Có người từng lí giải những câu chữ tinh tế, độc đáo của Hồ Huy là phù thủy, phù phép ra những vũ điệu ngôn từ. Yêu thương trong văn của Hồ Huy dịu dàng như mưa đầu hạ, ngọt ngào như nắng mùa thu. “Thấp thoáng đời nhau” không đơn thuần là một cuốn sách mà còn là “kẻ trộm” lấy đi bao thổn thức của người đọc. Cuốn sách như một sự cắt nghĩa đồng điệu với tâm hồn nhà văn Chu Minh Sơn: “Những đóa hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa”.

28 tản văn đầy âm sắc ngọt ngào, thơm mùa hoa nở, huyền diệu trăng đêm, dư ba khèn núi, tình thân quê nhà… Thấp thoáng mà một đời nhớ nhung. Ai từng lặng người đi khi đọc “Những người thiên cổ”, có cây hòe già thì thào hoa lá như xế chiều của người bà trông ngóng người ông trở về cùng lưới chài cá tôm. “Khi con sông đằm mình nhớ thương ngày tháng cũ, khi đám mây ngũ sắc làm khóe mắt cay xè…” thì một đứa trẻ phải lớn lại nháo nhác chạy về tuổi thơ, ngẩn ngơ tìm những hình hài thân quen đã thuộc về thiên cổ.

Bìa cuốn sách “Thấp thoáng đời nhau”

Ngẩn ngơ dại khờ như quả na mở mắt trong “Cơm nắm muối vừng”, thứ ẩm thực mang quốc hồn quốc túy của quê hương hay mặn mòi thảo thơm tình bà dành đời mình cho con cháu. Là bàn tay ấm cùng gói xôi mềm của cô giáo hiền năm xưa đã giúp trái tim lương thiện và đôi chân không lầm lạc sai đường của cậu học trò Huy năm nào vẫn canh cánh bên mình trong “Một đứa vô ơn”.

Vô ơn này ở đâu khi câu chữ thống thiết chân tình, lặn ngụp khắp chốn mưu sinh theo “Phù sa đàn bà” để rồi trân trọng yêu thương, “Là thứ tiết hạnh áo đỏ quạch áo, quần đen thui quần, tần tảo sớm tối gieo đông gặt tây, thu mây vén nắng”. Và những đứa con lớn khôn không trở thành thứ phù du là bởi uống dòng sữa mẹ phù sa ngàn đời. Văn của Hồ Huy luôn khiến người đọc thấm thía. Đó là thứ mỹ ngôn của người mang giác quan thứ sáu.

Người mang giác quan diệu kì ấy sinh ra từ làng quê với tuổi thơ đẹp như quả duối vàng thơm mùi mưa nắng để rồi “Ai là ai của chiêm bao” với bao niềm nhớ thương tiếc nuối. Và “Khóc một loài sâu” hay nước mắt của một Hồ Huy nơi đầu sóng đầu gió xót thương thứ côn trùng bé mọn nơi quê hương? Những yêu thương hiền khô trong anh chưa bao giờ khước từ những gì thuộc về lẻ loi hay quá vãng. Anh viết “Tự tình điếm canh” mà như thắp lên một ánh trăng xanh cho hồn quê nương náu, là điểm tựa cho nỗi niềm của bao kẻ tha hương. Lòng trắc ẩn của anh dành cho cả những thứ mà người đời chửi thề hay xa lánh, đó là tháng Bảy trong “Đào tẩu và cô hồn”. Không có tháng Bảy âm u, thì sao có được mùa Trung thu lấp lánh. Để rồi “Ngoảnh mặt mà trăng”, ở một nơi nào đó rất xa thì vầng trăng quê nhà vẫn chiếu rọi một Hồ Huy yêu thương sâu sắc.

Tôi đang đọc văn của Hồ Huy, đang dõi theo cuộc đời của anh và yêu thương cùng anh, những yêu thương mà tôi chưa kịp nhận ra nhưng muốn được là người cho đi, là người đón nhận… Yêu thương diệu kì.

