Nhà văn Võ Minh là một cựu chiến binh, thương binh nặng 1/4 (mất sức 81%), đã từng đi qua những trận chiến khốc liệt ở miền Đông Nam Bộ trong chiến tranh chống Mỹ. Anh đã có một số cuốn sách được xuất bản như Có một thời như thế (Hồi ký – Nxb Thanh niên, 2007, tái bản lần thứ 8 năm 2022), Nghị quyết cây khế (Nxb Hội Nhà văn, 2014), Lốc xoáy (Nxb Phụ nữ, 2022). Có người nói Võ Minh bước vào con đường văn chương như một người “ngoại đạo”. Có một thời như thế là cuốn hồi ký chân thực, là “món nợ phải trả” về tình đồng đội, về những hy sinh anh dũng, những mất mát to lớn của người lính trong chiến tranh, gây xúc động với nhiều thế hệ độc giả. Nhưng Lốc xoáy – cuốn tiểu thuyết bao quát một thời kỳ khá dài của lịch sử dân tộc, từ công cuộc cải cách ruộng đất (1954 -1955) đến những năm đầu của Đổi mới (khoảng 1986 – 1990) – mới thực sự là tác phẩm tiểu thuyết dày công, một bước tiến trong hành trình sáng tác của Võ Minh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Cuộc tọa đàm Về tác phẩm của nhà văn Võ Minh do NXB Phụ nữ, Tạp chí Sông Lam của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, Chi hội VHNT thị xã Cửa Lò phối hợp đồng tổ chức ngày 27/6/2023 tại Cửa Lò đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, bạn đọc, bạn chiến đấu của nhà văn Võ Minh.

Sau bài phát biểu Đề dẫn tọa đàm của nhà báo Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, phát biểu của Giám đốc – TBT Nhà xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng, các cử tọa đã được nghe 6 tham luận trong số 13 báo cáo khoa học gửi đến Ban tổ chức. Ngoài ra còn có 5 ý kiến tranh luận, phát biểu trực tiếp. PV Tạp chí Sông Lam xin tóm lược các nội dung tham luận, các ý kiến phát biểu trực tiếp tại buổi tọa đàm.

Nhà lý luận phê bình Hà Vinh Tâm chia sẻ cảm xúc về tác phẩm “Có một thời như thế”.

Nhà lý luận phê bình Hà Vinh Tâm trong một tham luận đầy cảm xúc khẳng định: “Có một thời như thế là bức tượng đài cao đẹp về người lính bộ đội cụ Hồ. Đó là chân dung của những người lính kiên cường, dũng cảm, thông minh, bản lĩnh nhưng cũng giàu tình nghĩa. Những người lính dù gặp nguy khốn vẫn không sờn lòng. Có những người lính dù bị tra tấn dã man, bị địch điên cuồng tra tấn vẫn không hé nửa lời lộ thông tin để quân ta triển khai được kế hoạch, giành những thắng lợi lớn mà không bị tổn thất nào. Có những người lính dù bị thương nặng vẫn kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Tác giả cũng cho rằng: “Đó là hành trình trở về ký ức của chính anh về một thời đã lùi xa – một thời đau thương nhưng đầy tự hào không thể nào quên đối với một thế hệ, một đất nước. Hành trình ấy cũng chính là hành trình đối thoại của con người hiện tại đối với con người quá khứ và những gì liên quan, thuộc về quá khứ cho đến hôm nay. Trong hành trình trở về ấy có cả nỗi đau và niềm tin!” (Nỗi đau và niềm tin trong hành trình trở về “Có một thời như thế” của Võ Minh).

