* Bài 1: Quốc gia số thịnh vượng và những thách thức

* Bài 3: “Bịt lỗ hổng” từ đâu?

Việt Nam là một trong số ít quốc gia xem việc bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng là việc tối quan trọng và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành.

Từ nhận thức sâu sắc đến hành lang pháp lý

Trên thế giới, nhận thức về không gian mạng và an ninh mạng được mỗi quốc gia thể hiện khác nhau. Mỹ đề cập trong Chỉ thị số 54 về An ninh quốc gia và Chỉ thị số 23, năm 2008, về An ninh nội địa của Tổng thống Mỹ cho rằng, không gian mạng là mạng lưới kết nối các cơ sở hạ tầng bao gồm internet, các mạng viễn thông, các hệ thống máy tính, các hệ thống xử lý và điều khiển trong ngành công nghiệp trọng yếu. Nhật Bản xác định không gian mạng là không gian ảo, bao gồm cả internet, trong đó thông tin được trao đổi bằng công nghệ thông tin và viễn thông. Còn Trung Quốc coi không gian mạng là chiến trường thứ năm và là mặt trận tình báo mới; internet và an ninh thông tin đã trở thành thách thức mới đối với Trung Quốc vì cả hai đều gắn liền với an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

Tại Việt Nam, ngay khi Internet phát triển, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến bảo vệ an ninh thông tin, an toàn cho người dân trên môi trường mạng. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam càng quan tâm hơn nữa bảo vệ an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật. Điển hình như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Luật an toàn thông tin mạng năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”,  Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet và mạng xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ngày 17/6/2021 của Bộ TT&TT,…

Tỉnh uỷ Nghệ An khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm  thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”. Ảnh: Thành Chung

Đặc biệt, Luật An ninh mạng ra đời đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; xây dựng môi trường mạng lành mạnh; triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc,… Đồng thời, phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc chiến bền bỉ, lâu dài

Các văn kiện nói trên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, xác định bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp và các địa phương đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, phương án, bảo đảm phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ, khả năng tác chiến không gian mạng của từng đơn vị, địa phương.

Luật An ninh mạng ra đời (gắn với “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”) là rất kịp thời, có ý nghĩa, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Luật An ninh mạng đã giúp “định hình” lại không gian mạng với độ an toàn cao hơn, tin cậy hơn; đòi hỏi mỗi người sử dụng internet, mạng xã hội hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Trung tâm CNTT Công an Nghệ An nghiên cứu các giải pháp đảm bảo an toàn cho CBCS trên không gian mạng.   

Tại Nghệ An, sau 5 năm triển khai thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng” và “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”, lực lượng chức năng đã kịp thời nắm tình hình, điều tra, xác minh, đấu tranh với các cá nhân có các hành vi vi phạm hoặc đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng. Ban Chỉ đạo 35 đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trên không gian mạng.

Qua đó, đã điều tra, bắt, khởi tố 09 đối tượng về các tội: “tuyên truyền nhằm chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước CHXNCN Việt Nam”; “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Lực lượng an ninh các cấp thường xuyên nắm tình hình, chủ động thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; xử lý hàng trăm trang mạng, tài khoản xã hội thường đăng tải các bài viết có nội dung thông tin xấu, độc, tiêu cực. Đồng thời, củng cố hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 122 trường hợp với số tiền hơn 900 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm  lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.

 Trên lĩnh vực trật tự xã hội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an Nghệ An đã khởi tố 65 vụ liên quan đến công nghệ thông tin, mạng viễn thông, công nghệ cao, đạt 120,75%. Phần đa trong số đó là các vụ án đánh bạc qua mạng, cá độ bóng đá online, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng đã khởi tố 38 vụ án, với gần 180 bị can về các hành vi gây mất an ninh mạng. Trong đó có 2 chuyên án lớn về sử dụng mạng internet lừa đảo dưới hình thức mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 người dân trên khắp cả nước; khởi tố 10 bị can, thu giữ 109 máy tính, 69 laptop, 2 xe ô tô và nhiều tang vật có liên quan.

Công an Nghệ An phá chuyên án, bắt ổ nhóm đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá online với số tiền hơn 20 tỷ đồng (tháng 7/2023). 

Theo Trung tá Lê Đình Hà – Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Công an Nghệ An, việc đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là trong thời đại công nghệ, phương thức và thủ đoạn phạm tội của đối tượng cũng “thiên biến vạn hóa”. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đều am hiểu về công nghệ thông tin, luôn tìm cách xóa các dấu vết. Đặc biệt, tội phạm công nghệ có xu hướng dùng các máy chủ đặt ở nước ngoài để phục vụ cho hoạt động phạm tội. Vì vậy, việc lần tìm ra manh mối là cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, do trình độ sử dụng công nghệ và mức cảnh giác của người dân chưa cao nên rất dễ bị các đối tượng lợi dụng, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việt Nam là một trong số 15 quốc gia có người sử dụng internet cao trên thế giới, nhưng cũng nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi các thách thức an ninh mạng. Không gian mạng trở thành nơi mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, tin giả nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhằm thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn, móc nối trong ngoài và tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền… Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một chiến lược bền bỉ, lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và mỗi người dân phải không ngừng nỗ lực. Từ đó, kịp thời nhận diện các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá trên không gian mạng nhằm chủ động “bịt lỗ hổng” và tạo ra “sức đề kháng” trước sự chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Mục đích là tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên không gian mạng.

(Còn nữa)

Bình Minh

* Bài 1: Quốc gia số thịnh vượng và những thách thức

* Bài 3: “Bịt lỗ hổng” từ đâu?