Truyện ngắn

LTS: Tác giả Tiến Dũng là thầy giáo quê ở Yên Thành, một người đàn ông đa tài và cũng rất đỗi đa cảm. Anh có thể vẽ, có thể chơi guitar và tất nhiên, văn chương đến với anh hay anh đến với văn chương cũng là điều rất tự nhiên. Truyện ngắn, thơ của anh đã từng được đăng khá nhiều trên các báo và tạp chí. Tiến Dũng hiện là hội viên ban Văn của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An.

Tạp chí Sông Lam xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc truyện ngắn “Đêm ngủ thăm” của anh.

                                                           ***********
   Trăng hạ huyền ban đầu vẽ một nét cong trên thành cửa sổ, sau hắt vào soi rõ bầu ngực tròn căng nhô lên như hai ngọn núi của sơn nữ nằm cạnh. Mùi thơm da thịt như mùi lan hồ điệp trên đỉnh Pù Luông vấn vít làm Khương mụ mị cả người.
Lúc này, phía dưới ngôi nhà sàn, hai con trâu thở phì phò, phì phò. Bên trái Khương, Phi Gụ và thằng Chun nằm co quắp, ngáy đều. Ngoài bờ sông, tiếng chim từ quy kêu khắc khoải gọi bạn tình, thỉnh thoảng tiếng tắc kè ném lưỡi vào đêm như điểm nhịp canh khuya. Tất cả không gian của rừng núi chìm trong ánh trăng huyễn hoặc thúc giục bản năng. Cái bản năng của giống đực cộng thêm hơi men của rượu phát tác, nó cuồng loạn giằng xé trong gã dữ dội. Không thể chịu đựng thêm, gã ngồi dậy ra cầu thang đốt thuốc. Khói thuốc làm gã tỉnh táo hơn, nhưng những cảm xúc mới lạ với sơn nữ tên Vy nằm bên vẫn còn liêng biêng.

Tranh minh họa của tác giả Tiến Dũng

Gã cũng đã nghe kể về tục ngủ thăm của các tộc người Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Ơ Đu… nhưng tục ngủ thăm nơi này đến lạ. Khách chưa vợ, nếu gia chủ quý mến thì đêm được nằm ngủ cạnh cô gái chưa chồng của gia đình nhưng không được đụng chạm. Trước lúc ngủ chung sàn, Phi Gụ rỉ tai nửa đùa nửa thật dọa: Ngủ với sơn nữ xinh đẹp là vinh dự, nhưng nếu chưa được sự đồng ý mà thăm là mất chim. Khương bật cười, lúc chiều thấy Vy gội đầu bỏ chiếc trâm cài bên mó nước. Đó là  một con dao nhỏ rất nhọn và sắc lẹm được đút trong vỏ ống tre bằng ngón tay út màu hổ phách. Nghe bảo con gái vùng này trước đây ai cũng có chiếc trâm như vậy, dùng làm đẹp và tự vệ…

– Anh không ngủ được à?

Tiếng Vy thì thầm bên tai làm Khương giật mình ngoảnh lại. Cô hồn nhiên ngồi xuống khoác tay gã. Sơn nữ nơi đây là thế, rất xa nhưng cũng thật gần, miễn là cô ấy linh cảm được sự bình an .

– Ừ! Không hiểu sao anh không ngủ được! – Khương bối rối trả lời sau khi đã rít sâu hơi thuốc lá.

– Em chân bị nước sông ăn, đêm nào cũng vậy. Cứ tầm thời gian này là ngứa không ngủ được.- Vy nhăn mặt vẻ khổ sở ôm lấy bàn chân rên rỉ.

