Trong giờ học tất cả các môn, trong đó có môn văn (một phần của Ngữ văn), hoạt động đặt và trả lời câu hỏi là vô cùng cần thiết. Câu hỏi hầu hết do giáo viên (GV) đặt ra cho học sinh (HS), nhưng không loại trừ câu hỏi từ HS dành cho GV và các bạn cùng học. Câu trả lời hướng vào đối tượng là HS, không ngoại trừ các bạn cùng học tham gia trả lời.

Chúng tôi cho rằng, đặt câu hỏi là một nhiệm vụ của GV trong giờ lên lớp (cùng với nhiều nhiệm vụ khác), nhắm đến nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu là kích thích cho HS trí tò mò, ham hiểu biết, ham học hỏi, là dẫn các em tham gia vào hoạt động dạy – học trên lớp. Để các em là một phần quan trọng, chủ thể của giờ dạy – học (chứ không phải chỉ đóng vai người nghe thụ động, phụ thuộc). Như vậy sẽ khiến HS hào hứng tham gia. Và GV phải là người sẵn sàng trả lời câu hỏi của HS, khích lệ, hướng dẫn các HS cũng sẵn sàng trả lời câu hỏi liên quan đến bài học.

 Có lẽ khi nói như vậy, nhiều GV nghĩ: tôi làm gì còn thời gian. Trong 45p hoặc 90p (2 tiết liền), tôi phải làm bao nhiêu việc: nào là kiểm tra bài cũ, nào là kiểm tra việc soạn bài ở nhà của HS, rồi giảng dạy bài mới với bao nhiêu kiến thức và kỹ năng, nào là tổ chức cho HS thảo luận, nào là, v.v… nhất là với HS lớp cuối cấp, giờ nào cũng căng như dây đàn.

GV nghĩ như vậy không sai, nhưng chưa đúng với mục tiêu giáo dục hiện nay ở tất cả các môn, trong đó có Ngữ văn. Chia sẻ, trao truyền kiến thức không còn là mục tiêu chính; mà phát triển năng lực của người học, trong đó có năng lực tư duy, trí tuệ và cảm xúc, giúp HS có khả năng tự tìm tòi và sáng tạo mới là mục tiêu chính. Đặc biệt, những năm vừa qua, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo AI và gần đây ChatGPT xuất hiện, vừa là tin vui nhưng cũng đầy thách thức với rất nhiều ngành nghề, trong đó có ngành giáo dục. Thầy sẽ dạy gì, trò sẽ học gì khi mà chỉ cần một cái click chuột ChatGPT có thể làm ngang bằng, thậm chí tốt hơn người thầy? Chúng ta không thể cấm cản sản phẩm sáng tạo của nhân loại, không thể cấm cản xu hướng sử dụng của người dạy và người học. Rõ ràng là, với sự phát triển của AI, đặc biệt là của ChatGPT hiện nay và sẽ của X,Y… trong những năm tới, việc dạy – học buộc phải thay đổi.

Theo các nhà khoa học, tiềm năng của con người là vô cùng lớn, nhân loại mới chỉ khai thác được 5% kho tàng lớn lao đó. Vì vậy, khơi gợi cho HS trí tò mò, ham hiểu biết là rất cần thiết. Trong giờ học, thay vì thao thao bất tuyệt về cái hay, cái đẹp của bài văn, bài thơ mà mình hiểu biết và say mê, thì GV hãy dành thời gian đặt câu hỏi, hướng dẫn cho HS cách trả lời, đồng thời nêu ý kiến của mình để HS học tập, tham khảo. GV đồng thời khuyến khích HS đặt câu hỏi và tạo điều kiện cho HS trả lời câu hỏi của bạn trong lớp. Với HS lớn, trong giờ học, rồi đây khi AI phát triển, GV có thể hướng dẫn HS đặt câu hỏi cho ChatGPT, yêu cầu HS nhận xét câu trả lời của ChatGPT, từ đó bổ sung, học tập (hầu hết HS ở thành phố hiện nay đều có Smartphone, Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép HS mang điện thoại vào lớp nếu GV cho phép, và quan điểm người viết bài là ủng hộ việc này, trong giờ học GV yêu cầu HS tìm thông tin về tác giả, tác phẩm, những ý kiến bình luận khen chê về tác phẩm, hay tra cứu số liệu,… ).

