Ám ảnh, rất nhiều ám ảnh, rất nhiều quặn thắt, rất nhiều đau thương, rất nhiều nức nở và nước mắt khi những ngày này ta đọc những bài báo, những status trên facebook về vụ hỏa hoạn ở chung cư mini Hà Nội, cả từ phía sự đau thương và cả ở phía san sẻ đau thương.

Nhưng ám ảnh nhất trong tôi là cái hình ảnh hàng chục chiếc điện thoại trong căn nhà mù mịt khói, liên tục reo mà không người nghe, không ai có thể nghe và còn có thể nghe.

Nó, cái tiếng điện thoại reo vô vọng ấy, là sợi dây cuối cùng, rất mong manh nhưng chứa chan hy vọng, là còn sự sống.

Chỉ cần có người bấm nút nghe là vẫn còn hy vọng.

Nhưng ở đây, cứ reo, reo mãi. Reo trong vô vọng. Reo trong bất lực.

Nó như cái màn hình trong phòng cấp cứu. Bao nhiêu con mắt dồn vào đấy, để rồi thấy nó cứ chậm dần, thẳng dần, và rồi… đứng yên.

Nhưng trong phòng cấp cứu ấy, còn được thấy. Ở đây, chỉ những tiếng reo vô vọng, kiên nhẫn và vô vọng, kiên nhẫn tới tận cùng, tới tia hy vọng cuối cùng. Mà cứ thăm thẳm thế, biết khi nào cuối cùng. Nên nó cứ reo mãi thế…

Là lời kể của người đầu tiên lọt được vào căn phòng để cứu hộ. Và anh chỉ thấy những chiếc điện thoại đang reo.

Nó ám ảnh tất cả chúng ta.

Năm mươi sáu con người đã ra đi trong đau đớn, trong ngột ngạt, trong hoảng loạn giữa những tiếng chuông điện thoại như thế. Họ đã không thể với tới chiếc điện thoại, đã không thể nghe.

À có, tiếng điện thoại cuối cùng của một người con trai là sĩ quan biên phòng gọi cho bố mình. Một tờ báo tường thuật: “Nhà chung cư của con cháy rồi, hai cháu chết rồi, con cũng chết đây bố ơi”, đêm 12/9, ông Nguyễn Văn Chức (SN 1956, trú huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), nhận được điện thoại của con trai là anh Nguyễn Văn Chương. Anh Chương là trợ lý thông tin, tác chiến Lữ đoàn 21, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Bộ Tư lệnh BĐBP. Sau câu nói vội vàng ấy, phía bên anh Chương chỉ còn những tiếng tút dài khô khốc… Ông Chức và vợ hoảng loạn liên tục gọi điện thoại lại cho con trai nhưng vô vọng”. May mắn là người sĩ quan biên phòng ấy chỉ bị thương, dù bị thương nặng, nhưng vẫn còn sống, vợ và 2 con của anh, đã tử vong trong vụ cháy.

Lại vẫn là tiếng điện thoại. Cái điện thoại ám ảnh dù nó là công cụ tốt nhất khi ấy nối thông tin sống chết giữa những người trong đám cháy và những người đang thắt ruột bên ngoài.

Chữ nghĩa bất lực. Trái tim bất lực. Nước mắt bất lực.

Cứ nhìn cái danh sách người tử vong thì thấy rõ sự bất lực ấy, nhất là danh sách của cái trường học nơi có chung cư bị cháy.

Một số bạn bè tôi là nhà thơ có làm vội những bài thơ đăng trên facebook của mình. Có đau đớn, có xót xa, có buồn tận cùng và chia sẻ thật lòng… nhưng có vẻ như nó vẫn chưa chạm tới điều cần chạm.

Mà nó là cái gì thì vẫn hết sức mông lung?

Vì trước đấy mấy trăm con người trong cái chung cư ấy vẫn sinh hoạt, ăn chiều, học bài, nói chuyện, xem ti vi, đọc sách, yêu thương, rồi lên giường ngủ…

Vì trước đấy, dẫu có cảnh báo nhưng cái chung cư ấy vẫn đã tồn tại, vẫn xây vượt từ 6 tầng được cho phép lên 9 tầng, vẫn chịu sự kiểm soát, sự quản lý chặt chẽ của cả “hệ thống chính trị” từ khu phố, phường, quận… trở lên.

Vì trước đấy, quả là vấn đề chỗ ở cho những người thu nhập thấp ở các thành phố lớn luôn là những bài toán nan giải.

Vì trước đấy ai cũng rất hết sức có trách nhiệm trong công việc của mình, ai cũng cuối năm hoàn thành tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vì trước đấy, té ra cái ông chủ chung cư này có tới 2 cái chung cư như thế và đã bán hết cho người cần, đều trong ngõ rất hẹp, nếu có sự cố xe cứu hỏa không thể vào. Nhiều người nói, hôm ấy nếu đường rộng, xe cứu hỏa, và nhất là xe thang vào được, con số tử vong không đến nỗi nhiều tới thế, nỗi đau không đến nỗi lớn tới thế?…

Rất nhiều vì trước đấy, cái chính là vì trước đấy, chúng ta đã… quen, chúng ta đã sống thản nhiên trước những điều sắp xảy ra.

Và thản nhiên tới mức, một chương trình hát múa hoành tráng xanh đỏ lòe loẹt đã không được hoãn sau đấy để mấy hôm nay đang hứng nhiều chỉ trích.

Cái tiếng chuông điện thoại reo trong vô vọng kia, nó là hệ quả của một loạt những điều… thản nhiên. Nên nói là nó vô vọng, nó đau xót, nó làm đứt ruột chúng ta, nó khiến chúng ta day dứt, chúng ta ân hận, chúng ta bật khóc… nhưng thực ra là, cái tiếng chuông điện thoại ấy, hàng chục chiếc điện thoại reo đêm ấy, nó cũng thản nhiên.

Nhiệm vụ của nó là thản nhiên.

Nhiệm vụ của chúng ta là, thôi không ai nói hộ ai được, mỗi người chúng ta tự thấy trách nhiệm của mình.

Nhà văn Ngô Văn Giá day dứt hỏi trên facebook của ông: “Em có tha thứ cho người lớn chúng tôi không?” khi đăng ảnh và tin cháu sinh viên con một sĩ quan quân đội vừa nhập học Học viện Báo chí tuyên truyền, và cháu là một trong 56 nạn nhân tử vong. Cháu cùng bố, là thượng tá quân đội và em trai đã không còn bao giờ nghe được tiếng chuông điện thoại reo nữa.

Tôi xin chia sẻ với sự ân hận chân thành của nhà văn Văn Giá, và câu hỏi ấy của ông không chỉ dành cho cháu nữ sinh kia, mà tất cả nạn nhân vụ cháy kinh hoàng vừa xảy ra. Và tất nhiên, không ai trong chúng ta muốn có sự ân hận day dứt đến đứt ruột ấy nữa.

Văn Công Hùng