Bài 2: Đảm bảo an ninh trên không gian mạng – chiến lược bền bỉ, lâu dài

Bài 3: “Bịt lỗ hổng” từ đâu?

Việt Nam đang dần trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Và một môi trường mới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến hầu hết người dân – không gian mạng. Tất nhiên, phát triển quốc gia số cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối phó với rất nhiều “lỗ hổng” – từ hạ tầng kĩ thuật, nội dung, hành lang pháp lý đến nhận thức và tư duy. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng và mỗi người dân phải nỗ lực nhiều hơn trong việc “bịt” các lỗ hổng.

Việt Nam dần trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng

Theo dữ liệu từ GSMA Intelligence, vào đầu năm 2023, Việt Nam có 161,6 triệu kết nối di động (164% tổng dân số). Trong lúc đó, dân số Việt Nam đầu 2023 đạt 98,53 triệu người. Nghĩa là nhiều người sử dụng nhiều hơn một kết nối di động, ví dụ như một kết nối cho mục đích cá nhân và một kết nối khác cho công việc. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân ở đất nước hình chữ S. Tại Việt Nam, có tới 77.93 triệu người dùng Internet, 89,8% trong số đó sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội. 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất Việt Nam gồm có: Facebook (91.6%), Zalo (90.1%), TikTok (77.5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55.4%). Việt Nam thuộc top 10 quốc gia sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới  và đứng thứ 15 thế giới về số lượng người dùng Internet.

Những con số trên cho thấy, không gian mạng ở Việt Nam đã lớn mạnh như thế nào và nhanh chóng trở thành một xã hội ảo với rất nhiều tiện ích. Nhất là sau đại dịch Covid-19, các dịch vụ qua mạng đã trở thành thói quen của hàng chục triệu người dân. Trong vòng vỏn vẹn 2 năm, thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến. Những cụm từ như “quét QR code”, “shiper”, “chuyển khoản”… đã xuất hiện ở từng ngõ ngách và mọi lứa tuổi ở Việt Nam.

Internet đã giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Một góc thành phố Vinh – Nghệ An

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, đến năm 2025, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI), nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Thời điểm đó, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; phấn đấu Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Đến năm 2030, hệ thống Internet vạn vật (IoT) được hình thành, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp 100% trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Internet băng rộng cáp quang và dịch vụ mạng di động 5G được phổ cập; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử là trên 80%. Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI) và gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).  

Công nghệ phát triển giúp hàng chục triệu người dân trên đất nước Việt nam được hưởng sự tiện lợi qua hệ thống định danh điện tử

Theo khảo sát của Tập đoàn Công nghệ IBM, tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam đang đi nhanh hơn dự kiến khoảng 5 năm với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng. Đặc biệt, từ  sau đại dịch COVID-19, người Việt đã dần làm quen và bắt kịp xu hướng làm việc online hoặc làm việc kết hợp. Những công nghệ cao trên thế giới như Công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa (Automation) đã được các doanh nghiệp ở Việt Nam ứng dụng khá rộng rãi và hiệu quả trong kỷ nguyên 4.0. Điều này chứng tỏ “sức nóng” của chuyển đổi số mà thành tựu của nó là những tiến bộ khoa học kỹ thuật nổi bật, mang lại vô vàn tiện ích trong đời sống kinh tế – xã hội.

