêm tươi tắn, sinh động.

Trong tổng số 1.279 km đường chính các loại thì đến nay toàn huyện Quỳnh Lưu đã có 716 km áp kênh mương và trồng cây xanh. Giờ cây đã giao cành khép tán tạo bóng mát và quang cảnh thật yên bình, nên thơ. Nhờ thế mà hôm nay đoàn chúng tôi đi giữa mùa nắng nóng, gió Lào thổi rồn rột nhưng không có cảm giác oi bức. Giữa bao la đồng lúa vàng ửng, là những con đường màu đen thẫm, loáng bóng như mực tàu đang cố đua chen chạy xen vào giữa. Trên nền xanh biếc của bầu trời mùa hạ là những hàng cột điện lấp lánh ánh bạc vươn cao như những cánh tay thép lực lưỡng. Buột miệng, tôi hỏi anh Trần Thanh Hải – Giám đốc Sở Công thương ngồi cạnh, đang mải mê phóng tầm mắt qua cửa kính xe, anh vội quay sang:

– Anh Hải này, tôi nghĩ thế này có đúng không? Nông thôn chỉ có thể đổi thay lớn nhờ tác động của nguồn điện lực. Tiêu chí về điện của huyện Quỳnh Lưu được trên đánh giá thế nào anh nhỉ? Về đại thể, lĩnh vực này, hiện nay do ngành điện quản lý, nhưng thực tế từ những năm hai nghìn đến nay, khối tài sản khổng lồ này phần lớn do vốn địa phương, do bà con nông dân thắt lưng buộc bụng mà có, phải không anh?

– Nhà báo nói đúng, cả về vai trò của điện lực và cả về cách thức xây dựng, đầu tư. Sau giao thông thủy lợi, chỉ số điện được quan tâm đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới, huống chi Quỳnh Lưu lại là đơn vị được chọn làm kiểu mẫu. Đây là hạng mục đầu tư rất lớn, chỉ tiêu khó hoàn thành nhất trong những tiêu chí cần đạt chuẩn. Vậy mà, hiện nay trên địa bàn Quỳnh Lưu đã có 425 trạm biến áp, hàng trăm cây số đường dây với cột điện đảm bảo kỹ thuật. Riêng ngành điện, chỉ tính mấy năm gần đây thôi đã đầu tư nâng cấp hệ thống trên 500 tỷ đồng rồi đấy. Nhờ thế, công suất tiêu thụ điện đã lên đến 138.400 KVA. Tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện nói trên đã đạt trên 99%, cao hơn mức chuẩn nông thôn mới của Bộ xấp xỉ 2%. Con số ấy phản ánh một thực tế là người dân dùng điện không những chỉ để thắp sáng, phục vụ các thiết bị nghe nhìn mà còn chủ yếu dùng để phục vụ sản xuất cho nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nữa.

Mô hình trồng cà chua cho thu nhập cao trong vụ đông tại xã Quỳnh Văn.

