Khắc trằn trọc suốt đêm trước một quyết định vô cùng hệ trọng trong cuộc đời anh – bán một quả thận. Việc này Khắc chỉ nói kín với mẹ. Bà hỏi: “ Rứa rồi có sống được không”? Anh nói: “ Không chi mô mẹ ạ”. 

     Vợ Khắc thấy chồng trở mình liên tục rồi thở dài não nuột trong đêm, chị nghĩ là anh đang lo khoản nợ ngân hàng gần 2 trăm triệu đã sắp đến hạn thanh toán. Nếu không thực hiện đúng hợp đồng, ngân hàng sẽ phát mại căn nhà vợ chồng đang ở. Chị an ủi:

    – Anh ạ, cứ bình tĩnh ít nữa xem sao, chú Kim hứa bán được miếng đất đầu cầu sẽ cho mình vay nóng để đáo hạn ngân hàng kỳ này, sau rồi tính tiếp. Anh lo lắng mất ăn mất ngủ vậy thì ốm mất thôi.

    Khắc nói với vợ:

   – Chú ấy nói vậy chứ biết bán được hay không. Anh thấy mình đầu tư vào cái cửa hàng hơi quá sức, vay nhiều quá, thu nhập đì đẹt không đủ trả lãi. Giờ có chuyển nhượng để thu lại vốn cũng chẳng ai mua.

Anh thở dài đánh thượt. Hai vợ chồng nằm im nghe tiếng muỗi vo ve ngoài màn, không gian đặc quánh. Không biết đây là đêm thứ bao nhiêu vợ chồng sống trong nỗi lo âu thắc thỏm, món nợ ngân hàng đè nặng lên tâm trí họ. Ngày thì ra quán phục vụ cho dăm ba người khách lèo tèo, tối đến về nhà chẳng có chuyện gì mà nói. Hai vợ chồng lặng lẽ ngồi xem tivi một lúc rồi đi nằm, mấy đứa nhỏ lục tục học bài rồi đi ngủ vô tư, không hề hay chuyện gì của người lớn. Vài bữa chúng lại hỏi xin tiền, đứa thì nộp học phí, đứa mua sách vở, đứa lại học thêm…

        Tất cả nhìn vào cái quán ăn Vạn Lợi của gia đình nhà Khắc. Thời gian đầu làm ăn cũng được, khách đông, thu nhập tăng dần, mỗi tháng cũng để ra được một món kha khá. Từ ngày nhà máy phân vi sinh bị đình chỉ sản xuất vì ô nhiễm môi trường, không còn công nhân, quán ăn vắng khách. Nhìn cái nhà hàng bề thế mà chỉ lèo tèo vài ba người qua đường ghé ăn bát phở hay suất cơm rang, vợ chồng anh ngao ngán vô cùng.

Cái số Khắc nó long đong chìm nổi đủ đường. Rời quân ngũ anh về xí nghiệp sản xuất đồ gia dụng, làm đến phó giám đốc phụ trách đời sống. Qua thời bao cấp, đến thời hạch toán kinh doanh, cơ chế thay đổi, anh về hưu ở tuổi 43. Lương hưu còm cõi, con đông, 4 đứa lít nhít như trứng gà trứng vịt.

Xoay xở làm sao cho đủ sống giữa thời buổi này. Nếu trông vào đồng lương thì chưa đủ nộp tiền học cho 4 đứa. Những ngày đầu khi mới được nghỉ hưu, anh dồn tiền chăn nuôi gà. Toàn bộ khoảnh vườn sau nhà được anh quây lại, làm chuồng, thuê ấp trứng rồi chăm từ khi đàn gà con vừa chui ra khỏi vỏ. Thời gian đầu cho ăn cám công nghiệp, lâu sau cho ăn thóc, ăn rau. Mỗi tuần cho chúng ăn vài bữa bột cá khô trộn cơm nóng. Gà của anh lớn nhanh như thổi, con nào con nấy béo mầm, lông mượt, mào đỏ, trông thật thích mắt. Chỉ tội trong nhà lúc nào cũng hôi hám mùi cứt gà, mùi cám, mùi thức ăn thừa vương vãi. Mấy đứa nhỏ ngồi học, tối nào cũng khạc nhổ liên hồi, khẩu trang bịt kín mũi mà vẫn không chịu được. Vợ chồng động viên nhau chăm sóc đàn gà, an ủi tụi nhỏ chịu khó một tí, lứa gà này khi xuất chuồng cũng được mấy chục triệu chứ ít đâu. Đùng một phát, gió mùa đông bắc đến, đàn gà ủ rũ, bỏ ăn. Bắt đầu dăm bảy con đứng co ro, rồi đến dăm bảy con khác, rồi lan rộng ra cả đàn. Thuốc gì cũng không cứu được. Ngày đầu chết mươi con, ngày hôm sau chết vài ba chục. Được một tuần thì cả đàn gà hàng trăm con được bỏ vào bao tải, mang ra bãi đi chôn. Trắng tay.

