Nói về  Xuân Thủy, nhiều người cả trong và ngoài nước đều ca ngợi ông là nhà chính trị tài ba, mẫn tiệp; nhà ngoại giao xuất chúng, lịch lãm; nhà báo sắc sảo, bản lĩnh; nhà thơ tinh tế, đằm thắm, lạc quan. Ông hội đủ phẩm chất của một nhà văn hóa lớn, tích hợp đủ tinh hoa văn hóa kim, cổ, Đông, Tây và vẫn luôn đặc sắc Việt Nam. Sẽ còn nhiều người, nhiều năm sau nữa nói như vậy và hơn thế. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được nhìn ông, ngưỡng vọng ông ở góc độ tầm cao văn hóa trong báo và thơ của ông.

Xuân Thủy sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Thân phụ ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ XX. Từ rất sớm, Xuân Thủy đã hăng hái làm nhiều việc giúp đỡ dân nghèo, chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Ngoài 20 tuổi, ông chọn nghề viết báo, gửi bài đăng trên các báo Tin Tức, Đời Nay, Trung Bắc Tân Văn, Hà Thành Ngọ Báo… Tên ông và bút danh Xuân Thủy là ông lấy hai chữ đầu của đôi câu đối chạm khắc trước cửa nhà: “Xuân hồi thảo mộc thiên hoa phát/ Thủy bất ba lan tứ hải bình”, (nghĩa là: Xuân về cây cỏ muôn hoa nở/ Nước không sóng dữ biển bình yên). Năm 1938, ông bị chính quyền thực dân bắt và giam ở nhà tù Hỏa Lò, những câu thơ của người tù trẻ tuổi Xuân Thủy thật khí phách và tỏ rõ tầm tư tưởng: “Đế quốc tù ta, ta chẳng tù/Ta còn bộ óc ta không lo/Giam người khóa cả chân tay lại/Chẳng thể ngăn ta nghĩ tự do”. Đế quốc giam cầm thể xác, khóa cả chân tay, nhưng con người ấy không cho mình là tù nhân, vì “ta còn bộ óc”, “ta nghĩ tự do”. Có một lần, một vị linh mục vào thăm tù nhân, chắc là định khuyên răn và rửa tội, Xuân Thủy sáng tác mấy câu thơ vừa tếu táo, vừa sắc nhọn, khẳng định ý chí kiên trung, son sắt với cách mạng: “Một hôm cố đạo vào thăm/Hỏi han sức khỏe, lương tâm thế nào?/Thưa rằng tôi chả làm sao/ Lương tâm vẫn tốt, máu đào còn nguyên/Ở đây đôi lúc cũng phiền/Nhưng tôi chưa định có lên thiên đàng”. Ra tù chưa được bao lâu, năm sau –  1939,  Xuân Thủy bị bắt lần thứ hai và bị lưu đày lên nhà tù Sơn La, chốn rừng thiêng nước độc: “Lại đến Sơn La lại núi rừng/Nằm trên đỉnh núi mà như bưng/Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ/Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng”. Tại đây, ông cùng Trần Huy Liệu và các đồng chí của mình ra tờ báo bí mật có tên là “Suối Reo”, tờ báo viết tay trên giấy thường, kể cả những mẩu giấy bị bỏ đi, mỗi tháng xuất bản bí mật một đến hai kỳ. Về tôn chỉ, mục đích của Báo, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy viết: “Thu sang hoa cỏ già rồi/Suối Reo lên để cho đời trẻ trung/Thu sang non nước lạnh lùng/Suối Reo lên để cho lòng ta reo”. Hoạt động trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, khổ ải, Suối Reo vẫn reo lên tiếng nói lạc quan cách mạng, và “lòng ta reo” hơn khi Xuân Thủy được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1941 ngay trong tù ngục. Nhiều bạn tù của ông và các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, báo chí, văn chương sau này còn kể nhiều, ghi lại nhiều câu chuyện về Xuân Thủy làm báo, làm thơ và tài biên tập thơ cho các bạn tù của ông. Nhà báo lão thành Hà Đăng cho biết: “Đầu năm 1943, sắp đến ngày thành lập Đảng, Suối Reo nhận được nhiều bài viết của anh chị em trong tù. Có bài mở đầu bằng mấy vần thơ: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/Cờ Đảng ta đi theo/Muôn năm ta chúc Đảng/Muôn năm chúc Suối Reo”. Xuân Thủy và mấy bạn biên tập cho rằng: “Muôn năm ta chúc Đảng” thì được nhưng “muôn năm chúc Suối Reo” thì không được, vì như thế là tác giả chúc Suối Reo gắn liền với cái nhà tù này cứ muôn năm sống mãi hay sao? Xuân Thủy sửa lại: “Tiếng Đảng ta nghe gọi/Cờ Đảng ta đi theo/Chúc mừng ngày sinh Đảng/Lòng ta như Suối Reo”. Lại đến một câu thơ khác: “Em ơi có biết Sơn La/Ở đây có Đảng sao mà vắng em?”. Ô hay, cái anh chàng nào muốn đem cả vợ vào nhà tù này chắc? Không được! Phải để cho vợ ở nhà làm việc gì khác hơn là đi ở tù chứ. Xuân Thủy sửa lại: “Em ơi có biết Sơn La?/Xa em có Đảng như là có em!”[1].

