Xô viết Nghệ Tĩnh- 90 năm nhìn lại

Đại chiến thế giới (1914-1918) kết thúc, Pháp tuy thuộc phía thắng trận nhưng là nước bị tàn phá, mất mát nặng nề. Tiếp đến lại diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn cầu( 1919- 1933), bất lợi cho cả phe tư bản. Để bù vào sự “thua thiệt” ấy, thực dân Pháp gia tăng bóc lột các thuộc địa mà Việt Nam được coi là nơi trọng yếu. Ở đây, ngoài ra sức cho đào mỏ, thu mua rẻ nông, hải sản, họ đánh nặng thêm các thứ thuế .

                                                  Thuế ruộng hạng nhất, năm 1898, mỗi mẫu (0,5 ha) là 1,5 đồng bạc Đông Dương (đ)  thì năm 1929 phải đóng 1,95đ . Thuế thân(đánh theo đàn ông,từ 18 đến 60 tuổi) mỗi năm là 2,5đ thì từ năm 1928 tăng lên thành 3đ(1).Theo đà ấy, sự khai thác, bóc lột của họ đối với đất nước ta ngày càng thêm nặng nề. Ở Việt Nam, Nghệ-Tĩnh là hứng chịu nhiều áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Bởi thế, phong trào đấu tranh nơi đây cũng quyết liệt và tiêu biểu mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30-31.

                   Nghệ Tĩnh là nơi con người chịu thương, chịu khó. Thiên nhiên tuy khắc bạc nhưng cũng có nhiều nguồn lợi: cây trên rừng, quặng mỏ trong lòng đất; địa thế xuôi từ Tây về Đông, soi bãi luôn có màu xanh. Dân ở đây siêng làm, ham học, trọng nghĩa khí. Trong con mắt của tư bản Pháp, nơi này là chốn dễ khai thác về nông, lâm, hải sản, quặng mỏ mà con người bản địa lại cần cù, khéo tay. Trong chủ trương đi xâm chiếm và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, vùng đô thị ở cửa sông Lam là dễ trở thành một khu kỹ nghệ, dễ biến tài nguyên thiên nhiên địa phương này và cả vùng Khăm-muộn-Trấn Ninh (Lào) thành nơi “làm ăn”, “nhất bản vạn lợi”cho họ. Mà muốn sản vật thiên nhiên thành hàng hóa thì phải thuê mướn nhân công, giá càng rẻ càng hay.

Bến Thủy xưa, địa danh sát bờ sông Lam. Ảnh tư liệu

Có một mạch ngầm khác của xứ sở này mà có thể phía thực dân không nhìn thấy hết. Đó là bao nhiêu năm trời từ khi họ đặt chân tới, trên vùng đất này, từ Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đến Nguyễn Ái Quốc, là những con người tiêu biểu ở mỗi thời kỳ đã kế tục việc ươm mầm cho xứ sở này nhuệ khí, chí hy sinh vì nghĩa lớn, thể hiện ở lớp thanh niên tân học và lao động giỏi tay nghề vào thập niên thứ ba, thứ tư của thế kỷ trước. Đại diện cho họ lúc bấy giờ là: Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Trần Phú, Nguyễn Sí Sách, Lê Mao, Lê Viết Thuật… Vinh-Bến Thủy, trung tâm của miền Núi Hồng-Sông Cả đứng trước những thử thách của thời đại. Tất cả sự tích tụ trên, bước đầu được biểu hiện qua phong trào đấu tranh Xô-viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

     Khi trong cả nước đã hình thành ba tổ chức Cộng sản và cùng đấu tranh vì một mục đích chung là giành độc lập dân tộc, thực sự giải phóng cho đồng bào, gồm: Bắc Kỳ: Đông Dương cộng sản Đảng, Nam Kỳ: An Nam cộng sản Đảng và Trung Kỳ: Đông Dương cộng sản Liên đoàn. Và, đã đến lúc, ba tổ chức đó phải tập hợp nhau lại trong một Đảng, thì vào ngày 3-2-1930, tại Hồng Kông(Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh trách nhiệm cao cả nói trên.

