Trong lịch sử thế giới, “xâm lăng văn hóa” để dần xâm chiếm một đất nước hay lật đổ một chế độ, thay thế một thể chế chính trị đã từng xảy ra. Bởi lịch sử loài người cũng đã minh chứng về sức mạnh của văn hóa. Hơn bao giờ hết, trong thời đại mà con người ngày càng nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vai trò của văn hóa, lại được hỗ trợ bởi thành quả tuyệt vời từ khoa học công nghệ thì sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong văn hóa của một dân tộc càng trở nên tinh vi và khó nhận biết vô cùng khi văn hóa bị biến thành một “công cụ” cho một mục đích không tốt đẹp. Trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa”, ngay sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Điều đó càng khẳng định khơi nguồn văn hóa truyền thống, bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai và trước âm mưu, tác động của các thế lực thù địch đang nhiệm vụ cấp bách và quan trọng.

Bài 1: Văn hóa của dân tộc đang bị “tấn công”

Văn hóa là tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần, được kết tinh từ lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bản sắc văn hóa nước ta được hình thành trên cơ sở lưu giữ và phát huy tinh hoa, hồn cốt của dân tộc trong hàng nghìn năm dựng xây và phát triển đất nước. Trong suốt quá trình đầy gian lao nhưng rất đỗi tự hào ấy, dân tộc ta luôn phải song song hai nhiệm vụ, vừa phát triển văn hóa dân tộc, vừa đấu tranh với sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai.

Lịch sử hàng nghìn năm dựng xây, phát triển đất nước ta thấm đẫm giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Văn hóa là yếu tố dẫn dắt đất nước, từ ngọn đuốc soi đường của văn hóa, chúng ta tìm ra chân lý, sức mạnh. Gìn giữ giá trị cốt lõi của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kiên quyết đấu tranh phê phán những luận điệu xuyên tạc về văn hóa – nghệ thuật chính là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm trong sáng đời sống tinh thần cho con người và toàn xã hội.

Văn hóa Việt Nam được hình thành từ nền tảng văn hóa bản địa và tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài để tạo nên nền văn hóa Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, di sản về tư tưởng, văn hóa của Người và của Đảng ta đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, là ngọn đuốc soi đường xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương văn hóa Việt Nam, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới.

Với mỗi người dân đất Việt, từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa dân tộc đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của Nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc lại lời căn dặn của cha ông: “Văn hóa còn thì dân tộc còn” và “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” để nhắc nhở về ý nghĩa, giá trị của văn hóa với dân tộc, đất nước, với mỗi cá nhân con người Việt Nam.

Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Văn hóa Hồ Chí Minh, nền tảng tinh thần vô giá với mỗi người dân Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra, văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội. Tấn công vào văn hóa nghĩa là chống phá vào thành trì vững chắc tạo nên bản sắc dân tộc và con người Việt Nam. Từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Vì thế, không khó hiểu các nước đế quốc khi xâm lược đã xem văn hóa chính là bước mở đầu tạo “bình địa” để thực hiện các thủ đoạn khác nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Khi văn hóa xuống cấp, lai căng thì làm cho nền tảng xã hội tha hóa, mục ruỗng tạo nên mảnh đất màu mỡ để âm mưu chuyển hóa chế độ, thay đổi thể chế chính trị trở thành hiện thực. Sự chống phá ấy được tiến hành rấttinh vi, muôn hình muôn vẻ nên nhận diện chúng không dễ dàng, nó ẩn khuất trong những vỏ bọc “giao lưu văn hóa”, “chương trình nghệ thuật”, đánh vào thị hiếu của người xem, nhất là thế hệtrer. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn này trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tự trang bị “sức đề kháng” để đấu tranh, làm thất bại kế sách thâm độc, tinh vi của các thế lực muốn chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, tách văn hóa – nghệ thuật khỏi đời sống chính trị, tuyệt đối hóa giá trị độc lập, thẩm mỹ của văn hóa – nghệ thuật, đề cao cái tôi nghệ sĩ để kêu gọi tự do sáng tác, biểu diễn… qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật.

Chúng ta  biết rằng, văn hóa – nghệ thuật được kết tinh từ đời sống xã hội. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và bản Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, nền văn hóa Việt Nam được xác định rõ 3 đặc trưng, mục tiêu: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Văn hóa lúc này hướng tới phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo động lực, thúc đẩy mỗi người con đất Việt can trường, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc.