Xe chạy vào một cơ sở sản xuất rau quả nhà lưới mọc lên trên đất hai lúa giữa cánh đồng mênh mông. Mọi người ngạc nhiên khi được biết mô hình này rộng tới 25.000 mét vuông và hàng năm đem lại thu nhập trên mỗi héc-ta không dưới nửa tỷ đồng. Lúc này, tôi tranh thủ chuyển sang ngồi ở  xe ô tô màu đen để gặp hai người là anh Hoàng Văn Bộ – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu và anh Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Câu chuyện của chúng tôi thật cởi mở. Qua đó tôi biết được trên địa bàn hiện nay đã có 7 mô hình sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao như điểm mà chúng tôi đang tham quan. Có thể nói, Quỳnh Lưu từ bao đời nay trong sản xuất vẫn luôn là địa phương “đi đầu dậy trước”. Như con hươu, con tôm và các con nuôi đặc sản khác hay các giống mới Quỳnh Lưu đều là huyện đầu tiên của tỉnh tiên phong, dám tìm đến cái mới, chưa huyện nào vượt qua. Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, người nông dân huyện tôi bây giờ không chỉ sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả đơn thuần mà cách thức làm ăn đã khác nhiều vì biết áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ. Chẳng hạn, ngày trước bà con thường áp dụng kinh nghiệm truyền đời “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” – nhưng ngày nay khâu giống lại được xếp hàng thứ nhất. Phân bón và nước hiện giờ không phải là vấn đề lớn nữa vì hạ tầng cơ sở này đã được đầu tư rất đầy đủ. Ngày nay bà con trồng cây gì, nuôi con gì đều tính theo hiệu quả, được quy ra bằng tiền, trên một diện tích gieo trồng, trên một đơn vị thức ăn hẳn hoi. Thành ra, nông nghiệp Quỳnh Lưu bây giờ đã đầy đủ tính hàng hóa tiên tiến. Mặt khác, sản xuất đã tập trung tạo thành khối lượng lớn. Chúng tôi đã nhìn thấy sự hình thành các vùng liên kết sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm quy mô từ ba mươi đến một trăm ha. Chúng tôi đã đến thăm vùng sản xuất nguyên liệu mía đường có quy mô tới gần 900 ha. Vùng sản xuất rau theo quy trình VietGAP hàng trăm ha. Diện tích rau tập trung ở vùng bãi ngang, ven biển, đã có trang quảng cáo trên mạng intenet, điều hành bằng hợp đồng với các bạn hàng xa.

 Tôi hỏi thêm anh Bộ về lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản -lâu nay vẫn được coi là thế mạnh, tiềm năng của huyện nhà. Anh cho biết:

– Huyện ta có đội tàu đánh bắt cá vùng xa nhiều nhất tỉnh. Bà con huyện Diễn Châu thường có lối đánh bắt cá trong lộng, bằng lối dã đôi, huyện Quỳnh Lưu lại thường đánh bắt xa bờ với những tàu, lưới mắt lớn, bám biển dài ngày. Con số cụ thể thế này nhà báo nhé, toàn huyện đã có tổng cộng 1.170 phương tiện tàu thuyền, đáng chú ý là 628 tàu đảm bảo chiều dài từ 12 m trở lên, chiếm hơn 34% của tỉnh. Nghề khai thác chính gồm câu, vây, chụp. Nhờ đó, tổng sản lượng đánh bắt hàng năm đều đạt con số cao nhất tỉnh nhà. Bên cạnh nghề khai thác, Quỳnh Lưu còn có nghề nuôi trồng, từ đó tạo ra thế mạnh mũi nhọn, nhất là khâu sản xuất các loại giống thủy sản. Theo thống kê, năm qua tổng sản lượng nuôi trồng đạt tới gần 80 nghìn tấn, tốc độ tăng bình quân của ngành mũi nhọn này từ 10 đến 15% mỗi năm.

Ai cũng biết trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản thì khâu hưởng nhiều lợi nhuận nhất là sản xuất giống. Nhưng không phải ai cũng làm được. Khâu này ngoài việc cần có sự hiểu biết tốt về khoa học còn phải có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng lớn. Hiện nay trên địa bàn huyện ta đã sản xuất được hai tỷ con tôm giống mỗi năm. Sức sản xuất không những đủ cung cấp nhu cầu cho các cơ sở nuôi trong huyện mà còn vươn xa xuất bán ra ngoài tỉnh nữa. Ngoài giống tôm, mỗi năm ta còn sản xuất được 50 triệu con cá giống các loại, rồi 20 triệu con cua giống và 700 triệu con ngao giống nữa. Có thể nói, sản xuất giống thủy sản là một thế mạnh hiếm có của Quỳnh Lưu. Đời sống của bà con ven biển như anh thấy đấy, đang ngày một khấm khá lên chủ yếu là nhờ những tiến bộ ấy.

