Tỉnh Nghệ An có khá nhiều đền thờ lâu đời do người Thái lập nên. Có thể kể tên một số đền lớn và được người dân tôn thờ bởi sự linh thiêng như đền Chín Gian ở huyện Quế Phong, đền Chiêng Ngam ở huyện Quỳ Châu, đền Vạn ở huyện Tương Dương; và ở huyện Quỳ Hợp thì có các đền Ham, đền Le, đền Choọng… đều là những đền được người dân lập nên để thờ thần linh và các nhân vật lịch sử, văn hóa trong các mường Thái. Trong dịp đi thực tế cùng đoàn văn nghệ sĩ của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An vào những ngày tháng 3/ 2023, thêm một lần nữa tôi được đến với không gian của đền Choọng. Nhân đây xin được giới thiệu đôi điều trong nội dung văn cúng mà thầy mo người Thái khấn cúng trong ngày lễ chính của đền Choọng.

Đền Choọng

Đền Choọng là ngôi đền thiêng tọa lạc trên núi Pu Đên thuộc trung tâm mường Choọng xưa, nay thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Đền thờ Nang Phốm Hóm (Nàng tóc thơm) – người con gái dân tộc Thái đảm trách việc lương thảo nuôi quân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427). Nang Phốm Hóm là hiện thân nét đẹp của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết các dân tộc anh em vùng miền Tây xứ Nghệ. Đền được lập từ thời Hậu Lê vào thế kỷ XV. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dấu tích của đền chỉ còn lại những hòn tảng kê chân cột, các sắc phong của đền cũng đã bị thất lạc. Đầu năm 2014, đền được phục dựng trên vị trí cũ. Rằm tháng 6 năm Giáp Ngọ 2014 (11/ 7/ 2014), Ban vận động đóng góp phục dựng và tôn tạo đền Choọng đã tổ chức khánh thành giai đoạn I. Toàn bộ khuôn viên di tích đền có diện tích gần 10 ha, kinh phí đầu tư giai đoạn I được quyên góp từ nguồn xã hội hóa.
Ngày 16/ 7/ 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3051- QĐ/ UBND, xếp hạng di tích lịch sử đền Choọng. Rằm tháng 6 năm Ất Mùi 2015 (30/ 7/ 2015) Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Đền Choọng đã được tổ chức trong niềm hân hoan của đông đảo đồng bào các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ.
Mỗi năm, đền có các lễ chính gồm: đám lục ngoạt được tổ chức vào rằm tháng Sáu âm lịch, lễ khai niên tổ chức suốt tháng Giêng âm lịch và lễ tạ cuối năm tổ chức vào 25-26 tháng Chạp âm lịch. Rằm tháng 6 năm Bính Thân 2016 (18/ 7/ 2016), Lễ hội Đền Choọng đã được long trọng tổ chức, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo du khách và Nhân dân.

