Hội ném pao của đồng bào Mông huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh Sách Nguyễn

      Không thể quên vào những năm thập niên 80-90, tôi thế kỷ trước lọ mọ lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn, gặp ông Cao Tiến Tấn quê dưới xuôi Đô Lương, độc thân, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy. Khi được hỏi, ông mong ước gì cho đồng bào các dân tộc miền núi vùng cao này? Ông không đắn đo trả lời ngay, rất ngắn gọn: “Tôi chỉ có ba điều ước, điều thứ nhất là giao thông, thứ hai giao thông và điều thứ ba cũng là giao thông!”.
Ngày đó nghe đến chuyện đi đến các xã vùng cao, vùng sâu Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Bắc Lý, Mỹ Lý, Keng Đu của huyện Kỳ Sơn hay lên các xã vùng trên Nhôn Mai, Mai Sơn… thuộc huyện Tương Dương đã rùng mình. Ai đó đã từng trải nghiệm sẽ hiểu rõ tâm trạng, đã lên rồi không muốn xuống và xuống rồi thì không muốn trở lại nữa, nghĩa là “có đi không trở lại”. Ngày đó từ trung tâm huyện đến các xã này phải mất năm đến bảy ngày vật lộn với đèo dốc, khe suối và sên vắt. Huống gì nói đến chuyện thăm thú bà con hay công cán từ Kỳ Sơn sang các huyện bên Quốc lộ (QL) 48, nếu đi ô tô phải xuôi theo QL.7A xuống QL.1 mới ngược lên hàng trăm cây số. Hơn 10 năm về trước, người dân ở các xã rẻo cao biên giới Mỹ Lý, Bắc Lý, Mường Lống Huồi Tụ… huyện Kỳ Sơn, các xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông… huyện Tương Dương về trung tâm huyện hay về xuôi vô cùng gian truân vì đường không ra đường. Đến các xã này chỉ có hai cách đi bộ và đường thủy theo sông Nậm Nơn, dùng sức người chèo chống thuyền qua rất nhiều ghềnh thác hiểm. Trâu, bò, lợn gà lúa gạo… làm ra muốn tiêu thụ đổi bán phải dắt bộ, cõng, đóng bè chở hàng mấy ngày đường xuống chợ huyện. Ngược lại, hàng thiết yếu cho sinh hoạt lại càng vất hơn bội phần: gồng gánh, cõng hoặc dùng thuyền chống ngược hàng tuần mới lên tới nơi.
Thực hiện ba điều ước giản dị nhưng vô cùng gian nan của Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn ngày trước là cả một kỳ thai nghén một quãng thời gian dài. Đến năm 2015, tỉnh Nghệ An mới có được quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) trên độ cao hơn 1.500 mét và thông tuyến đưa vào sử dụng năm 2015. Con đường “ngang trời” kết nối hai tuyến QL.7A và QL.48 đi qua các bản làng của 10 xã thuộc ba huyện rẻo cao thuộc diện 30a Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồng thời cuối năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định chuyển và nâng cấp tuyến đường nối các huyện Tây Thanh Hóa và tuyến đường Tây Nghệ An (tỉnh lộ 543) thành Quốc lộ (QL) 16. Tuyến đường có tổng chiều dài 184 km có quy mô đường cấp V miền núi, là tuyến đường quan trọng nối giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa, liên kết các vùng khu vực biên giới, nối trung tâm các huyện, các xã miền Tây Nghệ An… Quá trình xây dựng công trình huyết mạch phía Tây Nghệ An là câu chuyện dài mang quyết tâm cao độ của Nghệ An trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi cao.
Ngày cuối năm, chúng tôi có chuyến trải nghiệm theo QL.16 trở lại thăm vùng đất “nơi ta đã qua, người ta đã gặp” bằng ô tô con 5 chỗ. Tám giờ từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, điểm đầu của tuyến đường này ngược lên qua xã Huồi Tụ, Bắc Lý, Mỹ Lý, sang xã Mai Sơn, Nhôn Mai của huyện Tương Dương xuống xã Tri Lễ, ra Kim Sơn trung tâm huyện Quế Phong. Xuyên sâu trong hun hút đại ngàn luồn trong mây trên những đỉnh núi chon von. Tuyến đường bị sạt lở một số điểm do đợt mưa bão vừa qua đang được đơn vị chủ quản duy tu bảo dưỡng thông suốt, êm ái. Bấm đồng hồ với tốc độ bình thường khoảng 12 giờ đã tới Kim Sơn, trung tâm huyện Quế Phong. Đường mở, người dân xã Tri Lễ huyện Quế Phong sang xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn chỉ mất 2 giờ đồng hồ bằng xe máy, ô tô. Đi trên tuyến đường phía Tây thấy rõ hơn một xã Huồi Tụ vươn mình trở thành trung tâm thương mại của vùng Bắc Kỳ Sơn. Trên đường đi thấy những đoàn khách du lịch từ Kim Sơn – Quế Phong qua Tương Dương đến với Tháp cổ Yên Hòa xã Mỹ Lý, đến với nơi được mệnh danh “Sa Pa xứ Nghệ” (Mường Lống)… Đứng trên cầu Khe Bén xã Mai Sơn, thuộc huyện Tương Dương mới thấy hết sự kỳ vĩ của tuyến đường đi qua uốn lượn giữa đại ngàn. Đứng dưới nhìn lên như một sợi chỉ đỏ vắt ngang trời. Con đường “ngang trời” ấy là huyết mạch, cơ hội cho đồng bào các dân tộc ba huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong vùng rẻo cao biên giới thuộc diện 30a của Nghệ An mở lối thoát nghèo, có được những mùa Xuân ấm no, hạnh phúc! Đường đến đâu cuộc sống sinh sôi đến đó. Bà con người Thái, Mông, Khơ Mú đã rời khỏi những nơi hang hốc tăm tối, núi cao ra gần đường để hưởng ánh sáng điện văn minh. Nơi đây không còn heo hút bóng người bởi hàng ngày xe máy, ô tô vận chuyển hàng hóa, chở khách tấp nập qua lại.