Ấy cũng là lúc trong cả nước, nhất là tại hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh đã sẵn sàng các điều kiện để nổ ra những cuộc biểu tình, tranh đấu vì những yêu cầu thiết thực đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm cho thợ thuyền và  giảm sưu thuế, địa tô cho dân cày.

Cao trào Xô Viết Nghệ tĩnh, năm 1930 – 1931. Ảnh: Tư liệu

    Ngày  1-5-1930 thì các cuộc biểu tình hòa bình đòi các quyền lợi đó cho công nông diễn ra tại Vinh-Bến Thủy và huyện Thanh Chương. Bọn tư bản Pháp, chính quyền thực dân và Nam triều  đã không đáp ứng những yêu cầu ấy của dân ta mà lại sai lính bắn vào đồng bào tay không đi tranh đấu, khiến cho ở Bến Thủy có 6 người chết, 18 người bị thương. Tại Thanh Chương, cũng hôm ấy, có 17 người chết và bị thương khi bà con biểu tình đòi trả ruộng đất và đường đi vào rừng để trồng cây, lấy củi  vì bị chủ đồn điền Ký Viễn chiếm giữ.

Thực dân, phong kiến đã đáp lại những cuộc biểu tình hòa bình đó bằng súng đạn nhưng công nông Nghệ-Tĩnh không lùi bước. Đỉnh cao tranh đấu ở thời điểm ấy là cuộc biểu tình của nông dân thuộc hai huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn mà bị giặc Pháp ném bom tại xã Thái Lão, cách trung tâm Vinh 5 km, làm 217 người chết và 125 người bị thương. Với khẩu hiệu trả thù cho công nông Vinh-Bến Thủy và Thái Lão, một phong trào đấu tranh biểu tình diễn ra khắp các phủ huyện thuộc hai tỉnh Nghệ-Tĩnh và nhiều làng xã đã thành lập chính quyền Xô-viết nông thôn thay cho bộ máy cầm quyền là tổng lý, ngũ hương.

Riêng tại huyện Thanh Chương có 68 làng trong số 76 làng hình thành chính quyền Xô-viết nông thôn. Rồi sự kiện ấy lan tỏa ra tại của các phủ huyện trong hai tỉnh Nghệ-Tĩnh.Trong thư gửi Quốc tế nông dân ngày 5-11-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói rõ: “Hiện nay ở một số làng đỏ, Xô-Viết nông dân đã được thành lập”. Như thế, phong trào đấu tranh cách mạng đòi độc lập, tự do- dân chủ cho nhân dân Việt Nam đã được nhiều nơi trên thế giới biết đến và lên tiếng ủng hộ.

     Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh diễn ra trong bổi cảnh tình hình thế giới chưa đủ thuận lợi cho công cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa thì ở Đông Dương với những sự tích tranh đấu của quần chúng công nông  dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lê nin như vậy là đã nêu một tấm gương cho nhân dân lao khổ trên toàn cầu.

Tất nhiên, do chưa thật đủ nhận thức và ít kinh nghiệm đấu tranh cách mạng nên những người đứng ra lãnh đạo phong trào ở từng cơ sở không tránh hết những biểu hiện ấu trĩ, tả khuynh, thiếu kinh nghiệm và chủ trương đúng về xây dựng Đảng và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để đoàn kết mọi thành phần trong Đảng và các tổ chức quần chúng, nhất là khi phong trào bị đàn áp đẫm máu.

        Tuy nhiên những thành quả, kinh nghiệm mà phong trào mang lại là Pho sử vàng vô giá cho Cách mạng Việt Nam. Trong đó, một di sản quý báu do phong trào đưa lại là xuất hiện nguồn “Thơ văn Xô-viết Nghệ Tĩnh” mà nhà nghiên cứu Tôn Gia Ngân đã phát biểu: “Nếu như Thơ văn Xô- viết Nghệ Tĩnh chưa sản sinh được những nghệ sĩ lớn thi chính nó đã đặt nền móng cho một nền nghệ thuật mới, nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa”(2) của Việt Nam.

Chu Trọng Huyến

(1)  Ở Nghệ An,vào năm 1930, mỗi tạ gạo giá 14 đ.

(2) Báo “Nghệ An”số ra ngày 30-1-2005.