Đền Choọng. Ảnh: Duy Sơn

Tiếp cận bài văn cúng đền Choọng

Từ nhiều năm nay, trong mối quan tâm của bản thân về chữ viết dân tộc Thái và các nội dung được ghi chép, lưu giữ trong đó, tôi đã dần dần được tiếp cận thêm các nội dung trong văn cúng đền thờ dân tộc Thái. Thông thường mỗi ngôi đền đều phải có một vài bài văn cúng ứng với các nội dung công việc khác nhau. Ví dụ như ở đền Chín Gian có văn cúng hiến sinh lúc làm lễ chém trâu (thực hiện ở địa điểm mổ trâu) và văn cúng dâng mâm cỗ cho Then Trời trong lễ chính (thực hiện trong đền). Hơn một năm sau Lễ hội Đền Choọng được tổ chức lần đầu tiên, ngày 17/7/2017 tôi có dịp được tiếp cận với bài văn cúng của đền Choọng với nội dung như sau:
– Phiên âm tiếng Thái:
“Nược Cộng hòa Xả hội chủ nghỉa Việt Nam pỉ thư chết xíp xảm, mừa xíp hốc thăng phau pỉ Đinh Dàu.
Dù tì Tến Chọng, xà Chau Lỷ, huyện Quỳ Hợp, tình Nghệ An.
Chau pảng […]; Mỏ mướng: […].
Cắp tấng lải chù pì nọng nhính chái, thau òn, tơ nửa tấng huyện xổm lóng tành tọn hưởng nhảng, mạc mạy, bọc mạy, pú mạc, lau ké, chịn cày chịn mủ, khau nưng, ngấn pông cắm đảnh tấng chù chông tành tóm, áu má xờ hơ:
Tổn chau Náng Phổm Hỏm mí cổng tặp xấc mướng Ngổ, chừ vạy đỉn mướng, đay pủa mướng tơ xòng nhỏ lải tăm lải xiểng, tành pển tiêng khất khuổng, xỏ mới má nằng còn.
Khoi tam mới:
Đức Ổng Chả hỏng Náng Phổm Hỏm tành xặt má nằng hau.
Đức Pá Thái chau mệ Náng Phổm Hỏm tành xặt má nằng hau.
Đức Tôn Pù Mướng Huổng tành xặt má nằng hau.
Chau đỉn chau nha, thù cổng pượt phèn đỉn hày ná má nằng hau.
Chau pú chau phả tành xặt má nằng hau.
Nhắng xêu na pớ họng hả, xêu tả pớ họng họt, xỏ má pọm má khắp hụ hển hơ xổm lóng pày táy mướng ban.
Côm na xỏ ào, lặc và Náng Phổm Hỏm mèn bủn pánh nén hặc hỏng ban hỏng mướng, hỏng phạ hỏng đỉn. Náng ngám nừng bọc bản khoàng kẻm huôi, nừng chù tôn bọc mạy hương hừa pú phả, phổm náng hỏm tùa hướn xáo hong. Náng chòi hơ Lê Thải Tồ tặp xấc chừ hiêm áu phèn đỉn mướng, hiêm pạy áu pày mướng, khất khuổng chù bương. Náng ết chau cụm pển đỉ, ết phỉ cụm pển măn pển tiềng, mói bo hển tiệng, phắng bo nghỉn xiểng. Náng hùng hướng pển chau, cáu kỉn pển ìm, cáu dù pển đỉ.
Chớ nị họt nhám thăng phau, họt pảng xớ chù pỉ, tè thau tè kè váng má, tè chả tè nái váng hơ. Bắt nị chau mướng tấng pày mướng tủ khoi tành áu lề lạt, áu má xỏ xờ hơ chau náng hụ hơ xổm chở, bành hơ phúc lộc bủn đỉ. Xỏ chau náng tành chòi hơ đỉn mướng đay an, pày táy chù hướn đay còi dù, ẳn bo pển nhá pọ, ẳn kho ẳn nhạc nhá tấng. Xỏ hơ chù cốn chù chau, chù hướn chù xình, ộm nọi tơ tếnh cuổng huyện pớ cờ hơ còi dù, tành đay đỉ kỉn đỉ mạc, pển thau kè dửn hẩng. Xỏ hơ đẹt mướng đỉn mướng piếng nhá may, xay mướng la mướng lùm nhá thửng.
Chù bương xỏ cạy náng chau, chù hướn dao chù xình xỏ nhớ.
Xỏ cạy họt tấng chau đỉn chau nha thù cổng, chau pú chau phả, chau huôi chau hòng hụ hơ, tì lớ cờ cụm, bương lớ cờ chòi cờ dứa.
Khoi xổm má, quám cốc quám pải tò hăn tọ!”
Phần khấn văn Nôm:
“Duy Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thất thập tam niên, tuế thứ Đinh Dậu, lục nguyệt, thập lục nhật.
Nghệ An tỉnh, Quỳ Hợp huyện, Châu Lý xã, Mường Choọng thôn.
Chủ lễ: […]; Mo chủ: […].
