Bố tôi là một trong những chuyên gia đầu ngành về ra đa thời tiết, đã từng công tác ở Trạm KTTV Bắc Trung Bộ (144 Lê Hồng Phong – TP. Vinh). “Bố mày nói nắng là mưa, báo bão khẩn cấp là chưa có gì” hay “bố mày đúng là làm ở Nha mường tượng”… đó là những từ ngữ mà tôi thường được nghe khi mọi người nói về nghề của bố.

Trong ký ức tuổi thơ tôi không thể hình dung ra công việc của bố mình, nghe mọi người nói về nó với thái độ thờ ơ, ngờ vực, tôi mường tượng rằng công việc bố đang làm chẳng liên quan đến ai, làm đúng cũng được, sai cũng chẳng sao vì toàn nói đến những thứ xa vời như mây, mưa, bão, gió… lúc có, lúc không.

Nhân vật “Bố” – người ngoài cùng bên trái cùng các sinh viên ngành khí tượng tại Tượng Voikov, nhà khí hậu người Nga. Ảnh chụp năm 1970 .

Tôi từng thắc mắc tại sao bố được sang tận Liên Xô mà lại chọn cái nghề “đo mây”, “đếm gió”, “đong mưa”… để học, nghề gì mà hễ cứ có bão là đi công tác, bất kể là ngày nghỉ phép, nghỉ lễ, hay nghỉ Tết. Bão vào miền Bắc thì đi công tác Hải Phòng, bão vào miền Trung thì đi công tác ở Vinh, Đà Nẵng, bão vào miền Nam thì đi công tác ở Nha Trang. Cứ thế, đến mùa mưa bão là bố luôn trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp.

Công việc vất vả, không có phụ cấp, đi công tác thường ở những nơi xa xôi, hẻo lánh (nơi đặt các trạm ra đa mặt đất thường ở trên những ngọn núi cao, gần biển), lại đi trong những thời điểm thiên nhiên bất lợi, nhưng không hiểu sao bố cứ vui vẻ, miệt mài, say mê… làm cho cả nhà tôi cứ bị cuốn theo đường đi của những cơn bão, độ dày mỏng của những đám mây, ảnh hưởng của El Nino, kế hoạch làm mưa nhân tạo,… hay những biểu hiện, tác động,… của biến đổi khí hậu. Dấu ấn nghề của bố được thể hiện rõ trong phong cách sử dụng những thuật ngữ khoa học khí tượng để chỉ những trạng thái tình cảm của các thành viên trong gia đình, người thân, bạn bè ở từng thời điểm khác nhau làm cho không khí, thái độ của mọi người thêm thú vị, đầy biểu cảm.

Ngày trước, khi đất nước còn chiến tranh, bố được miễn đi lính vì bố là con trai một, lại là tộc trưởng của một dòng họ, thế nhưng giờ đây, khi đất nước hòa bình, thống nhất song công việc mà bố đang làm chẳng khác gì một người lính ngày đêm canh gác những biến chuyển của đất trời từ mây, mưa, gió, nắng, giông, lốc, bão, lũ, lụt… nghĩa là tất cả những thay đổi của thiên nhiên gây bất an cho con người. Cái nghề “khám bệnh trời”, “bắt mạch lũ” của bố đã lấy đi của bà nội không biết bao nhiêu nước mắt. Không lo lắng, không bất an sao được khi đứa con duy nhất của bà cứ hễ có áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão hay mưa lũ dài ngày là lại đi công tác. Mỗi lần bố đi công tác bà nội lại lặng lẽ thắp lên bàn thờ gia tiên nén nhang rồi lầm rầm khấn vái, nín thở, kiên nhẫn chờ trời yên, biển lặng để bố về.

Ngày trước, đường sá xa xôi, phương tiện đi lại, liên lạc ít, đã thế một năm trên cả nước có trên dưới chục cơn bão gần như trải đều khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Không ít lần bố suýt bỏ mạng khi đi công tác. Nhưng rồi bão tố, giông lốc đã không hề làm bố nhụt chí mà giúp bố tích lũy thêm nhiều đặc điểm, hiểu thêm nhiều thuộc tính của từng hiện tượng khắc nghiệt trong thiên nhiên từ đó làm giàu tri thức chuyên ngành của mình nên sau mỗi lần như thế bố vẫn vui vẻ, bình an trở về cùng gia đình.

Kiến thức nghề nghiệp được bố cần mẫn đúc rút cộng với kinh nghiệm xem thời tiết của cha ông thông qua những biểu hiện của cỏ cây, muông thú… đã giúp bố có linh tính nghề nghiệp rất tốt, nhờ vậy mà bố đã từng đưa ra những dự báo mang tính chính xác cao khi nhìn ảnh mây chụp qua vệ tinh, hay qua màn hình rađa trong những đợt mưa dài ngày giúp các nhà chức trách đưa ra những quyết định kịp thời trong việc ứng phó với những cơn bão có đường đi phức tạp, hay những đợt mưa dài ngày do hoàn lưu bão gây ra. Điều này cực kỳ quan trọng đối với các địa phương có hồ, đập lớn vì nó liên quan đến việc xả lũ hay không xả lũ, xả vào thời điểm nào, lưu lượng bao nhiêu… trong mùa mưa bão.

Cán bộ nhân viên Trạm Rada Phù Liễn – Hải Phòng cùng đoàn chuyên gia Nga. Ảnh chụp năm 2005

Gần 40 năm gắn bó với nghề, những kiến thức về khí tượng mà bố tích lũy được là thứ tài sản vô giá để các thế hệ đồng nghiệp của bố sử dụng trong việc dự báo, cảnh báo thiên tai. Điều bố tâm đắc, luôn cẩn thận, tỉ mẩn và kiên trì thực hiện trong hàng chục năm đó là cảnh báo đúng nhưng phải biết tổng hợp, phân tích số liệu nhằm rút ra được quy luật vận động của các hiện tượng thời tiết bất thường. Đây là việc làm không dễ, đòi hỏi sự tâm huyết, hy sinh, cẩn trọng bởi giá trị của việc thu thập, phân tích, đánh giá, đưa ra nhận định mang tính chính xác cao là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính chính xác trong dự báo, đồng thời qua đó giúp các cơ quan chức năng đưa ra những quyết định và kế hoạch hành động kịp thời ứng phó với những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhằm giảm thiểu những hậu quả do thiên tai gây ra.

Thực tế cho thấy rằng, chỉ cần một chút chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc đo đạc, cập nhật, xử lý số liệu, hoặc dùng những nhận định, dự báo của nước ngoài mà không dựa trên điều kiện địa lý, thổ nhưỡng cụ thể của địa phương, vùng miền, khu vực sẽ gây thiệt hại cho người dân, cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời làm Nhân dân hoài nghi vào các thông tin dự báo.

Bây giờ, tuy đã nghỉ hưu, nghỉ quản lý, chỉ đơn thuần nghiên cứ khoa học nhưng thấy bố vui vẻ, phấn khởi bởi nghề của bố đã được cả xã hội ghi nhận. Hiện nay, dự báo thời tiết hàng ngày, hàng tuần cũng như dự báo khí hậu theo mùa, theo năm đang ngày càng trở nên chính xác hơn. Những thành tựu này đều nhờ vào sự phát triển của công nghệ viễn thám, của khoa học và sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ máy tính. Chứng kiến những tiến bộ khoa học khí tượng và khí hậu trong nước và trên thế giới trong hơn 50 năm qua, phần nào bố thấy hài lòng vì những thông tin của nghề nghiệp đã giúp Nhân dân chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai.

Trần Thị Bích Thủy