Mỗi độ mùa cải ở thung lũng Gió tàn phai, tôi lại mang ý nghĩ được trở về; mỗi năm một lần, dù có bận rộn trăm công ngàn việc nơi thị trấn vui ít buồn nhiều. Đón tôi nơi chân dốc, bao giờ cũng là chú Tường, dù có những cuộc về không lời báo trước. Cánh đồng cải úa vàng ngả rạp lên nhau có đợi tôi ngày trở về? Đôi chim sẻ xây tổ trên tàu lá cau cũng bay đi khi mùa trái ươm vàng. Chú Tường đợi đó, vẫn bộ áo cũ năm nào, như thể chú muốn giữ một kí ức xa xăm nào đã trôi tuột nơi con dốc in dấu những cuộc đi, của đàn ông và đàn bà, kẻ sống và người chết. Người còn sống khổ quá bỏ xứ mà đi cũng lặng lẽ vượt qua con dốc, để một ngày mệt quá về nằm lại trên cánh đồng lấp đầy bia mộ cũng bên kia con dốc. Đêm đêm, không biết người sống hay người chết, kể cho nhau nghe những câu chuyện kỳ hoa dị thảo, để bao mùa cải nở rồi lại tàn nơi thâm sơn cùng cốc này.

Mỗi lần nhìn ra cánh đồng cải nát bươm vì những cơn gió quần thảo suốt ngày sang đêm, mẹ lại bảo, “đời người sống chỉ một lần, đừng sống lặng lẽ quá con ạ”. Tôi nhận ra mình khác mẹ, tôi thích sự trầm tư và ghét nơi ồn ã. Mãi tới sau này, khi rời thung lũng, có lúc tôi nhận ra rằng vì tính cách trầm lặng này mà mình thật khó sống, khi ngoài kia con người ta giẫm đạp hơn thua. Tôi không biết có phải mẹ sợ cuộc sống tù buồn, lặng lẽ nơi thung lũng mà ra đi. Tôi chẳng thể lí giải nỗi vui buồn của mẹ. Hay mẹ đi để tránh phải bắt gặp một ánh mắt nào đó? Mẹ buồn gì khi nơi đây còn có cha, có chú Tường, có những đàn bò vàng mang chiếc lục lạc leng keng, có đàn dê trắng mang bầu sữa tròn căng gặm cỏ phía thung xa? Còn mẹ mang gì? Mẹ chẳng mang gì ngoài mong muốn cuộc sống đổi khác. Rốt cuộc, tất cả những thứ đó chẳng thể giữ nổi bàn chân mẹ, đôi bàn chân đã chán đi trên con đường găm đầy đá sỏi, đôi bàn chân thèm ướm vào chiếc giày vàng rực da bò, trắng ngần sữa dê. Sáng mẹ đi, gió thổi mạnh nơi thung lũng Gió, chiếc chuông gió treo mái hiên nhà sàn lạc tiếng vì ống nứa vỡ. Thứ âm thanh lạc loài rót vào tai cha. Cha nghe lạ quá, đôi mắt buồn xa xăm chất chứa vạn điều muốn nói. Nhưng cuối cùng, cha chẳng thể thốt lên một lời. Căn nhà sàn rộng thênh thang chỉ còn lại ba người, lặng im. Bóng cha đổ dài trên tấm vách đã bị con thú đêm cào nham nhở. Nỗi thù hận cứ thế găm vào đầu cha, ngày một lớn dần. Cha vác nỏ vào rừng tìm cho bằng được loài thú đêm qua. Hay cha bỏ vào rừng vì một niềm nỗi khác.

Hoa cải. Ảnh: An Thứ

Để rồi sau đó, tôi cũng lạc cả giọng vì nỗi bơ vơ khi chẳng còn mẹ ở bên. Cha cứ đinh ninh mẹ sẽ trở về, niềm tin nơi cha vững chãi như cây chò chỉ chốn hoang vu đại ngàn. Lúc đi, mẹ bảo, tôi theo xe hàng người ta bán nốt mấy thùng củ cải rồi sẽ trở về. Thung lũng Gió. Gió thổi bốn mùa, có phải vì thế mà lời hứa của mẹ cũng theo ngọn gió cụt đầu mà bay đi. Gió đưa mẹ đi hay mẹ đi theo gió, nỗi hoài nghi cứ như đám mây vờn quanh miệng thung. Ngày này qua tháng khác, chỉ thấy một màu trắng của sự mất mát, chia ly.