Vốn dòng dõi con nhà Đông y, gã biết một số bài thuốc gia truyền nên bảo cô đốt lửa lên chữa ngứa. Vy nhẹ nhàng đi vào, chỉ một loáng, ánh lửa đã bập bùng soi rõ khuôn mặt vầng trăng nghiêng nghiêng trong gam màu hồng đỏ. Khoảnh khắc ấy, hình ảnh ấy là một bức tranh mang vẻ đẹp rất độc đáo. Khương xốn xang nhớ lại buổi chiều hôm ấy, khi vạt mùa thu vàng thư buông xuống đại ngàn trước mặt, một sơn nữ từ dưới sông rũ nước đi lên. Bộ đồ bà ba màu lam dính bết vào người nàng tạo nên những đường cong khêu gợi lãng mạn đầy chất thơ. Đôi mắt nàng trong veo nhưng thăm thẳm, trông vừa thánh thiện vừa hoang dã hút hồn Khương từ cú nhìn đầu tiên. Không cưỡng được, gã rút chiếc bút sắt và mẩu giấy trong túi ra kí họa. Chỉ vài phút, bức kí họa đã hiện lên sống động. Sơn nữ dừng lại bên cạnh, reo lên thích thú. “Ôi anh tài quá! Tặng em nhé!”. Cô hồn nhiên cầm bức kí họa nhảy lên vui sướng bên bờ sông như đứa trẻ. Từng tốt nghiệp đại học Mĩ Thuật, máu họa sĩ vẫn tuôn chảy trong gã. Khương và Vy quen nhau đơn giản như vậy đấy. Thằng Chun, em trai Vy rất khoái tài vẽ của Khương. Làm thuê cùng một lò vàng, nên nhiều lần nó mời gã đến nhà chơi nhưng chưa có dịp. Lần này Chun nằng nặc mời Phi Gụ và gã về nhà làm thịt gà thết đãi. Cơm rượu xong, gã định cáo từ ra về nhưng không ngờ lại được đặc ân ngủ thăm cùng sơn nữ…

Nâng bàn chân của Vy lên, Khương thấy nhiều nốt mẩn đỏ, các kẽ ngón chân nứt nẻ, rớm máu. Gã lấy than hồng hơ lửa cho nóng đôi bàn chân xong bôi thuốc. Bài thuốc chỉ là mấy củ tỏi, phên nứa đốt thành than rồi trộn lẫn muối cho vào bát giã nhuyễn. Gã nhẹ nhàng, tỉ mẫn công việc như một thầy lang chính hiệu. Bài thuốc tuy đơn giản nhưng thực sự hiệu nghiệm, cơn ngứa ở đôi bàn chân Vy đã dứt chỉ trong ít phút. Tâm trạng Vy xôn xao lạ lắm, nó cũng đang xao động như nước sông Nậm Mơ buổi nồm lên.

– Anh tài thật đấy! Anh là người của phà xuống giúp em à! Gần năm trời nay em khổ sở vì nó đấy!

Gã gật đầu:

– Anh chữa cho em chỉ khỏi ngứa tạm thời thôi. Nếu em tiếp tục xuống sông thì sẽ bị nặng hơn đó!

– Trước đây em có bị ngứa đâu! Chỉ tại người dưới xuôi các anh lên đào mỏ vàng làm nước đục mới ngứa.

Nói đến mỏ vàng, Khương thoáng thở dài.

Gã không nghĩ rằng nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một chiến trường vàng như vậy. Hàng trăm cửu vạn cùng với máy nổ Đông Phong lắp vòi rồng ngoạm sâu vào lòng núi . Cả một ngọn rú mồ cổ bị đào bới tan hoang. Những chiếc hòm làm bằng thân cây bật cả ván thiên, xương và đầu lâu người nằm lăn lóc, ngổn ngang. Đời gã cũng đã từng qua một số mỏ đá đỏ, mỏ vàng ở các địa phương khác nhưng chưa có nơi nào nóng và ác liệt như ở đây. Những lán trại dắt đầy súng, lựu đạn, mã tấu, bơm tiêm. Đêm ngày con nghiện phê thuốc nằm ngổn ngang. Thỉnh thoảng nghe tiếng nổ của súng K59 hay một tràng AK, biết chắc là có mạng người đã ra đi vì tranh giành lãnh địa hay mâu thẫn cá nhân. Rồi đến những tiếng hú dây chuyền như loài vượn, biết chắc là tín hiệu bị sập hầm. Xác chết sẽ bị phi tang trong rừng hoặc được âm thầm bó chiếu trôi bè về xuôi. Ở nơi này mọi chuyện đều có thể, mạng người chẳng đáng. Gã thấy ghê sợ, nhiều lần muốn bỏ về nhưng bản tính tò mò và có chút bản lĩnh của kẻ giang hồ đã níu chân ở lại.

Gã biết những người lội sông đãi vàng xái như Vy bị ngứa là bởi tất cả những máng đãi và hóa chất xử lí vàng đều tuôn hết xuống sông. Phía hạ lưu gã đã thấy cá chết nổi trắng xóa. Trâu bò uống nước này cũng phình bụng mà chết.

