Khác với các môn học khác, trong các kỳ thi, khi thí sinh đạt điểm 10 môn Văn sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi, dẫu sao đây là môn thi hiếm khi học sinh đạt điểm 10.

Năm 2023 này cũng không ngoại lệ. Trong số 1.008.239 bài thi tốt nghiệp PTTH ở kỳ thi quốc gia, chỉ có duy nhất một điểm 10 môn Văn. Trước đó trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Tĩnh, có 1 bài điểm 9,75 (làm tròn 10) dài 21 trang cũng trở thành đề tài khá sôi nổi của dư luận.

Mừng

Dĩ nhiên, bài văn điểm 10 mang lại niềm vui cho nhiều người. Bản thân học sinh, gia đình em ấy, giáo viên trực tiếp dạy và nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương của học sinh ấy. Cả ban ra đề và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hân hoan. Ngay cả những lớp học tuy không có học sinh đạt điểm 10 nhưng điểm trung bình môn Văn của lớp là 9,02 cũng đã khiến giáo viên dạy và hiệu trưởng phát biểu trên báo là “rất tự hào”.

Niềm vui, niềm tự hào đó là chính đáng. Đã là một kỳ thi, đạt điểm cao, để qua đó thực hiện được mục tiêu, kế hoạch, mơ ước là mục đích cao nhất của người dự thi. Với các em thi tốt nghiệp phổ thông, điểm 10 môn Văn sẽ mở rộng cánh cửa cho em vào được trường đại học mà em mơ ước.

Nhưng còn băn khoăn

Trước thực trạng giáo dục hiện nay của nước ta còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề gây bức xúc, thậm chí nhức nhối, trong đó có chuyện dạy thêm – học thêm tràn lan, môn Văn có một bài điểm 10, có 26.209 bài đạt điểm 9 trở lên (gần 2,6%), điểm trung bình là 6,86 điểm, như vậy đã giúp chúng ta yên tâm? Con số ấy có nói được về chất lượng giáo dục hay đó chỉ là con số của một kỳ thi mà ở đó người dạy và người học dành mấy tháng trời, thậm chí cả năm trời miệt mài luyện đề và may mắn trúng tủ (một phần của một đề thi là tác phẩm văn học có sẵn trong SGK)?

Đó là chưa nói đến việc chấm thi môn Văn cũng đáng bàn. Cảm tính, cảm xúc của người chấm vẫn chi phối nhiều đến việc cho điểm. Đành rằng, đã có barem điểm cho từng câu, nhưng là văn chương, xưa nay chúng ta vẫn phải chấp nhận sự khác biệt trong đánh giá, trong “gu” cảm nhận. Nhớ lại bài văn 18 năm trước (2005) đạt điểm 10 (năm đó câu nghị luận văn học đề cũng ra về truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân), sau khi bài được đưa lên mạng, thầy giáo L.X. G, đang là chuyên viên phụ trách môn Văn của Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận xét rằng bài văn của học sinh đó giống bài văn mẫu trong sách ôn thi, chỉ đáng 8 điểm. Người viết bài này cũng đã đọc bài văn đó và thấy không có gì đặc sắc, thậm chí ý chưa đủ, lời thiếu cảm xúc, không như mình mong đợi. Thiết nghĩ, bài văn điểm 10 phải là bài văn xuất sắc, người viết phải có những ý nghĩ sáng tạo, có cái nhìn sâu sắc.

Mấy năm nay, những bài văn điểm 10 không được đưa lên báo, ngay cả bài văn thi tuyển vào lớp 10 của một học sinh Hà Tĩnh dài 21 trang, mạng xã hội ồn ào khen chê, cũng không ai được mục sở thị ngoài hội đồng chấm thi, cho nên bạn đọc không có cơ sở để đánh giá chính xác.

