Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng vừa kết thúc trọn vẹn. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa từng có, nhưng chúng ta lại có một trong những cuộc bầu cử thành công nhất từ trước tới nay, đó là điều cần phải được ghi nhận. Kết quả ấy rất xứng đáng để vững tin hơn.

  Một cuộc bầu cử đầy cảm xúc. Một cuộc bầu cử mà lần đầu tiên trong đời chúng ta chứng kiến những cử tri đã thực hiện quyền công dân của mình ngay trong khu cách ly, những y bác sĩ mặc bộ đồ chuyên dụng cầm lá phiếu đi dọc hành lang bệnh viện. Rồi cả những bà con ngư dân ghé thuyền vào Trường Sa thân yêu để chọn cho mình một niềm tin, gắn thêm cho mình một niềm hy vọng. Khi tất cả đã tìm chung một đích đến thì tất cả sẽ hòa chung một giai điệu, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần chứng minh cho điều ấy.
Chúng ta đã trải qua 15 kỳ bầu cử. Nếu được chọn 3 cuộc bầu cử đặc biệt nhất thì tôi xin chọn cuộc bầu cử đầu tiên năm 1946; cuộc bầu cử lần thứ VI (năm 1976) và cuộc bầu cử lần thứ XV (2021) này. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới ở nước ta, nó đương nhiên là đặc biệt. Rồi cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa VI vào ngày 25 tháng 4 năm 1976.  Đây là kỳ bầu cử đặc biệt vì sau bao nhiêu năm chia cắt, phải hy sinh biết bao nhiêu xương máu chúng ta mới nối lại được non sông. Giang sơn thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà. Cuộc bầu cử năm 1976 tựa như tuyên bố pháp lý về một Việt Nam thống nhất trọn vẹn. Một chiến thắng 5 sao về sự chính danh.

Người dân huyện miền núi Quế Phong đi bầu cử sớm. Ảnh Anh Đức

Đến cuộc bầu cử lần thứ XV, đành rằng cuộc bầu cử này không mang tính lịch sử như các cuộc bầu cử vừa nêu ở trên. Nhưng cái đặc biệt nằm ở hoàn cảnh đặc biệt. Một hoàn cảnh mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra. Không tiếng súng, không bom rơi đạn lạc nhưng lại diễn ra trong một cuộc chiến cam go và khốc liệt vô cùng. Nhìn sang nước Ấn, những cuộn lửa hỏa táng, những nấm mồ vô danh, những thây người vương vãi đã tạo nên nỗi ám ảnh toàn cầu. Trong nước thì sao? Dịch bệnh với biến chủng mới bùng phát đến mức 3 con số trên ngày. Dân tình lo lắng, chính quyền quần quật như con thoi, cả xã hội đặt mình trong những tiếng cảnh báo rợn người. Cuộc bầu cử diễn ra trong một môi trường éo le thậm chí hiểm nguy chưa từng có. Chúng ta vừa khẳng định “không tụ tập đông người” nhưng lại vừa phải đón trên 69 triệu cử tri bỏ phiếu chỉ trong vòng 12 tiếng. Một cuộc bầu cử mà kể cả nụ cười cũng phải giấu kín sau khẩu trang. Một cuộc bầu cử mà từ khóa “an toàn” lại được viết bằng ngôn ngữ của ngành y tế! Sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, không thể đánh đổi, nhưng cuộc bầu cử thì vẫn phải diễn ra, không thể trì hoãn! Đó là bài toán chỉ duy nhất một lời giải, vâng, là lời giải về trách nhiệm và vận mệnh.
Phải chăng người Việt chúng ta có một khả năng thích ứng diệu kỳ. Còn nhớ năm 2020, chỉ trong vòng vài chục ngày, ngành Giáo dục đã chuyển phắt từ mô hình phấn bảng sang dạy học online. Và năm nay, một lần nữa năng lực thích ứng diệu kỳ ấy lại được kích hoạt. Công tác vận động bầu cử bắt đầu bén sang cả môi trường online. Với tư cách là một cử tri không dưới 6 lần được vinh dự cầm lá phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, cá nhân tôi nhận thấy lần bầu cử này đã có một bước tiến vượt bậc so với các lần bỏ phiếu trước. Mạng xã hội ngập tràn hình ảnh các ứng cử viên. Quả là một sự xoay chuyển ngoạn mục về phương thức tiếp cận của thời đại công nghệ số.