Rít hơi thuốc, gã nhìn về phía mỏ vàng. Ánh điện máy nổ vẫn sáng một vùng đầy ám ảnh. Gã biết Vy sống ở đây chẳng khác gì con thỏ đang ở giữa đàn hổ dữ. Gã khuyên cô nên trở về bản nhưng cô lắc đầu, ánh mắt xa xăm nhìn lên mảnh trăng hạ huyền như một dấu hỏi treo trên đỉnh Pù Luông. Sau dãy núi kia là bản Chiềng Mây của cô…

                                                           *****

      Ngày xưa, Chiềng Mây đẹp và bình yên lắm. Những mái nhà sàn cổ kính soi bóng xuống dòng sông đẹp như tranh. Đêm đêm trai gái điệu khèn, điệu xuối tình tự thâu đêm. Thế rồi bão trắng tràn đến, người xấu dưới xuôi đưa thứ thuốc trắng phỉnh phờ dân bản: “Hút vào khỏe như voi, như trâu”. Khỏe đâu chẳng biết nhưng nghiện thì nhanh lắm. Nghiện rồi thì chúng bắt vào rừng chặt gỗ và vận chuyển ma túy. Thanh niên bản những đứa khỏe mạnh như cây lim, cây táu bị ma túy quật cho nằm xuống rú mồ.

Có những gia đình có hai đến ba người chết vì ma túy. Vy đưa cả hai bàn tay nhẩm tính vẫn chưa hết số người chết trong một năm vì ma túy.

Kinh hoàng lắm, đi ra khỏi nhà là thấy những chiếc bơm tiêm đỏ lòm máu ven đường. Con nghiện thì vật vờ như những bóng ma sẵn sàng làm mọi thứ.

Không riêng gì bản Chiềng Mây của cô mà hàng chục bản làng khác cũng bị cơn bão trắng làm cho xác xơ tiêu điều. Phà ơi! Bão trắng nó lại  đẻ ra bão “ết”. Chỉ một thời gian ngắn cả vùng biên viễn có cả trăm người nhiễm “ết.’’

-Anh biết dân bản chữa “ết’’ bằng gì không? Họ chữa trị “ết’’ bằng rượu đấy. Phà ơi! Rượu say xỉn suốt ngày. Có ông chú cạnh nhà em còn lè nhè: “ Ta chưa thấy mặt “con ết” khi mô cả. Nhưng hình như nó ở trong bụng, nên ta phải uống rượu vô cho nó chết. Khổ thế, họ sợ đói và thiếu rượu hơn sợ “con ết.”

Lời kể của Vy đưa Khương đến miền đất ngập chìm trong bão trắng với những khổ đau, tiêu điều và mang nhiều uẩn khúc xót xa. Gã sởn da gà khi nghĩ đến hàng trăm người đàn ông trai tráng viễn viễn nằm xuống rú mồ vì ma túy, “ết’’ cũng đồng nghĩa với ngần ấy đàn bà trở thành góa bụa.

Những góa phụ này còn trẻ lắm, họ nghĩ chồng bị “ết” chắc mình cũng bị lây nhiễm rồi nên họ bỏ nhà ra đi. Ra đi để chạy trốn nỗi đau, để tìm niềm vui, tìm cuộc sống mới. Âu đó cũng là quy luật sinh tồn!  Cuộc thiên di của hàng trăm góa phụ mường Xủng như một nốt lặng giữa đại ngàn. Sau này các nhà nghiên cứu về xã hội học chắc sẽ phải đau đầu về cuộc thiên di lịch sử này.

Họ thiên di về đâu? Họ thiên di về biển. Những bãi biển đã biến góa phụ thành những thiếu nữ đại dương sexy, biết tô má thắm, môi hồng, biết cười lả lơi để bán hàng. Món hàng tự có do phà sinh.

Lâu lâu các thiếu nữ đại dương trở về thăm bản với tóc vàng, tóc đỏ thôi bay, ăn mặc hở hang, xe máy phóng vèo vèo. Những cô này như những con chim mồi lại rủ rê, dụ dỗ gái bản về xuôi làm “công ty” và lừa bán qua biên giới.

Ánh trăng hạ huyền nơi đại ngàn nhuốm màu liêu trai như thực, như mơ nhưng nỗi đau Chiềng Mây là có thật. Gia đình Vy cũng không thoát được tai họa từ cơn bão trắng. Hai ngừời anh trai của cô đẹp và khỏe như dũng sĩ trong truyền thuyết Pù Luông cũng bị con ma trắng điều khiển. Gia sản trong nhà lần lượt bị hai anh đem đi. Đến cái xoong bẹp nấu ăn cũng bị đem bán. Khi trong nhà chẳng còn gì thì mò sang nhà hàng xóm để trộm. Đến khi nhà hàng xóm cũng chẳng còn gì nữa thì họ vật vã tìm về xuôi. Chẳng biết họ có xuống được xuôi không, hay chết rấp ở góc rừng nào. Bố mẹ cô đau buồn quá rồi cũng đập bệnh và từ giã cõi đời. Tang tóc chồng tang tóc, cô suy sụp như cây pơnao xác xơ trong bão lũ. Giờ sống thế nào đây? Trong túp lều rách bên suối, chỉ còn cô và đứa em côi cút tên Chun cùng con chó Lu nương tựa vào nhau.