Trong bất cứ xã hội nào, chính trị không chỉ giữ vai trò chủ đạo trong ý thức xã hội mà còn thể hiện rõ trong thiết chế Nhà nước để đảm bảo chính trị tồn tại và được giữ vững. Điều đó có nghĩa, ý thức chính trị và ý thức văn hóa luôn song hành trong thực hiện mục tiêu chung. Đảng lãnh đạo văn hóa, hướng con người tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ không phải là áp đặt mà trở thành nhu cầu khách quan, đảm bảo văn hóa phát triển đúng hướng. Đảng không “can thiệp” vào đặc tính cụ thể của các loại hình văn hóa mà soi rọi để văn hóa thực sự có ích và đáp ứng khát vọng cao đẹp, lành mạnh của Nhân dân và dân tộc.

Các tổ chức phản động tìm mọi cách xuyên tạc, tán phát thông tin sai lệch

Từ đó ta thấy rằng, văn hóa – nghệ thuật chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh: văn hóa – nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, không thể tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Vì thế, những luồng ý kiến cho rằng văn hóa – nghệ thuật bị “kìm kẹp” hay đòi hỏi nhằm đưa văn hóa – nghệ thuật ra khỏi đời sống chính trị, đặt ngoài sự lãnh đạo của Đảng là nhận thức sai lệch cần đấu tranh, loại bỏ. Một khi tư tưởng này có mầm mống hình thành và lan rộng, sự tồn vong của Đảng, của dân tộc, niềm tin của văn nghệ sĩ với chính quyền các cấp, tình yêu với văn hóa dân tộc của Nhân dân có nguy cơ sẽ bị lung lay và xói mòn.

Thứ hai, thông qua ý niệm đẹp đẽ của “văn hóa mở”, “lối sống mới để cổ súy cho sự lựa chọn tác phẩm văn hóa “dân chủ”, lối sống tha hóa, thể chế tư sản phương Tây.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nền văn hóa truyền thống Việt Nam – bản sắc, hồn cốt của dân tộc Việt Nam đã được tạo dựng, gìn giữ. Sau này, dù chịu tác động “Hán hóa”, “Tây hóa”, giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc vẫn được lưu truyền qua các thế hệ. Trước tác động của “thế giới phẳng” hiện nay, sự phát triển vũ bão của internet và mạng xã hội đã tạo cơ hội lớn để văn hóa các quốc gia giao thoa, tiếp biến. Tuy nhiên, bên cạnh tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa còn có rất nhiều sản phẩm văn hóa lai căng, đi ngược lại với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này Đảng ta đã nhận rõ trong Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X): “Nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc”.

Trong giới trẻ hiện nay, những ca từ ngây ngô, thậm chí tối nghĩa từ các nhóm nhạc ngoại quốc đã làm mưa làm gió suốt thời gian dài. Cùng với sự xuất hiện, chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, sự thiếu kiểm soát từ các cơ quan quản lý đã cổ súy cho lối thẩm mỹ coi trọng yếu tố “nhìn” trong đó có sai lệch về tính thẩm mỹ, xem nhẹ yếu tố “nghe”, coi trọng tính giải trí hơn tính nghệ thuật trong cách cảm thụ nghệ thuật của giới trẻ. Ngày càng nhiều chương trình giải trí nhảm nhí kéo theo một bộ phận khán thính giả dễ dãi, thực dụng, sống gấp, quên quá khứ, bàng quan chính trị, xa rời lý tưởng, thiên về hưởng thụ nhu cầu vật chất thay vì gìn giữ giá trị tinh thần, tư tưởng. Đó là một thực tế chúng ta đang phải đối diện và cần có những giải pháp hữu hiệu.

Chấp nhận một nền văn hóa ngoại lai chính là tự đánh mất bản sắc văn hóa của chính mình. Đó là một sự mất mát không gì cứu vãn nổi. Nhìn lại lịch sử Liên Xô những năm cuối thập niên 80 chúng ta có thể thấy rõ, đối sách thẩm thấu tư tưởng, văn hóa phương Tây vào Liên Xô và các nước Đông Âu với hạt nhân là lợi ích cá nhân chính là “chìa khóa” làm phân hóa Liên Xô, từng bước thay đổi thể chế chính trị và Liên Xô đã tự đánh mất mình. Nếu không cẩn trọng và ý thức rõ tác hại này, nguy cơ mất văn hóa, mất chế độ vẫn luôn hiện hữu với mỗi quốc gia, dân tộc.

Văn hóa lai căng đang tìm cách “len lỏi” trong giới trẻ

Thứ ba, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc bị xuyên tạc, tấn công nhằm xóa bỏ, thay đổi.

