Tôi và bạn – những người không nếm trải những năm tháng đau thương của cuộc chiến tranh chống Mỹ, sẽ không cảm hết được những thời khắc hào hùng và đau thương của một dòng kênh lịch sử với những cô cậu dân công hỏa tuyến không tiếc tuổi xuân dầm mình nạo vét bùn đất dưới làn bom đạn Mỹ để cho những chuyến hàng tiếp tế lương thực, vũ khí được thông suốt vào miền Nam. Những câu chuyện kể hôm nay bằng ký ức của các cô, bác dân công hỏa tuyến ngày nào như là những “trang sử sống” để hậu thế hiểu hơn về một dòng kênh yêu thương vẫn ngày ngày lặng lẽ thao thiết chảy qua những miền quê đất Nghệ. Đó là kênh Nhà Lê – con kênh lịch sử khởi đầu từ sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) vào đến tận đèo  Ngang (Hà Tĩnh) do vua Lê Đại Hành khởi xướng, rồi các triều đại về sau liên tục nối tiếp khơi sâu, mở rộng.

Di tích kênh nhà Lê- Ảnh: Sách Nguyễn

*****

   Một ngày tang tóc và đầy hoang mang với người dân xã Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai).

Hàng chục dân công người Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu) đang tập trung nạo vét đoạn kênh chạy qua xã Quỳnh Kim thì hai máy bay Mỹ ào tới ném bom. Người bị chết, người bị thương, bị sức ép nằm la liệt bờ kênh. Một vùng kênh bị cày xới, nát bét, đất cát vùi lấp những thân người. Con kênh đã bao ngày tháng thân thương, hiền hòa là thế giờ trở nên nham nhở, nhuộm đỏ máu. Những cô cậu thanh niên dân công hỏa tuyến mới vừa hò hát, vừa ném đất nghịch nhau, giờ mỗi người một tư thế, lấm lem hoặc chìm trong đất, trong nước. Bà Chu Thị Sửu (Quỳnh Mỹ, nay là khối 10 thị trấn Giát) nhớ lại: Dây chuyền của tôi có 3 người to khỏe được giao đứng ở đầu dây, gồm anh Him, người khỏe nhất đảm nhận vị trí khó nhất – vác đất từ dưới lòng kênh lên, rồi đến tôi, chuyền sang anh Vũ Kim Chi. Cả hai anh đều hy sinh. Còn tôi, không hiểu sao vẫn sống. Đau đớn nhất là anh Him, bị bom cắt thành nhiều mảnh, vùi lấp trong lòng kênh, mấy hôm sau mới tìm được. 7 con người trẻ tuổi, mới chỉ 17 đến hơn đôi mươi thôi, tuổi xuân còn phơi phới, trong phút chốc trở thành mãi mãi “tuổi hai mươi”. Trong đó, chỉ hai người đã lập gia đình, có con, 5 người còn đơn chiếc.

Đó là ngày 6/3 âm lịch năm 1966. Một ngày đau thương đi vào lịch sử hai xã Quỳnh Kim và Quỳnh Mỹ (hồi đó đều thuộc huyện Quỳnh Lưu), và in đậm trong tâm khảm những người con quê hương từng tham gia chiến dịch nạo vét kênh Nhà Lê những năm chống Mỹ. Trên một triền cát ngày ấy là những nấm mộ của các anh chị được bà con xã Quỳnh Kim nén đau thương, chôn cất vội. Nhiều năm sau, khi nước nhà thống nhất, người thân mới có dịp đón  các anh, các chị về yên nghỉ tại quê nhà. Anh Hoàng Văn Hùng, xã Quỳnh Mĩ (nay thuộc thị trấn Giát) khắc khoải: “Chị tôi là Hoàng Thị Thương tham gia hai đợt nạo vét kênh. Chị mới vừa được kết nạp Đảng, bước vào đợt nạo vét thứ hai là hy sinh, vào ngày 6/3 âm lịch năm 1966. Chị tôi, tuổi đời còn trẻ lắm, mới chỉ đôi mươi”. Vợ chồng ông bà Lương Thị Vui (Quỳnh Mỹ, nay là khối 11 thị trấn Giát) cũng cùng chung sự mất mát lớn lao ấy. Bà Vui hiện đang còn mảnh đạn trong người, được hưởng chính sách thương binh. Em gái chồng là liệt sĩ Lê Thị Nhiên, hy sinh khi 17 tuổi. Hai chị em đều là dân công nạo vét kênh Nhà Lê có mặt trong ngày đau thương ấy.