Tranh sơn dầu: Nguyễn Sơn

Ánh trăng bàng bạc quyện với sương mờ. Xa xa, tiếng vượn hú làm cho đêm đại ngàn càng thêm bí hiểm. Tiếng Vy nấc nghẹn khiến đôi vai cô rung lên từng đợt. Nhìn sang, Khương thấy nước mắt Vy chảy dài trên má. Lấy tay lau nước mắt cho cô, lòng gã cũng ngậm ngùi, xót xa.

Nhiều đêm không ngủ được, Vy cứ đứng trên đỉnh Pù Luông nhìn về phía xa xăm. Mình sẽ đi về đâu đây. Về xuôi ư?. Ta có biết gì về dưới ấy đâu. Nghe bảo xuống đó, người như ta sẽ bị bắt làm gái “công ty”. Nhưng còn đứa em nữa, nó sẽ như thế nào đây? Nhiều câu hỏi đặt ra giằng xé, nhưng trong đầu cô chỉ nghĩ đơn giản. Làm sao trốn chạy khỏi bản làng, giờ đây đang đầy tệ nạn, chết chóc và tai ương.

Rồi một sớm, khi đại ngàn còn chìm trong mây mù, cô và đứa em trai mang gùi luồn rừng ra đi. “Hãy men theo sông ngược ngàn mà đi!”, lời già bản nhắc nhở người đi tìm nơi ở mới văng vẳng bên tai. Ngày đi, đêm leo lên cây nằm ngủ, hai chị em đã vượt qua không biết bao nhiêu khe suối, vực thẳm, núi cao, đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập. May có con Lu cảnh giới và xua đuổi nên nhiều lần chị em Vy tránh được rắn độc và thú dữ tấn công. Họ chỉ dừng lại khi bị dãy núi đá dốc đứng chắn lối. Cả hai chui vào hang ở tạm. Rồi lương thực mang theo bên mình cũng hết, từ đây họ chính thức bắt đầu cuộc sống săn bắn, hái lượm như thời tiền sử.

Đáng kể nhất trong thời gian này là con Lu, vừa là vệ sĩ, vừa là thợ săn siêu đẳng với thân hình thanh thoát giống chó sói. Lúc còn nhỏ nó dính bẫy thú rừng bị thương được bố cô đưa về cứu chữa và nuôi nấng. Thính giác của Lu rất nhạy, nó có thể phán đoán tiếng động rất khẽ cách xa cả cây số là lành hay dữ. Còn tài săn thú thì khỏi phải bàn: con thỏ đang gặm cỏ bên bờ suối, cách cả chục mét nhưng chỉ một cú lao như tên bắn, con mồi đã bị bập hai hàm răng vào gáy không kêu được một tiếng. Nó còn có cách săn chim độc đáo là ngồi rình trên ngọn cây rồi lao vào không trung chộp lấy, kéo xuống…

Vy nhớ nhất trận đại chiến giữa nó với con lợn rừng nặng hơn tạ dưới chân núi Pù Luông. Hôm đó, chị em Vy đang đào củ mài thì một con lợn đen trũi, nanh dài trắng hếu bạt cây rừng phóng tới tấn công. Lu không sợ hiểm nguy lao ra cản đường. Con lợn rừng thoáng chốc chững lại, nhưng thấy đối thủ bé nhỏ, nó xồng xộc nhằm con Lu mà húc. Lu thụp người né và nhảy chồm lên lưng con lợn, liên tục ngoạm vào gáy đối phương. Thế nhưng con lợn độc da dày, lông dựng tua tủa như lông nhím nó không tài nào ngoạm nổi, bị hất văng đi. Kiểu tấn công này làm nó yếu thế, nó bèn linh hoạt thay đổi, không tấn công gáy mà đu người ngoạm vào cổ. Máu chảy ròng ròng, lợn ta lồng lộn húc tứ phía, cày bay mảng đất rừng lớn. Con Lu bị thương nhưng không hề nao núng, tiếp tục lộn ra sau cắn vào hai chân tạo cơ hội cho Chun dùng nỏ bắn. Con lợn lúc này tuy bị trúng hai mũi tên nhưng vẫn còn khỏe lắm. Trước tình thế đó Lu chững lại giây lát rồi nhằm đầu con lợn lao thẳng vào, cách khoảng vài gang tay đột ngột ngoặt sang phải, sang trái rồi lùi ra sủa. Con lợn bị trêu tức, điên tiết lao đến với một sức mạnh khủng khiếp hòng tiêu diệt đối phương. Lu tránh điệu nghệ, con lợn mất đà cắm thẳng nửa thân người trong bụi tre gai mắc kẹt. Lợi dụng thời cơ Chun dùng lao phóng tới. Con lợn này chị em Vy chia nhỏ, phơi khô để dành ăn trong nhiều tháng…