Bạn đọc Nguyễn Thị Quy (PGS.TS kinh tế, bạn học của nhà văn Võ Minh) phát biểu cảm nhận ấn tượng sâu đậm của chị khi đọc cuốn hồi ký Có một thời như thế: “Với lối kể chuyện mộc mạc, chân thực, không tô vẽ, hư cấu, không thêm bớt, hình ảnh người lính trong hồi ký của anh cứ như đang sừng sững đứng trước mặt tôi, cứ day dứt, cứ ám ảnh bất kỳ một ai khi đã đọc, đã nghe không biết bao nhiêu lần trong chương trình đọc chuyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam vào những dịp nhớ về và tôn vinh người lính (…). Chiến tranh là thế, tàn khốc, đau thương và mất mát. Và sau tất cả mới là khúc khải hoàn ca. Võ Minh viết không để được gọi mình là nhà văn. Anh viết bởi sự thôi thúc của con tim, là trách nhiệm với những đồng đội của anh đã hy sinh trong cuộc chiến một mất một còn với quân giặc để giành lấy tự do, độc lập cho dân tộc” (Chân dung người lính trong hồi ký “Có một thời như thế”).

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng chia sẻ ấn tượng sau những lần gặp nhà văn Võ Minh.

Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng kể về ấn tượng sau những lần gặp nhà văn Võ Minh và đọc tác phẩm của anh. Nhà thơ dẫn lời của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội) phần cuối bài giới thiệu tiểu thuyết “Lốc xoáy”, đại ý: Đọc hết bản thảo cuốn sách, thấy bồi hồi, xúc động. Đấy, vẫn là một cuốn sách hay, cuốn hút độc giả bởi tính chân thật, góc nhìn riêng, mới về cải cách ruộng đất. Nó xứng đáng tìm được chỗ đứng sang trọng trên kệ sách các thư viện và tủ sách gia đình những người yêu sách, quan tâm đến lịch sử nước nhà… Theo nhà thơ Nguyễn Văn Hùng, bút pháp, giọng điệu trong “Lốc xoáy” thường đan xen chất hiện thực, tả chân và chất hài hước, trào lộng vốn là sở trường của người dân xứ Nghệ, khiến bạn đọc lắm khi không nhịn được cười, cười ra nước mắt! (Đọc và gặp tác giả tiểu thuyết “Lốc xoáy”).

Nhà giáo Trần Vũ Bảo khẳng định một phương diện tích cực của Lốc xoáy: “Giữa ba cơn lốc nhỏ, to trải dài qua 70 năm, tiểu thuyết Lốc xoáy hình thành ra hai tuyến nhân vật, mang tính điển hình và cuộc đời họ cũng chứa đựng đầy đủ triết lý nhân – quả của nhà Phật: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, một triết lý muôn đời không hề thay đổi. Trong tiểu thuyết Lốc xoáy tôi đau đớn, xót xa cho những phận người oan trái bao nhiêu, tôi càng trân trọng quý mến những cán bộ, đảng viên trung kiên, họ là những con người “mới” như ông Năm, như Hoe Quýnh, như Hoa, như Hoàng, như Minh Quang… bấy nhiêu. Tôi quý mến họ bởi họ là những nhân lành gieo quả ngọt. Tôi nhìn thấy họ trong thế hệ cha ông tôi trong cuộc cải cách “long trời lở đất” (“Nhân” lành gieo “quả” ngọt qua tác phẩm “Lốc xoáy” của Võ Minh).

PGS.TS Đinh Trí Dũng đi sâu phân tích cách khai thác tư liệu lịch sử, cách tiếp cận quá khứ lịch sử vừa khách quan, chân thực, vừa đầy ý thức trách nhiệm và thấm đẫm chất nhân văn của nhà văn Võ Minh: “Lốc xoáy của Võ Minh vừa là một cuốn tiểu thuyết mang màu sắc lịch sử, vừa là cuốn tiểu thuyết thấm đẫm chất hiện sinh hiện đại. Từ những hiện thực, nhưng cơn lốc trong quá khứ, Võ Minh đã góp phần khám phá, phân tích, luận giải về lịch sử, về văn hóa và con người ở tầng sâu và cả những mặt bí ẩn, khuất lấp của nó, từ đó muốn nhận chân sâu sắc các giá trị, các bài học của quá khứ để nối kết với thực tại hôm nay” (Lịch sử, ký ức và thực tại trong tiểu thuyết “Lốc xoáy” của Võ Minh).