Tranh minh họa: Trần Minh Châu

      Cả một dạo không biết làm gì, sáng dậy Khắc chỉ biết ra quán rửa xe của thằng cháu gần nhà uống chén nước chè, hút thuốc lào vặt, nhìn dòng người tấp nập qua đường như vô định, không có cảm xúc gì đọng lại trong anh. Về nhà, vợ lại nhắc:

     – Ngày kia giỗ bà ngoại, cuối tuần này cưới con chú Tám, sau đó là tân gia nhà cô Hồng. Thế nào chả mời nhà mình. Mà con chị cả đang xin tiền học thêm, năm nay thi đại học. Em tính có khi chỉ cho con thi cho biết chứ tiền đâu mà học.

Khắc rầu rĩ ngồi xuống thềm nhà, tựa lưng vào cột bóng, ngáp một cái thật dài rồi nói:

     – Hay để anh theo mấy đứa trong làng đi bốc hàng ngoài bến xe, chả cần nghiệp vụ gì, mỗi tháng cũng kiếm được chút ít mà trang trải cho sinh hoạt.

    – Thôi anh ơi. Việc đó là phải có sức khỏe, mấy thằng ấy nó như trâu đực, ăn đấu làm khoán như vâm, sức vóc anh thì được mấy hơi, gặp nắng gặp mưa lại lăn ra ốm, tiền đâu mà đi viện. Mà có phải yên lành gì đâu, hôm kia mấy đứa tranh hàng, đánh nhau với bọn thị trấn náo loạn cả bến xe đấy.

Anh chỉ biết thở dài đánh thượt.

    Rồi một ngày có ông cụ từ Thanh Hóa tìm đến nhà. Cụ dắt theo một đứa cháu trai chừng 15, 16 tuổi. Cụ giới thiệu:

    – Tôi là bố thằng Bình, người được anh cõng nó ra trạm phẫu khi nó bị thương ở trong Nam. Từ ngày về quê lúc nào nó cũng nhắc đến anh, nó muốn đi thăm anh mà sức yếu lắm, không đi nổi. Nó xem anh là ân nhân cứu mạng, gia đình tôi ơn anh suốt đời. Còn đây là con trai nó đấy, tôi đưa cháu đi học làm ăn.

Ngỡ ngàng một lúc rồi Khắc mừng vui như được gặp lại người đồng đội năm xưa đã chiến đấu cùng nhau chung một chiến hào. Lần chống địch lấn chiếm ở cao điểm 689 tại Hướng Hóa, Quảng Trị, Bình bị một quả pháo cối nổ ngay bên cạnh, mảnh đạn găm vào đầu, vào cánh tay và phá dập đùi bên phải. Khắc lấy băng cá nhân băng tạm vết thương cho Bình, máu vẫn ra nhiều, Bình lả dần và có thể không sống nổi. Trận đánh kết thúc, đơn vị lo củng cố trận địa để sẵn sàng đối phó với đợt nóng tiếp theo, thương binh được đưa xuống dưới chân đồi cấp cứu và dưỡng thương tại chỗ, không có ai nặng lắm. Riêng Bình, nếu không phẫu thuật kịp thời thì khó lòng qua khỏi. Trạm phẫu cách xa chừng 7 cây số, đường núi hiểm trở, bom nổ chậm, mìn lá giăng mắc khắp nơi. Khắc xin với đại đội được đưa Bình về trạm phẫu. Đêm xuống mịt mù, côn trùng cũng không sống nổi giữa mảnh đất này, chỉ có mùi lưu huỳnh, mùi cỏ cháy xộc vào mũi khét lẹt. Khắc cõng Bình trên vai cứ cắt phương vị mà đi. Bình thều thào đòi uống nước liên tục. Khắc cho bạn uống cầm chừng, vì uống nhiều nước máu lại càng ra nhiều, chóng kiệt sức. Mà nước trong bi đông cũng chỉ còn vài ngụm mà thôi, Khắc khát cháy cổ, mồ hôi vã ra như tắm. Đưa được Bình đến trạm phẫu của binh trạm đã quá nửa đêm. Bàn giao thương binh xong, Khắc ăn một miếng lương khô và uống no một bụng nước rồi vội vàng quay về trận địa trước khi trời sáng. Chia tay Bình, hai đứa ôm nhau nghẹn ngào trong nước mắt. Khắc ghi lại địa chỉ nhà mình trong quyển sổ tay của Bình rồi quay đầu bước nhanh trong đêm tối.

