* Bài 1: Quốc gia số thịnh vượng và những thách thức

* Bài 2: Đảm bảo an ninh trên không gian mạng – chiến lược bền bỉ, lâu dài

Không thể phủ nhận những lợi ích internet và công nghệ hiện đại đem lại cho nhiều lĩnh vực của đời sống hiện nay. Tuy nhiên, cũng từ đây, rất nhiều “lỗ hổng” xuất hiện gây khá nhiều mất mát, thiệt hại. Và, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc “bịt lỗ hổng” cũng là một quá trình dài hơi, cần sự tham gia của mỗi công dân mạng.

Nền tảng từ nhận thức

Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030” với mục tiêu “Trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”. Đây được xem là kim chỉ nam cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới. Chiến lược nêu rõ: “Thống nhất nhận thức từ trung ương tới địa phương về bảo đảm an toàn, an ninh mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia điều phối chung sự phối hợp giữa 4 lực lượng (các Bộ: Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương)… Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác an toàn, an ninh mạng, chủ động rà soát, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thực hiện hiệu quả

Chiến lược này được xem như “kim chỉ nam” cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.

Ông Phạm Ngọc Cảnh, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: “Vai trò nhận thức của người dân trong việc tham gia không gian mạng hết sức quan trọng, nhất là trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhân dân vừa là chủ thể để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, nhưng nhân dân cũng chính là đối tượng mà các thế lực thù địch nhắm đến để kích động, lôi kéo, chống đối chính quyền. Vì vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, để mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội trở thành những công dân “thông thái”, biết nhận diện đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin xấu, độc. Từ đó, nhân dân sẽ trở thành những chiến sĩ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; xây dựng thế trận, thành trì vững chắc để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong thời đại công nghệ 4.0.”

Việc nâng cao nhận thức của người dân sẽ tạo nên một nền móng vững chắc trong công tác đảm bảo an ninh mạng. Hiện nay, các thế lực thù địch luôn lợi dụng không gian mạng để chống nước ta, nhất là phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt là vào lớp trẻ.

Theo các tổ chức an ninh mạng Kaspersky và Symantec, Việt Nam là quốc gia trong nhóm đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại (qua USB, thẻ nhớ) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ bị lây nhiễm cao; đứng thứ ba về số lượng người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất thế giới; đứng thứ 4 trên thế giới về nguy cơ bị nhiễm độc khi sử dụng Internet. Hệ quả là có tới hơn 73% số vụ lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra trên không gian mạng.

Điều đó cho thấy, người dân Việt Nam đang quá chủ quan, thậm chí thờ ơ với sự mất an toàn trên không gian mạng. Đôi khi chỉ từ những việc rất nhỏ (như thói quen đặt mật khẩu, dùng chung tài khoản, cắm thiết bị vào máy tính lạ, cập nhật thông tin cá nhân) là cũng có thể khiến hậu quả xảy ra rất lớn. Vì vậy, cốt lõi của việc “bịt lỗ hổng” chính là nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ khi mỗi công dân mạng hiểu về mức độ nguy hiểm lớn từ những việc làm nhỏ trên mạng, thì ý thức cảnh giác mới được nâng cao. Lúc đó, đầu tiên, họ sẽ học các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình; tiến tới là có thể bảo vệ cộng đồng, tham gia đấu tranh với các loại tội phạm trên mạng.

“Bịt lỗ hổng” không có nghĩa là cấm

Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc, liên minh Châu Âu,… an ninh trên không gian mạng được đặt lên hàng đầu trong chính sách hoặc chiến lược an ninh quốc gia. Cách để “bịt lỗ hổng” trên không gian mạng ở mỗi quốc gia cũng theo cách khác nhau. Một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Triều Tiên, Turkmenistan,… lựa chọn cách thức cấm các mạng xã hội. Từ năm 1997, Trung Quốc bắt đầu kiểm duyệt Internet với hệ thống tường lửa “Phòng Hỏa Trường Thành” (The Great Firewall). Thực tế, Great Firewall đã “bảo hộ” cho các sản phẩm và dịch vụ internet nội địa của Trung Quốc lớn mạnh. Kết quả là người Trung Quốc có hệ thống mạng xã hội riêng như Wechat, Weibo, Tik Tok, Xiaohongshu. Tại Trung Quốc, người ta không cần tới Facebook, Google, Youtube, Twitter… Trong trường hợp bị mất toàn bộ kết nối với mạng Internet toàn cầu, hệ thống mạng trong phạm vi Trung Quốc vẫn hoạt động độc lập, và người dùng vẫn có thể sử dụng các dịch vụ đặt máy chủ tại Trung Quốc để làm việc và liên lạc với nhau bình thường.

Mọi người được tự do tiếp cận internet trên đất nước Việt Nam.

Tại Việt Nam, kể từ khi chính thức hòa mạng internet vào năm 1997, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet. Việt Nam chỉ nghiêm cấm những hành vi lợi dụng internet để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Chúng ta luôn xác định trong kỷ nguyên số, tự do internet là một trong những tiền đề quan trọng để phát huy dân chủ và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm và phát huy quyền tự do của người sử dụng dịch vụ internet. Tiêu biểu như: Chỉ thị 58-CT/TW, ngày 17/10/2000, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; Nghị định số 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/8/2001 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet” đã khẳng định không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet (Điều 9). Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/8/2008 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet” đưa ra hàng loạt chính sách phát triển internet quan trọng thúc đẩy việc ứng dụng internet trong mọi mặt của đời sống.