Đồng huyện nam phụ lão ấu, thượng hạ đẳng chúng, cẩn dĩ hương đăng, hoa quả, phù lưu, thanh chước, trư nhục, hàn âm, tư thành, kim ngân, tài mã, thứ phẩm chi nghi, cảm chi cáo vu:
Bình Ngô Khai Quốc, Nang Phốm Hóm, Lịch Triều Tặng Phong Chư Tôn Mỹ Tự, Thượng Đẳng Tối Linh Tôn Thần vị tiền.
Kính thỉnh:
Đức Ông Quan Viên Phụ vị tiền
Đức Bà Quan Viên Mẫu Pa Thai vị tiền.
Đương Cảnh Thành Hoàng Đại Vương Tôn Thần vị tiền.
Bản Xứ Chiêu Dân Khẩn Điền, Khai Mường Lập Bản Chư Vị Tôn Thần vị tiền.
Bản Xứ Sơn Lâm Chúa Tể Tôn Thần vị tiền.
Bản Xứ Thổ Công, Long Quân Chúa Mạch, Sơn Thần, Thủy Thần, Thạch Thần, Mộc Thần, Lâm Thần Liệt Vị Đại Vương vị tiền.
Liệt vị Tôn thần đồng thùy chiếu giám
Cung duy: Nang Phốm Hóm hà hải chung linh, càn khôn tú khí. Tối tú anh linh, phù Lê bình tặc, bảo quốc hộ dân, nẫm trứ linh ứng. Dương dương tại thượng, thị chi phất kiến, thính nhi phất văn; Trạc trạc quyết linh, cảm dĩ tất thông, cầu chi tất ứng.
Tư thích hạ thiên, đệ niên kỳ phúc, cung trần bạc lễ. Nguyện giám đan thành, tích chi phúc chỉ. Mặc thùy bảo hộ quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Tỷ bản huyện thượng hạ đẳng, nhân khang vật phụ, mạng thọ diên trường, sĩ nông công thương, phồn vinh thịnh vượng. Xuân đa cát khánh, hạ cầu bình yên. Thu minh bách phú, đông miễn tam tai. Hữu trinh tường chi thủy.
Thực lại âm phù mặc tướng chi đại huệ dã.
Cung kỵ: Bản miếu thổ công long thần, cập bộ hạ tả hữu văn võ tướng tá linh quan, tần nương thị vệ đẳng chúng đồng lai giám cách.
Phục duy cẩn cáo”.
Dịch nghĩa tiếng Việt:
“Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm thứ 73, ngày 16 tháng 6 Thái Tuế Đinh Dậu.
Tại đền Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Chủ lễ: […]; Mo chủ: […]
Cùng với toàn thể gái trai già trẻ, trên dưới của cả huyện thành tâm sắm sửa hương đèn, hoa quả, trầu, rượu, thịt lợn, gà, xôi, vàng mã và các vật phẩm, kính dâng lên:
Tôn Thần Nang Phốm Hóm có công đánh giặc Ngô, bảo vệ đất nước, được các triều đại phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, là vị thần thượng đẳng rất linh thiêng, mời về ngồi trước.
Xin kính mời:
Đức Ông cha của Nang Phốm Hóm cùng về dự lễ.
Đức Bà Pa Thai mẹ của Nang Phốm Hóm cùng về dự lễ.
Đức Thành Hoàng Đại Vương của mường cùng về dự lễ.
Các vị thần bản xứ có công đưa dân khai phá ruộng đất, lập mường lập bản cùng về dự lễ.
Thần Chúa tể sơn lâm của mường cùng về dự lễ.
Các vị thần đất, long thần, thần núi, thần nước, thần đá, thần cây, thần rừng của mường cùng về dự lễ. Các chư vị tôn thần cùng chiếu giám cho buổi lễ hôm nay và lòng thành kính của muôn dân.
Cúi nghĩ rằng: Nang Phốm Hóm là tinh túy của sông biển thu lại, là khí thiêng của đất trời hun đúc nên. Nàng đẹp như bông hoa ban mới nở bên bờ suối, như cành hoa lan khoe sắc giữa rừng sâu, mái tóc ngát hương thơm núi rừng. Nàng phò tá Lê Thái Tổ đánh giặc Ngô, bảo vệ đất nước, cứu giúp Nhân dân, linh thiêng rõ rệt. Nàng luôn phảng phất ở trên, nhìn mà không thấy, lắng mà không nghe. Ngài rực rỡ linh thiêng, cảm ắt được thông, cầu ắt được ứng.