Câu hỏi mà GV có thể hỏi HS mỗi đầu giờ học “Bài học hôm trước và chuẩn bị bài học cho hôm nay, các em còn chỗ nào chưa hiểu, có khó khăn, vướng mắc gì cần thầy/cô giải đáp không?”; giữa giờ học lúc dạy xong một nội dung lớn/nhỏ nào đó, hoặc cuối giờ: “Các em hiểu cả không, có thắc mắc bất cứ điều gì không?”.

Nếu HS chưa biết cách đặt câu hỏi, GV sẽ đưa ra các gợi ý, gợi mở. Chính GV là người thực hiện đặt nhiều câu hỏi nhất trong giờ dạy – học, khiến cho giờ dạy của GV và học HS vận dụng đa phương pháp, có lúc là đối thoại, có lúc là đàm thoại, có lúc thảo luận, có lúc thuyết giảng, thuyết trình…

Với một giờ dạy – học tác phẩm văn học, ví dụ phần “Tìm hiểu về tác giả”, GV cho HS đọc lớn hoặc đọc thầm, đọc lướt rồi hỏi: “Trong những thông tin về tác giả, theo em thông tin nào là đáng chú ý nhất?”. Trong phần “Đọc hiểu văn bản”, GV sẽ đặt nhiều câu hỏi, từ câu hỏi tìm/ phát hiện/ biết/hiểu… nội dung văn bản/đoạn văn bản; tìm bố cục/kết cấu, tìm ngôi kể; câu hỏi tìm tình huống truyện, tìm cảm xúc chủ đạo, tìm mạch cảm xúc; câu hỏi xác định nhân vật trung tâm và đặc điểm chính của nhân vật; câu hỏi tìm chi tiết hay tìm câu thơ, hình ảnh, ngôn từ đặc sắc và ý nghĩa; giá trị của chi tiết, câu thơ, hình ảnh, ngôn từ đặc sắc đó, v.v… mà GV văn nào cũng thực hiện, thì rất cần những câu hỏi tạo tình huống và khơi gợi trí tưởng tượng, khơi gợi cảm xúc thường thiếu vắng trong các giờ dạy văn hiện nay, khi mà Chương trình Giáo dục mới (2018) vì chú trọng rèn đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dễ dẫn đến “chất văn” của giờ văn không còn, nguy cơ giờ dạy – học văn trở thành giờ giáo dục công dân không phải không có cơ sở.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung vào 3 loại câu hỏi nhằm đạt nhiều hơn 3 mục đích.

Thứ nhất, câu hỏi tạo tình huống

Để tạo tình huống, GV có nhiều cách thực hiện, trong đó cách thông thường là đưa ra 2 -3 ý kiến/nhận định trái ngược nhau, yêu cầu HS lựa chọn và phân tích, lý giải. Trong những ý kiến/nhận định nêu ra, có khi là ý kiến/nhận định có thực của các độc giả, có khi đó là ý kiến của GV đưa ra như một “giả thuyết”. Điều đó đòi hỏi GV phải đọc nhiều cũng như có khả năng phán đoán. Ví dụ một số câu hỏi tạo tình huống sau:

  1. Có người cho rằng: Vua Hùng (trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh) ngay từ lúc ra yêu cầu về sính lễ đã không công bằng, em nghĩ vậy không?
  2. Sau khi dẹp xong giặc Ân, tại sao Gióng (trong truyện Thánh Gióng) không về gặp vua để được ban thưởng (theo lẽ thường) mà lại bay về trời?
  3. Có người cho rằng “Từng giọt long lanh rơi” (trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải) là giọt mưa xuân, có người hiểu là giọt sương sớm mùa xuân, có người hiểu là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Ý kiến của em thế nào, em hiểu là giọt gì và vì sao em hiểu như vậy?
  4. Tại sao Nguyễn Du không dùng từ “nhờ em” mà lại là “cậy em” (trích đoạn Trao duyên trong Truyện Kiều)?
  5. Tại sao Chí Phèo (trong Chí Phèo của Nam Cao) đã nhìn thấy con đường trở lại làm người lương thiện rồi vậy mà vẫn tự sát? Nam Cao kết thúc truyện như vậy có hợp lý không?