Vợ chồng làm cơm đãi khách, trong bữa ăn Khắc nói:

     – Từ ngày chia tay nhau rồi mỗi đứa một phương, mấy lần con hỏi dò anh em đơn vị nhưng không có tin tức gì của Bình cả. Nay cậu ấy ra sao hả bác?

    – Nó về quê lấy vợ, sinh 3 đứa con, sức khỏe không tốt lắm nhưng nói chung cũng ổn anh ạ. Hôm nay tôi tìm đến anh muốn nói với anh một việc…

    – Dạ, bác cứ nói đi ạ.

    – Qua câu chuyện thằng Bình kể, gia đình tôi vô cùng biết ơn anh. Nhưng bao nhiêu năm trời không biết làm gì để trả ơn anh được. Nay tôi nghĩ thế này. Tôi làm nghề thuốc bắc đã lâu, giờ tuổi  cao, muốn truyền nghề cho con cháu mà chưa biết dạy cho đứa nào được. Tôi bàn với vợ chồng thằng Bình là sẽ vào đây truyền nghề cho anh. Tôi dắt thêm thằng cháu nội đây để dạy cho nó luôn một thể.

    – Dạ, thật là cám ơn bác. Nghề này thì con chưa nghĩ đến bao giờ.

    – Anh yên tâm. Ngày mai anh tìm thuê cho tôi một gian hàng ngoài đường, ông cháu tôi ra ở đấy bán thuốc kiếm tiền nuôi nhau và dạy cho anh một thể. Anh cố gắng học lấy cái nghề này, vừa làm phúc cho người, vừa kiếm kế sinh nhai.

      Việc đó diễn ra thật tốt đẹp. Chỉ một thời gian ngắn, cụ già đã chiếm được lòng tin của khách hàng trong vùng. Khắc được cụ tận tình chỉ dạy cho từng li từng tí, hàng ngày anh miệt mài tìm hiểu, xem cụ bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc và đạp xe đưa thuốc cho khách quen đã đặt hàng. Thu nhập của hiệu thuốc bắc rất ổn, hàng tháng cụ cho vợ chồng Khắc một khoản tiền đủ trang trải cho mọi việc. Một năm sau, khi thấy Khắc đã khá thành thạo với nghề, ông cụ về quê tĩnh dưỡng tuổi già. Ông dặn Khắc khi nào mở hiệu tin cho ông biết, ông sẽ trở vô giúp Khắc một thời gian.

Chưa kịp mở hiệu thuốc thì mấy thằng bạn bàn mở quán ăn ngoài ngã tư trên trục đường chính của xã. Họ thấy Khắc biết chế biến món ăn, biết sắp xếp cho các hoạt động của một cửa hàng ăn uống. Với kiến thức của một phó giám đốc xí nghiệp phụ trách đời sống, Khắc cũng khá tự tin vào điều đó.

Vợ chồng anh vay tiền mở quán, quyết định đầu tư làm ăn để xóa đói, thoát nghèo. Số tiền phải đầu tư không nhỏ, vay mượn anh em, bạn bè được một phần, còn lại phải thế chấp sổ đỏ và căn nhà cha mẹ để lại. Ôm một đống tiền, Khắc dựng nên một quán ăn rộng đến vài trăm m2 với đầy đủ thiết bị. Khách khứa ra vào tấp nập, chủ yếu là công nhân của nhà máy phân vi sinh tọa lạc ở cánh đồng phía trước không xa. Cửa hàng nhà Khắc thuê 5, 6 người làm, lương trả đầy đủ, thu nhập của gia đình đã trả dần được một số khoản nợ nóng của anh em.

Đùng một phát nhà máy phân vi sinh đóng cửa. Họ phải chuyển đi nơi khác vì thanh tra tỉnh kết luận nhà máy không đảm bảo được các chỉ số về đảm bảo môi trường. Mất khách. Chặt đầu cá, vá đầu tôm, Khắc mới trả được một phần nợ nần còn lại. Khoản lớn nhất là của ngân hàng, xoay xở mãi cũng không có bài toán nào giải được. Nỗi lo đè nặng lên vai, cuộc sống gia đình đang đi vào ngõ cụt.

     Trong lúc chuột chạy cùng sào thì Khắc nghe được mấy người ngồi ở quán nước nói chuyện có một người đang tìm mua thận. Khắc kín đáo thăm dò địa chỉ người kia, liên lạc được với nhau và anh quyết định cứu cả gia đình bằng một quả thận. Anh suy nghĩ mấy đêm liền, mỗi khi thở dài lại giả vờ ho lên một cơn để che giấu vợ. Anh cũng tâm sự kín với mẹ mình, mẹ anh xót thương con nhưng cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng.

