Phải nói ngay, tôi vốn yêu quý các văn – thi sĩ xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh), bởi lý do lớn nhất là tìm thấy ở các quý vị ấy “điệu tâm hồn” phù hợp với mình: thâm thúy song khảng khái, bộc trực, ghét sự giả dối quỵ lụy, bất cần, dám nói thẳng ý mình mà chẳng sợ cường quyền; nhưng yêu thì cũng cháy bỏng, day dứt, cuồn cuộn, xoáy lòng…

Tôi thoáng nghĩ điều này: hình như những cây bút vùng An Tĩnh xưa – nay đều đã viết với tâm niệm cùng khát vọng mà Mộng Liên Đường từng khái quát đầy rung động và chính xác về đại thi hào Nguyễn Du: “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”…

Ngày nay, đó là các tác giả Huy Cận, Thạch Quỳ, Trần Huy Quang, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Huy Mậu…, và gần đây tôi được đọc nhiều là của tác giả Nguyễn Lâm Cẩn.

Lời cha dạy (Nxb Hội Nhà văn, 2023) là tập thơ mới nhất tôi được tặng còn mùi mực in của thi sĩ Nguyễn Lâm Cẩn (cuốn sách thứ 13), mà đọc xong, tôi thấy tin hơn ở xác tín của mình về các văn – thi sĩ mà tôi vẫn gọi vui là các “ông đồ gàn xứ Nghệ” vốn bày tỏ tình cảm bằng lối “thương em muối mặn yêu đời đó em” (“Quê anh cà nhút mặn mòi/Thương em muối mặn yêu đời đó em” – Huy Cận).

Bìa tập thơ “Lời cha dạy”

Mấy câu trong “Lời bạt” của tập thơ mới này không chỉ cho thấy tuyên ngôn thơ Nguyễn Lâm Cẩn mà còn khí chất thơ của các văn – thi sĩ xứ Nghệ nói chung – những cây bút đã nghiêm nghị đến nghiệt ngã khu biệt thơ văn mình với “Thứ văn chương lừa dối bịp bợm/Thứ văn chương thuốc độc dị dạng bào thai/Thứ văn chương đồng lõa độc tài…”.

Về nội dung nghệ thuật của thơ Nguyễn Lâm Cẩn tạo ra nét riêng tác giả qua cả một giai đoạn sáng tác, vì đã có bài viết rất hay của nhà phê bình văn học bậc thầy Đặng Văn Sinh ở cuối sách: “Khoảng lặng, triết lý nhân sinh và công nghệ tự trào”, nên tôi không dám múa bút gì thêm nữa! Và tôi thiển nghĩ: có thể đó là một cánh cửa quan trọng để bước vào thế giới thơ triết lý – thế sự của tác giả “ông đồ xứ Nghệ” Nguyễn Lâm Cẩn ở tập thơ mới này?

Có một bài thơ trong tập, đối với tôi có lẽ là mang đậm “chất Nguyễn Lâm Cẩn ” hơn cả, đồng thời như một sự thể nghiệm của ông về thơ:

Niềm tin

“Bắt đầu từ một hạt mưa
Từ một con suối
Từ một con sông
Tôi tin đại dương mênh mông.

Bắt đầu từ một hạt thóc
Từ một cây mạ
Từ dấu chân trâu và cánh cò trắng
Tôi tin hạt cơm thơm dẻo cánh đồng.

Bắt đầu từ cái phấn hoa
Từ cái hạt nhỏ
Từ mần nhú lên
Từ tán lá xanh
Từ chim muông và con thú
Tôi tin cánh rừng nguyên sinh.

Bắt đầu từ hòn đất sét nói lời khát vọng tự do
Từ một trang sách
Từ một triết gia, một nhà tư tưởng
Tôi tin vào Con người.

Sau một đêm ngủ dậy
Đại dương bốc mùi
Cánh đồng cỏ dại
Rừng nguyên sinh trơ trọi
Bom đạn dội lên đầu trẻ con
Tôi tin thượng đế đang xóa thời gian”.

Niềm tin của thi sĩ khởi nguồn từ những điều hết sức gần gũi, giản dị, và ông tin ở những gì làm nên ý nghĩa cuộc sống – trước tiên là những gì đã tạo nên cuộc sống. Ông diễn tả cái Niềm tin đó một cách kiên nhẫn, tựa kể lể, trong niềm say mê được kìm nén lại kèm nỗi lo âu đầy thảng thốt – giống như những người làm bộ phim Mỹ “The tree of life” (Cây đời) đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan Phim Cannes 2011 đã chăm chú miêu tả sự hình thành của sự sống một con người tới hàng chục phút phim, khiến khán giả sốt ruột để rồi vỡ lẽ: cuộc ra đời của con người thiêng liêng và kỳ công sánh ngang sự sinh thành vũ trụ, thế mà số phận của con người trên cõi thế này sao mà buồn thảm, đáng thương! Đọc bài thơ Niềm tin, tới cái kết chua xót chất chồng niềm thất vọng và phẫn nộ của tác giả, tôi chợt hiểu vì sao mình đã bất giác liên tưởng tới bộ phim trên: “Sau một đêm ngủ dậy/Đại dương bốc mùi/Cánh đồng cỏ dại/Rừng nguyên sinh trơ trọi/Bom đạn dội lên đầu trẻ con/Tôi tin thượng đế đang xóa thời gian”. Thi sĩ Việt thời hiện đại đã bằng ngôn ngữ thi ca “xóc” vào tận lõi vấn đề nhức nhối của cả nhân loại: quyền sống, quyền được yêu thương, quyền được bảo vệ, quyền được sống giữa thiên nhiên trong lành, quyền được tự do… Có niềm tin nào đáng giá hơn, cần thiết hơn trong thế giới này bằng niềm tin vào sự bảo vệ cho con người và thiên nhiên thoát khỏi sự đe dọa bị tiêu diệt, bị “xóa thời gian” bởi cái ác, sự tham lam, sự khát máu? Làm sao giữ được niềm tin đó cho mọi người?

Đây là một bài thơ triết luận mà nóng hổi tính thời sự, câu chữ được nén lại tối đa để hàm chứa lượng thuốc nổ nội tâm rất lớn; theo tôi là hay nhất trong tập, và có thể xếp vào những bài thơ hay nhất của thơ Việt hiện đại.

Mai An Nguyễn Anh Tuấn