Mới đây thôi, một cây bàng cổ có tuổi đời gần 250 năm ở huyện Đô Lương đã cạn kiệt sự sống trơ cành lá cháy khô và đã được chính quyền địa phương tiến hành xử lý. Nhìn cây cổ thủ gắn bó hàng trăm năm giờ đây phải chặt bỏ, đào lên, bao người dân không khỏi xót xa, tiếc nuối…

Đó là cây bàng cổ nằm trên quốc lộ 7 thuộc làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương.

Theo gia phả họ Nguyễn ở xã Nam Sơn, cây bàng được trồng cuối năm 1778, ngay cạnh đền thờ ông Nguyễn Đăng Quý – một người có công lớn với triều đình. Ông được Nhân dân xây dựng đền thờ, quanh năm hương tỏa nhớ ơn.

Cây cao khoảng 15m, đường kính thân cây gần 2m. Khi còn sống, thân cây phủ một lớp cây sống cộng sinh; cành cây rêu phong, quanh năm tỏa bóng che chở cho dân làng Nhân Hậu.

Cây bàng làng Nhân Hậu còn là chứng tích lịch sử của phong trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931. Sách lịch sử Đảng bộ xã Nam Sơn ghi: “Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Hy, vào một đêm cuối tháng 9 năm 1930, hai đồng chí Phan Đình Hợi (tức Phan Đình Tiếu) và Nguyễn Hữu Biền (tức Nguyễn Hữu Thoan) bí mật treo cờ tại cây bàng cổ thụ”. Năm 2018, cây bàng cổ xã Nam Sơn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích, danh Thắng Nghệ An. Và đến năm 2020 tỉnh đã phân cấp giao cho UBND huyện Đô Lương quản lý.

Cây bàng cổ đã trở thành một tài sản thiêng liêng, là niềm tự hào của các thành viên làng Nhân Hậu nói riêng và người dân Đô Lương nói chung.

Trong điều kiện của một miền quê có thời tiết khắc nghiệt, mưa to nắng cháy, cây bàng cổ thụ dường như là cầu nối cho mối quan hệ hài hòa giữa người dân địa phương với thiên nhiên. Tọa trên con đường vào làng, nó như người gác cổng lặng lẽ và cần mẫn đón đưa những người con của làng đi ra, về lại qua lớp lớp thế hệ. Để rồi, như gió, như mây, như máu chảy trong huyết quản nó trở thành một phần sâu lắng, thiêng liêng và không thể thiếu trong tâm hồn, trong tình cảm của người dân Nhân Hậu, người dân Đô Lương. Phải vậy chăng mà nhà thơ, nguyên Tổng Biên tập báo Vietnamnet Bùi Sỹ Hoa, người con của làng Nhân Hậu đã viết một bài thơ rất dài, hay, rất xúc động về cây bàng cổ quê nhà: Sớm tối người làng tôi/ đi ra/trở về/mang theo hành lý số phận/Nhỏ to/Nặng nhẹ/Cây bàng bao lần đón tiễn/Lặng lẽ/Xạc xào/Vươn rộng vòng tay xanh”.

Được biết ngày 28/5/2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã nhận được Công văn số 1118/UBND.VX về việc xử lý cây bàng cổ thụ thuộc di tích đền Cả, xã Nam Sơn nay đã lão hóa sinh học và sâu bệnh. Ngày 6/6, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi UBND huyện Đô Lương về việc xử lý cây bàng cổ thụ ở xã Nam Sơn. Theo đó, do cây đã bị chết hoàn toàn và để đảm bảo an toàn trật tự giao thông, huyện Đô Lương cần có biện pháp xử lý phù hợp với cây chết khô, nghiên cứu phương án trồng cây mới thay thế. Ngày 20/7, UBND xã Nam Sơn đã tiến hành xử lý chặt bỏ cây bàng hàng trăm năm tuổi, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, đặc biệt là trong mùa mưa bão đang đến gần.

Vậy là thành viên thân yêu, thân thiết của người dân Nhân Hậu, một chứng nhân cho tình yêu quê hương, cho tinh thần đấu tranh quật cường chống ngoại xâm của người dân Nam – Bắc – Đặng Đô Lương đã mãi mãi vĩnh biệt chúng ta. Hẳn là nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, để rồi giờ đây lại an bình về trong lòng đất. Thật dễ sẻ chia với tâm tư, tình cảm của bao người con Đô Lương những ngày này khi họ bày tỏ nỗi buồn, tình yêu, sự nuối tiếc với cây bàng cổ quê hương trên các trang mạng xã hội.

Sẽ không còn cây bàng cổ sừng sững trên con đường quốc lộ 7 vào làng Nhân Hậu, Đô Lương, nhưng lịch sử và tình cảm của ngươi dân Đô Lương, nhất là người làng Nhân Hậu còn mãi sống động hình ảnh một cây bàng thân thương và kiêu hãnh.

Tạp chí Sông Lam xin ghi lại những giờ phút cuối cùng trước khi chính quyền giúp cây bàng cổ làng Nhân Hậu vĩnh biệt chúng ta về với lòng đất mẹ, với vũ trụ bao la.

Ảnh: Rạng Đông
Nội Dung: Kiều Nga – Rạng Đông