***

Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay ném bom để thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Một trong những mục tiêu chúng hương đến là cắt đứt các con đường tiếp vận cho chiến trường miền Nam. Các tuyến giao thông huyết mạch đều bị máy bay dội bom phong tỏa. Trong bối cảnh ấy, Cục Đường sông Việt Nam đã khảo sát các con sông lớn nhỏ để mở luồng vận tải. Tuyến kênh đào Nhà Lê sẽ được khôi phục lại với chiều dài trên 500km, bắt đầu từ huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình xuyên qua Thanh Hóa, Nghệ An đến huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh. Ngay sau đó, một ban chỉ đạo nạo vét được đồng loạt mở ra ở 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Từ ngày 9/4/1965, máy bay Mĩ tập trung ném bom bắn phá ác liệt vào hệ thống giao thông vận tải Nghệ An. Trong tình hình đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã ra Nghị quyết về giao thông vận tải. Nghị quyết xác định: Bảo đảm yêu cầu của chiến trường B và C, yêu cầu sản xuất và đời sống trong tỉnh; tìm mọi cách thông cầu phà; tu sửa ngay các bến phà bị địch đánh phá; làm thêm đường mới, đường vòng, đường tránh, tận dụng đường thủy; tận dụng phương tiện thô thơ, tổ chức các đội thanh niên xung phong. Tháng 5/1965, các ban bảo đảm giao thông tỉnh, huyện và xã được thành lập. Các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải được tổ chức với sự tham gia của nhiều bộ phận, nòng cốt là dân quân tự vệ cùng với sự hỗ trợ của toàn dân và các đơn vị lực lượng vũ trang.

“Tết 1966 là một cái Tết đầy ấn tượng với cuộc đời học sinh của chúng tôi: đi nạo vét kênh Nhà Lê”, ông Phạm Huy Đức, nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An nhớ lại. Khi đó ông là học sinh ở xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu. Nhiều học sinh Quỳnh Bá cùng với thanh niên đoàn xã xung phong tham gia phong trào nạo vét kênh. Đơn vị của ông Phạm Huy Đức làm là đoạn từ xã Quỳnh Hoan (nay là xã An Hòa) đến xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu). Nào gạo, nào dụng cụ, ai cũng hồ hởi mang vác, đi bộ đến các địa phương có kênh Nhà Lê chảy qua. Ba ngày Tết, nhưng ai cũng vui vẻ dù phải xa nhà, ở trong dân và hàng đêm ngập trong đất cát, nước và cái rét cắt da. Người dân các địa phương cũng bỏ qua các kiêng kị của ngày Tết, vui vẻ đón nhận người lạ ở trong nhà. Tất cả đều cùng một tinh thần nỗ lực góp sức cho cho việc thông thương tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí bằng đường thủy vào chiến trường miền Nam.

Những năm 1965-1966, các địa phương ở Nghệ An có kênh Nhà Lê chảy qua là những công trường đủ các thành phần thanh niên, dân công, công nhân… ào ào nạo vét kênh suốt đêm ngày. Một khí thế hừng hực, một không khí náo động khác thường như xóa đi vẻ bình yên của miền quê thôn dã. Sách Lịch sử quân sự Nghệ An (tr.328) viết: “Tháng 9/1965, tỉnh huy động 9.000 dân công của 6 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành nạo vét kênh Nhà Lê đoạn Vinh – Thanh Hóa để ca nô và xà lan trọng tải lớn có thể đi lại dễ dàng. Công trình tiến hành trong vòng 3 tháng với khối lượng công việc lớn, nạo vét 14.000m3 đất đá”.