Thách thức từ nhiều lỗ hổng

Không thể phủ nhận sự phát triển của mạng internet đã giúp cho người dân có một không gian mới, một cuộc sống thuận tiện hơn, thậm chí nó còn được coi là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, song song với lợi ích luôn là những thách thức, những lỗ hổng, mà để khắc chế nó, không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Tháng 11/2022, tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thẳng thắn chỉ rõ 5 nhóm vấn đề liên quan đến tồn tại và hạn chế về quản lý nhà nước về an ninh mạng là: Hành lang pháp lý và hệ thống pháp luật về an ninh mạng chưa hoàn thiện; quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành địa phương chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức, có tình trạng “khoán trắng” nhiệm vụ về bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả; phần lớn các nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội nước ngoài còn thiếu pháp nhân để quản lý; còn nhiều sơ hở với các loại hình dịch vụ tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối…

Từ đó, Bộ trưởng nêu các giải pháp về quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách linh hoạt, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Công nghệ càng phát triển thì việc xuất hiện càng nhiều lỗ hổng như là một quy luật

Có thể nói, một trong những “lỗ hổng” lớn nhất hiện nay là trình độ và nhận thức của người dân khi tham gia không gian mạng. Ở nước ta, từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ con đến người lớn, người người nhà nhà vô tư dùng mạng xã hội. Hễ có một sự việc hay một trạng thái tâm lí nào là người ta “thổ lộ” ngay trên mạng. Chính sự “vô tư” của hầu hết người dân đã dần dần tạo cho mạng xã hội trở thành một kho dữ liệu khổng lồ về mọi mặt đời sống. Chỉ cần lướt qua một tài khoản Facebook, là có thể bắt gặp những thông tin, hình được cập nhật liên tục: từ quan hệ, bạn bè, con cái đến lên chức, nâng lương; từ ngày lễ tết, giỗ chạp đến lễ kỉ niệm, dịp mua sắm… Tất cả, thượng vàng hạ cám đều được thể hiện trên “tường”, thậm chí cả tờ ghi chú tài khoản email và mật khẩu đi kèm… Người lớn cũng vô tư để cho trẻ em dùng điện thoại thông minh ngày đêm lướt Tiktok, Youtube; để rồi các em chìm vào thế giới của clip thử thách như Thơ Nguyễn, Hưng Vlog/Hưng Troll, Hậu Cáo TV, Ca Cường TV… Hậu quả đau lòng là vào tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh tử vong vì học theo cách treo cổ trên Youtube. Thế nhưng, hồi chuông cảnh báo đó chỉ được dăm bữa, nửa tháng; người ta lại đua nhau tải hình ảnh, clip lên mạng với tốc độ và tần suất chóng mặt.

Và, các cỗ máy trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng học chuyên sâu (Deep Learning) không thể bỏ qua sự bất cẩn, vô tư này. Các công ty dữ liệu lớn (Big Data) nhanh chóng thu thập, tổng hợp dữ liệu về một tài khoản và sẵn sàng bán nó cho người cần. Điều đó lí giải vì sao mà nhân viên thị trường của một công ty có thể đọc vanh vách địa chỉ, điện thoại nhà bạn; một người tiếp thị đồ chơi có thể hiểu sở thích của con cái bạn; một người giao hàng (shiper) có thể lao đến ngay bên cạnh khi bạn chưa kịp thông báo địa chỉ của mình; thậm chí một chủ spa có thể biết rõ thời điểm nào bạn bị tàn nhang để đặt vấn đề chăm sóc.v.v… Đó là sự tiện lợi, nhưng cũng chính là mối nguy hiểm đang rình rập vì sự thiếu cảnh giác của mỗi chúng ta trong cách thức sử dụng mạng. Những thói quen của mọi người đã tạo ra một môi trường thông tin để tội phạm trên mạng triệt để lợi dụng để lừa đảo. Chỉ cần lướt qua Facebook, biết gia đình bạn đang như thế nào, kẻ xấu tạo vài cuộc điện thoại mạo danh là cơ quan chức năng đang điều tra; vậy là nhiều người (vì lo lắng và thiếu hiểu biết) đã nhanh chóng chuyển khoản để “xử lí nhanh” vụ việc. Tiền ra đi nhanh gọn sau chỉ vài phút, nạn nhân thì nhận về những nỗi lo và bài học dở khóc dở cười…

Theo ông Nghiêm Tiến Viễn – CEO Công ty cổ phần công nghệ GoStream, tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và luôn cập nhật những công nghệ mới nhất phục vụ cho mục đích lừa đảo và phạm tội. Chúng dựng lên các tình huống nguy cấp rồi lợi dụng sự rối trí của chúng ta để ép chúng ta làm theo các thao tác mà chúng hướng dẫn, qua đó chiếm quyền điều khiển tài khoản hoặc thông tin quan trọng.

