Cứ mỗi độ thu về, nhìn các em nhỏ được bố mẹ sắm sửa sách vở, quần áo… chuẩn bị cho năm học mới lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những ngày xa xưa, những ngày đầu đến lớp và khai giảng năm học của thế hệ chúng tôi. Lời bài thơ quen thuộc năm nào lại vang lên trong tâm thức:

“Cứ mỗi độ thu sang
Hoa cúc lại nở vàng
Ngoài vườn hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường
Nắng thu trải trên đường
Trời trong xanh gió mát
Đẹp thay lúc thu sang”.

                        Đó là một buổi sáng mùa thu năm 1986, tôi và chị đi ra đồng hái rau muống về dọc đường thì gặp thằng Chuột (tên gọi vui ở nhà của thằng bạn hàng xóm) mặc quần đùi, áo lồng, tay cầm một chiếc bảng đen, hắn tươi cười khoe là đi học. Chị tôi bảo: “Ái chà! thằng Chuột đã đi học rồi, về tau nói với thầy cho mi đi học mới được”. Tôi im lặng, trong lòng không vui, cũng không buồn. Về đến nhà, chị tôi đem chuyện thằng Chuột ra kể với thầy tôi, thầy tôi cho là phải nên cấp tốc bắt tôi đi học. Bảng đen chưa có, sẵn một phiến gỗ mỏng trong nhà, thầy tôi cưa vội thành hình một cái bảng, mặt bảng vẫn còn xù xì màu xam xám.

                              Không cần bôi đen, thầy tôi bảo: việc đó để hôm sau. Thế rồi tôi được chị dẫn ra nhập vào lớp cô giáo Hương, đợi cô giáo ghi tên xong thì chị ra về. Tôi rụt rè hòa nhập vào tập thể lớp mà xem ra các bạn mạnh dạn hơn mình một chút vì lớp đã được tập trung trước đó một hôm.

         Hồn nhiên tuổi thơ. Ảnh: Chu Trọng Tuấn

           Do nhiều lớp, cả cấp 1 và cấp 2 chung một trường, nên không có phòng, lớp tôi phải tập trung ở một góc sân trường. Chúng tôi răm rắp làm theo chỉ dẫn của cô giáo. Hôm ấy, cô bày cho chúng tôi cách đứng dậy chào thầy cô đầu buổi, mặc dầu sau đó chẳng ai làm theo vì ngại, rồi cách giơ tay phát biểu, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khác cho năm học mới… Tất cả chúng tôi đều ngơ ngác lắng nghe.

            Ngày ấy gia đình ai cũng nghèo, nhiều đứa con trai còn mặc quần đùi, áo cộc đi học, có đứa còn đi tay không đến lớp, đầy đủ nhất thì có thêm cái túi đan bằng sợi cước màu sặc sỡ, xanh, đỏ, tím, vàng…; còn tuổi của các bạn trong lớp thì cũng chẳng đồng đều, tôi đi học sớm một năm nên vào loại bé nhất, các bạn khác thì nhiều hơn một vài tuổi, ba tuổi, cá biệt có bạn nhiều hơn tới bốn tuổi.

Hôm sau, chúng tôi vẫn tập trung để làm quen với lớp độ vài tiếng đồng hồ để đến ngày mồng 5 tháng 9 thì khai giảng.

         Ngày khai giảng đến. Rộn ràng tiếng loa phát thanh của trường phát đi những bài hát thiếu nhi tươi vui nhưng lòng tôi thì thấp thỏm, lo âu. Thời ấy, chẳng đứa nào cần bố mẹ hay anh chị dẫn đi khai giảng, cả những bạn phải đi qua đò hay nhà xa vài ba cây số cũng í ởi rủ nhau hoặc theo các anh chị lớp trên đến trường.

                                   Bên cạnh những anh chị lớp lớn hơn, và cả những anh chị cấp 2, chúng tôi thấy mình quá nhỏ nhoi, đơn độc vì đây là một trong những lần ít ỏi xa vòng tay cha mẹ. “Người thân” duy nhất của chúng tôi bấy giờ chính là cô giáo chủ nhiệm, cô luôn nhẹ nhàng chỉ bảo chúng tôi, giúp chúng tôi xếp hàng ngay hàng thẳng lối, sắp xếp từng chỗ ngồi, cuối buổi lại căn dặn chúng tôi trước lúc về nhà.

        Nhịp tình thương. Ảnh: Quốc Hiền

               Ngày khai giảng, trường được trang trí khang trang, sach đẹp, những lọ hoa cây nhà lá vườn mộc mạc như: hoa cúc vàng, hoa mào gà, hoa dùi trống, hoa khoai riềng đỏ chót… do tổ trực nhật của các lớp trên, tự hái ở nhà hay đi xin trong xóm, gởi lên bàn thầy cô cũng ngào ngạt hương thơm và rực rỡ khoe màu. Hôm ấy, ai có bộ quần áo mới hay một bộ cánh nào đẹp nhất thì mặc vào nhưng cũng không ít bạn, cả những bạn lớp trên, cũng có gì mặc nấy: quần cộc, áo vá đến lớp.

                Hôm sau, cô giáo mới bắt đầu bài học vỡ lòng, cô cầm tay từng đứa mà nắn nót từng con chữ. Hành trang của chúng tôi đã đầy đủ hơn: cái túi cước có phần “diêm dúa”, chiếc bảng con, một quyển vở, cây bút chì và viên phấn, có bạn thì chỉ cần cái bảng và viên phấn đến lớp. Chúng tôi bắt đầu một hành trình mới.

                Buổi đầu đến lớp của chúng tôi, và có lẽ cũng là của nhiều thế hệ anh chị lớp trước, đơn giản như vậy đấy nhưng đó chính là những ngày tháng đáng nhớ trong kí ức của chúng tôi. Cái cảm giác hồi hộp, lo âu và bỡ ngỡ, ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác giữa sân trường rộng lớn mà chúng tôi không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

 

    Tạp văn
Trần Hữu Vinh