Xưa kia heo hút đến mùa bạt ngàn sắc tím hoa anh túc nay thay vào đó là những đồi chè shan tuyết xanh ngút ngát. Trung tâm xã Huồi Tụ nay trở thành một thị tứ đông vui có hàng chục ki ốt buôn bán. Gia đình ông Vừ Chống Chơ, ở bản Trung tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn phấn khởi cho biết: Trước đây gia đình trên bản Huồi Mộ ở tít trên núi cao, năm 2011, con đường Tây Nghệ An mở, gia đình ông xin chuyển xuống bản Trung tâm ở. Từ chỗ phát rừng tra hạt quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đầu tắt mặt tối mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc, con em không được học chữ… nay xuống trung tâm Huồi Tụ vay vốn mở dịch vụ buôn bán, gia đình đã mua được ô tô bán tải, máy xay xát phục vụ cho công việc mua bán làm ăn. Từ hộ nghèo gia đình ông đã có của ăn của để, các con được học hành đến nơi đến chốn, có người đã trở thành cán bộ cốt cán của xã.
Chuội xuống dốc Phà Bún lại nhớ ngày trước vào xã Bắc Lý, leo dốc Phà Bún cùng tài xế xe ôm min-khơ đẩy xe nhiều hơn “ôm”. Vã mồ hôi đánh vật gần một tiếng đồng hồ mới vượt được dốc Phà Bún. Bây giờ Bắc Lý đã đổi khác, khi có QL16 đi qua, không còn heo hút như xưa. Gặp ông Vi Văn Oanh, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý cho biết: Xã có tới 73% là hộ nghèo. Trước đây để xóa đói, giảm nghèo cho người dân, huyện và xã có đưa vào các giống mận tam hoa, cam, quýt, dứa, vịt bầu Quỳ Châu nhưng không có hiệu quả. Trong đó phần lớn nguyên nhân do hệ thống giao thông, đường sá chưa thuận lợi. Nay có đường, bà con đã chủ động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng dịch vụ hàng hóa. Xã cũng chỉ đạo các thôn bản đẩy mạnh các giống cây trái phù hợp thổ nhưỡng, trồng thêm gừng, đào úc, nuôi bò bản địa… Tiếp giáp với Bắc Lý là xã Mỹ Lý, gặp Bí thư Đảng ủy Lô Văn Liệu vẫn không quên nhắc lại chuyện cũ: Xã chỉ cách thị trấn Mường Xén khoảng 50 km nhưng mỗi lần có việc xuống huyện phải ngủ đêm ở xã Huồi Tụ, nếu chống thuyền xuôi thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương hay đi về Vinh phải mất 5 ngày và 7 ngày ngược thuyền lên. Nay nhờ có QL.16 đi qua, cuộc sống người dân nhiều thuận lợi, ra huyện chỉ mất 1,5 tiếng. Mỗi ngày có hơn chục chuyến xe chở khách, xe chở hàng từ Vinh lên, từ Mường Xén vào Mỹ Lý và ngược lại. Giá hàng hóa không chênh lệch so với mặt bằng chung với miền xuôi. Các sản phẩm của bà con làm ra như gạo nếp, rau, trâu, bò, lợn, gà,… nhiều khi không đủ cung cấp cho thị trường. Thay cho xuồng máy lên thác xuống ghềnh nguy hiểm ngày trước nay là xe máy, ô tô đỡ vất vả hơn. Những vùng bản có điện lưới quốc gia, có tới 70-80% hộ mua sắm được ti vi, tủ lạnh… Từ khi QL.16 hoàn thành, xã có điều kiện quy hoạch lại vùng dân cư, di vén các hộ dân ở dọc sông Nậm Nơn có nguy cơ sạt lở lên sống dọc quốc lộ và dần hình thành các điểm dịch vụ, thương mại. Cả xã hiện có 15 xe ô-tô phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa. Ông Kha Văn Long, bản Xiềng Tắm vui vẻ chia sẻ: “Khi có đường to đi qua bản, vợ chồng tui chớp thời cơ ra mặt đường kinh doanh vật liệu xây dựng và hàng hóa thiết yếu khác. Cùng với đó, gia đình còn tổ chức thu mua hàng nông sản, gia súc, gia cầm cho bà con… Làm ăn thuận lợi, nay gia đình đã làm được ngôi nhà trị giá gần một tỷ đồng, mua hai xe ô-tô để vận chuyển hàng hóa”. Hộ ông Kha Văn Long là một trong số hàng chục hộ ở Mỹ Lý phát triển dịch vụ, thương mại, chăn nuôi trang trại… vươn lên khá giả.