Nhà báo, nhà thơ, nhà chính trị Xuân Thủy (nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Ngục tù tàn ác, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề, nhưng  Xuân Thủy cùng các đồng chí của mình luôn giữ vững và nâng cao chí khí, tâm hồn, niềm lạc quan cách mạng: “Sơn La những núi cùng non/Dù cho đá lở vẫn còn Suối Reo/Hôm nay rừng nặng sương chiều/Ngày mai nắng sớm lưng đèo nở hoa”.

Năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã tạo nên cục diện mới của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Ở trong nước, tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh đã bắt rễ sâu rộng trong quần chúng và đang tạo ra những xung lực mới cho phong trào cách mạng. Trước những biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943 bàn về việc mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị chủ trương mở rộng hơn nữa Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật – Pháp (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái và các nhóm yêu nước chưa gia nhập Việt Minh; quyết định lập Hội Văn hóa Cứu quốc và ra tờ báo Cứu Quốc – cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Cuối năm 1943, Xuân Thủy được ra tù nhưng bị quản thúc ở quê nhà. Đầu năm 1944, ông bắt liên lạc với tổ chức của Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp và giao cho ông phụ trách Đặc san về vấn đề hải ngoại của Báo Cứu Quốc. Mấy tháng sau, ông được giao phụ trách báo Cứu Quốc, rồi làm Chủ nhiệm Báo (Trước đây, Báo do Trung ương Đảng chỉ đạo, nay do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo). Ông nắm bắt nhanh, chính xác, có hệ thống tình hình thế giới, trong nước, nên các bài viết của Cứu Quốc, nhất là các bài của Xuân Thủy với các bút danh khác của ông như Tất Thắng, Chu Lang, Ngô Tất Thắng… luôn nóng bỏng tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng. Báo có bài viết, kêu gọi người dân chung lòng, chung sức ủng hộ Việt Minh: “Hết thảy đồng bào hãy gom tiền vào quỹ mua súng của Việt Minh, hãy sốt sắng ủng hộ các chiến sĩ cứu quốc đang hoạt động, hãy hăng hái tham gia phong trào chống Nhật đang lan rộng. Quân thù đang yếu, cơ hội tốt đang đến. Với quyết tâm chiến đấu, thắng lợi nhất định về ta”[2]. Ở bài “Đông Dương sắp thành bãi chiến trường”, nhà báo Xuân Thủy viết: “Phát xít Đức đang giãy chết ở châu Âu, mặt trận Thái Bình Dương bắt đầu kịch liệt… Không những quân Anh, Mỹ, Tàu sẽ giết Nhật, Pháp mà chính Nhật, Pháp cũng tự giết nhau…[3]. Những bài báo chính luận sắc sảo, có sức lay động, khích lệ toàn dân như “Tiễn bạn chiến khu”, “Nhật chết đến nơi”, “Không đóng một xu thuế cho Nhật”, “Tiễu trừ Việt gian”… Ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, ngày 15/8/1945,  Xuân Thuỷ viết bài “Nhật đầu hàng”, trong đó nêu rõ chủ trương của Đảng: “Dù trong trường hợp nào, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của dân ta nhất định phải nổ ra. Nhật hàng chỉ tạo điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa của ta dễ dàng thắng lợi hơn[4]. Ngày 19/8/1945, Hà Nội vùng lên khởi nghĩa. Tối 19/8, ông được phân công phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông bắt tay thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, để Tiếng nói Việt Nam tự do, độc lập, kiêu hãnh cất lên ngày 7/9/1945 và 8 ngày sau thì Thông tấn xã Việt Nam ra đời (ngày 15/9/1945). Báo Cứu Quốc về lại Hà Nội, trụ sở gần Hồ Gươm linh thiêng. Ngày 24/8/1945, báo Cứu Quốc số 31 phát hành công khai, lượng in và xuất bản tăng nhiều lần so với trước. Trên trang nhất của số báo này, Xuân Thủy có bài xã luận trang trọng và hào sảng “Lời chào Cứu Quốc”.