Trang bìa tiểu thuyết “Lốc xoáy”.

Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng phân tích sâu sắc “ba cơn lốc lịch sử” trong Lốc xoáy và cách thể hiện của tác giả: “Tác giả Võ Minh là một cựu chiến binh, đã trải nghiệm chiến tranh, đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh của một thế hệ “thép đã tôi thế đấy”. Nên khi cầm bút viết văn, tôi nghĩ, tác giả có cái vốn liếng của trải nghiệm sống trực tiếp, hơn thế trải nghiệm văn hóa và bản lĩnh nghệ thuật để dựng lại một biên niên sử bằng ngôn từ tiểu thuyết. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn, theo tôi, là cái nhìn tựa trên nguyên tắc mỹ học của “cái bi kịch”. Ba cơn “lốc xoáy”, hay là những cuồng phong lịch sử, chính là nội dung có tính chất toàn bích (panorama) của tiểu thuyết. Trong tác phẩm, có ba cơn “lốc xoáy” nhìn từ góc độ lịch sử quốc gia/xã hội/ văn hóa/ đạo lý/ tâm lý: Cải cách ruộng đất (sau đó có sửa sai), chiến tranh lâu dài và ác liệt, hy sinh vô bờ bến; hậu chiến, bước vào làm ăn kinh tế trong cơ chế thị trường định hướng XHCN”. Tác giả chú ý đến một phương diện trong nghệ thuật Lốc xoáy: “Kỹ thuật tiểu thuyết theo “hiệu ứng Domino”, là nét độc đáo của Lốc xoáy. “Hiệu ứng Domino là một phản ứng chuỗi xảy ra khi một thay đổi nhỏ tại điểm gốc của hệ thống có thể gây ra những thay đổi tương tự tại các điểm lân cận, từ đó lan tỏa ra các điểm xa hơn và tạo ra một chuỗi thay đổi tuyến tính”. Tôi nghĩ, có thể tác giả vô thức (hoặc ý thức) vận dụng kỹ/chiến thuật của “hiệu ứng domino” khi viết Lốc xoáy” (Những ma trận đời sống).

Ngoài các bài tham luận, cử tọa cũng nghe các ý kiến trao đổi tranh luận trực tiếp của các nhà nghiên cứu, các nhà văn: Nguyễn Quang Tuyên, Mai Nam Thắng, Lê Phương Liên, Phạm Xuân Cần, Hoàng Xuân Thường,… Các ý kiến nhấn mạnh, làm rõ thêm cách thể hiện hiện thực độc đáo theo kiểu “lốc chồng lốc, bão chồng bão” trong Lốc xoáy, cách khéo léo “bẫy người đọc” trong trần thuật, so sánh nội dung Lốc xoáy với một số tiểu thuyết của dòng văn học “chấn thương” của Trung Quốc… Tại buổi tọa đàm, một nhân chứng (bạn chiến đấu của nhà văn Võ Minh) đã xúc động phát biểu cảm nghĩ và tặng Võ Minh một số kỷ vật chiến tranh.

Kết luận tọa đàm, PGS.TS Đinh Trí Dũng khẳng định “sự thành công và chất lượng khoa học của chương trình tọa đàm. Buổi tọa đàm cũng là sự tri ân cần thiết đối với một nhà văn thương binh đầy tâm huyết với lịch sử dân tộc, với công cuộc đổi mới của đất nước” (…). “Võ Minh viết chưa nhiều, nhưng những gì anh đã viết rất đáng được quan tâm, trân trọng. Hy vọng cuộc tọa đàm sẽ có những gợi mở cho những ai quan tâm hiểu thêm về tác phẩm của Võ Minh, đồng thời cũng giúp tác giả có thêm những suy nghĩ, những ý kiến giúp anh vững tin hơn trên con đường văn chương nhiều khó khăn, gập ghềnh mà anh đã chọn”.

Nội dung: Linh San
Ảnh: Hoàng Nguyên