Đang miên man nghĩ về những thành tựu của nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thì chúng tôi được tin đoàn sẽ được đón vào nghỉ ăn trưa tại một nhà hàng khang trang ở xã Quỳnh Thắng. Đây là xã miền núi xa nhất của huyện thế mà vẫn có hàng đặc sản của biển tươi sống. Chừng đó cũng cho thấy dịch vụ hàng hóa của bà con Quỳnh lưu thời nay tốt thật. Anh Lê Văn Nga – Chủ tịch xã chẳng rõ vì sao biết đoàn chúng tôi nghỉ trưa tại địa phương mà đến góp vui. Anh bảo sáng nay anh đi tiễn con em trong xã  xuất khẩu lao động ngang qua thì biết vậy thôi. Mấy năm nay nguồn lao động đi làm ăn xa của xã góp phần đáng kể trong làm giàu và xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong bữa ăn anh Nga hỏi anh Vi Ngọc Quỳnh – Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

– Nhân có lãnh đạo Sở đây, cho em hỏi đôi điều. Bọn em như “ếch ngồi đáy giếng” chỉ biết được xã mình, cùng lắm là địa bàn huyện nhà. Nghe nói hôm trước đoàn của tỉnh về chấm điểm huyện nông thôn mới trong lĩnh vực giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện, vậy kết quả thế nào rồi hở anh? Chúng em cũng đã có thống kê vài con số trên địa bàn và cũng đã có bản tự nhận xét, cho điểm trong phiếu đề nghị rồi. Song cũng mong được các anh “bật mí” nhận xét của tỉnh, vả lại cũng sợ cái tệ “mèo khen mèo dài đuôi” nên  thiếu khách quan, chính xác!

– Anh này thật biết cách gợi ý – anh Quỳnh nói vui. Anh quan tâm ý kiến Sở thì tôi cũng nói vo thế này. Tỉnh đánh giá Quỳnh Lưu giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo, tăng thu nhập rất tốt, còn hơn cả mức các ngành chuyên môn và các xã của huyện ta tự nhận xét cơ đấy. Hàng năm các cơ sở trên địa bàn đã tạo ra được trên 4.000 việc làm cho lực lượng lao động trẻ. Người dân Quỳnh Lưu nói chung siêng năng lắm, chẳng hề nghỉ tay, chẳng chịu ngồi không một ngày, hễ xong công việc đồng áng, vườn tược là bảo nhau ra ngoài huyện, nhiều nhất là vào miền Nam kiếm việc làm thêm. Số không đi xa thì xin vào làm tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tại quê do con em địa phương mở ra. Tất cả đều biết cách làm thêm, tìm ra đồng tiền để đến thời vụ thì thuê máy gặt và mua vật tư phân bón.

Linh hoạt nhất là người nông dân mở quán buôn bán nhỏ như ở đây. Làm kinh tế từ mỗi ngành một chút để nâng cao đời sống cho gia đình. Có mấy con số thống kê ngành đã khảo sát thế này, chắc cũng đã nói được nhiều điều: toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 6.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại cỡ vừa và nhỏ; 40 làng nghề truyền thống sản phẩm làm ra xuất khẩu được. Tổng giá trị sản xuất của đội quân phi nông nghiệp này đạt tới 5.870 tỷ đồng, tức nhiều hơn cả những năm mùa màng bội thu và chăn nuôi không bị dịch bệnh trước đây chú ạ.

Tóm lại, ai ai cũng đều chủ động tìm việc làm. Mỗi người dân Quỳnh Lưu như giọt nước, cùng nhau tích tụ thành giếng, thành nguồn. Ông cha từng nói “góp gió thành bão”, Quỳnh Lưu có những cơn gió mạnh đó là đội quân xuất khẩu lao động hùng hậu, góp phần quan trọng nâng mức thu nhập cho địa phương. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của huyện các anh mỗi năm đã lên trên 49 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đi nhanh chóng, giờ chỉ còn chưa đầy 1%. Một phần trăm nghèo trong một làng quê thì có thể nói là ấm no hạnh phúc được rồi ông chủ tịch xã nhỉ?

Nghe nói vậy, anh Nga cười khà khà, trầm trồ:

– Chả trách chi các bác làm quan huyện, quan tỉnh, phục cái trí nhớ tuyệt vời của các bác, những con số tỉ mỉ rứa mà thuộc làu làu.