Năm 2022, Cục toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến với 16 hình thức khác nhau. 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022 với 24 hình thức lừa đảo. Phổ biến như: Chiếm quyền sử dụng các tài khoản để gửi tin nhắn lừa đảo; Giả danh cơ quan chức năng yêu cầu chuyển khoản; Lan truyền tin giả đánh vào tâm lý hiếu kỳ, sự thương người và lòng tin; Giả mạo trang cá nhân, tài khoản người quen, người nổi tiếng; Bẫy tình, lợi dụng tình cảm lòng tin và sự thương; Cài cắm mã độc để chiếm đoạt tài khoản; Thông báo trúng thưởng để lừa nạn nhân đánh cắp thông tin tài khoản…

Trong khi đó, lợi dụng sự quản lí lỏng lẻo của mạng xã hội và sự mất cảnh giác của người dùng, các đối tượng cơ hội đã tăng cường tán phát tin giả, tin sai sự thật. Trên không gian mạng, xuất hiện nhiều kẻ vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất. Nguy hiểm hơn, các đối tượng phản động triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin…  Chúng tạo lập các tài khoản mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện “nóng”, các “vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội” để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận… Đây là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng hiện nay.

Một trong những “lỗ hổng” lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến cả xã hội, nhất là lớp trẻ, chính là nội dung trên không gian mạng. Với tốc độ phát triển quá nóng nên cũng như nhiều nước khác, chúng ta chưa kịp xây dựng một “tấm khiên” về nội dung để bảo vệ công dân mạng. Trong lúc đó, các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook… đang dần chiếm lĩnh thị trường giải trí online tại Việt Nam. Mục đích duy nhất mà các doanh nghiệp này hướng đến là lợi nhuận nên việc đầu tư cho các “bộ lọc” nội dung độc hại là rất hạn chế. Còn những người sáng tạo nội dung chỉ tập trung thu hút tương tác, thậm chí bất chấp những chuẩn mực về đạo đức, pháp luật để thực hiện các clip có nội dung độc, lạ… Càng thu hút nhiều người xem thì họ càng chấp nhận nguy hiểm để phát triển nội dung. Vì thế, clip độc hại, biến tướng xuất hiện tràn lan trên mạng, trở thành cạm bẫy vô hình đối với giới trẻ.

Em Nguyễn Dũng Mạnh, học sinh lớp 11, thành phố Vinh chia sẻ: “Giờ lên mạng chỉ toàn thấy các đoạn clip vui chơi, phim chưởng, tình yêu, làm đẹp… Tìm đỏ mắt mà không thấy các clip hướng dẫn giải một bài toán hoặc bình luận câu thơ, bài văn. Nội dung cho học sinh như chúng em trên tiktok, youtube, facebook rất ít. Nếu có thì cũng là những clip dài lê thê, không ai hào hứng xem.”

Còn ông Lê Đình Huệ, khối 10, phường Trường Thi thì cho rằng: “Tôi luôn kiểm soát các cháu khi xem clip trên mạng. Nội dung không phù hợp là phải tắt ngay. Giờ trẻ con cầm điện thoại là xem video. Cái hay thì không hấp dẫn, nhưng cái dở thì lại rất lôi cuốn trẻ con.”

Đó chính là bài toán nan giải không chỉ ở Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới.

(Còn nữa)

Bình Minh 

Bài 2: Đảm bảo an ninh trên không gian mạng – chiến lược bền bỉ, lâu dài

Bài 3: “Bịt lỗ hổng” từ đâu?