Lễ hội truyền thống của các cộng đồng đang được nhận thức chưa đầy đủ. Trong bối cảnh hiện tại, các lễ hội truyền thống của các cộng đồng đang được mở rộng ngày một hoành tráng hơn để phục vụ mục tiêu kinh tế. Nhưng vấn đề này cần phải xem xét một cách nghiêm túc để hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa.
Hiểu về lễ hội và lễ hội truyền thống
Lễ hội là một thuật ngữ được sử dụng từ lâu ở Việt Nam. Nhưng định nghĩa lễ hội như thế nào cho chính xác thì vẫn còn nhiều tranh luận. Theo nhà nghiên cứu Falassi định nghĩa thì: “Lễ hội là một sự kiện xã hội tái diễn định kỳ, thông qua nhiều hình thức và hàng loạt sự kiện phối hợp, với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp, ở nhiều mức độ khác nhau của tất cả các thành viên của cả một cộng đồng, thống nhất bởi các ràng buộc tộc thuộc, ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử, và đều có chung một thế giới quan. Cả chức năng xã hội và ý nghĩa cộng sinh của lễ hội đều liên quan mật thiết đến hàng loạt giá trị công khai mà cộng đồng thừa nhận là thiết yếu đối với hệ tư tưởng và thế giới quan, đối với bản sắc xã hội, tính liên tục lịch sử và sự tồn tại vật chất của họ, suy cho cùng đó chính là cái mà lễ hội kỷ niệm”[1].
Theo TS Hà Hữu Nga bình luận thì định nghĩa của Falassi đã “xem xét một số loại hình học lễ hội như sau: i) Loại hình học lễ hội dựa trên sự đối lập giữa các lễ hội nông thôn với các lễ hội đô thị; các lễ hội nông thôn được cho là lâu đời hơn, mang tính điền địa, tập trung vào các nghi thức sinh sản phồn thực và huyền thoại vũ trụ, trong khi gần đây, các lễ hội đô thị tôn vinh sự thịnh vượng bằng các hình thức ít cổ xưa hơn và có thể được gắn liền với các truyền thuyết nền móng cũng như các sự kiện lịch sử và các kỳ công; ii) Loại hình học lễ hội dựa trên quyền lực, cấu trúc giai cấp và các vai trò xã hội, bằng cách phân biệt các lễ hội do người dân, vì người dân; những lễ hội được thể chế tổ chức, vì bản thân thể chế; và những lễ hội được người dân tổ chức, vì thể chế; những lễ hội được thể chế tổ chức vì người dân, và những lễ hội được tổ chức bởi người dân ngược lại với thể chế”[2]. Có nhiều cách phân loại lễ hội theo các tiêu chí khác nhau, trong đó có một số loại hình lễ hội điển hình như lễ hội tôn giáo, lễ hội nông nghiệp (hội mùa và tết cơm mới), lễ hội ẩm thực và lễ hội nghệ thuật.
Lễ hội truyền thống được hiểu là các lễ hội hình thành và phát triển trong xã hội truyền thống của một cộng đồng. Ở đó, tính tự trị của cộng đồng được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện các chức năng quản lý lễ hội dựa vào thiết chế xã hội truyền thống. Lễ hội truyền thống thường gắn với một cộng đồng nhất định, dù có sự tham gia của một số người ngoài cộng đồng nhưng rất hạn chế và chủ thể vẫn là đối tượng chính. Lễ hội truyền thống gắn với các sinh hoạt kinh tế, văn hóa và xã hội của một cộng đồng nhất định và các ý nghĩa của nó được thể hiện đầy đủ trong môi tường xã hội của cộng đồng đó. Nếu vượt quá giới hạn của nền văn hóa động đồng đó thì những giá trị của lễ hội có thể thay đổi. Lễ hội truyền thống cũng là dịp để những thành viên trong cộng đồng (và một số người cộng đồng có quan hệ thân thiết) tương tác với nhau qua đó thắt chặt mối quan hệ xã hội trong cộng đồng đó.
