Lời tòa soạn: Mấy năm gần đây, những bức tranh tái hiện hình ảnh làng quê Bắc Bộ của họa sĩ Trần Nguyên trở thành một hiện tượng, được báo chí và cộng đồng liên tục chia sẻ. Dù là một họa sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X nhưng anh luôn đau đáu với hình ảnh làng quê xưa để từ đó cho ra đời những bức tranh khiến người xem không khỏi hoài niệm, nhớ thương… Có thể nói, anh là người đã lưu giữ hồn quê trong những bức tranh. Đáng tiếc, sau khi các tác phẩm của anh nổi lên, người ta thoải mái sử dụng để minh họa, thậm chí chép hay in lại trên các sản phẩm để bày bán mà không xin phép, không đề tên tác giả… Câu chuyện họa sĩ Trần Nguyên gặp phải không hề mới mà vốn dĩ đã trở thành vấn nạn nhức nhối của thị trường tranh Việt mấy chục năm qua. Vì thế, Tạp chí Sông Lam đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Trần Nguyên xung quanh vấn đề này. Trân trọng gửi tới độc giả!

Tác phẩm “Góc của ngoại” của họa sĩ Trần Nguyên

– Thưa họa sĩ, tôi được biết, sau khi những bức tranh về làng quê của anh nổi tiếng khắp các trang mạng xã hội và báo chí, cái tên Trần Nguyên dần được nhiều người biết tới. Cùng với đó, anh cũng gặp không ít chuyện đau đầu khi người ta thoải mái chia sẻ, sử dụng các tác phẩm của mình, thậm chí có nơi còn chép lại tranh anh bày bán công khai trên các sản phẩm phải không ạ?

Họa sĩ Trần Nguyên: Sau khi bộ tranh của tôi được nhiều người biết đến tôi rất vui. Điều này đã giúp tôi có nhiều động lực hơn trong quá trình sáng tác. Tuy nhiên, cùng với đó cũng có những mặt không được vui lắm. Các bên tranh in, tranh chép sử dụng in và chép tranh tôi một cách vô tội vạ khiến tôi rất phiền lòng. Tôi có đưa sự việc này lên trang cá nhân và nhiều người cũng bày tỏ sự bức xúc cho tôi. Những người họa sĩ như tôi phải trăn trở để có được ý tưởng, đầu tư bao nhiêu thời gian, công sức mới cho ra đời được một bức tranh vừa ý nhưng bị in, chép lại như thế làm mất đi giá trị vốn có của nó.

Câu chuyện tranh chép, tranh giả từ lâu đã trở nên nhức nhối ở Việt Nam. Không chỉ tranh của các họa sĩ lớn có tên tuổi trước đây, mà ngay cả tranh của những họa sĩ đương thời cũng đang bị chép, đưa vào sử dụng với mục đích thương mại. Theo anh, tại sao mấy chục năm qua chúng ta vẫn không thể nào giải quyết được vấn nạn này? 

Họa sĩ Trần Nguyên: Thực tế đây là một vấn nạn rất khó giải quyết. Không thể tránh khỏi việc một số hoạ sĩ vì đồng tiền mà sao chép lại tranh. Cái khó là ở Việt Nam ta, vấn đề bản quyền chưa được quan tâm triệt để, chưa có chế tài xử lý đủ mạnh; khi tranh bị chép, bị làm giả chúng ta cũng không xử lý quyết liệt nên sự việc dần dần bị lãng quên. Nói cách khác, mỹ thuật là mảng chưa được quan tâm nhiều trong xã hội. Thế cho nên tình trạng này cứ thế tiếp diễn đến mức tràn lan như hiện nay.

Là một người trong cuộc, anh có nghĩ một phần nguyên nhân của thực trạng này là do các họa sĩ Việt chưa ý thức nhiều về vấn đề bản quyền, chưa đấu tranh mạnh mẽ; nói cách khác là còn “hiền” quá?

