Hướng đến kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023), kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Chu Huy Mân (17/3/1973 – 17/3/2023), ngày 10/3, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh tổ chức chương trình Sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Chu Huy Mân với chủ đề “Đại tướng Chu Huy Mân – Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An”.

Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có ông Chu Bá Long – Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; ông Chu Chiến Sơn – Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Phương Thúy – Phó Bí thư Tỉnh đoàn; ông Trịnh Bá Vinh – Chủ tịch Hội CCB khối các cơ quan tỉnh; ông Nguyễn Công Minh – Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh; Đại tá Nguyễn Văn Thảo – Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Vinh; Ban Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và gần 1.500 đoàn viên, thanh niên tham dự bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Các lãnh đạo, khách mời tham dự Chuyên đề

Trước lúc diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề, các lãnh đạo và khách mời tham dự đã dâng hoa, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh. 

Lãnh đạo và khách mời dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh

Trình bày chuyên đề, ông Chu Chiến Sơn – Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đã nêu một cách đầy đủ, khái quát quá trình hình thành và những truyền thống tốt đẹp của xã Hưng Hòa, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và đặc biệt là quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân, những đóng góp của ông đối với cách mạng Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Ông Chu Chiến Sơn – Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày Chuyên đề

Đại tướng Chu Huy Mân (tên khai sinh là Chu Văn Điều) sinh ngày 17 tháng 3 năm 1913 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Từ thuở thiếu thời, những câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc, về gương của các sĩ phu yêu nước đã dần nung nấu trong ông tình yêu đất nước và chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 1930, Chu Văn Điều tham gia tích cực vào phong trào cách mạng ở quê nhà và được phân công làm đội phó đội Tự vệ đỏ. Cuối năm 1930, Chu Văn Điều vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nguyện chiến đấu suốt đời cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bức ảnh Thiếu tướng Chu Huy Mân và lãnh đạo Khu Tây Bắc đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tháng 5/1958

Từ năm 1937 đến năm 1940, đồng chí bị địch bắt, giam nhiều lần ở Nhà lao Vinh, sau đó đưa vào giam tại Đắk Glei, Đắk Tô, Kon Tum. Từ năm 1947 đến 1949, đồng chí là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao – Bắc – Lạng. Năm 1954, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Năm 1957, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4. Năm 1958, đồng chí là Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Năm 1967, đồng chí làm Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu 5; Cuối năm 1975, là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu 5. Tháng 3 năm 1977, đồng chí làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương; Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Năm 1980, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt. Tại Quốc hội khóa VII, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Cũng trong năm này, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng.

Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân gắn liền với những chiến công trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, Nhân dân và quân đội ta. Với 93 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, 61 tuổi quân, đồng chí Chu Huy Mân đã cống hiến cả cuộc đời mình, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, có nhiều đóng góp vào thắng lợi to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nghĩa vụ quốc tế. Đại tướng Chu Huy Mân xứng đáng là người chiến sĩ cộng sản xuất sắc, là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, lòng dũng cảm và sáng tạo, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đại tướng được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân luôn sáng mãi, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc.

Lãnh đạo và khách mời tham quan Bộ trưng bày chuyên đề “Chu Huy Mân – Từ chiến sĩ Tự vệ đỏ đến Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam”

Cùng với buổi sinh hoạt Chuyên đề, các lãnh đạo và khách mời tham dự còn được Bảo tàng Xô viết Nghệ An giới thiệu Bộ trưng bày chuyên đề “Chu Huy Mân – Từ chiến sĩ Tự vệ đỏ đến Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Bộ trưng bày gồm gần 100 hình ảnh, tư liệu được chia làm 3 chủ đề: Quê hương – nơi ươm mầm cách mạng; Từ chiến sĩ Tự vệ đỏ đến Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tướng Chu Huy Mân sống mãi trong lòng quê hương, đất nước.

Chương trình Sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Đại tướng Chu Huy Mân – nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An” được truyền hình trực tiếp trên trang thông tin Tuổi trẻ Đoàn khối các cơ quan tỉnh Nghệ An để phổ biến đến 100% đoàn viên, hội viên. Bộ trưng bày chuyên đề “Chu Huy Mân – từ chiến sĩ Tự vệ đỏ đến Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam” sẽ được Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trưng bày đến hết tháng 3/2023.

Những hoạt động trên của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh là nén hương thơm để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Đại tướng Chu Huy Mân, đồng thời góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tin & Ảnh: Kiều Nga