Sự biến đổi của lễ hội truyền thống
Lễ hội truyền thống luôn biến đổi cùng với sự biến đổi của đời sống văn hóa xã hội. Sự biến đổi thể hiện từ trong các nội dung văn hóa của các hoạt động biểu diễn trong lễ hội và cả cấp độ, đối tượng tham gia vào lễ hội. Tùy theo mức độ cộng đồng, quan hệ cộng đồng mà cả nội dung, giá trị văn hóa của lễ hội mà sự biến đổi của lễ hội cũng có những nét khác nhau. Có những lễ hội được cộng đồng quan tâm nhiều hơn, được chấp nhận rộng rãi hơn thì sẽ không ngừng mở rộng và thu hút được nhiều người trong và ngoài cộng đồng. Cũng có những lễ hội trong quá trình phát triển vì những lý do khác nhau mà bị mai một rồi mất mát. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số lễ hội mới được cộng đồng sản sinh hoặt tiếp nhận từ cộng đồng khác trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa. Trên phương diện quốc gia, khu vực, địa phương hay trong một cộng đồng thì việc mai một, mất mát lễ hội truyền thống hay xuất hiện lễ hội mới cũng luôn luôn hiển hiện. Đó là một quá trình biến đổi văn hóa to lớn và lâu dài.
Trong bối cảnh hiện tại, dưới tác động của các quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa, lễ hội truyền thống của các cộng đồng cũng biến đổi nhanh chóng theo hướng ngày càng được mở rộng ra liên cộng đồng, liên địa phương, xuất hiện nhiều lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện… Đây là điều mà trước đây rất ít khi phổ biến, bởi xét cho cùng lễ hội truyền thống thuộc về một cộng đồng nhất định. Nhưng một điều dễ thấy là vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế lễ hội và phát triển du lịch nên không ngừng cải tiến, mở rộng lễ hội sao cho thật hoành tráng để thu hút du khách. Phần lớn du khách là người ngoài cộng đồng chủ thể. Từ Lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu, Lễ hội đền Chín Gian ở Quế Phong, Lễ hội Đền Vạn ở Tương Dương… đều không ngừng được mở rộng. Trước thời điểm diễn ra lễ hội vài ba tháng địa phương đã tổ chức tuyên truyền về lễ hội một cách rộng rãi để thu hút du khách. Khi tổ chức lễ hội cũng thêm vào nhiều tiết mục mới, khác mà trong lễ hội truyền thống không có, phổ biến nhất là các cuộc thi sắc đẹp gắn với các lễ hội lâu nay đang có nhiều ý kiến khác nhau. Quy trình diễn ra lễ hội cũng có những điểm khác, trong đó quan trọng là chủ lễ không còn là người do cộng đồng cử ra mà là một lãnh đạo đại diện địa phương. Tùy theo mức độ của lễ hội mà người khai mạc có thể là lãnh đạo xã, huyện hay tỉnh… Đối tượng tham gia lễ hội hiện nay, ngoài cộng đồng chủ thể (đang dần mất vị trí) thì phần lớn lại đến từ ngoài cộng đồng. Nhất là lễ hội truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay có sự tham gia của rất nhiều người Kinh từ nhiều địa phương khác nhau đến.
Có nên mở rộng các lễ hội truyền thống cho hoành tráng hơn không?
Sự thay đổi này một mặt làm cho các lễ hội có quy mô rộng lớn, hoành tráng hơn. Nhưng mặt khác cũng làm cho lễ hội đối diện với nhiều nguy cơ biến đổi bởi các giá trị văn hóa truyền thống bị thách thức.
