Sáng 6/10, tại thành phố Vinh, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” với sự tham gia của hội nhà báo 19 tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên. 

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Các nhà báo: Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Thái Sơn – Uỷ viên BCH, Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam; Ngô Đức Kiên – Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Nghệ An, đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu đề dẫn, ông Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: càng phát triển và hội nhập sâu rộng, chúng ta lại càng phải đối mặt với các vấn đề phức tạp về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, về bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; các vấn đề về chính trị quốc tế đan xen, cạnh tranh lợi ích, cạnh tranh địa chính trị khó lường giữa các nước lớn. Trong hoàn cảnh đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí càng trở nên cấp thiết.

Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu đề dẫn.

Với sự bùng nổ của công nghệ truyền thông và Internet, các thế lực thù địch đã và đang nắm trong tay những công cụ rất mạnh để chống phá ta.

Âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể tóm tắt trong một số điểm chính sau: thứ nhất là xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thứ hai là hạ thấp, phủ nhận thành tựu, khoét sâu, thổi phồng những khó khăn, yếu kém, sai lầm trong phát triển kinh tế – xã hội; thứ ba là lợi dụng các sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống cách mạng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm để gia tăng hoạt động chống phá; thứ tư là triệt để sử dụng lực lượng cơ hội, phản động trong tôn giáo, tín ngưỡng, mượn danh dân chủ, núp bóng nhân quyền, hình thành và hậu thuẫn các hội, nhóm dưới chiêu bài “xã hội dân sự” nhằm gây bất ổn về chính trị, an ninh, an toàn xã hội…

Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo. Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thảo luận những giải pháp cụ thể, khả thi, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng -Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ phương pháp nhận diện các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận, ý kiến đóng góp tập trung vào những vấn đề: kinh nghiệm thực tế của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ nhà báo trong phản bác quan điểm sai trái, đấu tranh chống các thế lực thù địch; những bài học kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực được rút ra từ thực tiễn dấn thân của nhà báo, những cách làm sáng tạo của các cấp Hội trong việc áp dụng những thành tựu của công nghệ số trong việc tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhà báo Lê Công Bột, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Bình trình bày tham luận Quảng Bình: “Phát huy vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh, phản bác và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”.

Các tham luận cho thấy, các cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; kiên cường đấu tranh với các nội dung xấu độc, các quan điểm sai trái trên mạng xã hội; nhận diện, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”…  để chống Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhà báo Ngô Đức Kiên – Tổng Biên tập Báo Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Nghệ An giới thiệu về công tác tuyên truyền bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trên báo điện tử.

Các tham luận thể hiện nhiều địa phương có kế hoạch phối hợp tuyên truyền bài bản, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng trình độ chính trị – nghiệp vụ cho hội viên. Có nhiều cách làm sáng tạo trong phát hiện, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sâu rộng hơn, góp phần định hướng dư luận xã hội, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động.

Phát biểu kết luận, nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh: đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch không thể không nói tới vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng. Xã hội càng phát triển thì báo chí càng có tiếng nói quan trọng trong việc định hướng thông tin đúng đắn hơn, hình thành dư luận xã hội thuyết phục hơn. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay còn không ít khó khăn, song cũng có nhiều thuận lợi. Báo chí không chỉ là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, mà còn là nguồn cổ động tập thể, người tổ chức tập thể để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong hoàn cảnh ấy, Hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số” có ý nghĩa quan trọng đối với các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hữu Vinh