Dựa vào một số hạn chế, tồn tại trong hoạt động sáng tạo văn hóa – nghệ thuật, các đối tượng xấu đã triệt để tận dụng để xuyên tạc, kích động, quy chụp về giá trị cốt lõi văn hóa nước ta… Chúng ta thấy lâu nay xuất hiện khá nhiều luồng dư luận cho rằng văn hóa truyền thống Việt Nam là “thiếu bản sắc”, là “bản sao văn hóa Trung Quốc”; nền văn hóa ấy đang ngày càng bị “thụt lùi”, “mất giá trị”. Cũng có những người soi vào các tác phẩm được ra đời trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, coi đó là “minh họa”, là tô hồng, là đứng trên lịch sử; rồi miêu tả cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta mang một màu đen tối, chết chóc, bi kịch, vô nghĩa. Vừa vẽ nên chiếc áo đẹp đẽ cho văn hóa Tây phương, xem văn hóa tư bản mới là văn minh, vĩnh cửu và cần tôn vinh, phát triển họ vừa tấn công vào những giá trị, tác phẩm văn học có ý nghĩa cách mạng, từng là hơi thở, nguồn sống, nguồn động viên cho bao thế hệ cha ông trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc. Những nếp văn hóa xưa đã đi vào tâm thức của người dân Việt về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền, về lễ hội tịch điền, v.v… cũng bị xuyên tạc, bài xích, cho rằng không cần thiết và lạc hậu. Những luận điệu như vậy cứ lặp đi lặp lại dần thẩm thấu trong một bộ phận người dân Việt Nam sẽ dễ dẫn đến làm xói mòn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Văn hóa truyền thống của Việt Nam là kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; là sản phẩm tinh thần của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Bài xích văn hóa truyền thống, lấy văn hóa làm cái cớ để xuyên tạc chính trị, phá hoại đường lối, chủ trương của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… là phản văn hóa, bắt nguồn từ mục đích đen tối. Hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ nhận diện thấu đáo sự phản văn hóa trong những hiện tượng trên.

Thứ tư, một số văn nghệ sĩ, trí thức bị lôi kéo, móc nối để biên soạn, phát hành sản phẩm văn hóa độc hại; tận dụng mạng xã hội để xuyên tạc, phát tán.

Với những luận điệu mị dân “dân chủ”, “nhân quyền”, “bảo vệ tự do”, “cổ vũ sáng tạo nghệ thuật”, các thế lực thù địch tấn công vào sự mơ hồ, mất cảnh giác, thiếu niềm tin của một số văn nghệ sĩ, trí thức có lập trường tư tưởng dao động. Chúng lợi dụng một số vụ việc nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận và người dân, kết hợp chia sẻ ý kiến trái chiều của một số “trí thức” ở hải ngoại mang tư tưởng chống phá cách mạng Việt Nam, tiến hành phỏng vấn, tổ chức trao giải thưởng tự xưng để “tung hô”, “kích thích” những văn nghệ sĩ lệch lạc về tư tưởng chính trị, thiếu tu dưỡng rèn luyện. Lợi dụng mạng xã hội, chúng tìm mọi cách chia sẻ, phát tán những tác phẩm, chương trình xuyên tạc tới đông đảo công chúng. Dưới tấm bình phong về ngôn từ, biểu diễn, những mưu đồ đen tối được che đậy bằng các sáng tác, tác phẩm văn học nghệ thuật, v.v… đan xen giữa hiện thực vào ảo vọng, giữa nhân vật có thật với “phóng tác” để tạo nên sự nhìn nhận sai lệch. Dần dần, qua đó tập hợp, quy tụ văn nghệ sĩ, trí thức vào tổ chức, hội nhóm bất hợp pháp tiếp tục sáng tạo nên những sản phẩm lệch lạc, đi ngược lại giá trị cao đẹp của Chân – Thiện – Mỹ, đối lập với ước vọng và lý tưởng của quần chúng nhân dân.

Trước nguy cơ bị tấn công, bị “xâm lăng văn hóa” dựa trên sự vận động “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” từ đó đe dọa sự tồn vong của dân tộc, thì nhất thiết phải gìn giữ được nét đẹp văn hóa Việt Nam. Sự gìn giữ ở đây vừa là bảo vệ, bảo tồn nhưng cũng vừa là tiếp nhận, dung nạp những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu mạnh thêm sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Làm được như vậy, chúng ta mới tạo dựng được “lá chắn thép” cho sự trường tồn của đất nước, của dân tộc.

(còn nữa)

Trang Anh