Hôm đó, chú Tường giúp mẹ thu gom củ cải rồi chất đầy lên xe. Đó cũng là mùa hoa cải cuối cùng mà mẹ neo mình lại nơi thung lũng này. Người tài xế chở theo thùng cải của mẹ hôm đó là một gã đàn ông chừng hơn bốn mươi, đầu trọc lóc như con thú bị lột da mà cha đem về những ngày sau đó. Ông to lớn như một gã cao bồi, cổ đeo sợi dây vàng to như bông cải đơn lẻ mọc lưng chừng dốc. Mẹ bước lên xe, chú Tường đứng cạnh đó, e dè, “chị đi, buôn may bán đắt, một vốn bốn lời”. Giọng chú nhỏ lắm. Ánh mắt mẹ, vì lí do gì mà không dám nhìn thẳng vào mắt chú. Có lần, mẹ bảo, nhà này mang đôi mắt của loài cáo Tây Tạng, lúc nào cũng buồn, mà những người mang tâm tính u buồn thì sẽ khổ. Những ngày mưa giăng trắng ngõ, tiếng thở dài của mẹ nhiều hơn. Mẹ nhìn ra đàn chó nheo nhóc la ăng ẳng, phàn nàn, chó cụp tai người cụp mắt. Không khí gia đình bỗng trở nên nặng nề như đám mây đen vắt qua thung lũng.

Bầy sẻ từ khu vườn bỗng xếp đàn rủ nhau ra đồng cải. Để mặc cha một mình xẻ gỗ thông làm khung cửi đợi mẹ về quay sợi mỗi độ cải tàn. Mỗi lần thấy cha lúi húi quanh khu vườn, mẹ lại dặn tôi, “làm thằng đàn ông phải nuôi chí lớn con ạ. Đừng quẩn quanh mãi lòng thung mà phí cả một đời”. Giọng mẹ to lắm, như thể nói cho ai đó nghe thật rõ. Cha đứng cạnh đó, cầm ống bơ vụt qua bờ rào phủ kín hoa bìm bìm tím. Những hạt thóc vàng ươm mà cha vẫn dành làm thức ăn cho bầy sẻ vung ra trảng cỏ dại. Cha chẳng thể giữ nổi bầy chim sẻ để nó đội nắng ra đồng. Cha lầm rầm chửi.

Xác cải được những người nông dân chất đầy rồi dạt ra hai bên đường, kéo dài tới chân dốc. Con đường hoa mà mẹ vẫn mộng tưởng bấy lâu giờ hiện ra trước mắt, mẹ bước lên đó, và đi. Gã tài xế lắc đầu rồi chép miệng. Có lẽ gã ngán ngấm những cơn gió vô cớ tung bụi làm hoe đỏ đôi mắt người đàn bà ngồi sau thùng xe tải, bên những thúng củ cải trắng ngần. Những củ cải mang hình hài giọt mồ hôi cha trong ngày nắng gắt; mang cơn mộng tinh trắng xóa của tôi những ngày chớm lớn, mang nỗi buồn sâu kín của chú Tường giấu bên bức vách. Gã tài xế lôi xềnh xệch con dê trắng quẳng lên xe rồi bắt đầu chuyển bánh. Tiếng be be của con dê cái già Viêng trôi lừ đừ xuôi con dốc rồi khuất hẳn. Bầu sữa căng tròn hiện lên nơi đáy mắt trong veo những đứa trẻ nghèo khát sữa.

Mẹ đi. Đi là xa miên miết. Đi chẳng hẹn ngày về.

Bao mùa hoa cải nở rồi lại tàn mà vẫn không thấy gã tài xế đầu trọc một lần trở lại.

Chú Tường nhận ra bóng dáng tôi khi cái đầu mới nhô qua đỉnh dốc. Có lẽ, căn nhà neo người quá nên chú luôn mong tôi trở về. Chiếc ba lô bỗng trở nên nặng nề khi đeo trên vai suốt cả chặng đường dài. Chú cầm ba lô giúp tôi, hỏi, “con về được lâu không?” Kì thực, lúc đấy, tôi không biết phải trả lời chú thế nào. Ở lâu cũng được mà chiều nay bắt xe về lại thị trấn cũng không sao. Đi và về, suy cho cùng chỉ là sự dịch chuyển thân xác, từ nơi này qua nơi khác, mà với tôi, chẳng biết nơi nào là đích đến.