Phải công nhận hạ tầng internet và cả mạng xã hội phát triển cực nhanh. Thay vì lên tận điểm bỏ phiếu để đọc hồ sơ ứng cử viên, ngày nay chỉ cần 1 cú nhấp chuột đã dường như đầy đủ tất cả. Tiện ích này rõ ràng là những chiếc “khẩu trang điện tử” hữu hiệu góp phần ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, đó chưa phải là tín hiệu tích cực duy nhất. Điều làm cho tôi và không ít người ngỡ ngàng trong thú vị chính là thái độ tự tin bày tỏ quan điểm của từng thành viên cộng đồng mạng. Đã xuất hiện ngày một dày hơn những lời nhận xét thẳng thắn, những đánh giá khách quan và cả những sẻ chia trách nhiệm. Dưới mỗi hình ảnh ứng cử viên là cả trăm ngàn lượt tương tác. Có khen, có chê, có cả hoài nghi cũng có cả giãi bày. Điều “hay” nhất đó là văn hóa ứng xử được hình thành lành mạnh. Không ai chì chiết ai, không ai xỉ vả ai. Có thể sự lựa chọn cuối cùng vẫn là lá phiếu nhưng họ dành cho nhau những lời chúc ngọt ngào và thấm đẫm văn hóa. Đó là sự trưởng thành của cộng đồng mạng trước một hoạt động chính trị sâu rộng như là bầu cử. Đành rằng cũng vài ý kiến băn khoăn việc đưa hình ảnh và hồ sơ cá nhân ứng cử viên lên mạng như vậy có đúng với quy định không? Ồ, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm mà pháp luật thì nào đâu có cấm chuyện dùng mạng xã hội để công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các ứng cử viên. Việc bày tỏ yêu ai ghét ai không chỉ là một trong những quyền cơ bản của con người mà nó còn thể hiện hình ảnh về một xã hội dân chủ. Ở một số nước thậm chí người ta còn “hè” nhau rồng rắn xuống đường để biểu thị sự yêu ghét ấy cơ mà.
Trước ngày bầu cử, trên trang cá nhân tôi có viết mấy dòng trạng thái bày tỏ về sự ngưỡng mộ với một ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, ngoài phần dẫn dắt mộc mạc tôi diễn đạt một cách không giấu diếm rằng: “Ủng hộ anh, chúc anh đắc cử”. Dòng trạng thái này sau đó nhận được hàng trăm lượt “like”, hàng trăm bình luận cũng như hàng trăm lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng. Quả là ngạc nhiên, lâu nay cộng đồng mạng cứ thấy chê ai là xúm vào mỗi người một câu, không bỉ bôi cũng xỉa xói, thậm chí có người còn hậm hực vào chửi đổng như thế mình là nạn nhân của cơ sự. “Tút” khen ư? Còn “khuya” mới nhận được sự đồng thuận! Thậm chí có khi chủ nhân của lời khen còn được gán cho là “thợ nịnh”. Vậy mà lần này khác. Cảm giác như bầu cử đã góp phần tạo nên một sự thay đổi văn hóa ứng xử “không hề nhẹ” của cộng đồng mạng. Thiết nghĩ, đây không chỉ là câu chuyện khen chê công bằng mà còn là sự nhận diện và thái độ trân trọng quyền được bày tỏ của mỗi một cá nhân.