Nhớ lúc chia tay xuất phát từ điểm đầu của tuyến đường này, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe nói: QL.16 là tuyến đường có tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế, an sinh, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho các huyện vùng biên giới miền Tây Nghệ An. Nhờ có QL. 16 đi qua địa bàn năm xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn mà các địa phương đã có điều kiện mở rộng các điểm dân cư, khuyến khích hình thành các điểm thương mại, dịch vụ ở dọc tuyến quốc lộ này.
Từ Mỹ Lý sang xã Nhôn Mai huyện Tương Dương chỉ 30 km, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai Và Bá Tịnh đón chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện và cũng không quên nhắc lại chuyện khó khăn, vất vả trước đây của bà con người Mông bản Huồi Cọ quê ông và cả xã Nhôn Mai: Năm 2003, anh cùng hai bạn ở bản Huồi Cọ đi học lên cấp 2, cấp 3 nhanh mất 3 ngày mới đến được trường ở huyện. Nay có tuyến QL16, từ Huồi Cọ đi về huyện chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ. Bản người Mông Huồi Cọ xưa chon von trên đỉnh núi, giờ đã nằm sát đường ô tô. Bà con Huồi Cọ đã phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò, dê, thâm canh lúa nước, đặc biệt trồng được 66 ha cây chanh leo hàng hóa, đến vụ tư thương đưa ô-tô vào tận nơi thu mua, thu nhập hàng tỷ đồng/năm… Nhờ vậy, Huồi Cọ “trên mây” đã trở thành điểm sáng, là bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới. Lên đây mới thấy rõ đúng như Bí thư Huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải đã khẳng định, tuyến đường Tây Nghệ An đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho huyện về giao thông. Hiện nay việc đi vào các xã thuộc vùng trũng Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông… đã rất thuận lợi. Đây là cơ hội đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc; Tập trung giải quyết các điểm nóng về ma túy; ổn định dân cư, sản xuất, tránh di, dịch cư trái phép…
Khi cầm bút viết bài này lại nhớ khuôn mặt rạng ngời của ông Và Gà Sua, Giám đốc Hợp tác xã Huồi Cọ khi kể chuyện làm ăn của bản quê mình: “Ngoài gần 66 héc ta chanh leo, hiện Huồi Cọ còn có 3 héc ta gừng, 6 héc ta dưa, gần 2 héc ta khoai sọ và nuôi hơn 650 con trâu, bò, trong đó có hơn 30 con bò tập thể, hộ nào cũng nuôi trên 100 con gà, giống gà đen bản địa. Mỗi năm thu nhập gần 21 tỷ đồng, đạt thu nhập bình quân đầu người 52 triệu đồng/năm…”. Nhớ nét mặt tươi vui của anh Lỳ Bá Chá, bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong ở chợ Tri Lễ đang bán các loại sản phẩm bầu, bí, rau, dưa, đào… do gia đình sản xuất. Lý Bá Chá chia sẻ: “Trước đây bà con người Mông trồng được nhiều rau, đào, nuôi được gà, lợn, trâu, bò, dê… không bán được, giờ có đường, ô tô vào tận bản thu mua lại được giá. Ngày trước từ Tri Lễ sang Mường Lống, huyện Kỳ Sơn chỉ có con đường duy nhất là bắt xe xuống Vinh rồi ngược lên Kỳ Sơn theo Quốc lộ 7 hoặc vượt rừng trèo đèo lội suối. Nay đường đã rút ngắn từ hơn một ngày chỉ còn hai tiếng đồng hồ đi xe máy. Từ khi có đường thuận lợi, rảnh là phóng xe máy sang thăm bà con anh em bạn bè bên Mường Lống, vui lắm, sướng lắm!”.
Nhìn những khuôn mặt vui sướng khi kể chuyện đổi thay của vùng đất này và thấy những nụ đào trên sườn núi bắt đầu chúm chím nở, thấy rõ, Huồi Cọ, Pà Khốm… và nhiều vùng bản của đồng bào các dân tộc bên đường “ngang trời” này đã thực sự đổi đời đón những mùa Xuân ấm no, hạnh phúc!

Minh Thư

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 10 tháng 1+2/2021/Chào Xuân Tân Sửu)