– Năm nay củ cải được mùa không chú?

– Được mùa nhưng mất giá con à.

Giọng chú vẫn nhỏ nhẹ như thế, suốt bao năm, dù đã kinh qua bao mưa gió đời người. Cái được mất ở đời, chú hiểu hơn ai hết. Bộ áo cũ trên người chú như thân cải úa tàn gặp phải trận mưa, nhàu nhĩ. “Dạo này chú để ý tới cô nào chưa?” Chú chỉ cười rồi lẳng lặng xách ba lô đi về phía căn nhà sàn bốn mùa chuông gió kêu lanh canh. Mỗi đêm về lặng gió, chú lại ôm niềm thương nhớ người đàn bà Dao đỏ. Câu chuyện về người đàn bà ấy, chú vẫn kể với tôi khi chìm trong men rượu. Tôi đắm chìm trong câu chuyện tình của chú như lạc vào tục xưa tích cũ của già Viêng, bên bếp lửa bập bùng những chiều đông xám lạnh. Đôi lứa chẳng thành đôi, chú cứ ở vậy cho tới bây giờ. Tôi không chắc, từ đận ấy tới giờ, chú có xao động với người con gái nào nữa không.

Tranh của Minh Châu

 Chú đi trước tôi, dáng liêu xiêu đến tội nghiệp. Bần thần tôi hỏi, “Chú cứ ở vậy sao? Ít ra cũng kiếm một cô vợ cho đỡ cô đơn chứ”. Chẳng hiểu sao lúc đó, nỗi lo sợ lại ứ đầy trong tôi. Công chưa thành danh chưa toại, cuộc đời tôi bình lặng quá. Nhưng tôi biết, tận sâu trong vẻ bình lặng đó ẩn chứa một cái tôi quá lớn, một con ngựa bất kham. Lòng thị trấn chật hẹp không giữ nổi tâm tưởng tôi. Chưa bao giờ tôi cảm mến nơi này. Chú quay lại, nhìn thẳng vào mắt tôi. Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng thấy mình giống chú đến lạ lùng. Nhất là ở đôi mắt, lúc nào cũng buồn buồn. Mà giống nhau cũng phải, tôi con cha, cha với chú lại là anh em sinh đôi. Chú nhìn tôi trìu mến, không nói gì, rồi lẳng lặng bước tiếp.

Chiều lặng yên trên cánh đồng hăng hắc mùi hoa cải. Lũ bò chần chừ phía cánh đồng rực lửa mặt trời. Người chăn bò dong đàn bò về phía làn khói mỏng, không quên cầm một túm củ cải trắng cho bữa cơm thêm gia vị. Tôi chán chê bữa cơm có mùi cải trắng, nó gợi tôi về miền kí ức ứ đầy lời phàn nàn của mẹ. Mẹ bảo, “mở mắt thấy cải, nằm mơ thấy cải, chết rồi cũng về nằm lại trên mảnh đất hăng nồng mùi cải mà vẫn nuốt nổi sao”. Ấy thế mà mẹ lại theo những thúng cải ngược xuôi từng phiên chợ như kiếm tìm cơ hội đổi đời. Để rồi, khi gặp lại những người làng, trong lời xì xào bàn tán, tôi nghe câu chuyện về người đàn bà bán củ cải trắng với nhiều dị bản.

***

Rẽ cánh cổng bước vào, cha đón tôi một cách bình thản. Không buồn mà cũng chẳng vui. Cha không còn vào rừng xẻ thông làm khung cửi, không đi chặt nứa làm chuông gió, không cho đàn sẻ ăn mỗi sớm mỗi chiều. Đàn sẻ không còn làm tổ trên tàu lá cau, chúng bay đi đâu hết cả. Khu vườn chiều trở nên im ắng quá. Chùm chuông gió treo mái hiên nhà sàn cũng biến đi đâu mất. Thay vào đó là lác đác một vài chiếc lồng nhốt loài chim lạ. Có lẽ cha sợ không nhận ra tiếng bước chân người đàn bà của đời mình về trong đêm chỉ vì tiếng lanh canh ồn ã. Giá mà cha cũng mong tôi về như thế.