Tôi họa theo:

– Trí nhớ là trời cho, nhớ và hệ thống được lại là chuyện khác, nó tùy thuộc ở sự quan tâm anh Nga ạ. Tôi nói anh nghe nhé, số điện thoại của anh có đến mười con số chứ không ít, nhưng anh quan tâm nên vẫn nhớ đấy thôi. Các vị đây muốn chỉ đạo đến nơi, muốn đề xuất hay nhận định đúng một vấn đề gì đó thì buộc phải quan tâm, sâu sát. Nói tài thì cũng đúng mà nói cái nghiệp nó bắt phải thế, thì cũng phải. Mọi người thấy đúng hay sai? Tất cả mọi người đều cười rộ lên, xua đi cái nắng nóng của ngày hè oi bức.

Kết thúc câu chuyện, chúng tôi tiếp tục đi thăm một số trường học trước thời điểm nghỉ hè và thăm một vài bệnh viện sau trận bão Covid-19 hoành hành vừa đi qua. Bệnh dịch quái ác đã làm cho đội ngũ chiến sĩ áo trắng phải gồng mình chiến đấu đến quên ăn quên ngủ, bao nhiêu công sức tiền của, thậm chí là sức khỏe, tính mạng của người dân đã bị hao mòn. Cứ tưởng sau bão thì cần phải mất rất nhiều năm nữa mới khôi phục lại được như trước. Nhưng rất mừng là chỉ sau vài năm, qua khảo sát thực tế ở các điểm này, chúng tôi đã thấy mọi việc lại ổn định, nề nếp, công tác phục vụ người dân rất ổn. Một vài bệnh viện còn tinh tươm hơn trước. Hỏi thăm những người đến khám chữa bệnh, chúng tôi gặp chị Bùi Thị Quế – người dân xã Quỳnh Thắng, chị xởi lởi: trước đây có đau ốm gì cũng phải lên bệnh viện huyện, vừa xa lại vất vả, giờ cứ đến Trạm Y tế xã khám và điều trị ban đầu, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại rồi. Chị còn nói, người dân ai cũng hài lòng lắm.

Trong đời sống thường nhật của nông thôn mới, hai lĩnh vực y tế, giáo dục là nòng cốt sát sườn, là cái thiết thân thường ngày. Còn lĩnh vực  văn hóa là cái đẹp, cái làm cho cuộc sống trở nên thị vị, tươi khỏe hơn. Dưới bóng cây ngô đồng mát rượi, Phó giáo sư – tiến sỹ Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đi trong đoàn đã cung cấp cho tôi khá nhiều thông tin hay về vấn đề này: “Ngành giáo dục Quỳnh Lưu, theo tôi là một trong những đơn vị nổi bật so với hai mươi huyện, thành thị của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có tới 105 trường học, trong đó có 101 trường công lập, 4 trường ngoài công lập. Người ta nói thế này, phong trào học tập, xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở huyện Quỳnh Lưu thời đại nào cũng đi đầu dậy trước. Biểu hiện rõ nét nhất là hiện nay cơ sở vật chất các cấp học cơ bản đạt tiêu chuẩn quốc gia và phát triển toàn diện từ ngành học mầm non đến ngành học phổ thông, từ tiểu học đến trung học và từ trường chuyên đến hệ thống các trường hướng nghiệp dạy nghề. Tôi muốn nhấn mạnh vào ngành học mầm non, do chỉ tiêu này nhiều địa phương trong các huyện đang xây dựng nông thôn mới vẫn thường thiếu và yếu. Hệ thống ngành học mầm non ở huyện Quỳnh Lưu vừa khá về cơ sở vật chất vừa khá về chất lượng. Theo con số Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã có 20 trong số 30 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Tôi nghĩ, bên cạnh chăm lo cho giáo dục thì yêu cầu về chăm lo sức khỏe của người dân cũng là nét đẹp của nông thôn mới. Do vậy, tôi hỏi thêm Bí thư Huyện ủy Hoàng Danh Lai về lĩnh vực này. Anh Lai chia sẻ ngay tin vui:

– Tất cả 33 xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tôi chỉ nêu một con số minh chứng này là đủ hiểu nhé: đã có trên 90% dân số số huyện ta tham gia mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Được thế này  là yên tâm về vấn đề sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Bởi ngoài việc chăm lo sức khỏe ban đầu thì vẫn phải chuẩn bị phòng xa sự rủi ro về bệnh hiểm nghèo. “Sinh lão bệnh tử” là “vô thường” nên “ăn khi lành để dành khi ốm” là rất cần thiết nhà báo nhỉ?

Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng khang trang thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao tại xã Sơn Hải. ngày càng phát triển.

Sau hành trình tham quan, khảo sát thực tế các tiêu chí, được trò chuyện với các anh lãnh đạo sở, ban, ngành cấp tỉnh và được mục sở thị những điều lâu nay vốn dĩ nằm trên báo cáo, tôi được mở mang sự hiểu biết và đầy thêm kho tư liệu của mình. Trở lại hội trường huyện, tôi hỏi thêm anh Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao về một chỉ tiêu khác mà trước đó, khi đứng dưới gốc ngô đồng tôi vẫn băn khoăn. Ấy là  tỷ lệ đạt chuẩn văn hóa mới ở khu dân cư và hộ gia đình, anh Vinh nói ngay:

– Tôi cung cấp cho anh vài con số nổi bật thôi nhé, vì chỉ qua đó cũng thấy được nông thôn huyện Quỳnh Lưu văn minh tiến bộ thế nào. Theo khảo sát, cả huyện ta có 338 khu dân cư thì đã có 267 khu đạt chuẩn văn hóa. Người ta nói, gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có khỏe mạnh thì cơ thể mới cường tráng được phải không? Do vậy chúng tôi quan tâm đến con số này: huyện Quỳnh Lưu đã có 600.812 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Đấy là những bông hoa đẹp trong vườn hoa mà những năm qua Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà đã kỳ công vun trồng.

 Nghe vậy tôi lại nhớ lời Đại tá Lê Văn Thái – Phó Giám đốc Công an tỉnh, khi anh nói về vấn đề an ninh trật tự của huyện. Tôi nhớ, lời nhận xét của anh rất ngắn gọn: “Công an tỉnh đánh giá huyện Quỳnh Lưu đạt tiêu chí “an ninh, trật tự xã hội” theo quy định của cấp trên”. Tại hội trường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư – anh Phan Văn Hoan cũng rất ngắn gọn khi kết luận chắc nịch: “Quỳnh Lưu không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới”. Câu nói gọn lỏn có mấy từ, nhưng đem lại cho tất cả mọi người cái thở phào nhẹ nhõm, tưởng như hất văng được cả hòn đá tảng đang đè thín trên vai. Ấy là bởi mấy năm qua các xã, thị trấn và huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng rất nhiều công trình, phải huy động một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết, tình hình chung không ít đơn vị trong tỉnh, do quá trình xây dựng hạ tầng nông thôn quá sức nên còn nợ  kinh phí, thậm chí một vài nơi còn lưu nợ đến đời con, đời cháu.

Còn nhiều nhận xét tốt đẹp khác của các vị lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên, Môi trường, rồi ý kiến của Hội Nông dân, của Mặt trận Tổ quốc… nhưng ghi chép kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” của tôi không thể phản ánh hết được những mặt sinh động đầy hương sắc đó. Thôi thì, áp dụng theo các cụ xưa “cả làng cũng chỉ một người đọc văn” làm đại diện.

 Vậy là Hội đồng thẩm định Trung ương đã xét và công nhận huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ghi chép lại một cuộc khảo sát để thẩm định các tiêu chí về huyện Nông thôn mới, tôi chỉ mong những người con đất Quỳnh và những ai quan tâm hiểu đầy đủ hơn Đảng bộ và Nhân dân huyên nhà đã quyết tâm và nỗ lực vì mục tiêu lớn như thế nào. Quỳnh Lưu đã thay da, đổi thịt thật nhiều, đã thực sự là huyện Nông thôn mới với đầy đủ các tiêu chí. Thành quả đó là xứng đáng với công sức, với tâm huyết của những người con đất Quỳnh đang sinh sống hay ở xa quê đều một lòng chung lưng đấu cật vì sự giàu đẹp, phồn thịnh của quê hương. Không chỉ tự hào, mà hơn thế hạnh phúc ấy đã thành động lực để Quỳnh Lưu không dừng lại mà tiếp tục đơm hoa kết trái trên hành trình làm giàu đẹp quê hương.

Ghi chép của Hồ Ngọc QuangLê Thị Nhung