Giọng Vy vẫn đều đều trên nền của ánh trăng hạ huyền. Cô kể hết cho Khương nghe về cuộc sống của mình cùng người em trai từ khi đi khỏi Chiềng Mây đến nay. Gã lắng nghe, nếu không nghe kĩ sẽ tưởng chuyện của ai chứ không phải của riêng bản thân Vy. Nhưng giá cô ấy vừa kể vừa khóc khéo còn dễ chịu hơn thế này. Gã thở dài nhìn sang, tóc Vy gặp cơn gió ùa lên cuốn gã trở lại dòng hồi ức vẫn còn chưa dứt…

Qua thời gian, hai chị em Vy cũng dựng được căn chòi tựa lưng vào vách núi. Còn có cả nương ngô và lúa từ túi hạt giống hai chị em mang theo lúc đầu. Ngày tháng cứ thế tuần tự trôi qua, chỉ có hai chị em côi cút trong chốn thâm sơn, cùng cốc. Lương thực lúc này không phải vấn đề quá cần kíp, họ khám phá ra nơi thung lũng rất được thiên nhiên ưu đãi. Nào quả vả, tram, bứa, củ mài, củ măng, mộc nhĩ cùng vô số nấm. Chưa kể, bờ sông Nậm Mơ khi nắng lên thấy trên bãi cát những vì sao nhỏ xíu, lấp lánh, sau này chị em cô mới biết đó là vàng cám. Trong truyền thuyết Cửa Rào có nhắc đến dòng sông này, đó là dòng sông vàng. Không ngờ chị em Vy lại đi lạc vào đây.

Rồi đến ngày kia, vài người dân đi bẫy thú rừng nhận biết được thung lũng giàu có này nên đã đến dựng chòi, chăn nuôi, phát nương làm rẫy. Ngoài ra, họ thường xuyên xuống sông đãi vàng cám rồi xuôi bè ra huyện bán đổi lấy các nhu yếu phẩm. Chị em Vy lúc đầu cũng rất lo sợ và cảnh giác, nhưng sau đó cô cũng yên tâm bởi họ chân thật, mộc mạc như bản chất của tộc người Thái. Họ là những người ở bản Na, bản Boọng sinh sống ở thượng nguồn sông Văng, nơi cơn bão trắng chưa càn quét tới. Căn bản hơn, bao năm tháng sống trong rừng như thời nguyên thủy chị em cô vẫn luôn khát khao được nhìn, trò chuyện với đồng loại. Không ruột rà thân thích, nhưng họ sớm hiểu và cùng nhau đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Mấy năm làm người rừng, bây giờ cô mới có cảm giác an toàn, không còn nơm nớp nỗi lo sợ con người. Vy mơ ước nơi đây sẽ thành Chiềng Mây ngày cơn bão trắng chưa tràn tới, hủy diệt tất cả.

Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi cho đến một ngày, từng đoàn người dưới xuôi luồn rừng vào đây biến thung lũng trở thành chiến trường vàng. Và bọn phu vàng đã đánh hơi được Vy. Nhìn thấy cô, chúng như những con hổ đói muốn vồ lấy mà nhai ngấu nghiến. Một chiều, khi mặt trời khuất núi, Vy mang gùi măng từ rừng đi ra đến gốc samu cổ thụ thì bị ba tên phu vàng mai phục. Chúng đè cô xuống vạt cỏ bên suối. Đúng lúc đó con Lu mắt vằn đỏ, như một cơn lốc lao đến, vọt lên đầu tên tóc tốt đang cởi quần cười khả ố. Tên này bị táp một nhát vào cổ, máu vọt thành tia. Hai tên còn lại chưa kịp định thần đã bị Lu tả xung, hữu đột cắn, táp, xé, cào, ngoạm khiến cả bọn không kịp trở tay.

