Con đường từ Mường Xén lên đến Cổng Trời Mường Lống nhẹ bẫng, gọn ghẽ, phẳng phiu. Núi gối núi trong mướt mát sắc xanh, vô vàn cây lá đan xen và chẳng ai có thể trả lời chính xác về các loại cây lá, hoa rừng nơi đây. Phía xa, từng đám mây ánh lên, tơi xốp, lãng đãng, bồng bềnh trườn lên núi, mải miết tô điểm thêm sự kỳ vĩ cho núi rừng Kỳ Sơn. Nhớ lại, cách đầy khoảng 8 năm, tôi lên Mường Lống trên con đường trắc trở, gồ ghề, và đôi chân như rã rời vì nhiều đoạn đường không có cách nào khác ngoài đi bộ.

Quãng đường từ Mường Lống xuống Mỹ Lý dài chừng 20km. Trời đổ mưa, không khí dịu xuông và dễ chịu hẳn. Ai đó bắt đầu kể những câu chuyện hài hước, hóm hỉnh khiến cả xe rộ tiếng cười. Tiết trời dễ chịu cùng sự quan tâm, sát cánh của cán bộ huyện trong hành trình với đoàn văn nghệ sỹ Nghệ An khiến ai cũng an tâm và háo hức được khám phá những điểm đến.

Thuyền xuôi sông Nậm Nơn đưa đoàn văn nghệ sỹ Nghệ An đến với bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý

Về Mỹ Lý, đoàn chúng tôi đến với bản Yên Hòa, một bản người Thái được mệnh danh là “viên ngọc thô”, phải đi thuyền 3,5km trên sông Nậm Nơn. Con sông Nậm Nơn, bắt nguồn từ Hủa Phăn, Lào, đang trở màu nước, chảy mạnh hơn trong cơn mưa. Đứng từ Đồn Biên phòng 527 (còn gọi là Đồn Biên phòng Mỹ Lý) nhìn xuống dòng sông, tôi thấy ngợp vì độ cao. Muốn xuống bến sông, phải đi bộ, qua từng bậc tam cấp cao, ướt nhẹp đất, lá. Chúng tôi bám vào nhau đi trong mưa rừng. Con thuyền tròng trành dưới bước chân lẩy bẩy của mọi người. Giữ cho thuyền cân bằng dường như là một điều rất khó với anh em văn nghệ sỹ chân yếu, tay mềm. Tôi bíu chặt lấy thành thuyền trong trạng thái căng thẳng, dưới kia, những con nước vô tư đùa giỡn khiến tay tôi căng cứng, lộ hẳn từng đường gân xanh xám. Thi thoảng, đáy thuyền kêu lên càn cạt, tiếng sóng xô vào nhau ù ập, tạo hố sâu xoắn lại, vỡ toang. Chẳng còn được nghe những câu chuyện dí dóm hay chụm lấy nhau để chụp một bức hình, tất cả tự điều chỉnh tâm trạng để bớt đi sợ hãi.

“Đã tới rồi!”, ai đó thốt lên một cách vui mừng. Chúng tôi rời thuyền trong tiếng thở gấp, vì quãng đường từ bến sông lên bản rất dốc. Ngước lên cao, những ngôi nhà sàn ẩn hiện giữa khung trời xanh mướt, thấp thoáng bóng các cô gái, váy áo xúng xính, rạng rỡ nói, cười, tay cầm ô đi xuống đón đoàn. Tôi ngỡ như mình đang là vị giám khảo trong một cuộc thi sắc đẹp. Chúng tôi ghép từng đôi, sánh bước trong làn mưa lây rây của đất trời. Ấn tượng đầu tiên khiến lòng tôi không khỏi xốn xang, chộn rộn.

 Đoàn được bố trí ở trong những ngôi nhà sàn gỗ đã được cải tiến bằng nguyên vật liệu hiện đại như gạch, tôn.., để xây tường, lợp mái. Từ xa nhìn lại, chúng khá nổi bật giữa núi rừng xanh mướt. Được biết, Yên Hòa đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng. Nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống khá đặc sắc thu hút du khách đến khám phá, như: câu lạc bộ dân ca, dân nhạc Thái; làng nghề dệt thổ cẩm… Từ những căn nhà sàn, thấp thoáng bóng dáng những người đàn ông, đàn bà và những đứa trẻ với nụ cười tươi, ánh mắt thân thiện, hiền lành. Dưới sàn, bếp lửa rực lên, mùi thơm của nếp nương, của cá, thịt nướng,… làm tan chảy vị giác. Sau những nụ cười, chào hỏi thân thiện của trưởng bản, của bà con, một bữa cơm đầy bản sắc nhanh chóng được dọn ra: gà đen, lợn đen, cá nướng, chõ xôi,…. Giữa nhà, một chiếc mâm mây bày lên hai đĩa gà đen, một bát muối, gạo,… và những sợi chỉ màu đỏ, tôi nghe tiếng thầy mo cất lên. Tất cả lặng im, lắng nghe từng lời. Nhờ những nụ cười thân thiện, và lời giải nghĩa từ một cô gái, chúng tôi hiểu đó là nghi thức làm vía cho mạnh khỏe, đi về nhà an toàn, không gặp xui xẻo nên cảm thấy nhẹ nhõm, vững lòng, nhất là nghĩ đến chuyến trở về trên con sông Nậm Nơn trong cơn mưa rừng. Bữa cơm vùng cao chìm trong men say của tình người, của ché rượu, của nếp nương nồng,….