Kể từ ngày mẹ đi, cha như người mất trí, nhớ nhớ quên quên. Chú Tường bước tới gần cha, nói khẽ, “Anh à, con nó về”. Ánh mắt cha vẫn lạnh nhạt với tôi như thế. Có đôi lúc, tôi nghĩ cha và chú Tường hoán đổi vị trí cho nhau thì đúng hơn. Tôi không cảm nhận rõ tình cảm mà cha dành cho mình, cũng có thể cha không biết thể hiện sự quan tâm.

Những mẹt hoa lá được bày ra trước sân nhà, đủ loại. Ai đó đi qua cứ ngỡ có bàn tay người đàn bà trong nhà. Những bông cải vàng chắc hạt được giữ lại làm giống cho vụ sau. Bên cạnh, đủ thứ lá thơm lừng vẫn còn tươi như vừa được hái hôm qua. Cũng như con người, mỗi loài hoa cỏ mang trong mình một câu chuyện, từ lúc hiện diện cho tới khi biến mất trong dầm dề mưa gió.

***

Nội tôi là người miền xuôi, chỉ vì thương ông mà về làm dâu trên này. Hồi đó, ông bà nội nổi tiếng giàu có trong vùng vì bà sớm biết đi buôn. Ai cũng tấm tắc khen ông có cô vợ giỏi giang hơn người. Ông bà dựng được nhà ngang nhà dọc, cột nào cột nấy hai người ôm không xuể. Bò và dê được tính bằng đàn. Bà một lần sinh mà được hai người con trai. Đó là cha tôi và chú Tường. Ai cũng bảo hai người con chẳng giống ông tí nào. Đứa nào đứa nấy cứ lầm lầm lũi lũi. Lần đấy, ông buồn lắm. Về sau, ông dùng bao vốn liếng tích góp lao vào những cuộc rượu, cà kê từ sớm tới chiều. Sức khoẻ ông bị rút mòn từ những lần như thế. Ông bỏ mạng từ một lần bị trượt chân ngã phía bên kia con dốc. Bà nội một mình nuôi hai người con đến lúc trưởng thành. Bà đem mẹ về từ những lần đi buôn trên thị trấn, gán ghép cho đứa con trai đầu của mình. Thế rồi bà mất vào mùa cải tàn. Đêm trước đó, như lời chú Tường kể, trời tịnh không tiếng gió nhưng lại ngào ngạt hương hoa cải phả vào từ phía cánh đồng. Lác đác vài ánh đèn leo lét của người làm chòi canh cải. Nội kêu mẹ vào buồng, nói gì đó lâu lắm. Mẹ bước ra từ căn buồng mà nước mắt lã chã rơi. Mẹ rấm rứt, “Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Câu chuyện cuối cùng của mẹ và nội đêm hôm đó không ai trong ngôi nhà này được biết.

Lần về của mấy năm trước, khi già Viêng còn sống, ông kêu tôi sang làm vài chén để hóng chuyện đèn đường phố thị. Một già một trẻ rủ nhau ra chòi canh. Trăng hôm đó lên cao và sáng lắm, tôi thấy rõ chỏm râu bạc rung rung của già Viêng. Nếp nhăn hằn sâu như những con đường cắt qua thung lũng, bất chợt tôi lạc vào những con đường ấy mà không sao thoát được. Con đường của những phận người mà cả đời mắt không sao nhìn qua đỉnh núi. Mồi nhậu là đĩa củ cải chấm muối, vài món khô mang về từ thị trấn, vỉ ếch nướng bắt ở bờ ao. Lai rai cũng hết một cút rượu. Tôi bắt đầu kể chuyện hăng hơn, dù chuyện ngoài kia tôi cũng không rành, và thực lòng tôi chẳng hứng thú chuyện phố thị là mấy. “Cả cuộc đời quần quật trong lòng thung, già thèm nghe chuyện phố lắm mi à”. Tôi kể một lúc, già Viêng ngúc ngắc cái đầu, “Cho già nhờ bát muối”. Tôi đẩy bát muối qua chỗ già. Già Viêng cười khà khà, “ý già là mi kể chuyện nhạt và buồn quá”. Ừ thì cuộc đời con vốn vậy. Tôi định nói thế mà sợ già sẽ cười vào mặt và bảo, thằng oắt con chưa nếm trải sự đời thì làm quái gì mà biết buồn. Và tôi hiểu cái buồn mà già Viêng nói. Tôi vẫn nhớ rõ ánh mắt của già Viêng khi phải bán con dê cái còn lại của mình cho gã tài xế đầu trọc. Già van vỉ gã tài xế cho ngồi sau thùng xe để tiễn nó đi một đoạn. Gã tài xế hất tay già Viêng, hằn học. “Về đi ông già, xe này chỉ chở đàn bà và những con dê!”