Đồng bào H’Mông đi bầu cử sớm. Ảnh Hoài Thu

Chúng ta đang sống trong một thời đại hoàn toàn khác, thời đại không dung dưỡng với lối tư duy bảo thủ lạc hậu nữa. Bày tỏ quan điểm là văn hóa, là văn minh, là thành tựu của thể chế dân chủ, là một trong những quyền căn bản được pháp luật bảo vệ. Ấy mà có lúc chúng ta quên đi, lãng phí quá. Lại có kẻ lợi dụng để làm méo mó nó, tệ hại quá. Chúng ta được phép bày tỏ, có quyền bày tỏ và cả khuyến khích bày tỏ suy nghĩ của mình một cách chính thống và trách nhiệm.  Cách đây 73 năm, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ghi rõ rằng: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Ở Việt Nam, với tầm nhìn vượt thời đại, phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp, năm 1921, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 9-11-1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều, trong đó hiến định: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại”. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giải thích: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”. Gần đây nhất, Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định:  “Công dân có quyền tự do ngôn luận”.

Người dân các huyện miền núi đi bỏ phiếu. Ảnh Anh Đức

Cũng cần phải nhắc thêm rằng, chớ mất “bình tĩnh” để tránh nhầm lẫn giữa tự do ngôn luận với hành vi phát ngôn tùy tiện. Tự do ngôn luận chắc chắn khác với “xuyên tạc miễn phí”. Theo Luật An ninh mạng hiện hành thì có 5 nhóm bị cấm gồm: Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, việc bày tỏ sự ủng hộ với một ai đó, hoặc là cả sự tự kêu gọi ủng hộ cho chính mình trong bầu cử không thuộc nhóm hành vi bị cấm. Chuyện “làng phây” ngập tràn hình ảnh các ứng cử viên là một điều hết sức tích cực, một sự xoay chuyển rất đáng ghi nhận. Xin được trích dẫn một lời “Tự vận động” rất thú vị của ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, thành phố Vinh trên Facebook cá nhân rằng: “Tôi vinh dự được công tác tại UBND xã Nghi Ân. Được làm việc với nhân dân Nghi Ân mới thấu hiểu tình cảm chân thành của bà con nhân dân xã nhà, một xã giàu truyền thống cách mạng và là đơn vị Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bản thân càng thấy trách nhiệm của mình luôn phải nỗ lực phấn đấu để đáp lại tình cảm ấy cùng với sự mong chờ đổi mới của nhân dân. Tôi tin tưởng xã nhà sẽ từng bước đổi thay và bền vững trong thời gian tới. Được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã nhà nhiệm kỳ 2021-2026 là vinh dự cho cá nhân tôi, để tôi có điều kiện phát huy mọi khả năng, tâm huyết, trí tuệ làm việc và phục vụ nhân dân. Tôi ước mong được tất cả cử tri xã nhà tin tưởng ủng hộ. Trân trọng cảm ơn!”.
Ông Chu Văn Mai đã trân trọng cảm ơn nhân dân xã nhà vì sự ủng hộ thì có lẽ chúng ta cũng nên cảm ơn ông ấy vì đã dám bày tỏ. Khi người ta đã đứng ra bày tỏ bản thân nghĩa là người ta công khai “ký khế ước” với cộng đồng. Khi người ta dám “ký khế ước” với cộng đồng thì chắc chắn những lời hứa sẽ giảm đi phần “đầu môi chót lưỡi”.
  Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã khép lại, nhưng những giá trị tiến bộ khởi sinh từ cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ còn bén rễ bền lâu. Nhân dân đã thực hiện một cách đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cử tri. Nhưng hơn thế, là mọi người được hưởng thụ một nền dân chủ đang ngày càng hoàn thiện và trưởng thành. quyền bày tỏ chính kiến không chỉ dừng lại ở những giới hạn cứng nhắc, nó không hề bị nhốt trong những khuôn khổ lạc hậu, nó đã được cuộc sống “hiến định” một cách sinh động hơn, mạnh mẽ hơn và thiết thực hơn./.

Nguyễn Khắc An

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam, số 13/2021)