Con Lu phát huy là một vệ sĩ tuyệt vời. Tuy nhiên, bọn phu vàng nào bỏ qua dễ thế. Lần sau, khi Vy đang bắt cá dưới suối, còn Lu trên bờ nô dỡn với mấy con bướm bay lượn trong nắng mai thì bỗng tiếng súng nổ chát chúa vang lên. Con Lu bị dính đạn vào hông. Nó lăn lộn trên đất mấy vòng rồi hướng về cô chủ sủa mấy tiếng như bảo chạy đi. Nhưng đời nào Vy làm thế, cô cầm lao xiên cá nhao lên. Vừa đến nơi cũng là lúc ba thằng hôm trước định hãm hiếp cô cầm gậy lao ra phang tới tấp. Vy trúng đòn vào đầu bất tỉnh. Con Lu tuy bị thương nhưng nhìn cô chủ bị đánh ngã nó tru lên một tràng rồi phóng vào tấn công. Nhưng cứ xông lên là nó lại bị ba tên phu vàng có chuẩn bị trước đánh bật trở lại. Vẫn không chịu khuất phục, Lu dùng hết sức bình sinh vọt lên bập hai hàm răng vào bộ hạ của tên tóc tốt cầm súng mà nhay, mà xé. Tên này chỉ kịp rú lên một tiếng rồi gục xuống ngất lịm. Hai tên còn lại kia liên tục dùng gậy vụt xuống đầu làm Lu từ từ gục xuống. Trước khi từ giã cõi đời nó tru lên một tiếng nguyên thủy của giống loài, ngước đôi mắt về phía cô chủ tiễn biệt. Vy cũng đã lơ mơ tỉnh, nhìn ánh mắt đó của Lu lòng cô như xát muối, muốn lao đến ôm con vật như người thân trong nhà mà tay chân không nhấc lên được. Cùng lúc, láng giềng của Vy và đám phu vàng nghe tiếng chó tru kéo đến rất đông…

                                               *****

Tranh sơn dầu: Nguyễn Sơn

 Vy đang kề vai Khương thủ thỉ tâm sự như đôi chim từ quy trên ngọn cây đổ lả trước nhà thì bỗng nghe tiếng động, rồi tiếng bước chân rầm rập lên cầu thang. Vy sợ hãi co rúm nép vào người Khương. Gã bình tĩnh kéo Vy ra sau rồi đứng chắn lối che chở. Gã chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã bị bốn bóng đen áp sát thế gọng kìm. Chúng kề dao vào cổ gã và Vy, giọng lạnh tanh vang lên:

– Xuống. Nhanh. Không tao giết.

Lăn lộn trong chốn giang hồ đao kiếm mãi, tình huống thế này Khương gặp không phải lần đầu. Bằng thế luồn tay nhanh như chớp, gã nghiêng người đoạt dao, đồng thời quật ngã tên vừa kề dao vào cổ mình. Tên khác thấy vậy vung mã tấu chém xuống, nhưng gã nhanh hơn, cúi người né tránh và tung cú đá hiểm hóc vào bụng làm hắn ọ lên gục xuống. Cùng lúc, nghe tiếng động, Phi Gụ và Chun đã nhanh chóng dậy hỗ trợ. Tên kề dao vào cổ Vy bị Chun nện một gậy vào đầu gục tại chỗ. Một tên cầm khẩu súng ngắn, hướng về phía Khương chuẩn bị bóp cò thì bị Phi Gụ đá bay súng, bồi thêm một cú lộn cổ từ trên cầu thang xuống.

Phi Gụ vớ khẩu súng kíp của Chun định tiễn bốn tên về chầu phà thì Khương ngăn lại. Chúng quỳ lạy gã và Phi Gụ như tế sao xin tha mạng. Bọn chúng khai do đại ca bị con Lu triệt giống bữa trước nên chúng đến bắt, hiếp Vy để báo thù. Chúng hứa sẽ không dám bén mảng đến đây làm hại chị em Vy nữa. Phi Gụ chưa nghe hết chuyện gầm lên:

– Mẹ kiếp!

Tay siết cò, tiếng súng nổ chát chúa kèm theo quầng lửa lóe lên trong đêm…Mùi khói súng khét lẹt. Phát bắn chỉ thiên cảnh cáo khiến bọn chúng sợ hãi mặt cắt không còn hột máu.