Bất ngờ cả khi, một chàng trai hay làm nũng với quê hương đã đi muôn nẻo đường bằng đôi chân lãng tử. Một lãng tử trân trọng cái đẹp, tự do và hạnh phúc. Những nơi anh qua, những con người anh gặp cứ hiện lên, đẹp thêm. Trong “Cô gái Chư Đăng Ya”, Hồ Huy đã ẩn dụ tình yêu của cô gái như đóa hoa dong riềng cay nồng rực rỡ nở bung ra từ chân dòng nham thạch khiến ai đó chẳng nhận ra mình và dấu chân mang màu hoa đi mãi. Là “Cô gái dã quỳ” hay loài hoa dã quỳ mộc mạc sơn cước khiến chàng lãng tử dùng dằng chân ở, chân đi. Hồ Huy nâng niu hoa như bất cứ ai trên thế gian này, hoa là em, bóng hình thuộc nửa thế giới, làm sao mà không nhớ thương, vấn vương?

Chàng lãng tử đã phải lòng và ví Tây Nguyên trong “Đôi môi Tây Nguyên” duyên dáng như một cô gái dậy thì tìm chàng trai trao gửi tình yêu. Và ở đâu đó nơi miền biển còn có những đôi môi đợi chờ trong cô đơn, những đôi mắt đàn bà đặt trên bậu cửa lạc hồn chờ chồng đã mấy mùa trăng nơi “Người đàn bà vắng chồng” cũng lạc lõng như nhịp cầu có chia tay và hội ngộ, một em, một tôi “Này em cầu đã khuya đèn”.

Này tiếng đàn Abel vì đâu khiến núi tủi sông buồn, một người sẽ chết nếu không lấy được người kia là “Chuyện tình Cơ Tu” kể về một mối tình buồn, thủy chung trong vô vọng. Hồ Huy còn thương là còn viết. “Những tiếng chim thiêng” mang lời xa xót cho mối tình duyên bị thần Núi, thần Trời cấm cản, họ hóa thành chim thành rùa tìm nhau trong khắc khoải. Đó còn là tiếng chim thiêng của tự do, của tình yêu xứ sở…”. Những dòng văn của Hồ Huy quấn quýt lấy giang sơn gấm vóc: “So vai một đêm với Mã Pí Lèng, ngấp nghển trưa vắng cùng Khau Phạ, duỗi chân thở dài ban mai như ai vươn vai Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ là 1 trong 4 cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở dải tình ca trổ hoa Tây Bắc.” Với “Một mai Tà Xùa”, khi những yêu thương ai đem gửi vào mây gió mênh mang Tà Xùa thì chốn thiên đường ấy mãi lặng thầm ghi dấu những ước ao, những kỉ niệm ngọt ngào.

Thiên nhãn nào cho Hồ Huy nhận ra nụ cười Angko trong “Đi tìm nụ cười Angko” trên mảnh đất Campuchia xa xôi từ vàng son hay hoang phế vẫn ngân nga réo rắt. Trong mắt anh, mọi thứ tồn tại trên đời luôn mang vẻ đẹp và giá trị đúng nghĩa. “Này em tuổi trẻ này đáng giá bao nhiêu” là lời nhắn nhủ từ dâu bể đời anh: “Khi bạn ném cho ai một cái nhìn oán thán, hẳn là mắt bạn sẽ đau… Hãy cười cho một tuổi trẻ vô giá”.

Cuộc đời cần lắm những yêu thương. Thà là một thứ bình thường để sòng phẳng yêu thương còn hơn là mặt trời cô đơn trong bi kịch là câu nói có sức mạnh xuyên suốt trong “Đừng bao giờ ngừng yêu”. Và yêu thương chính là thứ ánh sáng giục giã, mong đợi người đi xa trở về, là người vợ tảo tần mâm cơm, khói bếp vấn vương hiện ra trong “Mắt biển”.

Khép lại cuốn sách là tác phẩm cùng tên “Thấp thoáng đời nhau” với bao cung bậc yêu thương mở ra đẹp đẽ. “Buổi chiều lăm căm xiết nợ bởi đó là những buổi chiều khiến con người ta phải thương yêu nhiều hơn, thành thật nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn… Có những sự lặng thinh mà mai sau, ngày sau, về sau sẽ trở thành những cái bóng thấp thoáng trong cuộc đời mỗi con người. Yêu thương là mạch ngầm”.

Phía sau một Hồ Huy hài hước, phóng khoáng, “mặc kệ đời”, phía sau những câu văn ngọt ngào trong “Thấp thoáng đời nhau” là một trái tim ấm áp tràn đầy yêu thương.

 Mộc Nhiên