Trời càng về khuya càng lạnh. Lũ chuột đồng trộm cải rục rạo mở tiệc linh đình. Trong cõi đêm tịch mịch, lời già Viêng rù rì như tiếng thở ngàn năm vọng về. Già kể tôi nghe câu chuyện về gốc tích của một tộc người. Đó là một bộ phận người sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Ở đó, những người đàn ông sống trong cảnh lệ thuộc, đôi mắt lúc nào cũng cúi gằm xuống đất. Già còn kể về sự suy tàn của họ, về người đàn ông duy nhất còn sót lại của bộ tộc sau những cuộc di cư. Để tồn tại, ông ta di chuyển từ khu rừng này đến khu rừng khác cho tới khi đôi chân không còn đứng vững trên mặt đất. Ông ta biến mất không để lại dấu vết. Già bảo, ông ta mới là người cô độc nhất thế gian. Sống một cuộc đời không có người thân và quê hương. Già Viêng rót thêm chén rượu. Gió thổi từ lạch sông mang theo mùi đất đồng phả vào chòi canh. Tôi rùng mình vì cảm giác lạnh và trống rỗng vô cùng. Cuộc rượu tàn lúc nửa đêm về sáng. Tôi không nhớ mình bước ra chòi canh và nằm ngủ trên thảm cải từ lúc nào. Trong giấc chiêm bao, tôi thấy mình đi theo dấu chân của người đàn ông bộ tộc đến một thung lũng xa xôi. Mở mang bờ cõi. Sinh sống, tồn tại và duy trì…

Giờ về lại thung lũng, bóng dáng cùng bao câu chuyện của già Viêng vẫn còn đó, chỉ là thân xác mãi nằm lại trong bạt ngàn hương hoa cải.

***

Cải tàn. Thung lũng Gió bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng kéo từ ngày sang đêm. Sáng mai thức dậy không còn nghe tiếng chuông gió kêu lanh canh. Mái hiên rộn ràng bởi tiếng hót của loài chim lạ. Cha thức dậy từ rất sớm lùa đàn bò đội mưa đi về đồng cỏ xanh. Chú Tường bước ra từ căn buồng, nói với tôi, “nếu có thể con hãy đi thật xa nơi này”. Tôi biết chú suy nghĩ rất lâu khi nói ra điều đó. Nhiều lúc tôi không biết mình thực sự thuộc về nơi nào. Tôi hỏi chú, “tại sao cha luôn lạnh nhạt với con như thế?” Chú không trả lời tôi. Chú trở vào pha ấm trà nóng.

Chim hót lảnh lót trong cơn mưa ban sáng, những thanh âm lúc trầm lúc bổng. Tôi mải nghĩ ngợi vu vơ mà không biết chú đã đứng bên tôi từ lúc nào.

– Con sống nhiều năm ở thị trấn có khi nào gặp lại mẹ không?

– Không, con không chờ đợi gì từ người đàn bà đó.

Tôi biết chú chờ đợi một điều gì đó từ tôi, như một cái gật đầu chẳng hạn. Tôi không hiểu sao lúc đó mình lại nói ra câu lạnh lùng như thế. Thú thực, trong những năm sống ở thị trấn, đã có lần tôi đi tìm mẹ. Trong kí ức của tôi, mẹ vẫn là người đàn bà bán củ cải trắng. Tôi đã từng tới lui các phiên chợ, gặp bao nhiêu người đàn bà, nhưng họ đều không giống mẹ tôi. Không quần áo lượt là như mẹ lúc ngồi sau thùng xe tải đi ra thị trấn. Tôi đi tìm mẹ nhưng chính tôi cũng đang lạc vào chốn mơ hồ mông lung. Tôi lạc vào những bí mật trong ngôi nhà, lạc vào những con đường chằng chịt của thị trấn chấp chứa ước vọng đổi đời. Tôi miêu tả dáng vóc của người phụ nữ, họ đều lắc đầu bảo:

– Không, chúng tôi chưa bao giờ thấy người đàn bà bán củ cải trắng nào như thế.