Nhà báo Xuân Thủy (người quàng khăn ngồi giữa) và đồng nghiệp khi làm báo Cứu Quốc tại Chiến khu Việt Bắc – Ảnh: Tư liệu

Nước nhà giành được độc lập chưa lâu thì quân và dân cả nước cùng lúc phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế đó, báo Cứu Quốc đăng xã luận: “Giờ đây, Tổ quốc thân yêu của chúng ta lại đang qua cơn thử thách gay go. Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết… Không có một sức mạnh nào có thể thắng được cả một dân tộc đã giác ngộ, đoàn kết, kiên quyết phấn đấu vì độc lập tự do”[5].

Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết rộng rãi giới báo chí cả nước có tinh thần dân tộc để kháng chiến kiến quốc, cuối năm 1945, Xuân Thủy vận động các ông Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân và ông Nguyễn Đức Thuyết, Chủ nhiệm Báo Vì Nước tham gia thành lập tổ chức của những người làm báo Việt Nam. Theo đề cử của nhà báo Xuân Thủy, nhà báo Nguyễn Tường Phượng giữ chức Chủ tịch Đoàn. Khi kháng chiến bùng nổ, ông Nguyễn Tường Phượng đi tản cư, cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và Mặt trận Việt Minh trở về chiến khu Việt Bắc. Năm 1947, nhà báo Xuân Thủy gánh vác nhiệm vụ Chủ tịch Đoàn Báo chí kháng chiến. Ông có sáng kiến mở lớp đào tạo cán bộ làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng với 43 học viên theo học. Tháng 4 năm 1950, Xuân Thủy báo cáo với lãnh đạo Mặt trận Việt Minh về việc thành lập Hội những người viết báo Việt Nam thay cho Đoàn Báo chí kháng chiến trước đó. Xuân Thủy làm Chủ tịch Hội khóa I và II (4/1950 – 9/1963).