Đoàn văn nghệ sỹ hoà chung điệu múa cùng dân bản

Đêm ấy, bản như một ngày hội. Tiếng nhạc vang lên trong không gian núi rừng thanh vắng. Được bố trí ngồi mấy hàng ghế đầu, chúng tôi thỏa sức nhìn ngắm vẻ đẹp của các cô gái Thái trong trang phục truyền thống duyên dáng và tinh tế với áo cóm có hàng cúc bạc chạy dọc từ cổ xuống hông đẹp như đóa hoa rừng; đôi chân nhịp nhàng, bàn tay uyển chuyển kèm nụ cười tươi rói trong điệu múa xòe làm thôi miên tất thảy chúng tôi. Chủ và khách cùng hòa theo giai điệu bài hát “Đi xa để trở về”. Bài ca cứ ngân lên mải miết như tình yêu của du khách đối với cảnh sắc và con người nơi đây. Tôi chênh chao trong điệu múa uyển chuyển, trong men rượu ngọt lừ, trong ánh mắt reo vui và nghĩ tới cách đây hơn 5 năm, trong “Đêm văn nghệ giao lưu văn nghệ sĩ 5 vùng kinh đô và 6 tỉnh Bắc miền Trung” nhân dịp Kỷ niệm 35 năm Tạp chí Sông Hương tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lúc đó, tôi cũng bị cuốn hút lạ kỳ bởi những đôi mắt của người dân nơi đây, nó ánh lên nghị lực và lòng hiếu khách. Phải chăng đó là nghĩa tình, là giá trị sống của người dân vùng núi cao trên mọi miền đất nước!

Chúng tôi về lại căn nhà sàn với bước chân vui nhộn. Chủ nhà đã soạn sửa tươm tất chăn, ga, gối, đệm. Không tiếng nói chuyện, không tiếng vui đùa. Tất cả đang nồng say trong giấc ngủ cùng cơn mưa giữa núi rừng kỳ vĩ.

Tác giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản Yên Hoà

Tôi thức giấc, bản làng sáng bừng trong ánh điện phát ra từ tua bin. Trong không gian tĩnh mịch, tiếng chim cất vang, tiếng nước chảy róc rách mang đến cảm giác thật trong lành, thật bình yên. Không ngủ nữa, tôi dò dẫm, chậm chạp xuống cầu thang. Thứ ánh sáng đỏ hồng từ gian bếp, mùi nếp nương thơm nồng lan vào vị giác đang ngái ngủ của một kẻ đang bồn chồn vì đói. Ngọn lửa quấn lấy chiếc nồi cao, xỉn đen, minh chứng cho việc nó đã được sử dụng rất nhiều để phục vụ việc nhà, tiếp khách; phía trên bếp là một tấm phên được đan từ mây cũng đen xỉn. Bà chủ bảo: “Đây là nơi gác thịt, gác cá,… để dùng vào những ngày đông giá rét, hoặc đón khách quý đó”. Nghe đến đó, tôi chợt nhớ món đặc sản bò giằng của đồng bào miền núi. Trong những dịp Tết đến, xuân về, ngồi cả ngày tỉ tê với đám bạn, thưởng thức món bò giằng mới cảm nhận đủ vị ngọt, thơm và quyết rũ của thứ đặc sản vùng cao ấy. Rồi nào là cháo, mìn mịn làm từ cà; cá nướng Pa pỉnh tộp, thơm gia vị núi rừng với vị cay nồng; đến những chỗ xôi nho nhỏ, xinh xắn với nhiều màu sắc,… Tất cả cứ cuốn lấy chúng tôi đến tận ngày về.

Kỳ Sơn – núi sông hùng vĩ. Ảnh: Nguyễn Đạo

Cầm chiếc áo mưa từ chủ nhà trước lúc chia tay, tôi thấy nuối tiếc, hụt hẫng vì thời gian không cho phép ở lâu hơn nữa để cảm nhận hết vẻ đẹp của “hòn ngọc thô” của miền Tây xứ Nghệ. Dòng sông Nậm Nơn hiện ra giữa ngút ngàn xanh mướt khiến chuyến trở về đầy bâng khuâng. Hẹn gặp lại Yên Hòa trong một sắc thái hoàn mỹ, lấp lánh hơn:

Đò ơi, đò ơi!
Có về bên nớ mướt xanh
Cho em xúng xính váy hoa
Cho em ủ nóng nếp nương nhà
Cho ngọn lửa hồng reo vui ánh mắt
Cho ai chưa ngủ trọn đêm.
Đò ơi
Đò.

Thanh Bình