Sáng ngày 27/6, tại thị xã Cửa Lò, Nhà Xuất bản Phụ nữ phối hợp với Tạp chí Sông Lam và Chi hội VHNT thị xã Cửa Lò tổ chức buổi Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Võ Minh.

Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Võ Minh

Tham dự buổi tọa đàm có bà Khúc Thị Hoa Phượng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ; ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; ông Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; bà Phạm Thùy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam; đại diện lãnh đạo thị xã Cửa Lò, Nhà Xuất bản Nghệ An cùng các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhà giáo, bạn bè, bạn đọc yêu mến tác phẩm của Võ Minh.

Ông Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An tặng hoa chúc mừng vợ chồng nhà văn Võ Minh

Nhà văn Võ Minh, quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là  cựu chiến binh, thương binh ¼. Anh đã trải qua những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường Đông Nam Bộ. Sau năm 1975, anh vào học Đại học Bách Khoa và trở thành kỹ sư điện. Nhưng những xót xa, day dứt khôn nguôi trước những gương hy sinh dũng cảm, những mất mát to lớn của đồng đội đã khiến anh cầm bút và đến với văn học.

Bìa tiểu thuyết Lốc xoáy của nhà văn Võ Minh

Tính đến nay, nhà văn Võ Minh đã xuất bản 3 đầu sách: Có một thời như thế (Hồi ký, NXB Thanh niên, tái bản lần thứ 8); Nghị quyết cây khế (Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2014) và Lốc xoáy (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ, 2022). Các tác phẩm của Võ Minh đã được bạn đọc hưởng ứng, đón nhận. Nếu tác phẩm đầu tay hồi ký Có một thời như thế xúc động độc giả bởi “gần như không có trang nào không thấy rớm máu, không có trang nào không thấy thủng lỗ chỗ vết đạn bom (…) giúp ta nhận ra toàn cảnh của cuộc chiến đấu một mất một còn suốt 15 năm của những người lính cách mạng” (lời Thụy Kha) thì Lốc xoáy – cuốn tiểu thuyết gần đây của ông lại hấp dẫn bạn đọc bởi cái nhìn lịch sử và thời cuộc vừa chân thực, sắc sảo nhưng cũng rất nhân văn; vừa mạnh bạo, dữ dội nhưng cũng rất khách quan, điềm tĩnh. Lốc xoáy thực sự là tác phẩm dày công, một bước tiến trong hành trình sáng tác của Võ Minh. Cuốn tiểu thuyết bao quát một thời kỳ khá dài của lịch sử dân tộc, từ công cuộc cải cách ruộng đất (1954-1955) đến những năm đầu của Đổi mới (khoảng 1986 – 1990). Tác phẩm đã tạo được sự chú ý của dư luận, một số bài viết giới thiệu tác phẩm này đã xuất hiện trên các báo, tạp chí.

Bà Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam trình bày đề dẫn

Buổi tọa đàm về tác phẩm Võ Minh ban đầu xuất phát từ ý nguyện của một số bạn bè, độc giả của nhà văn Võ Minh ở Nghệ An. Ý tưởng ấy được sự đồng tình, hỗ trợ tích cực của NXB Phụ nữ, Tạp chí Sông Lam và Chi hội VHNT thị xã Cửa Lò. Sau một thời gian thông báo không dài, Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 16 bài viết của các nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, bạn đọc từ nhiều miền quê khác nhau gửi đến.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ phát biểu ý kiến

Tại buổi tọa đàm, có 6 bài viết và 5 ý kiến phát biểu trực tiếp của các tác giả Nguyễn Văn Hùng, Trần Vũ Bảo, Nguyễn Thụy Kha, Hà Vinh Tâm, Phạm Quỳnh An, Đinh Trí Dũng, Bùi Việt Thắng, Vũ Ngọc Tiến, Lê Đình Hòa,…. được trình bày đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề:

– Đánh giá cao động lực sáng tác, tư cách công dân, ý thức trách nhiệm cao cả trước những hy sinh dũng cảm, những mất mát to lớn của đồng đội trong chiến tranh, đồng thời cũng là ý thức tìm về quá khứ, nhìn lại quá khứ – kể cả những sai lầm khuyết điểm để rút ra những bài học cần thiết cho hiện tại, vì sự nghiệp phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Đó là nền móng vững chắc, căn nguyên tạo nên những thành công trong tác phẩm Võ Minh (…).

– Đánh giá cao hồi ký Có một thời như thế ở cách tiếp cận “hiện thực khốc liệt” của cuộc chiến, những hy sinh, mất mát to lớn và cả “tình đồng đội phi thường” cảm động, làm nên bản chất tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

– Số lớn các bài viết đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu những thành công và đóng góp của tiểu thuyết Lốc xoáy trên cả 2 phương diện nội dung và nghệ thuật. Lốc xoáy viết về những “cơn lốc” dữ dội ảnh hưởng đến số phận của hàng triệu con người trong quá khứ. Trong những cơn lốc ấy có Cải cách ruộng đất (1953-1955), phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn ở miền Bắc (những năm 60,70 của thế kỷ trước). Ở một góc nhìn nào đó, có thể xem Lốc xoáy là một tiểu thuyết lịch sử. Tác giả đã có một cách tiếp cận hiện thực trong quá khứ vừa chân thực, khách quan, có mặt dữ dội, lại vừa điềm tĩnh, thắm đẫm chất nhân văn, không nhằm mục đích khoét sâu vào những vết thương mà chính là để hàn gắn đau thương, mong muốn con người sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn dù mặt trái của cơ chế thị trường đang gây ra rất nhiều hệ lụy.

PGS,TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An phát biểu tổng kết
Nhà văn Võ Minh bày tỏ lời cảm ơn về buổi tọa đàm

Ngoài ra, tại Hội thảo cũng đã có một số ý kiến trao đổi, phát biểu trực tiếp rất ý nghĩa của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ, nhà giáo: Nguyễn Quang Tuyên, Mai Nam Thắng, Lê Phương Liên, Phạm Xuân Cần… đã làm rõ hơn một số phương diện trong sáng tác của nhà văn Võ Minh.

Hoàng Nguyên