Đẩy mạnh chiến dịch vận tải hàng hóa vào Nam, tất cả đều vì tiền tuyến, người người xung phong đi nạo vét kênh, nhân dân các địa phương có kênh chảy qua thì sẵn sàng đón học sinh, thanh niên, công nhân, dân công, cán bộ… vào trọ trong nhà. Ông Hồ Đình Nhiếp (sinh năm 1930, ở xã An Hòa) bồi hồi nhớ lại: Những năm đó, ông là Trung đội trưởng phụ trách dân công xã Quỳnh Hoan nạo vét đoạn khe Nước Lạnh về đến sông Hoàng Mai, sau đó di chuyển vào huyện Diễn Châu. “Mỗi đợt đi nạo vét kênh đều ăn ở trong dân. Dân thương anh em chúng tôi lắm. Nhường nhà, nhường giường. Thấy anh em đi làm về ướt sũng, trời rét căm căm, có khi chủ nhà còn nấu nước cho tắm”. Nhà của bố mẹ ông Hồ Thanh Sơn (xã An Hòa) chính là một trong hai nhà bếp của công nhân ngành giao thông và là nơi ở thường xuyên của 5-6 công nhân. Họ đảm nhận nhiệm vụ khảo sát đo đạc dòng kênh. Bố mẹ ông rất vui khi đón anh em về ở cùng. Ông bà thường bảo: Mỗi người gắng một việc thì tiền tuyến mới đánh thắng giặc Mỹ.

Ngôi nhà này trước đây bố mẹ ông Hồ Thanh Sơn cho làm nhà bếp của đoàn cán bộ, công nhân ngành giao thông và 5-6 công nhân cùng ở trong nhà,