v.v…

Lưu ý, những câu hỏi đặt ra phải là câu hỏi có ý nghĩa, giúp HS hiểu đúng, hiểu sâu hơn bài học. Qua các tình huống đặt ra, HS sẽ phải phán đoán rồi lựa chọn; lựa chọn rồi sẽ phân tích, lý giải, cần có lý lẽ, căn cứ để thuyết phục. Như vậy, năng lực tư duy và phản biện của HS sẽ được phát triển.

Thứ hai, câu hỏi yêu cầu hình dung, tưởng tượng

Để khơi gợi trí tưởng tượng, trong giờ dạy – học, cách mà GV có thể sử dụng là yêu cầu HS dựa vào đoạn thơ/đoạn văn với những ngôn ngữ và hình ảnh cụ thể… hình dung, tưởng tượng cảnh và người (ngoại hình, diện mạo và cả tâm trạng) mà nhà thơ miêu tả (ví dụ: bức tranh mùa xuân xứ Huế trong Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, bức tranh từ hạ sang thu trong Sang thu của Hữu Thỉnh, trong Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, cảnh dòng sông buổi hoàng hôn trong Tràng giang của Huy Cận, cảnh trời chiều trong Mộ của Hồ Chí Minh, cảnh Huấn Cao cho chữ trong ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân… hình dung gương mặt lão Hạc lúc bán con Vàng trong Lão Hạc của Nam Cao, tâm trạng Chí Phèo lúc ăn bát cháo hành trong Chí Phèo của Nam Cao, tâm trạng Kiều lúc tiễn Thúc Sinh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du…)

GV cũng thường vận dụng cách yêu cầu HS tưởng tượng tiếp câu chuyện, hay hình dung một kết cục khác. Ví dụ:

  1. Em tưởng tượng tiếp như thế nào khi ông lão đánh cá trở về thấy bà vợ ngồi bên máng lợn ăn sứt mẻ (Trong Ông lão đánh cá và con cá vàng – Truyện dân gian Nga, Puskin kể)?
  2. Tưởng tượng tiếp cho câu chuyện Thỏ và Rùa?
  3. Em nghĩ Sơn Tinh và Thủy Tinh (trong Sơn Tinh, Thủy Tinh) còn tiếp tục giao đấu không? Nếu còn, em hãy tưởng tượng và kể lại.
  4. Em thích một kết thúc khác cho truyện Tấm Cám không? Hãy kể theo tưởng tượng của em….

Khơi gợi và phát triển trí tưởng tượng, là cách tạo cho HS trở thành người “đồng sáng tạo” với tác giả. Cách này cao hơn một bước so với yêu cầu đọc hiểu tác phẩm. Có lẽ vì thế mà Albert Einstein – nhà bác học lỗi lạc, một trong những vĩ nhân của thiên niên kỉ thứ 2, luôn đề cao trí tưởng tượng, ông ấy cho rằng: “Logic sẽ đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B. Trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta tới mọi nơi”, và nữa “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức là hạn chế, còn trí tưởng tượng bao quanh khắp thế giới”.

Phát triển khả năng tưởng tượng, bồi dưỡng tâm hồn chính là đặc trưng của chức năng văn học mà giờ dạy – học văn có sứ mạng thực hiện.