Liên quan đến sự biến đổi lễ hội truyền thống, TS Trần Hữu Sơn, một nhà nghiên cứu và có nhiều năm tham gia quản lý văn hóa đã đưa ra ví dụ về Lễ hội Gầu Tào – một lễ hội truyền thống của người Mông ở một tỉnh khi mà vị chủ tịch tỉnh muốn thúc đẩy du lịch ở huyện nên đưa ra ý kiến cải biến lễ hội này thành một lễ hội hoành tráng của huyện để thu hút du khách. May thay có vị phó chủ tịch tỉnh trước từng là chủ tịch huyện này đã phản đối. Thêm vào đó là sự phản đối từ ngành văn hóa nên ý kiến này đã không được thực hiện. Từ đó, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, việc hoành tráng hóa lễ hội truyền thống của các cộng đồng là điều không nên bởi nó làm mất đi nhiều giá trị văn hóa vốn gắn với cộng đồng chủ thể và cũng mất đi nhiều nét thiêng liêng của lễ hội. Trước đó, TS Trần Hữu Sơn cũng đã đưa ra nhiều ý kiến phê phán việc mở rộng lễ hội và đưa ra nhiều giải pháp trong quản lý lễ hội truyền thống của các cộng đồng[3].
Ý kiến trên của TS Trần Hữu Sơn cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ủng hộ. Nhưng chúng ta cũng đang đối diện với một vấn đề phức tạp hơn với nhiều quan điểm trái chiều: mở rộng phát triển lễ hội để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo hay bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội? Nhiều nhà nghiên cứu phản đối việc nhà nước hóa, sân khấu hóa và chính trị hóa lễ hội, phản đối việc mở rộng, hoành tráng hóa lễ hội truyền thống để phát triển kinh tế vì lễ hội truyền thống gắn với văn hóa cộng đồng và bảo vệ giá trị văn hóa của lễ hội là bảo tồn văn hóa cộng đồng, là giữ gìn sự đa dạng văn hóa. Còn các nhà quản lý, nhất là quản lý địa phương lại muốn phát triển kinh tế lễ hội, mở rộng lễ hội để thu hút nhiều du khách đến với địa phương hơn, vừa quảng bá văn hóa địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cả hai quan điểm trên đều có những sự hợp lý riêng và dựa trên những mục tiêu trọng điểm khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều địa phương và nhiều quốc gia cho thấy để phát triển kinh tế văn hóa, du lịch văn hóa thì phải giữ được các giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội cũng không ngoại lệ. Không phải cứ mở rộng quy mô lễ hội thì sẽ tăng được nguồn thu từ lễ hội. Nếu bảo tồn được các giá trị văn hóa lễ hội gắn với cộng đồng chủ thể thì sẽ có nhiều con đường để phát triển kinh tế, có thể nó sẽ chậm hơn nhưng bền vững và lành mạnh hơn. Vậy nên, thiết nghĩ trong bối cảnh hiện tại, việc hoành tráng hóa lễ hội cần phải xem xét một cách nghiêm túc, phải ưu tiên bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với lễ hội từ cộng đồng chủ thể. Việc khai thác các giá trị văn hóa lễ hội để phát triển kinh tế cần phải dựa vào từng trường hợp cụ thể và nên có sự tham gia của nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp và người dân chủ thể. Từ đó đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế lễ hội dựa trên ưu tiên về giữ gìn các giá trị văn hóa lễ hội. Có như vậy thì mới đảm bảo được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa.
Trang Tuệ
[1] Falassi, Alessandro (1987). Festival – Definition and Morphology, In Time Out of Time: Essays on the Festival, edited by Alessandro Falassi, Publisher: University of New Mexico Press; 1st edition (April 1, 1987)., pp. 1-10.
[2] Hà Hữu Nga (2020), Ứng dụng Lý thuyết của Talcott Parsons trong Nghiên cứu Tết cổ truyền của các Dân tộc Thiểu sổ Việt Nam. Tạp chí Văn hóa học, số 5(51), tr.15-23. Bản online trên http://kattigara-echo.blogspot.com/2020/12/
[3] Trần Hữu Sơn (2017), Quan điểm và giải pháp quản lý lễ hội truyền thống hiện nay. Bài in trên Tạp chí Văn hoá Nghệ An, và bản online trên http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/11722-quan-diem-va-giai-phap-quan-ly-le-hoi-truyen-thong-hien-nay