Trong dòng ký ức của ông Nguyễn Xuân Thạc (sinh 1942) hiện ở xã An Hòa không bao giờ nhạt phai những năm tháng sống cùng dòng kênh dưới làn bom đạn Mỹ. Thời điểm đó ông là cán bộ của Ty Giao thông Vận tải Nghệ An, là Cụm trưởng cụm Quỳnh Lộc gồm 12 xã khu vực bãi ngang. Đây là đoạn kênh 1 còn gọi là kênh Son (từ Quỳnh Liên đến lèn Bổ Bóng xã Quỳnh Lộc). Tiếp đó ông lại được điều sang kênh Gấm (từ Quỳnh Thọ – Quỳnh Lưu đến Diễn Mĩ – Diễn Châu). Ban ngày, ông phụ trách hơn 40 cán bộ, công nhân ngành Giao thông thực hiện nổ mìn khơi thông luồng lạch. Ban đêm, ông phụ trách dân công nạo vét bùn cát. Ông nhớ lại. Cứ nghe kẻng, nghĩa là con nước đã rút, anh em ào ào vác cuốc xẻng hò hát hướng về dòng kênh. Máy bay Mỹ đến, nghe kẻng người trên bờ chạy trốn vào hầm, vào bụi cây, người dưới lòng kênh thì đứng im bất động để chúng không phát hiện mục tiêu. Có nhiều ngày đêm phải tránh máy bay Mỹ không biết mấy lần. Ban ngày, dù nguy hiểm, có hạn chế hơn vì sợ máy bay Mỹ phát hiện nhưng khi con nước vơi mọi người vẫn tiếp tục vét kênh. Đêm đêm, bất kể lúc nào, có khi là 11, 12 giờ khuya, con nước mới rút, dù đang ngủ cũng bật dậy đi làm. Người người ào ào xuống các triền sông. Nhiều thanh niên hăng hái lắm. “Bà Nguyễn Thị Hướng, Bí thư Đoàn xã Quỳnh Hoan, người nhỏ thó nhưng ở đâu nước vơi là bà ào tới hò hét, đốc thúc anh em xuống làm. Xuống làm nhanh. Chỗ này cần thêm người. Chỗ kia dàn ra. Người thấp nhỏ, nên có lúc nửa người bà chìm trong đất cát”. Bà Hướng thì cứ xuýt xoa, trầm trồ khi nhớ tới những đôi chân của các cô gái Tiến Thủy (xã Quỳnh Tiến): “Chân con gái Quỳnh Tiến trắng kinh khủng. Đi vét kênh, trời tối, nhưng không được mang đèn đóm gì, cả bọn lại hét: ‘Gái Tiến Thủy mô, đi trước dọi đường cho choa theo’. Mà chị e cũng tội lắm. Những ngày có tháng vẫn dầm mình trong nước sông lúc lên đến đầu gối, lúc cao ngang rốn”. Bà Lê Thị Tuyết (Quỳnh Hưng, làm dâu Quỳnh Mỹ) thêm vào: Hồi đó chắc tuổi mới lớn, khỏe như tru, nên dầm nước bẩn là vậy mà vẫn không bị bệnh phụ khoa hay gì cả”. Vất vả, gian khổ, vậy nhưng cũng lắm trò vui. Vừa làm vừa hò hát, đối vui, kể chuyện tếu cười ran cả triền sông. Lắm khi có đoàn thuyền chở lương thực chạy giữa lòng kênh, biết các anh trên thuyền này là người người Thanh Hóa, các chị liền ghẹo: “Thuyền nan mà đậu bến than/Thấy anh vất vả, cơ hàn em thương”. Nhưng liền sau đó lại hò “Ăn chanh nằm gốc cây chanh/Lấy anh thì lấy về Thanh em không về”. Chính buổi sáng ngày đại tang trên dòng kênh xã Quỳnh Kim, chị Hoàng Thị Thương – một trong 7 liệt sĩ ngã xuống hôm đó – hát rất nhiều, rất nhiều. Tiếng hát trong trẻo ấy bỗng nghẽn tắc và im bặt. Hai máy bay Mỹ thình lình ào tới ném bom sát thương đoạn kênh chị và đồng đội sáng đó vừa mới xuống làm. Phải chăng, linh tính đã mách bảo để chị kịp gửi lại một điều gì đó thật đặc biệt vào dòng kênh trước khi mãi mãi không được nhìn thấy nó, dầm mình trong lòng nó. Chị hát. Để rồi mãi mãi chị không còn được cất tiếng ca, không còn được tham gia những trò nghịch ngộ của bầu bạn trong những giờ nghỉ ngơi: cuộc nhau nấu cơm sống một góc nồi, sống một cột từ trên xuống; đánh bài quẹt nhọ, thi hát đối… Tuổi mới lớn, các anh, các chị đã dành hết tình yêu cho đời, cho quê hương. Bà Lê Thị Tuyết, bằng cái giọng đơn đớt của người Quỳnh Hưng hồ hởi trò chuyện như đang sống lại cái thuở đôi mươi ấy: “Hồi đó, chúng tôi lạc quan yêu đời lắm, không biết sợ chết là gì. Nghe xã kêu đi nạo vét kênh là xung phong. Chỉ thấy vui, thấy thích. Dù khổ, dù mệt, nhưng tuổi bẻ gãy sừng trâu, những điều đó có là gì”. Nhân dân các địa phương hồ hởi, nhiệt huyết với công cuộc nạo vét kênh là vậy. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An,  cũng quyết liệt cho chiến dịch đảm bảo giao thông đến cùng. Ông Nguyễn Xuân Thạc nhớ rằng: Hồi đó, riêng huyện Quỳnh Lưu, ông Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Đợi, đã cách chức một số lãnh đạo xã vì không hoàn thành nhiệm vụ điều quân.

Từ dòng kênh lịch sử, từ những thời khắc lịch sử này đã dệt nên rất nhiều tình yêu và tổ ấm cho những cô cậu thanh niên thuở ấy. Nhờ những ngày đi thông kênh nhà Lê, ăn nhờ ở đậu mà ông Thạc, chàng trai quê Quảng Bình đã nên duyên với cô gái Nghệ quê Quỳnh Hoan. Bà cũng là một đoàn viên tích cực trong phong trào này. Ngoài vợ chồng ông Thạc, thuở đó, còn rất nhiều đôi lứa thành đôi như vợ chồng ông Bá Bi và bà Hồ Thị Én (Quỳnh Hoan); ông Thỏa bà Kiêu (Quỳnh Mỹ)… Những tình cảm lứa đôi trong những ngày cả tỉnh Nghệ An một lòng hướng về tiền tuyến miền Nam đã giúp họ vượt qua những khó khăn gian khổ và cả những hiểm nguy đến tính mạng. Khuôn mặt bà Hồ Thị Luân – vợ ông Thạc như rạng rỡ hẳn khi tủm tỉm cười: Ông ấy là người thường xuyên động viên tôi. Nhất là khi nghe tin ở đoạn kênh nào đó anh em gặp việc dữ, người bị thương, người hy sinh. Cái chết có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Nhưng có nhau, chúng tôi thấy vững tâm rất nhiều!