Nay đến mùa hạ, lễ kỳ phúc thường năm, kính bày lễ vật. Nguyện xin chứng giám lòng thành, ban cho phúc lộc. Xin Ngài ngầm giúp cho đất nước được thái bình, Nhân dân được ấm no, mưa thuận gió hòa. Khiến cho toàn thể trên dưới của huyện nhà được người mạnh khỏe, vật tốt tươi, thọ mạng dài lâu, sĩ nông công thương phát triển phồn vinh. Mùa xuân nhiều cát khánh, mùa hạ được bình yên. Mùa thu trăm điều giàu có, mùa đông được trừ miễn tai ương. Tốt lành như ý.
Thực muôn nhờ ân huệ lớn của tôn thần ngầm giúp đỡ.
Lại xin kính mời: thổ công long thần của bản đền cùng với các vị quan văn, quan võ phụ tá, các thị vệ, nàng hầu cùng đến hưởng lễ và chứng giám lòng thành.
Thành tâm kính cáo.”
Phó Chủ tịch UBND xã Châu Lý tên là Vi Thị Năm (sinh năm 1980) cho biết, mấy năm nay vào mỗi dịp cúng đền Choọng, việc đọc bài văn cúng đền là do hai ông thầy mo cùng đảm nhiệm. Đó là các ông Vi Văn Lục (sinh năm 1952), và ông Vi Văn Hữu (sinh năm 1968) đều là mo mường ở xóm Bản Choọng. Sở dĩ phải có hai ông thầy mo là để thay phiên nhau đảm nhiệm sao cho việc khấn cúng không bị ảnh hưởng khi sức khỏe thầy mo không được tốt do tuổi cao sức yếu.
Thực ra, việc đọc các lời cúng (gọi là xở tên) theo phong tục dân tộc Thái là cách đọc thuộc lòng và ứng khẩu chứ không dùng đến giấy tờ ghi chép. Cách đọc như thế này vẫn đang được sử dụng để cúng ở đền Chín Gian, đền Vạn, đền Ham và đền Le. So sánh với văn cúng ở các đền khác, văn cúng đền Choọng có thể nói là đã khá đầy đủ các phần nội dung, lại còn có thêm cả phần nội dung văn khấn Nôm mà ở các đền khác không có. Điều này làm thành đặc điểm riêng trong việc cúng khấn ở đền Choọng, bởi việc khấn Nôm ở đền này cũng đã có từ thời xa xưa. Đầu những năm 2010, tôi đã được ông Lương Dương Nga (sinh năm 1947, hồi đó ở bản Vi, xã Bắc Sơn, Quỳ Hợp) cho xem một hòm sách cổ được gia đình ông lưu giữ qua nhiều thế hệ. Ban đầu tôi tưởng đấy là sách chữ Thái nhưng khi mở ra thì thấy đó toàn là sách chữ Hán Nôm, về sau được biết trong đó có cả nội dung văn khấn Nôm ở đền Choọng.
Đoạn trích dẫn dưới đây là một phần nhỏ trong bài văn cúng đền Vạn (Tương Dương) dù là lời cúng khấn cho Đoàn Nhữ Hài là một danh tướng người Kinh nhưng vẫn mang đầy đủ các đặc trưng trong lời khấn cúng của thầy mo Thái.
Phiên âm:
“…Mết thoi nị kỉn hưn thoi lún
Mết pùn nị kỉn hưn thoi lún pùn mờ
Thoi tốc thoi mì mắn
Cắm tốc cắm mì mằn
Thoi tốc ngằn ỏn chón
Kỉn hơ na hùng dong bở làn
Kỉn hơ na bàn dong bở nả
Pản tò phạ hùng xiêng hùng xòng bưởn mốn
Chốm ụp kỉn ní núa
Chốm hổ kỉn xà xà
Pản tò nộc cốc cắm kỉn mạc nhói ba…”
Dịch nghĩa:
“…Hết lượt này ăn tiếp lượt sau
Hết phần này ăn đến phần sau, phần mới
Lượt lại lượt tiếp nối
Phần tiếp phần lại thêm
Lần với lượt vui vầy
Ăn cho mặt sáng như lá Làn[1]
Ăn cho mặt tươi như lá mượt
Sáng như trời rằm sáng trăng vằng vặc
Cùng đùa vui tấp nập
Cùng cười vui xôn xao
Như chim phượng hoàng đến ăn quả đa…”.
Vậy nên, đối với nội dung khấn cúng bằng tiếng Thái ở đền Choọng, nếu như sau phần liệt kê về các lễ vật dâng cúng (hương đèn, hoa quả, trầu, rượu, thịt lợn, gà, xôi, vàng mã và các vật phẩm) mà có thêm các lời mời thần linh thượng hưởng được các thầy mo khấn lên theo lối ví von đặc trưng của dân tộc Thái thì văn cúng đền Choọng sẽ đầy đủ và ý nghĩa hơn.

1. Làn: một loài cây rừng.

Sầm Văn Bình