Người mua thận là một gia đình thành phố giàu có nhưng ông bà chỉ có một đứa con trai duy nhất. Cậu ta làm giám đốc một công ty của tư nhân, đã gần 40 tuổi nhưng vẫn chưa lấy vợ. Hôm gặp nhau lần đầu, ông bố nói với Khắc:

     – Tội nghiệp quá anh ạ. Con trai tôi bị bệnh thận từ hơn 10 năm trước, chúng tôi đã chạy chữa khắp nơi trong nước và nước ngoài nhưng bệnh chỉ thuyên giảm nhất thời chứ không khỏi được. Nay bệnh lại càng ngày càng nặng, nó đang nằm trong bệnh viện hơn nửa tháng rồi.  Nhờ người hỏi dò mãi mới gặp được anh, mong anh cứu  cháu, gia đình xin nhận anh làm con cái trong nhà. Khắc nói:

    – Mong cho cứu được cậu ấy bác ạ. Mà, cũng là cứu được gia đình cháu. Nhà cháu làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng sắp đến kỳ thanh toán, nếu không thanh toán được họ sẽ xiết nhà. 4 đứa con nhà cháu còn nhỏ, đang tuổi học hành rồi không biết sống ra sao.

Nghe Khắc kể lể hoàn cảnh gia đình, ông bà rưng rưng nước mắt. Ông bảo “ Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Phải làm việc này vợ chồng tôi cũng khổ tâm lắm anh ạ. Thôi thì thế này, tôi gửi anh 250 triệu, trước mắt anh viết giấy biên nhận cho tôi 150 triệu, hôm sau xong công việc gia đình tôi gửi anh hết số tiền còn lại”.

Khắc không nói thêm gì nữa. Khoản tiền quá lớn mà Khắc chưa bao giờ nghĩ tới. Anh cầm 150 triệu tiền mặt về nhà, lặng lẽ xuống ngân hàng trả nợ. Vợ anh không biết gì việc này, số tiền còn lại chẳng bao nhiêu. Anh nghĩ, hôm nào đi cắt thận anh sẽ nói dối vợ đi đâu đó ít hôm, mọi việc xong xuôi mới cho vợ biết.

Mọi thỏa thuận và cam kết về mặt pháp lý đã làm xong, các xét nghiệm đã được kết luận đủ điều kiện thay thận.  Đúng ngày hẹn, anh nói dối vợ đi Thanh Hóa thăm bạn rồi đi thẳng vào bệnh viện. Gặp anh, bà mẹ ôm lấy anh mà khóc nức nở “Con trai nhà bác mất tối qua rồi cháu ạ…”

Khắc giúp gia đình làm các công việc để chuẩn bị đưa người xấu số về nhà. Đầu anh quay cuồng vì món nợ gia đình mình đã ứng, món nợ còn lại của ngân hàng. Anh hình dung mấy đứa con nheo nhóc theo bố mẹ đi ở nhờ nơi này, nơi khác…Ngoài sảnh tầng 2 của bệnh viện, anh đứng bần thần nhìn xuống mấy chiếc ghế đá nằm bên những gốc cây đang chao đảo như con thuyền trên sóng. Ông bố của cậu thanh niên đến bên, đưa ra một cái phong bì rồi nói: “Anh không phải lo lắng gì về khoản gia đình tôi đã tạm ứng cho anh, mọi hợp đồng đã được xé bỏ. Còn đây là con trai tôi gửi cho anh. Anh cứ về đi, lâu lâu vào chơi cùng gia đình bác nhé”.

Về đến nhà, Khắc và vợ cùng mở thư ra xem. Người thanh niên viết: “Tôi đã nghe bố mẹ mình nói chuyện về hoàn cảnh của anh. Rất cám ơn vì anh đã đồng ý hiến thận để cứu tôi. Nhưng, tôi không sống được nữa anh ạ. Xin biếu anh số tiền này là 100 triệu để gia đình anh trang trải những việc đang rất cần thiết. Chúc mọi sự tốt lành. Vĩnh biệt”.

         Khắc ấp lá thư vào ngực mình, nước mắt lã chã rơi. Anh nghĩ đến người thanh niên chưa được làm quen, mình định cứu người ta hóa ra người ta lại cứu mình. Anh lại nghĩ phải đi thăm Bình, người thương binh anh đã cõng về trạm phẫu năm xưa, đến bây giờ chưa một lần gặp lại. Mân mê chiếc phong bì trong tay, anh nói với vợ: “ Mình phải mở quầy thuốc bắc để chữa bệnh cứu người em ạ”.

Trại sáng tác VHNT Nghệ An
Tháng 8 năm 2019

Cao Khoa

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 1/Bộ mới/2019)