Giữa không khí sôi động ấy, không hiếm những thời khắc đau thương và sợ hãi như sự kiện Quỳnh Mỹ, Quỳnh Kim. Bà Nguyễn Thị Hướng nhớ lại: “Đó là một đêm đáng sợ của ngày 26 tháng 10 năm 1965. Do cần chuyển hàng gấp nên dân công chúng tôi cũng được huy động đi vận chuyển lương thực, thực phẩm từ ga Hoàng Mai về kho ở Quỳnh Vinh. Lúc trở về đến lèn Bổ Bóng địa phận xã Quỳnh Lộc thì máy bay Mỹ ném bom. Ông Nguyễn Đình Hoán, một đồng đội hy sinh. Bà nhận nhiệm vụ, giữa đêm một mình băng qua mấy chục cây số đồng không mông quạnh về Quỳnh Hoan báo tin cho chính quyền và gia đình ông Hoán. Rất nhiều nỗi sợ bủa vây, nhưng bà đã cố vượt lên làm tròn nhiệm vụ.” Chỉ riêng xã Quỳnh Hoan hồi đó đã có 2 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch nạo vét kênh Nhà Lê. Trường hợp thứ hai là ông Trần Bá Xớn. Ông Nguyễn Xuân Thạc, nhớ rằng: Ông Trần Bá Xớn trúng bom Mỹ khi đang nạo vét kênh. Ông Thạc là người nhặt từng mảnh thi thể của ông Xớn gom lại. Lúc đó, mọi người sợ quá, tinh thần có phần hoang mang, nhưng sau đó đã nhanh chóng bình tĩnh lại. Nhà ông Phan Công Như (Quỳnh Mỹ) cũng có tới 3 người anh em con chú, con bác bị thương trong đợt này. Một sự kiện vô cùng đau thương khác không thể nào quên, đã được nhà báo Văn Hiền ghi lại trong cuốn sách Đường xuyên cung lửa (tr.75-76), “đoàn thuyền nan 200 chiếc, đoàn thuyền gỗ 200 chiếc của tỉnh Thanh Hóa chở hàng quân sự vào Nghệ An gặp nạn ngày 21 tháng 4 năm 1966 trên kênh Nhà Lê, đoạn chảy qua Diễn Hùng, Diễn Vạn, Diễn Hải (huyện Diễn Châu)… Hơn 250 thuyền hàng với hơn 450 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, dụng cụ quân y và 13 thủy thủ bị bom, rốc két, đạn 20li tiêu hủy… Cả đoạn kênh tắc nghẽn xác thuyền, xác người, khét lẹt, nồng nặc hơi bom”. Đối diện với hiểm nguy ác liệt và mất mát lớn lao ấy mọi người không tránh khỏi nỗi sợ. Sự kiện xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Kim mất một thời gian anh em dân công mới bình tĩnh trở lại. Thời điểm đó, hầu như đêm nào cũng họp để trấn tĩnh tinh thần và hướng dẫn anh em cách thức tránh bom. Sau sự kiện ông Nguyễn Đình Hoán hy sinh, bà Hướng cho hay, anh em xã Quỳnh Hoan cũng hoang mang. Một số người báo ốm, bà báo cấp dưỡng cho ăn cháo. Ăn cháo một tuần, không chịu được; bình tĩnh trở lại, anh em lại xin đi làm. Bà Hướng cười: “Đó cũng là tâm lý bình thường thôi. Ai chẳng sợ bom, sợ chết”. Một con số thống kê cho thấy, đây là một thời điểm vô cùng khốc liệt: chỉ tính riêng tuyến kênh Nhà Lê tại Nghệ An (từ năm 1965 – 1968) không quân Mỹ đã tiến hành công kích trên 190.000 trận, ném hơn 700.000 tấn bom vào các mục tiêu quân sự, đầu mối giao thông, cơ sở kinh tế và khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Ác liệt như vậy, nhưng quân dân Nghệ An, đã quyết một lòng vì tiền tuyến miền