– Thế có thấy gã đầu trọc nào như này như này không?

– Có. Cậu cứ về chùa Tam Tự mà tìm, có rất nhiều kẻ đầu trọc.

– Tôi lắc đầu, “không, đó là các vị nhà tu đấy chứ”.

– Ừ thì nhà sư và kẻ lưu manh như cậu nói, đều có cái đầu trọc lóc.

Có tiếng cười của đám trẻ rộ lên phía những gian hàng củ quả chạy dọc con đường chật hẹp, đủ để hai người lách qua nhau. Cuối con đường có bà lão mù bán hàng rong, lấy tiếng hát làm niềm vui sống. Tôi thường dẫn Lê tới mua mấy thứ đồ linh tinh chỉ để nghe giọng hát của bà. Lê bảo cô ấy được xoa dịu tổn thương khi nghe bà cất lên những ca từ da diết. Lê tựa đầu vào vai tôi. Chỗ chúng tôi ngồi, bên gánh hàng rong, những chùm hoa lộc vừng đỏ rực rụng từng lớp xuống chân. Gốc cây xù xì, như thể nó có từ thời con đường này chưa được ai khai thông. Có lần, khi tạm biệt bà lão hàng rong để về lại những con đường quen, Lê hỏi, “anh có bao giờ ghét gia đình mình không?” Tôi bảo chưa bao giờ. Lê cười chua chát, một nụ cười bất cần. “Em thì có đấy. Em đã từng mang ý nghĩ bỏ đi khỏi ngôi nhà, đi về đâu cũng được, miễn nơi đó không phải là nhà mình”. Tôi ngạc nhiên, và nghĩ Lê có phần trẻ con, bốc đồng và xốc nổi. Lê kể, mẹ cô mất năm cô lên tám. Cha cô đem một người đàn bà khác về chung sống. Những chuyến xe hàng dài của cha là những tràng mắng nhiếc của người đàn bà đó. Cha cô là một người cộc cằn, chưa bao giờ biết lắng nghe những câu chuyện. “Hãy thử tặng ông ấy một món quà”, tôi bảo. Chưa kịp nhìn phản ứng của Lê thì trời đột ngột chuyển mưa, chúng tôi hối hả giúp bà lão thu dọn gánh hàng. Để cảm ơn chúng tôi, bà lão mù quờ lấy một món hàng bất kì dúi vào tay Lê rồi biến mất trong cơn mưa xối xả. “Đó là một chiếc lược tre, em không định tặng cha mình món đồ này chứ?” Lê nhìn tôi cười, “ông ấy không cần đến những thứ này, ông ấy không bao giờ phải chải tóc”.

Câu chuyện đấy chúng tôi nói với nhau khi trú mưa ở trạm xe buýt cuối cùng của thị trấn.

***

– “Chú có muốn mẹ quay về không?” Tôi hỏi chú.

– “Đó là điều mà ai cũng mong muốn”, chú đáp.

– Con nghĩ chú mong chờ nhiều hơn thế.

Khi nghĩ mình lỡ lời để làm chú phải khó xử tôi bước xuống nhà, để mặc chú suy tư trong làn hơi trà đang phảng phất buổi sớm mai.

Tôi vẫn đang vùng vẫy trong một cuộc đời thật giả lẫn lộn.

Tôi cảm thấy mình lạc loài cùng trăm nỗi ngờ vực bủa vây.

Tôi men theo miền ký ức trở về để giải mã những nỗi nghi ngờ đeo bám, ngày còn có mẹ trong ngôi nhà. Có lần, thấy mẹ phơi đám cải cùng vô số loại lá thảo dược trước sân nhà, tôi hỏi mẹ những thứ này chữa bệnh gì. Mẹ đáp bâng quơ:

– Chữa bệnh vô sinh.