Thứ ba, câu hỏi gợi cảm xúc

Để khơi gợi cảm xúc, không chỉ gián tiếp qua câu hỏi phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, GV cần có thêm những câu hỏi trực tiếp để HS bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ. Câu hỏi này, GV thường “quên”, mà thực tế lại rất quan trọng. Mọi cái rồi có thể qua đi,… nhưng cảm xúc thì còn mãi. Giữa một thế giới ngày càng vô cảm (nhiều người cho là vậy), khi mà con người có rất nhiều công cụ, phương tiện để kết nối, thì lạ thay, con người hơn bao giờ hết lại cảm thấy cô đơn. Bồi dưỡng tâm hồn giàu cảm xúc, biết rung động tinh tế là nhiệm vụ, chức năng rất riêng của văn học, mà giờ dạy – học văn là khởi tạo, ươm trồng. GV không áp đặt mà cần khéo léo, mỗi giờ học chỉ cần gieo vào lòng các em một vài cảm xúc về tình thương người, thương vật, về lòng trắc ẩn, về sự lắng nghe, sự sẻ chia…Thông qua việc đặt câu hỏi GV có thể khơi gợi những gì còn mong manh, còn ẩn sâu, còn mơ hồ… trong lòng các HS.

Cảm xúc mà tác phẩm văn học mang tới vô cùng phong phú, vô cùng sâu sắc. Đó có thể là lòng yêu tạo vật thiên nhiên: rung cảm trước một áng mây đơn lẻ (cô vân) lững lờ giữa trời chiều bao la (Mộ – Hồ Chí Minh), một cánh chim nhỏ mang sức nặng của trời chiều (Tràng giang – Huy Cận)…; có thể là thương người tù cất bước trên đường thẳm lúc đêm chưa tàn, ngày chưa rạng cuối thu đầu đông từng trận gió táp vào mặt (Tảo giải – HCM), thương một cô bé cả đời quẩn quanh trong góc phố với ánh đèn dầu leo lét (Hai đứa trẻ – Thạch Lam), xúc động trước cuộc đời một cố nông nghèo, chắt chiu cả sự sống cho con, đau đớn khóc vì nỡ lừa một con chó (Lão Hạc – Nam Cao)…

Những câu hỏi như thế này cần có trong giờ dạy – học văn, ví dụ:

  1. Đọc xong đoạn bé Hồng được gặp mẹ, được ngồi trong lòng mẹ (Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng), em có cảm xúc và suy nghĩ gì về bé Hồng, về tình mẫu tử của hai mẹ con?
  2. Đoạn trích Con có thương thầy thương u (Tắt đèn – Ngô Tất Tố), em xúc động nhất ở chi tiết nào, vì sao?
  3. Cảm xúc bao trùm của em khi đọc đoạn Thúy Kiều thương mình (Truyện Kiều – Nguyễn Du) là gì? Tại sao em có cảm xúc đó?…

Việc đặt câu hỏi trong giờ học giúp các em tập trung vào giờ học, kích thích tư duy và các em hào hứng hơn bởi thấy mình trở thành một phần quan trọng của giờ dạy – học, đồng thời giúp hình thành thói quen đặt câu hỏi, đặt ra vấn đề (một trong những dấu hiệu của người có IQ cao), và tìm cách giải quyết vấn đề… không chỉ khi còn là HS mà kể cả khi đã trưởng thành trước những vấn đề của ngành nghề và xã hội. Con người ta lớn lên nhờ biết đặt câu hỏi, từ đó đi tìm câu trả lời. Tôi tin điều đó.

Thiển nghĩ, chúng ta không đặt ra những mục tiêu quá lớn lao, kỳ vọng giờ dạy – học văn có thể tạo ra những con người hoàn hảo, nhưng cùng với các môn học khác, cùng với giáo dục của gia đình và xã hội, 12 năm học phổ thông với hàng trăm tác phẩm văn học, môn văn trong Ngữ văn (từ lớp 6 đến lớp 12) và môn Tiếng Việt (ở tiểu học) nếu thầy, cô giáo tâm huyết chắc chắn chúng ta sẽ đào tạo, bồi dưỡng được những thế hệ trẻ có trí tuệ và phẩm chất đáng quý, nhằm xác lập và khẳng định được vị thế nước Việt Nam trong dòng chảy hội nhập toàn cầu.

Trần Thị Bích Hà

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 34 bản in, phát hành tháng 6/2023)