Tha cho bọn chúng đi rồi nhưng Khương vẫn thấy lo. Bọn này hứa vậy song chúng có bao giờ giữ lời. Nhìn Vy sợ hãi, đầu tóc rũ rượi ngồi bệt dưới sàn trong lòng Khương dâng đầy sự thương cảm. Gã rất muốn cứu cô ra khỏi vũng vàng đầy cạm bẫy và chết chóc này. Nếu cô ở đây thì nguy hiểm có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Nhưng… Khương cũng chỉ là gã lãng tử có máu phiêu lưu, tài cán gì.

Tốt nghiệp Đại học Mĩ Thuật, gã bám trụ lại thủ đô để tìm kiếm tương lai dấn thân vì nghệ thuật. Nhưng học trò là mơ, cuộc đời là cơm áo. Triết lí chua chát đó gã đã từng nếm trải, bao nhiều lần đi xin việc nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Rồi gã đi chép tranh thuê của họa sĩ nổi tiếng Tây, Ta đủ cả, chịu khó thì cũng rủng rỉnh. Nhưng gã chán, gã thích sáng tác chứ không phải đi chép tranh giả cầy. Vậy là gã lang bạt khắp nơi với mục đích sáng tác. Được cái gã đa tài, đàn hát, vẽ vời đều hay nên đi đâu cũng có thể kết giao. Chưa kể, với vẻ ngoài râu ria, bặm trợm Khương cũng không ngần ngại giao lưu với dân anh chị như một kẻ giang hồ. Gã đến vùng vàng này cũng do quen biết Phi Gụ – một tay giang hồ hảo hán người cao lớn, lưng gù như lưng con gụ ở đất Phủ Quỳ, cả hai rủ nhau đi tìm kiếm vận may. Tại đây, Khương quen Chun, là một cửu vạn làm thuê cho các lò vàng. Và gã đã gặp Vy bên bờ sông Nậm Mơ định mệnh này.

Trên bậc cầu thang Vy gục đầu vào vai Khương. Gã nắm chặt tay cô, lòng nhủ  phải đưa cô về xuôi thôi.

– Đừng ở đây nữa! Về xuôi với anh!

Vy rất muốn gửi gắm đời mình cho người đàn ông cao lớn và đầy bản lĩnh ở bên cạnh, nhưng cô cũng phân vân không biết có nên về xuôi cùng Khương hay không? Còn Khương, trong lòng đang cuộn sóng, máu nghĩa hiệp trong người gã có sẵn. Lời yêu cầu của gã là thực lòng. Gã biết đây là đời thực, không phải là câu chuyện của những bộ phim cổ trang hay tiểu thuyết ngôn tình. Cạnh đó, gã tính liệu đưa Vy và em trai cô về xuôi có đảm bảo được cuộc sống cho họ hay không, trong khi chính gã cũng chưa lo được cho bản thân… Nhưng kệ, gã thầm nhủ, nghĩ nhiều làm gì, được đến đâu hay đến đó.

Gã nhắc lại câu hỏi:

– Về xuôi với anh nhé?

Khương nhìn sâu vào mắt Vy chờ câu trả lời…

– Ầm… ầm… ầm…

Liên tiếp các tiếng nổ vang lên, nối nhau làm rung chuyển nhà sàn. Tiếp theo là tiếng la hét náo động ngoài bãi vàng làm cho gã và Vy nhanh chóng rời khỏi những suy nghĩ riêng tư. Thằng Chun chạy đi rồi hớt hải quay về báo.

– Sập hầm rồi. Rất nhiều người chết ớ…

Khương rùng mình, nếu như nghe lời Phi đêm qua cố gắng làm thêm thì cả gã, Phi Gụ và Chun đều đã mất mạng. Nửa ngọn Pù Cu sập xuống, đất đá ngổn ngang như vừa trải qua trận bom B52 thời chiến tranh. Cả một lò vàng xuyên sâu vào lòng núi với nhiều ngóc ngách giờ đây không còn vết tích. Mấy chục con người bị vùi lấp trong đó. Từng đàn quạ đen lượn lờ trên bầu trời kêu lên rợn người. Hàng chục phu vàng lấm lem bùn đất với những khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần, bất lực đứng nhìn nhau. Khuôn mặt Khương lúc này méo xệch, buồn bã trông thật ảm đạm. Kinh hoàng quá, thật ngoài sức tưởng tượng của gã. Nhưng chẳng lẽ chịu bó tay thế, gã đứng lên chạy đi chạy lại thúc giục các phu vàng cố gắng đào bới cứu người.

Phi Gụ thấy vậy, thở dài lắc đầu.

