Huế không chỉ đẹp với những đền đài lăng tẩm cổ kính, hay dòng Hương, núi Ngự thơ mộng. Huế còn là nơi mang đậm dấu ấn mỹ thuật, nghệ thuật của nhiều hoạ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng. Trong dịp diễn ra Hội thảo “Gìn giữ, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ” do Tạp chí Sông Hương tổ chức tại Huế (tháng 6/2023) với sự tham gia của tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung và 05 vùng kinh đô xưa và nay, các văn nghệ sĩ, nhà báo đã có dịp tham quan một số địa chỉ di sản văn hóa Huế như Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng. Cuộc tham quan đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc đẹp đối với các nhà báo, văn nghệ sỹ.

Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (1920-2002) là một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới. Năm 1991, bà được ghi danh trong “Từ điển LaRousse: Nghệ thuật thế kỷ XX”. Năm 1992, bà được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật châu Âu.

Phùng Thị Cúc sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê (xã Thủy Bằng, thành phố Huế), trong một gia đình quan lại, gốc Hà Tĩnh. Bà mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, theo cha sống ở Tây Nguyên 9 năm rồi về Huế học. Năm 1946, bà tốt nghiệp Nha khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cách mạng. Vì bị bệnh, bà được đưa sang Pháp điều trị. Sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục theo học và nghiên cứu Nha khoa tại Pháp. Năm 1953, bà kết hôn cùng đồng nghiệp, đồng hương là tiến sĩ Nguyễn Phúc Bửu Điềm. Tên gọi Điềm Phùng Thị ra đời từ đó. Mãi đến năm 1959, bà mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Năm 1966, bà có cuộc triển lãm đầu tiên được công chúng Pháp nồng nhiệt đón nhận và trở thành một nhà điêu khắc. Nhiều cuộc triển lãm quy mô vừa và nhỏ của bà liên tiếp được tổ chức khắp các nước Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch, Thụy Sĩ,… Bà được dựng 38 tượng đài và motip trang trí theo từng chủ đề khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi Điềm Phùng Thị nổi danh khắp Châu Âu.

Chân dung nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị

Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị là một người con xa quê với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước, mong muốn đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Những năm cuối đời, bà về nước nhiều lần và tổ chức các cuộc triển lãm tại thủ đô Hà Nội, Huế, TP HCM. Năm 1994, ở tuổi 81, bà hiến tặng toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Huế với 367 tác phẩm. Trong Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị có treo câu nói của bà: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ/Tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa/ Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng hơn nói theo cách của Bissiere, tôi trao tôi cho các bạn”.

Các tác phẩm của Điềm Phùng Thị có đặc điểm là không góc cạnh, luôn có những đường cong để làm mềm những mắt xích nối ghép, gợi người xem nhớ về mẹ, về quê hương, về nguồn gốc vạn vật,…. thể hiện sâu sắc khát vọng Chân- Thiện- Mỹ của con người mang đậm phong cách hiện đại, vừa gần gũi với tâm tình Á Đông và tâm tình của con người Việt Nam.

Tác phẩm của Điềm Phùng Thị thể hiện sâu sắc khát vọng Chân- Thiện- Mỹ của con người; mang đậm phong cách hiện đại, vừa gần gũi với tâm tình Á Đông và tâm tình của con người Việt Nam.

Đặc biệt, sự độc đáo của nghệ thuật Điềm Phùng Thị là đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu bảy mô đun hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự; còn giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc: “Khi thấy 7 mô hình chị sáng tạo, tôi đã nghĩ rằng 7 mô hình ấy như 7 nốt nhạc để cho người nhạc sĩ lấy đó mà tạo thành nhạc khúc. Thế giới đã đón chị, bao nhiêu danh vọng từ bốn phương không làm chị “say danh say lợi” mà lúc nào cũng để lòng chị “say tình dân tộc””.

Với sự sắp xếp dưới nhiều hình dạng theo những hình khối gọi là mô-đun một cách khéo léo và tinh tế tạo nên nét độc đáo, riêng biệt của Điềm Phùng Thị. Mỗi một hình chữ không hề mang ý nghĩa gì, nhưng khi chúng được lắp ráp với nhau lại tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Từ hình người chắp tay, thêm vào mấy khối sẽ thành một ông quan, xoay qua xoay lại thành người phụ nữ, lật ngược lật xuôi lại thành bông hoa,…

7 chữ cái ấy tiền thân là những mẫu gỗ thừa mà người ta vứt đi trong xưởng mỹ thuật của trường nghệ thuật thực hành. Những mẫu gỗ thừa hình vuông, chữ nhật, hình thang… ngẫu nhiên, nhưng là cả một thế giới hình tượng hết sức sinh động qua con mắt của Điềm Phùng Thị.

Các nhà báo, văn nghệ sỹ chiêm ngưỡng tác phẩm “Đua thuyền” của Điềm Phùng Thị

Từ trong đống những mẫu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng và thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông.
Năm 2002, bà đã đến với “thế giới vĩnh hằng”. Điều trân quý là bà đã để lại cho nền điêu khắc thế giới, cho nhân loại một khối di sản nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Và hơn thế bà đã dâng tặng cho Huế, cho đất nước Việt Nam một di sản văn hóa vô cùng quý báu để đời đời hậu thế được chiêm ngưỡng và kính vọng.

Kiều Nga