Yên Thành là địa phương có địa hình đồi núi và đồng bằng. Vùng núi Yên Thành nối liền với các dãy núi từ phía Tây Bắc Nghệ An đổ xuống, có nhiều lèn đá vôi, nhiều hang động và nhiều thung lũng kín, là địa bàn cư trú thuận lợi của người Việt cổ. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cho biết, Yên Thành là nơi có người Việt cổ xuất hiện lâu đời. Các công cụ bằng đá được tìm thấy ở khu vực Bảo Nham, Vườn Bổn – Vĩnh Tuy, Đồng Thành, Hậu Thành (chủ yếu là rìu và cuốc) có niên đại khoảng 2700 TCN thuộc nền văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình) – nền văn hóa hậu kỳ đồ đá mới Việt Nam. Người Việt cổ quần tụ trên các hang động ở Yên Thành là những cư dân trồng lúa cuối thời đại đồ đá mới ở Nghệ Tĩnh. Họ là những con cháu của người vượn ghè đá ở Thẩm Ồm (Quỳ Châu), những bộ lạc săn bắn hái lượm ở Cồn Điệp (Quỳnh Văn) và là những người đương thời với những người Việt cổ ở Rú Ta – Hai Vai (Diễn Châu). Các hiện vật thu thập được cho thấy, các bộ lạc cuối thời kỳ đồ đá mới sống ở đây đã có kỷ thuật chế tác công cụ đạt đến trình độ cao. Nguồn sống của họ chủ yếu là lúa, ngô, khoai… và các hải sản như tôm, tép, ốc hến… Tất cả các chứng cứ khoa học đã chứng minh rằng Yên Thành là vùng đất cổ, một bộ phận khăng khít của các bộ lạc xa xưa cư trú ven biển Nghệ Tĩnh.
Đến thời đại văn hoá Đông Sơn, thuở các vua Hùng dựng nước Văn Lang, sống giữa thiên nhiên hoang dại, con người ở đây đã biết tự mình xây dựng cuộc sống kinh tế, văn hóa… Họ mở rộng địa bàn cư trú từ các hang động xuống các dải đất cao dọc thung lũng ven khe suối. Con người chuyển từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ đồng, biết cày, cuốc ruộng, biết đồ xôi, làm bánh, làm đồ gốm bằng bàn xoay, biết đúc đồng, luyện sắt. Nguồn sống chính của họ là làm ruộng, trồng trỉa lúa, ngô, khoai và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…
Trên nền tảng chủ yếu là nền nông nghiệp trồng lúa nước, các công xã nông thôn xuất hiện với những địa danh như: Kẻ Sừng, Kẻ Sàng, Kẻ Dền, Kẻ Rục, Kẻ Sấu, Kẻ Rọc, Kẻ Đót, Kẻ Sọt, Kẻ Găng, Kẻ Gám, Đại Gia – Đại Độ… Con người sống trong cộng đồng làng xã với những quan hệ họ hàng, tôn tộc, và những sinh hoạt văn hóa mang màu sắc của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Núi Gám, sông Dinh. Ảnh: Phan Tất Lành

Trong suốt chiều dài lịch sử, thiên nhiên và con người Nghệ Tĩnh, trong đó có Yên Thành luôn gắn bó với nhau, và cũng từ đó sinh ra những con người hào khí. Lãnh tụ phong trào yêu nước Cần Vương Nguyễn Xuân Ôn có viết:
“Non nước Hoan Châu đẹp tuyệt vời,
Sinh ra trung nghĩa biết bao người”
Thiên nhiên ưu đãi và thử thách, thuận lợi và khó khăn, cùng với tiến trình dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên con người Yên Thành cần kiệm, chăm chỉ, chịu khó, hiếu học, là vốn quý nhất. Đại Nam nhất thống chí viết:
“Đất xấu, dân nghèo, tập tục cần kiệm
Nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành”.
Cư dân Yên Thành ngày xưa không đông lắm, dân số tăng chậm, mãi đến khi Quỳ Lăng, Kẻ Dền được chọn là vùng đất lỵ sở cai quản Châu Diễn, cùng với công cuộc chuyển dân từ ngoài Bắc vào khai dân lập làng, cư dân mới tăng nhanh.
Theo tạp chí “Kinh tế Đông Dương” tháng 11 năm 1930, Yên Thành có 64.000 người. Theo tài liệu của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nghệ An năm 1951, Yên Thành có 125 làng, 42.202 hộ, 91.000 người. Theo số liệu điều tra dân số năm 1989, Yên Thành có 220.000 người, không có dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động là 45% và có 30.000 người theo Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và thư tịch cổ, trên đất Yên Thành không chỉ có người Kinh, mà cả người Mường cùng là chủ nhân vùng đất này (tại xã Liên Thành đã tìm thấy các ngôi mộ cổ người Mường).
Đến thời kỳ đất nước ta giành quyền tự chủ, với công cuộc mở mang bờ cõi, khai hoang, di dân lập ấp của các triều đại phong kiến tập quyền, vùng đất Yên Thành mới được khai phá theo quy mô lớn, cư dân Yên Thành ngày một đông đúc.
Thời Tiền Lê, Đông Thành Vương Lê Long Ngân (có tên là Long Toàn, Lê Ngân Tích); Thời Lý, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đã đưa từng tốp nông dân, từng dòng họ cùng với binh lính từ phía Bắc vào đây khai hoang mở thêm nhiều kẻ, chạ.