– Đừng đào bới vô ích, giờ chỉ còn nước chờ chính quyền đưa bộc phá, máy cẩu, máy xúc đến may ra mới tìm được xác ra…

Và như thương cho những người xấu xố bỏ mạng vì vàng, vì ước mơ viển vông không bao giờ thành, trời đột ngột làm mưa. Liên tiếp những trận mưa lớn đổ xuống đồi núi vài ba ngày liền chưa có dấu hiệu tạnh. Nhiều thân nhân của nạn nhân cũng đã vượt rừng tìm đến. Tiếng gào khóc cộng hưởng của họ át cả tiếng mưa, nghe bi thương não nùng không thể nào tả xiết. Cú sập hầm kinh hoàng nơi thâm sơn cùng cốc nhanh chóng rúng động cả nước. Chính quyền tỉnh huy động quân cứu hộ cùng các phương tiện máy móc, chó nghiệp vụ lập tức lên đường. Nhưng đội cứu hộ tiếp cận hiện trường khó khăn bởi mưa mỗi lúc mỗi lớn.

Trong đời mình Khương cũng chưa bao giờ chứng kiến cơn mưa rừng dai dẳng, dữ dội đến vậy. Khi Khương và mọi người đang nhìn chiếc trực thăng cứu hộ như con cá trắm khổng lồ bơi trong mưa để tìm bãi đáp thì bỗng nhiên nghe tiếng ầm ào, mặt đất như rung chuyển. Thằng Chun hét lớn.

– Chạy mau ớ, lũ quét!

Cơn lũ như ngàn con trâu điên lồng lộn lao đến. Khương cùng mọi người chạy nhanh lên núi nhưng vẫn không nhanh bằng nước lũ. Những tiếng thét, tiếng kêu cứu thất thanh, những bàn tay chới với trong dòng nước cuồn cuộn. Cơn cuồng nộ của thủy thần đã cuốn phăng tất cả những gì cản đường.

Khương bị dòng nước lũ quăng quật, vần vò cuốn đi. Sặc nước, tức thở, lồng ngực gã như muốn vỡ tung. “Dù gặp phải hoàn cảnh bi đát thế nào đi chăng cũng gắng giành lấy sự sống”. Câu nói của thầy dạy võ năm nào vang vọng trong đầu. Khương dùng hết sức bình sinh đạp mạnh hai chân, sải tay và rướn người cố ngoi lên khỏi mặt nước. Cuộc chiến với thủy thần giành sự sống đến hồi cam go. Ngỡ như thủy thần đang sắp chiến thắng thì may mắn Khương bám được mớ dây rừng, cố leo lên một vách đá. Quần áo rách bươm, cơ thể chỗ nào cũng trầy xước nhưng Khương chẳng thấy đau.

– Vy ơi. Vy ơi. Em ở đâu? Em và mọi người có sao không?

Gã lấy chút sức tàn còn lại gào lên trong mưa gió. Lòng đau nhói và hoang mang khi nhìn xuống dưới chân núi, cơn lũ màu da cam ma quái vẫn cuồng nộ gầm réo. Khương bỗng thấy hoa mắt, xung quanh tối sầm, gã thấy mình nhẹ bẫng đang nắm tay Vy cùng nhau bay lên trên dòng sông Nậm Mơ sương khói…

                                                    ****

   Sau đợt lũ kinh hoàng, người thì nói Khương bị ngất xỉu trên vách núi được chị em Vy và Phi Gụ đóng bè, xuôi dòng đưa ra bệnh viện huyện cứu chữa. Sau đó, Khương cùng Vy trở lại thung lũng vàng lấy nhau rồi sinh con đẻ cái, trở thành cặp vợ chồng đầu tiên lập nên bản Chồng trên thung lũng Piêng Ơng. Kẻ thì kể sau đận ấy, họ thấy Khương cùng chị em Vy trên một chiếc xe ca xuôi về Vinh. Nhưng cũng có người khẳng định hàng năm cứ đến đầu hạ, có một người đàn ông về thung lũng Piêng Ơng ôm bó hoa goet nơ trắng thả xuống dòng sông Nậm Mơ. Anh ta ngồi rất lâu trên bờ đốt thuốc lá rồi lủi thủi ra về…

                                                       *****

  Mỗi người kể một kiểu khác nhau, nhưng hiện nay trong thung lũng Piêng Ơng, bản Chồng vẫn còn đó những mái nhà sàn soi bóng xuống dòng sông Nậm Mơ đẹp như tranh vẽ. Tục ngủ thăm nơi đây vẫn còn lưu giữ như một nét đẹp văn hóa độc đáo giữa đại ngàn mây trắng…

Trại sáng tác Tương Dương ngày 1/11/2019

Tiến Dũng