Họa sĩ Trần Nguyên miệt mài với các sáng tác của mình

Họa sĩ Trần Nguyên: Tôi cũng là người trong cuộc nên có thể hiểu được phần nào. Tệ nạn này rất nhức nhối, như tôi đã nói ở trên. Các họa sĩ thì xưa nay vốn hiền và ngại đụng chạm. Nhiều họa sĩ thấy tranh mình bị chép, chỉ trao đổi, nói chuyện và yêu cầu họ bỏ hoặc gỡ đi là xong và nếu họ không làm thì nhiều khi cũng tặc lưỡi cho qua. Oái oăm hơn, trên thực tế nhiều khi họa sĩ còn không hề biết chuyện nhiều bên khác sao và chép lại tranh của mình; đến khi nhìn thấy đâu đó trên mạng xã hội thì tranh cũng đã đi khắp nơi rồi. Thậm chí người ta còn biết đến những bức tranh chép nhiều hơn là tranh gốc. Bởi vốn dĩ các họa sĩ xưa nay vẫn chỉ chú tâm đến chuyện sáng tác là chủ yếu, không ý thức nhiều về câu chuyện thị trường tranh.

–  Tranh giả, tranh chép gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ thuật Việt Nam, làm mất đi niềm tin của các nhà sưu tập, nhất là các nhà sưu tập nước ngoài. Trên báo Mỹ đã từng có bài viết về vấn nạn này của thị trường tranh Việt. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay sẽ cản trở rất lớn sự phát triển của thị trường tranh Việt. Theo anh, ngay từ bây giờ, chúng ta cần làm gì để khắc phục và tạo ra những thay đổi?

Họa sĩ Trần Nguyên: Tôi nghĩ các họa sĩ cần phải có động thái quyết liệt hơn. Trong quá trình sáng tác nên chụp và lưu giữ lại các công đoạn để làm chứng cứ nếu có vấn đề tranh chấp. Sau đó, họa sĩ nên ra Cục sở hữu trí tuệ đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình. Tuy điều này không hoàn toàn giúp tránh khỏi việc tranh nhái nhưng nếu làm đúng quy trình này thì tranh của mình phần nào được công nhận, bảo hộ và nhà sưu tập cũng yên tâm, tin tưởng hơn. Nếu tất cả các họa sĩ đều có ý thức cùng làm điều này thì tôi tin chắc dần dần thị trường mỹ thuật Việt sẽ minh bạch hơn.

Tác phẩm “Quê nhà” của họa sĩ Trần Nguyên

Với cá nhân anh, anh đã và đang làm gì để góp phần vào việc mang lại sự minh bạch cho thị trường tranh Việt? Anh có mong muốn gì ở các cơ quan chức năng?

Họa sĩ Trần Nguyên: Đầu tiên, khi sáng tác tranh, tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ vẽ ra thì chắc chắn đó là tranh của mình và bản quyền thuộc về mình. Nhưng khi nhiều sự việc xảy ra, tôi mới thấy mình thực sự đã sai. Tôi dần ý thức được vấn đề bản quyền và tự đi đăng ký bản quyền để bảo vệ tác phẩm của mình. Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ đăng ký bản quyền cho tất cả tranh của tôi. Tôi cũng hy vọng khi có vấn đề đạo nhái trong hội họa, các cơ quan nhà nước, các bên liên quan sẽ quan tâm hơn; có những biện pháp, chế tài xử lý mang tính răn đe cao hơn. Đặc biệt, chúng ta cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản quyền cho mọi người. Tôi tin chắc rằng, nếu mỗi người dân có ý thức về điều này, cùng lên án vấn nạn này và quay lưng lại với các tranh chép, tranh giả thì bức tranh nền mỹ thuật Việt sẽ tươi sáng hơn.

Và tôi nghĩ, những người theo con đường này cần đặt đạo đức và tự trọng nghề nghiệp lên hàng đầu. Khi có điều đó, tôi tin chắc, họ sẽ không làm những điều lương tâm không cho phép. Cảm ơn những chia sẻ của anh hôm nay. Hy vọng câu chuyện tranh chép, tranh giả sẽ được quan tâm xử lý thấu đáo hơn trong thời gian tới để thị trường tranh Việt ngày một minh bạch, lấy lại niềm tin cho các nhà sưu tập, đặc biệt là nhà sưu tập nước ngoài. Chúc anh ngày càng có nhiều cảm hứng sáng tác và tiếp tục cho ra đời những tác phẩm chạm đến cảm xúc mọi người như thời gian vừa qua.

Tác phẩm “Trước sân nhà” của họa sĩ Trần Nguyên

Trang Đoan (thực hiện)
(Ảnh & tranh minh họa trong bài do họa sĩ Trần Nguyên cung cấp)