Nam, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vượt lên tất cả để trở thành hậu phương vững chắc. Chỉ trong năm 1965, trên toàn tuyến kênh đã nạo vét được 365.000m3. Những đoạn cạn nhất được khoét sâu từ 50 – 60 cm và khi thủy triều lên đạt mức nước 1-1,2m, đảm bảo cho các loại thuyền có trọng tải trên 10 tấn đi lại thông suốt. Thời điểm này, có 3 đại đội thanh niên xung phong với gần 1.000 đội viên nam, nữ được điều động chốt tại các khúc kênh quan trọng như kênh Son, kênh Ma Đa, kênh Cấm, kênh Sắt, kênh Gấm, kênh Than, kênh Nhồi, kênh Lấp, kênh De, kênh Choáng. Từ những dòng kênh nhỏ len lỏi qua những xóm làng, những chuyến hàng lương thực, đạn dược… đã được thông về sông lớn, ra biển khơi, vào Nam. Riêng chiến dịch vận tải Quang Trung “Từ ngày 24/12/1965 đến ngày 31/1/1966…, hơn 20 vạn bộ đội thanh niên xung phong và dân quân tham gia chiến dịch… vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng, sửa chữa 140m cầu, đào đắp gần 30 vạn mét khối đất đá…” (Lịch sử Nghệ An – T2, tr368). “Đến tháng 9 năm 1966, kết thúc đợt 1 chiến dịch giao thông vận tải Quyết Thắng, toàn tỉnh chuyển vào chiến trường trên 12.682/18.000 tấn kế hoạch vận chuyển hàng hóa cả năm cho chiến trường B” (Lịch sử Nghệ An– T2- tr370). Đợt 2 của chiến dịch được thực hiện cuối năm 1966 đã hoàn thành 100% kế hoạch này. Có thể nói, cùng với vận tải đường sắt, đường bộ, tuyến vận tải đường thủy, trong đó không thể thiếu vai trò của tuyến kênh Nhà Lê, đã góp phần quan trọng giúp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện thành công nhiệm vụ đảm bảo huyết mạch giao thông chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Hôm nay, đi dọc tuyến kênh Nhà Lê lịch sử chạy dài theo mảnh đất Nghệ An, tuyến kênh thông suốt những luồng lạch giao thông giữa các địa phương, vùng miền, ta như còn vẳng nghe đâu đó câu Ví, Dặm: Ôi uất hận khi nghe tin sét đánh/Bọn Mỹ đem bom rải xuống dòng sông/Nước kênh Lê hòa lẫn máu đỏ hồng/Máu của chiến sĩ miền Đông anh dũng… Thi đua anh gánh em đào/Đào kênh Lê chống Mĩ, gái má đào kém chi. (Bài hát xuất hiện sau khi xảy ra sự kiện Đoàn dân công Quỳnh Mỹ bị trúng bom tọa độ được anh chị em dân công hỏa tuyến ghi lại). Những năm tháng đau thương, nhưng hào hùng ấy của dòng kênh Nhà Lê, của những người con Nghệ An, nhất là tuổi trẻ, đã góp phần dệt nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước. Kênh Nhà Lê hôm nay vẫn mải miết chảy để thông suốt hai miền Nam Bắc mạch máu giao thông đường thủy. Trong dòng chảy thao thiết ấy, ta như vẫn vẳng nghe tiếng hát, tiếng cười rộn rã niềm yêu, yêu đời, yêu người của những cô cậu thanh niên một thuở chẳng biết sợ chết là gì, chỉ biết làm và cống hiến.

Dòng kênh còn đấy. Và những câu chuyện kể vẫn mãi mãi đi cùng dòng kênh!

Đào Thúy Hoa

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, sô 12/2021)