Đền Cả, xã Hoa Thành. Ảnh Phan Tất Lành

Thời Trần và Hậu Lê (Thế kỷ XIII, XIV, XV) công cuộc khai hoang lập ấp, chẳng những được Nhà nước đứng ra tổ chức, mà một số quan lại cũng đứng ra thành lập trang trại, một hình thức khai hoang nhỏ bé, nhưng phổ biến ở Yên Thành là từng tốp nông dân dựa vào quan hệ bà con, xóm giềng chung sức nhau lập nên những làng mới.
Thần phả và tộc phả nhiều dòng họ, các sắc phong của các triều đại là những minh chứng khẳng định các vị thần triệu cơ đã có công khai dân lập ấp. Cuối đời Trần có các ông Nguyễn Duy Thiện, Phan Vân (là vị thần tổ họ Phan ở Đông Thành) vào Kẻ Rục khai canh; Nguyễn Hữu Chỉ vào Kẻ Lấu (Ngọc thành – Vĩnh Thành) khai canh lập làng; Thời Lê có ông Trần Đăng Dinh, có công lập nên các làng Phúc Am, Đồng Bản; ông Vương Thức lập nên vùng đất Kẻ Đót, ông Nguyễn Bặc, Trần Yết Tâm, lập nên vùng đất Kẻ Cuồi…
Tuyệt đại bộ phận dân cư Yên Thành là nông dân, lấy nghề nông làm nguồn sống chính, chưa có làng nào hình thành thủ công chuyên nghiệp và buôn bán ổn định rõ nét. Mỗi khu vực cư dân sinh sống đông đúc được hình thành một làng. Làng nào cũng có đình, đền, chùa, miếu, nhà thánh… có thành hoàng làng, có lệ làng, có hương ước. Những làng xã ấy rất thuận lợi cho việc đánh giặc giữ làng và khai thác đất đai ở phạm vi nhỏ, nhưng cũng từ đó thể hiện sự ngăn cản bảo thủ, trì trệ trong việc giao lưu trao đổi tiếp thu cái mới để phát triển xã hội.
Tuy vật lộn, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, mọi áp bức bất công của xã hội có giai cấp, dẫu cuộc sống có những lúc đắng cay, lay lắt nhưng Nhân dân Yên Thành luôn xây dựng, vun đắp cho mình cuộc sống lạc quan, yêu đời, với những ngày hội hè vui chơi thoải mái theo nhịp điệu mùa màng. Các trò các tục luôn được thể hiện trong các kỳ nghỉ lễ.
Tinh thần hiếu học của Nhân dân Yên Thành luôn được nuôi dưỡng và phát huy, dân nghèo đói, nhưng ai cũng muốn cho con học dăm ba chữ để làm người. Nhiều gia đình đã từng chắt chiu hạt gạo, củ khoai cho con ăn học, Nhân dân đã nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều học trò ưu tú đậu đạt cao trong các kỳ thi. Từ thời Trần đến thời Nguyễn, Yên Thành có 18 vị đại khoa, trong đó có 4 vị đậu trạng nguyên, 3 thám hoa, 2 hoàng giáp, 5 tiến sĩ, 4 phó bảng…
Sự hình thành địa lý và con người trên vùng đất Yên Thành đã để lại di sản văn hóa, trong đó các di tích lịch sử là tài nguyên vô giá, giúp cho việc giáo dục truyền thống yêu đất nước, yêu quê hương, góp phần tác động xây dựng quê hương Yên Thành ngày càng đổi mới, phát triển.

Lê Xuân Nhương

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam, số 31, tháng 3/2023)