Hầu hết, các em đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi quốc gia thường được nhà báo viết bài, cho biết nguyện vọng của các em thường chọn vào đại học ở khối ngành kinh tế, không thấy em nào đi theo con đường văn chương. Ngay cả người viết bài này, nhiều năm dạy lớp chuyên văn, số các em sau này trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học hoặc nhà giáo dạy văn là vô cùng ít ỏi. Vì thế, việc một học sinh đạt điểm 10 môn Văn hay một lớp học 100% học sinh đạt điểm 9 trở lên cũng chỉ là con số của một bài thi, một kỳ thi chứ chưa phải là con số để đánh giá năng lực Ngữ văn của học sinh, việc dạy học nói chung, việc dạy học môn Văn nói riêng của giáo dục nước nhà.

Từng nhiều chục năm chấm thi, người viết bài này đã trải qua nhiều cảm xúc. Có những bài thi, giáo viên cho điểm cao mà trong lòng bực bội, bởi thí sinh không vi phạm quy chế thi, không có bằng chứng để cắt giảm điểm của thí sinh nhưng các bài thi na ná nhau, có những đoạn ý và lời giống hệt nhau (hoặc chép từ một tài liệu hoặc từ một “lò sản xuất”). Thật chua chát khi giáo viên không còn chấm bài của học sinh mà phải chấm bài của đồng nghiệp. Thầy này chấm bài của cô kia. Nhà trường nhận được bảng điểm thi rất đẹp, những con số báo cáo rất đẹp nhưng vẫn có nhiều người không vui.

Những bài văn chưa được điểm 10

Không ai muốn thấy những con điểm xấu xí, từ người học, phụ huynh, người dạy, nhà trường, đến Sở và Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như xã hội. Trong kỳ thi quốc gia năm 2023 này, còn 73.622 bài (7,3%) dưới điểm 5, đặc biệt là có 92 bài (0,009%) <= 1 điểm (dù đề thi được đánh giá là vừa sức, có vài câu hỏi rất dễ để thí sinh kiếm điểm) khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nguyên nhân nào khiến các em bị điểm yếu, kém? Các em không đi học thêm, hay trật “tủ”, hay ngồi nhầm lớp? Hơn hai chục năm nay, hầu như chúng ta không thấy học sinh bị “lưu ban” như thời xưa. Học sinh bây giờ toàn khá, giỏi. Cuối năm mà học sinh nào không được nhận giấy khen, phần thưởng là thành cá biệt. Tất cả đều lên lớp, dù có học sinh lớp 6 (báo chí đưa tin) mà chưa làm được phép cộng trừ nhân chia trong 10. Tất cả các lớp dưới dồn lại để đến lớp 12, ở kỳ thi quốc gia, không còn gì có thể che giấu được nữa.

Đó là một phần của bức tranh giáo dục. Nhưng bức tranh nào là bức tranh toàn cảnh? Và xã hội muốn ngành giáo dục bày ra bức tranh nào? Chúng ta muốn nhìn bức tranh như thế nào? Tôi thường quan niệm: nói thật là khó nhất nhưng cũng là cách dễ nhất, bởi khi ta lựa chọn nói thật ta không phải “mệt” thêm, không phải nghĩ ngợi quanh co giấu diếm.

Nhớ mãi một lần chấm bài văn của một học sinh lớp chuyên toán, tôi cho điểm 6 bởi bài em viết không giống cô giáo dạy, em ấy có những ý riêng, có lẽ chưa đúng, nhưng là suy nghĩ của em, có phần ngây thơ, và tôi yêu cái chân thật, ngây thơ ấy. Tôi không thích những bài văn viết hoàn toàn giống tôi dạy. Tôi chán dự những giờ thao giảng mà diễn kịch (giáo viên đã dạy trước, nhờ đồng nghiệp góp ý chán chê rồi hôm sau mời người khác dự chính lớp đó). Tôi muốn dự những giờ dạy thật, học thật. Ngành giáo dục và xã hội chúng ta bao giờ cái thật mới thực sự được chấp nhận, được trân trọng?

Cho nên, bài văn điểm 10 hay điểm 1, quan trọng là ở chỗ nó là trình độ thật của học sinh. Chỉ khi nào dạy thật, học thật, thi thật như lời của một vị lãnh đạo Đảng phát biểu thì giáo dục của Việt Nam ta mới có cơ sở để phát triển.

Trần Thị Bích Hà