Đó là trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Đây là địa chỉ văn hóa nghệ thuật thứ hai mà các văn nghệ sỹ, nhà báo thuộc các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung được tới tham quan trong dịp diễn ra Hội thảo “Giữ gìn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa trên tạp chí văn nghệ” do Tạp chí Sông Hương tổ chức tại Huế, tháng 6/2023.

Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng trưng bày gần 400 tác phẩm của danh họa tặng cho Huế.

Cách Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị chừng 200 là Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng – một biệt thự kiểu Pháp nằm bên bờ sông Hương thơ mộng. Tại đây trưng bày gần 400 tác phẩm của danh họa tặng cho Huế, được giới thiệu theo các chủ đề riêng (Đường mòn Hồ Chí Minh, Thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, Chiến tranh, Mèo, Phụ nữ, Hoa,…), với đa dạng chất liệu tạo hình và thể loại mỹ thuật.

Hoạ sĩ Lê Bá Đảng (27/06/1921 – 07/03/2015), được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây. Ông sinh ra tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1939, ông sang Pháp sau đó theo học tại Học viện Nghệ thuật Toulouse. Triển lãm đầu tiên của ông diễn ra vào năm 1950 tại Paris. Năm 1989, ông nhận giải thưởng “Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ.

Các bức tranh Mèo của Lê Bá Đảng, mèo còn là chữ ký của tác giả. Những bức tranh mèo là nguồn gốc xuất phát tài năng của ông. Nét mèo của ông trở thành một ngôn ngữ hội họa đầy tính thư pháp, chuyển tải đầy đủ những suy tư trừu tượng, xác định nghệ thuật thư pháp của họa sĩ – một nghệ thuật tạo hình nguyên thủy, đơn sơ, mộc mạc, không phấn son, không màu sắc.

Sự chăm chỉ và kiên nhẫn đã đưa Lê Bá Đảng tới thành công. Khởi đầu ông vẽ mèo và gửi bán để kiếm sốn. Dần dần ông được các chủ gallery đặt hàng, triển lãm, giới thiệu khắp các phòng tranh danh tiếng trên thế giới. Có thời điểm, một họa sĩ Mỹ từng kêu lên rằng Lê Bá Đảng đã chiếm hết thị trường của họ (đó là những năm 1990, tranh của Lê Bá Đảng xuất hiện tại 33 phòng tranh tại Mỹ). Năm 1992, ông được Trung tâm Tiểu sử quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Cambridge, Anh đưa vào danh mục những người có tên tuổi của thế giới. Năm 1994, ông được Nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Pháp. Được giới nghệ thuật đánh giá là bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây, bởi một phong cách rất riêng biệt, không theo bất kỳ trường phái nào. Ông tạo ra một khái niệm trong hội họa, gọi tên là Không gian Lê Bá Đảng.

Tranh hoa cũng là một chủ đề thường xuyên bắt gặp của Lê Bá Đảng. Hoa đa dạng trong kiểu cách, thể hiện sự tinh khiết và gợi cảm, rực rỡ và bí ẩn, biểu lộ niềm vui của sự tồn tại và là sự khởi đầu mới của sự vật. Hoa của Lê Bá Đảng không chỉ thuần túy là hoa mà còn là cơ thể, là bóng dáng của người phụ nữ.

Tuy sống và làm việc ở Pháp, nhưng Lê Bá Đảng luôn hướng về quê hương. Ông cùng các họa sĩ danh tiếng như Picasso, Matta… kêu gọi văn nghệ sĩ, trí thức thế giới tham gia vào “Ngày vì tri thức Việt Nam” để ủng hộ hòa bình và chống chiến tranh ở Việt Nam. Năm 2006, theo lời mời của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, họa sĩ Lê Bá Đảng đã trở về Huế và có nhiều hoạt động nghệ thuật tại các kỳ Festival Huế. Cũng chính trong năm này, họa sĩ Lê Bá Đảng đã tặng cho Huế 394 tác phẩm, trong đó có 349 tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng sáng tác và 45 tranh, tư liệu của một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới như Picasso, Matta, Pignon… mà vợ chồng họa sĩ Lê Bá Đảng sưu tập được.

Tác phẩm “Có có không không” tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng

Tranh của Lê Bá Đảng luôn mang một phong cách riêng. Những hình ảnh: núi non, sông biển, cỏ cây, hoa lá, quê nhà thấp thoáng dưới những đám mây, những con người sinh sôi và phồn thực, những thân phận con người… luôn xuất hiện trong tranh của ông. Bằng tình yêu, tài năng nghệ thuật của mình, ông đã làm cho nhân loại biết đến quê hương Việt Nam nói chung và quê nhà nói riêng trong niềm kính ngưỡng.

Cùng với Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã đem đến cho thành phố Huế thêm một địa chỉ du lịch đặc sắc và ý nghĩa không chỉ về giá trị văn hóa nghệ thuật mà còn về lẽ sống ân tình, nhân văn với quê hương, đất nước.

Kiều Nga