Kênh Tiktok của Báo Nhân dân và nhiều cơ quan báo chí, truyền thông khác đang góp phần quan trọng trong việc tạo thói quen theo dõi tin chính thống của người Việt. Ảnh chụp màn hình

Nhiều năm qua, các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đã năng động, sáng tạo, tận dụng những tiện lợi của internet và mạng xã hội để phát triển. Chúng ta không e dè, co mình lại trước những nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng, mà luôn khắc chế nó bằng việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đầu tư phương tiện, thiết bị. Điển hình như thời gian gần đây, dư luận khá bất bình trước những tác động tiêu cực từ những clip ngắn đang phổ biến trên Tiktok, Youtube, Facebook Watch; nhiều ý kiến cho rằng cần cấm Tiktok tại Việt Nam… Tuy nhiên, chúng ta khuyến khích mọi người tận dụng những tiện lợi mà các nền tảng công nghệ mang đến và tìm các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dùng. Bằng chứng là rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp tập trung xây dựng các kênh Tiktok rất chuyên nghiệp, bài bản. Điển hình như các kênh Tiktok Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, VTV, VOV, Báo Thanh niên, Truyền hình Quốc hội, ANTV, Vietnamnet… Các clip ngắn dạng tin tức được đồng thời cập nhật trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng triệu tài khoản theo dõi với hàng chục triệu lượt xem clip mỗi ngày. Các clip được xây dựng đa chiều, phù hợp với thị hiếu người xem, nhất là lớp trẻ. Dần dần, ở mảng tin tức, clip ngắn từ các nguồn chính thống đang phủ kín không  gian mạng. Từ đó, tạo nên thói quen theo dõi tin tức chính thống trên mạng xã hội của người dân.

Đây chính là cách chúng ta đang hình thành một “bộ lọc” để đẩy lùi những nội dung độc hại trên mạng xã hội. Như lời ông Lê Quốc Minh (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) trao đổi với các nhà báo tại Lễ Trao Giải báo chí ‘Búa liềm vàng’ tỉnh Nghệ An năm 2022: “Nhân dân ở đâu, chúng ta ở đó”.

Các đồng chí: Lê Quốc Minh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải Nhất Giải báo chí Búa liềm vàng tỉnh Nghệ An năm 2022. Ảnh: Nguyễn Cường

“Thời gian gần đây, clip ngắn phát triển rất nóng trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Đó là xu thế chung của thế giới khi mà công nghệ 4G, 5G đang dần phổ biến. Việc cấm hoặc chặn là rất khó vì nguyên tắc là luôn có cách để mở khóa. Việc quan trọng nhất là xây dựng các chuỗi nội dung phù hợp với từng xu hướng (trend) để dẫn dắt người xem”, anh Nguyễn Mạnh Dũng, lập trình viên FPT Software Đà Nẵng chia sẻ.

Tất nhiên, bên cạnh “tường lửa” về nội dung, Việt Nam tập trung mọi điều kiện để phát triển công nghệ. Rất nhiều công ty bảo mật được thành lập với sự tham gia của nhiều nhân tài về công nghệ thông tin. Trang thiết bị cho bảo mật cũng được đầu tư tương xứng với những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới. Nhờ đó, xuất hiện nhiều giải pháp xây dựng các hệ thống toàn diện, đảm bảo an ninh mạng cho hàng triệu máy chủ, thiết bị mạng, hàng triệu đường truyền và thuê bao di động.

Minh chứng là theo thống kê mới nhất của Kaspersky Security Network công bố ngày 6/3/2023, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với 63.482.728 vụ vào năm 2021. Số vụ tấn công ngoại tuyến tại Việt Nam năm 2022 cũng đã giảm 25,39% so với năm 2021 và giảm tới 54,74% so với năm 2020, với tổng số 121.542.272 mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác. Đáng chú ý, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 512.712 địa chỉ, giảm 11,1% so với tháng 5/2023 (577.006 địa chỉ), giảm 27,3% so với cùng kỳ tháng 6/2022 (704.939 địa chỉ).

Trung tá Trần Huy Quang – Giám đốc Trung tâm CNTT và Viễn thông – Công an Nghệ An trao đổi: “Việc bị xuất hiện “lỗ hổng” trong công tác bảo mật phần lớn do sự chủ quan của người dùng. Đôi lúc chúng ta làm tắt, làm vội một thao tác tưởng chừng như vô hại – đó chính là lúc mà các mã độc có thể xâm nhập bằng nhiều hình thức khác nhau. Đơn cử như: Việc nhấp vào các đường link một cách tùy tiện, hay vô tư cắm USB vào máy tính mà không quan tâm đến nguy cơ mất an toàn thông tin – lúc đó họ bị xâm nhập hoặc bị đánh cắp thông tin mà không hay biết”.

Một thực tế hiển nhiên rằng, không có hệ thống nào an toàn 100%. Vì thế, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức về bảo mật để giảm thiểu những tác động tiêu cực trên không gian mạng. Bởi lẽ, cách tốt nhất chính là tự tìm ra “lỗ hổng” của chính mình – lúc đó, ắt sẽ có cách “bịt lỗ hổng”./.

Bình Minh 

* Bài 1: Quốc gia số thịnh vượng và những thách thức

* Bài 2: Đảm bảo an ninh trên không gian mạng – chiến lược bền bỉ, lâu dài