– Nhà này có ai bị vô sinh đâu? À, chú Tường hả mẹ? Chả trách chú ấy chẳng chịu lấy vợ.

Mẹ chỉ ậm ừ để kết thúc sự tò mò đang nảy mầm trong đầu con trẻ. Một buổi sáng năm tôi lên mười, lần đầu tiên tôi thấy cha ăn vụng đồ của người khác. Cho đến bây giờ, khi đã được học hành đến nơi đến chốn, tôi có thể miêu tả chính xác khuôn mặt của cha lúc ấy. Thất thần, sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi chạy lại giằng lấy bát thuốc trên tay cha. Tôi hét lên, con không muốn có một người cha ăn cắp, mẹ nói đó là thuốc của chú Tường, cha không được tùy tiện uống khi chưa xin phép. Bát thuốc trên tay cha rơi xuống, vỡ làm đôi, những dòng nước đen sền sệt lẫn vào tro nguội. Cha bỏ đi cùng tiếng thở dài nghẹn cứng. Trong bữa cơm tối hôm đó, tôi đem chuyện này mách mẹ. Cha buông bát đũa rồi đi ra vén lại cỏ cho đàn dê. Mẹ và chú Tường bất chợt nhìn nhau đầy vẻ ái ngại, không ai nói với nhau câu gì. Tôi tự trách mình vì tính mách lẻo mà phá vỡ bữa cơm hôm đó.

Lần theo mẹ đi dọn cỏ cho ngôi mộ của nội, tôi thấy mẹ khóc nhiều lắm. Mẹ thắp ba cây nhang lên ngôi mộ rồi quay sang xoa đầu tôi. Con sẻ ra ràng kêu lích rích phía mả đất hoang, trên đó cắm những cây nhang đã tắt ngủm tự bao giờ. Tôi vùng chạy để bàn tay mẹ quờ giữa khoảng không. Khi túm được con chim sẻ trong lòng bàn tay, tôi đi về phía mẹ. Mẹ vẫn đang quỳ trước ngôi mộ, khóc lóc, “mẹ ơi, lời phó thác của mẹ con đã hoàn thành, giờ cho con được tự do”. Hình như nội nghe mẹ gọi mà trở về trong cơn gió cuối ngày. Mẹ vội lau nước mắt khi thấy tôi bước tới. Mẹ bảo, “hãy thả chú sẻ kia đi, nó khao khát khoảng trời tự do”. Chính từ lúc ấy, tôi biết người lớn đang giấu mình điều gì đó. Tôi lờ mờ đoán được những mối quan hệ trong ngôi nhà.

Và sau tất cả mọi chuyện, tôi chọn cách lặng im.

**

Tôi nhận được cuộc gọi của sếp về việc chấm dứt hợp đồng của mình. Lý do ông ta đưa ra là công việc của cậu liên quan đến những con số mà đầu óc lúc nào cũng lơ mơ, sớm muộn gì cậu cũng gây họa cho công ty. Tôi không có ý định năn nỉ sếp cho mình được tiếp tục công việc. Trong cuộc điện thoại, sếp giục tôi về gấp để giải quyết một số thủ tục liên quan đến chế độ bảo hiểm. Tôi xếp đồ đạc ngay giữa trưa, mặc cho cơn mưa vẫn đang đổ trắng trời. Tôi chào chú Tường, “con đi nha chú”. Có lẽ chú đã ngủ nên không đáp lại. Vì không muốn đánh thức giấc ngủ trưa hiếm hoi của chú nên tôi lặng lẽ xách ba lô bước xuống cầu thang. Cha đang ngồi làm chiếc lồng mới cho chú chim bách thanh dưới gầm sàn. Có ai đó bảo rằng, đó là loài chim tội nghiệp, chúng có thể bắt chước cả trăm thứ giọng nhưng không hót nổi giọng thật của mình. Tôi lại nghĩ, chúng đang cố gắng hót giọng thật nhưng không được ai biết tới. Nghĩ đến những người trong ngôi nhà, nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi chào cha hai lần nhưng ông không ngước nhìn, cũng không nói lời nào. Và hình như, từ nơi cửa sổ căn buồng, có ánh mắt chú Tường đáp lại lời tôi sau tiếng cha ơi.

Lê Văn Thân

(Truyện ngắn đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)