Trong nhiều năm nay, các trường đại học ở Việt Nam và Đài Loan có nhiều hợp tác với nhau trong việc chia sẻ tri thức và quảng bá văn hóa lẫn nhau. Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” là một sản phẩm của quá trình hợp tác giữa các trường đại học từ hai phía.

Các học giả tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” tại Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan, tháng 5/2023. Ảnh: Bùi Hào

Từ nhiều năm nay, sự hợp tác giữa các trường đại học ở Đài Loan với các trường đại học ở Việt Nam được thực hiện rất tốt. Nhiều trường đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau trong quá trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ở Đại học Quốc gia Thành Công tại Thành phố Đài Nam, Việt Nam học rất được coi trọng. Trong trường có Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam là một cơ quan nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học có uy tín. Trung tâm do GS, TS Tưởng Vi Văn, một nhà Việt Nam học có hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam và từng bảo vệ Tiến sĩ ở Mỹ với đề tài về Việt Nam làm quản lý. Không chỉ tập trung vào việc đào tạo và nghiên cứu các vấn đề về Việt Nam học, Trung tâm còn góp phần quan trọng trong việc hợp tác, quảng bá văn hóa Việt Nam đến với nhiều người ở Đài Loan hơn. Một trong những hoạt động được coi trọng là hợp tác dịch các tài liệu liên quan hay tổ chức biên soạn các công trình khoa học nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến với sinh viên, với giới nghiên cứu ở Đài Loan.

Bìa cuốn sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học”

“Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” là cuốn sách dày hơn 400 trang, do GS,TS Tưởng Vi Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Thành Công làm Chủ biên, nhà xuất bản Truyền thông Quốc tế Châu Á ấn hành. Sách gồm có 15 chương được biên soạn bởi những nhà nghiên cứu nhân học uy tín ở Việt Nam và nước ngoài như GS, TS Lương Văn Hy (Đại học Toronto, Canada), PGS, TS Vương Xuân Tình, GS, TS Nguyễn Văn Hiệp, PGS,TS Lê Thanh Sang, PGS, TS Ngô Thị Phương Lan, PGS, TS Huỳnh Ngọc Thu,… Mỗi một chương sách do một tác giả biên soạn, là một nghiên cứu cụ thể từ những hướng tiếp cận khác nhau trong lĩnh vực nhân học. Cuốn sách cung cấp cho độc giả những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc về văn hóa Việt Nam.

Quá trình biên soạn cuốn sách kéo dài gần hai năm. Từ giữa năm 2022, những ý tưởng về hợp tác để xuất bản một cuốn sách nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ở Đài Loan đã được đưa ra. Sau đó, thư mời đã được gửi cho một số nhà nhân học uy tín để cộng tác viết bài. Từ đầu năm 2023, bản thảo các bài viết trong sách đã được hoàn thành và tiến hành biên tập. Cuối tháng 5/2023, một hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan nhằm thảo luận về bản thảo sách. Cuộc hội thảo này đã thu hút được nhiều học giả quốc tế và đông đảo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh quan tâm đến dự. Tại hội thảo, GS Tiêu Tân Hoàng, Giám đốc Quỹ hợp tác quốc tế Đài Loan – châu Á, cố vấn của Tổng thống Thái Anh Văn đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc hợp tác học thuật cũng như quảng bá văn hóa giữa Đài Loan và Việt Nam. Ông cũng hi vọng sau cuộc hội thảo, các học giả Đài Loan và Việt Nam sẽ có nhiều hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và chia sẻ lẫn nhau. Cuộc hội thảo là một mốc quan trọng trong việc hoàn chỉnh bản thảo sách và chuẩn bị cho quá trình phiên dịch. Đến cuối năm 2023, bản thảo sách được hoàn chỉnh để đưa đi xuất bản. Đầu năm 2024, sách đã được lưu hành ở Đại học Quốc gia Thành Công và một số cơ sở khác.

GS Tiêu Tân Hoàng, Giám đốc Quỹ hợp tác quốc tế Đài Loan – Châu Á, Cố vấn cao cấp của Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại hội thảo với sự tham gia của nhiều học giả quốc tế, sinh viên, học viên cao học và nhiều nhà nghiên cứu trẻ ở Đài Loan (Ảnh Bùi Hào)

Ngày 26/3/2024, tại Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giới thiệu sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học”. Đây là ấn phẩm của sự hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan và khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách này được sử dụng như một giáo trình để giảng dạy cho sinh viên đại học và sau đại học chuyên ngành Việt Nam học của Đại học Quốc gia Thành Công. Đây cũng là một công trình chuyên sâu về văn hóa Việt Nam được biên soạn bằng tiếng Trung và phát hành ở Đài Loan.

Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” tập trung vào một số nội dung chính yếu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là những nghiên cứu về nông dân, nông thôn của GS, TS Lương Văn Hy, PGS, TS Ngô Thị Phương Lan, PGS, TS Lâm Minh Châu. Là nghiên cứu về tộc người và quan hệ dân tộc của PGS.TS Vương Xuân Tình, PGS, TS Lê Thanh Sang, PGS, TS Trương Văn Món, TS Võ Công Nguyện. Là nghiên cứu về tôn giáo của PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu, PGS, TS Nguyễn Đức Lộc, TS Dương Hiền Hạnh, TS Dương Hoàng Lộc. Là nghiên cứu về ngôn ngữ của GS,TS Nguyễn Văn Hiệp, TS Phạm Ngọc Thúy Vi. Hay nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số của TS Bùi Minh Hào. Mỗi nghiên cứu đi sâu vào một số chủ đề khác nhau nhưng có chung góc nhìn từ lĩnh vực Nhân học. Điều đó cung cấp cho người đọc một cái nhìn đa dạng và sinh động về văn hóa Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Các nhà khoa học Việt Nam và Đài Loan tham dự Lễ giới thiệu sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” tại Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ngày 26/3/2024 (Ảnh Thúy Vi)

Đánh giá về sự ra đời của cuốn sách “Văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn Nhân học” GS, TS Tưởng Vi Văn cho rằng: “Đây là một ấn phẩm quan trọng, là tài liệu tham khảo cần thiết đối với sinh viên và học viên cao học ngành Việt Nam học của Đại học Thành Công. Đây cũng là một sản phẩm quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam với Đài Loan trong việc giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến với sinh viên, với giới khoa học của Đài Loan. Nó là cột mốc mở đầu và hi vọng cho những hợp tác tiếp theo trong lĩnh vực này. Thông qua ấn phẩm này, không chỉ sinh viên Đài Loan mà sinh viên nhiều nơi khác đang học tập ở Đài Loan cũng có thể hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.

Trang Tuệ