Báo Cứu Quốc do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ nhiệm, ông là “linh hồn” của tờ báo những năm trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Cùng với sự nghiệp báo chí vẻ vang, sau những bài thơ ra đời trong tù ngục, Xuân Thủy có thêm nhiều bài thơ, câu thơ trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và hơn hai mươi năm chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ở Việt Bắc gian khổ mà lòng luôn ấm áp, yêu tin, Xuân Thủy viết bài thơ “Ngôi nhà kháng chiến”, có đoạn: “Tinh tươm cơm nước dọn ra bàn/Trời lạnh sao lòng thấy ấm ran/Đĩa muối bát canh thêm quả ớt/Hơi cơm nghi ngút, chuyện giòn tan”. Bữa cơm kháng chiến đạm bạc,  chỉ có cơm với đĩa muối, bát canh, quả ớt, nhưng ngồi bên mâm cơm là những người đồng chí thân thương, “trời lạnh sao lòng thấy ấm ran”. Họ cảm nhận được cả “hơi cơm nghi ngút” và tự thấy bữa cơm thế là đã “tinh tươm”, nhất là “chuyện giòn tan” về tình nước, tình đời, tình người. Những người yêu thơ hết sức tâm đắc và cảm phục khi Xuân Thủy dịch một số bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điển hình là bài Nguyên tiêu: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên/Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Nhà thơ Xuân Thủy dịch: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Cũng từng có một số người dịch bài thơ này, nhưng có lẽ bài dịch của Xuân Thủy là hay nhất, vừa sát nghĩa, hợp tình cảnh, lột tả được ý tứ, cảm xúc, tư tưởng của nhà cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trên mặt trận ngoại giao, ông là Bộ trưởng, Trưởng đoàn đàm phán của ta tại Hội nghị Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam suốt gần 5 năm. Ông cũng là người chỉ đạo sắc sảo, là linh hồn những cuộc họp báo của Đoàn ta, của đội quân báo chí ta tại Hội nghị lịch sử này. Ở nơi đấu chí, đấu trí căng thẳng đó, hồn thơ của Xuân Thủy vẫn ngân rung trước bao sự việc, sự kiện với nhiều cung bậc cảm xúc. Xa nước, xa gia đình, ông viết bài thơ “Nghe tiếng đàn bầu Việt Nam”: “Hỡi tiếng đàn ta tiếng hát ta/Hỡi đôi chân ngọc, búp tay ngà/Vui tươi sắc sảo, mê hồn nữa/Cho sáng trời Tây, dậy biển xa”.  Gần cuối năm 1968, sau khi Hội nghị Pa ri kết thúc giai đoạn 1, giai đoạn đàm phán giữa phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Hoa Kỳ về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; dù hiếu chiến và lật lọng, Hoa Kỳ vẫn buộc phải chấp nhận ngừng ném bom phá hoại miền Bắc. Nhân sự kiện này, Xuân Thủy viết bài thơ “Vui còn vui nữa”: “Tôi tự Pa-ri nói vọng về/Nỗi mừng khôn xiết kể say mê/Ai hôn thân thiết, hôn ai nhỉ/Hôn khắp năm châu, khắp bạn bè/Trường xuân âu yếm dải sông Xen/Như ghé bên tai giọng đã quen/ Giữa buổi thu sang xuân lại tới/Anh ơi hiểu nhé, tấm lòng em/Em biết anh đi mới nửa đường/ Nửa đường còn lại lắm phong sương/Nhưng em đã chắc ngày sum họp/ Nắng ấm trời Nam tỏa bốn phương”… Bài thơ “Mừng thọ 70 tuổi” của mình, Xuân Thủy viết: “Bảy mươi tuổi chẵn chưa già đâu/Dù có đau lưng, có bạc đầu/ Non nước hai vai còn gánh khỏe/Vì dân, vì Đảng thọ càng lâu”.  Nhận xét về thơ Xuân Thủy,  Nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: “Ai nấy đều nhận thấy anh có một tiếng thơ riêng. Một tiếng thơ nhẹ nhàng, bình dị, ưa nói vui và nói vui có ý vị”.

Từ những bài báo, câu thơ đầu tiên của tuổi hai mươi nồng nàn yêu nước, yêu Nhân dân, chí căm thù bè lũ phát xít, thực dân tàn bạo, cho đến nhiều năm sau đó, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy đã viết hàng ngàn bài báo đăng trên Cứu Quốc và nhiều báo khác, hàng trăm bài thơ được tập hợp trong hai tập thơ “Đường Xuân” và “Thơ Xuân Thủy”. Tác phẩm và sự nghiệp báo chí, thơ văn của ông trước hết phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, trên mặt trận ngoại giao, đoàn kết quốc tế và cả những nỗi niềm với người thân, bạn bè. Ông đã để lại trong lòng đồng chí, bè bạn, công chúng nhiều tình cảm quý trọng, yêu kính, tin tưởng; những tác phẩm báo và thơ của ông đã dựng lên tầm cao văn hóa, chiều sâu nhân văn đáng ngưỡng mộ của ông.

Chúng tôi xin trích câu nói của Tổng Bí thư Trường Chinh – nhà thơ Sóng Hồng về nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà báo, nhà thơ Xuân Thủy: “Anh Xuân Thủy có phong cách rất Bác Hồ… Ở anh Xuân Thủy, người ta thấy có sự kết hợp hài hòa giữa tài năng và đức độ, giữa tính cách dân tộc truyền thống và văn minh thời đại”[6].

Nguyễn Thế Kỷ [*]

[*] Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết và Hợp tác Việt Nam – Á-Phi-Mỹ latinh
[1] Hà Đăng, Nhân Dân hàng tháng, thứ Hai, ngày 02/10/2017 – 02:41
[2]Báo Cứu Quốc, ngày 21/10/1944
[3] Báo Cứu Quốc, ngày 21/10/1944
[4] Báo Cứu Quốc, ngày 15/8/1945
[5] Báo Cứu Quốc ngày 29/5/1946.
[6] “Xuân Thủy, nhà hoạt động chính trị, ngoại giao xuất sắc, nhà báo, nhà thơ lớn”. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.