Đặt Em vào giữa chiều thu
Trời thành tơ lụa. Mây mù mỏng tang
Đặt Em vào cõi mơ màng
Mắt đen. Môi đỏ. Ngỡ ngàng hiện lên
Đặt Em vào xứ thần tiên
Nụ hôn run rẩy nối liền thịt da
Đặt Em vào giữa bao la
Đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh
Đặt Em vào vòng tay anh
Vòng tay nảy những chồi xanh. Ai ngờ
Đặt Em dưới ngực. Cuộc cờ
Không vì thắng bại. Đôi bờ cỏ non
Mặt anh tắm nước suối nguồn
Da thơm mùi cỏ. Tóc thơm gió trời
Anh đi. Em sát bên người
Chuyến xe mộng mị. Buồn vui theo cùng
Lòng anh cười khóc. Mông lung
Biệt ly. Ai chẳng đã từng biệt ly
Đặt Em về chốn phẳng lỳ
Đặt Anh về phía chân đi không đành
Nhớ nhau. Vàng đá để dành
Trời xanh. Áo lụa. Lá cành cùng xanh…

                   ( Nguyễn Trọng Tạo)

                                                     *************
    Con người Nguyễn Trọng Tạo và thơ của ông, có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, học giả nổi tiếng đã “phân tích”, “mổ xẻ”. Những bài viết đó có thể đóng thành một tuyển tập dày. Nhưng tôi tự cho rằng, tôi nhìn thấy ở ông những điều mà người khác không nhìn thấy, hay cũng nhìn thấy tựa như tôi, nhưng dưới một lý giải khác.
Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi luôn hình dung ông là cả một cõi giới bao la, sâu thẳm. Những cảm xúc ào ạt xô bờ như biển, và những khu rừng bí hiểm không biên giới của những ý tưởng.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Đoàn Tử Huyến.

Có một bài thơ của ông mà ít người để ý. Không hiểu sao, khi đọc nó tôi đã rơi nước mắt. Bài thơ thuộc hàng giản dị nhất của ông: Viết Cho Em, được viết vào năm 2012 (về sau này thấy ông đổi thành Về em).
    Trong Viết Cho Em, điều làm cho tôi ấn tượng không phải là một nhân vật Em rất đẹp, rất kiều diễm, “Mắt đen, Môi đỏ” với “đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh”, với “da thơm mùi cỏ, tóc thơm gió trời…” Điều làm cho tôi ngạc nhiên, chính là vì cái hành động “Đặt Em”. Có thể người phụ nữ ở đây chỉ bình thường như rất nhiều phụ nữ khác, nhưng với trái tim tràn ngập yêu đương của một thi sĩ, ông đã
“Đặt Em vào giữa chiều thu”
Để
“Trời thành tơ lụa. Mây mù mỏng tang”
Và:
“Đặt Em vào cõi mơ màng
Mắt đen. Môi đỏ. Ngỡ ngàng hiện lên
Đặt Em vào xứ thần tiên
Nụ hôn run rẩy nối liền thịt da
Đặt Em vào giữa bao la
Đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh”
Thật hạnh phúc cho người phụ nữ nào có được những khoảnh khắc tình yêu của ông. Và ai nói rằng, tình yêu trai gái không phải là hiện thân của tâm từ? Thật sự, nếu không có một trái tim đầy từ ái, làm sao Nhà thơ có thể đặt người phụ nữ của mình vào trong những cảnh giới đẹp đẽ đến như thể, để họ cũng trở thành đẹp đẽ đến như thế?
Rồi tình yêu thăng hoa:
“Đặt em vào vòng tay anh
Vòng tay nảy những chồi xanh. Ai ngờ
Đặt Em dưới ngực. Cuộc cờ
Không vì thắng bại. Đôi bờ cỏ non”
Chà! Nguyễn Trọng Tạo viết về “chuyện yêu” mà không phải viết về chính nó, là viết về cái thần của nó, cái xúc cảm có được từ nó. Toàn bộ cuộc tình được trần thuật, nhưng lại thật thanh tao. Tôi nghĩ Hồ Xuân Hương nếu đọc những dòng này chắc phải mỉm cười thán phục: Và một tình cảm viên mãn, cũng là sự tri ân đối với người bạn tình:
“Mặt anh tắm nước suối nguồn
Da thơm mùi cỏ. Tóc thơm gió trời”
Rồi chợt tình yêu thần tiên phải đối diện với thực tế cõi đời buồn bã:
“Anh đi. Em sát bên người
Chuyến xe mộng mị. Buồn vui theo cùng”
Và con tim thi sĩ đa sầu, đa cảm, đã nhìn thấy trước sự chia ly. Dẫu cho trong đời đã từng trải qua bao nhiêu cuộc chia ly, thì cuộc nào cũng sẽ là như nhau tại thời điểm ấy, sầu buồn thăm thẳm:
“Lòng anh cười khóc. Mông lung
Biệt ly. Ai chẳng đã từng biệt ly”
Vì anh biết, Em sẽ về với cuộc đời thường nhật, với những bổn phận mà Em đã tự đặt ra cho mình:
“Đặt em về chốn phẳng lỳ”
Mặc dù vậy, con tim vẫn vương luyến:
“Đặt anh về phía chân đi không đành”
Đến đây, chúng ta không thể không để ý đến cái tài tình tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trọng Tạo. Ông đã “đặt Em về chốn phẳng lỳ” và tự đặt mình “về phía chân đi không đành”. Tại sao lại là “chốn”? Và tại sao lại là phía? Vì Em đã đành lòng xa anh để quay trở lại với cuộc sống thường nhật, với những bổn phận và sự bình an. Đó là nơi chốn của nàng. Còn với người thi sĩ, thậm chí phía trước còn chưa phải là một con đường, mới chỉ là một hướng đi, mênh mang vô định. Mà phía sau, tình yêu đã khuất xa. Thật bùi ngùi cho bước chân đi không đành ấy.
Ta cũng có thể thấy những sắc màu phong phú, cùng những hình ảnh thật sắc nét trong bài thơ: “trời thành tơ lụa, mây mù mỏng tang” hay “mắt đen, môi đỏ” hay “đôi bờ cỏ non” … Nguyễn Trọng Tạo luôn là một hoạ sỹ tài hoa khi làm thơ.
Và đây nữa:
“Nhớ nhau. Vàng đá để dành
Trời xanh. Áo lụa. Lá cành cùng xanh…”
Ôi. Ai nói Nguyễn Trong Tạo không chung tình trong tình yêu?
Tình yêu còn mãi trong tim, cho dù đó là tình yêu thứ mấy. Tôi tin chắc rằng với Nguyễn Trọng Tạo là như vậy.
Tình yêu của một Người Trời lạc xuống cõi người.

Hoàng Thị Quỳnh Anh