Trong tiến trình cách mạng của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề văn hóa luôn được coi trọng, được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và tiến bộ xã hội. Năm 1943, tại Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh biên soạn. Đề cương văn hóa chỉ có 1500 từ, nhưng đã trở thành một văn kiện quan trọng, khai sáng cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, mà cho đến hiện nay và mãi mãi về sau vẫn là một văn kiện có giá trị hiện thực sâu sắc.

  1. Nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có kết cấu gồm 5 phần: Phần 1: Cách đặt vấn đề; Phần 2: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Phần 3: Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Phần 4: Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Phần 5: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Macxit Đông Dương, và nhất là của những nhà Macxit Việt Nam.

Nội dung cơ bản của Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, như sau:

Thứ nhất, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa). Người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.

Thứ hai, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất của văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật, Pháp. Những thủ đoạn của Nhật, Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo.

Thứ ba, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”. Đó là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó, dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm, đứng lên chịu trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kỹ, lạc hậu, dị đoan. “Đại chúng hóa là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật; chống lại các quan điểm văn hóa xa rời quần chúng”.

Thứ tư, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Macxit là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân, phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…

Từ những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy nổi lên những vấn đề sau:

Thứ nhất, ngay từ rất sớm, Đảng ta đã rất coi trọng văn hóa của dân tộc. Cho đến thời điểm ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta vừa ra đời được 13 năm (từ ngày 3/2/1930). Khi đó đất nước chưa giành được độc lập, Đảng ta còn non trẻ, kẻ địch tìm cách khủng bố, bắt bớ những chiến sĩ cộng sản. Từ năm 1936 đến 1939, Đảng phải tuyên bố tự giải tán để rút vào hoạt động bí mật. Khi ra công khai chưa được bao lâu, cùng với việc lãnh đạo các chi bộ Đảng đi sâu tuyên truyền giác ngộ Nhân dân xây dựng các cơ sở cách mạng, chuẩn bị thành lập Việt Minh (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Đảng ta đã sớm nghĩ đến việc đưa ánh sáng văn hóa, rọi soi cho một dân tộc đang đắm chìm trong nô lệ, người dân sống trong tăm tối với những hủ tục lâu đời, cúng bái, dị đoan, bói toán và mù chữ. Điều đó chứng tỏ Đảng ta rất coi trọng vấn đề khai phóng dân trí và coi trọng việc phát triển văn hóa cho nhân dân.

Thứ hai, lập trường Đảng ta rất nhất quán. Từ khi ra đời, cương lĩnh của Đảng đặt ra mục tiêu cách mạng của nước ta là giải phóng dân tộc, đánh đuổi đế quốc, đánh đổ phong kiến (phản đế phản phong) và đi lên CNXH. Vì vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện được xây dựng trên nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, thấm nhuần những vấn đề lý luận của cách mạng. Mác nói: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Và ông nói: “Chủ thể sáng tạo văn hóa là con người. Con người sử dụng văn hóa đó để phát triển năng lực của mình trong quá trình cải tạo và biến đổi tự nhiên”. Chủ nghĩa Mác – Lê Nin phân cấu trúc văn hóa thành hai loại: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Văn hóa vật chất là phương tiện sản xuất, phương tiện tiêu dùng và quan hệ sản xuất. Văn hóa tinh thần gồm những giá trị và chuẩn mực của xã hội. Những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã xây dựng trên cơ sở những vấn đề lý luận đó.

Thứ ba, cách mạng văn hóa Việt Nam phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, nhiệm vụ cần kíp của những nhà Macxit là phải chống lại văn hóa phát xít, nô dịch; phục vụ Nhân dân, chống lại các quan điểm xa rời quần chúng. Đây quả là vấn đề sống còn của cách mạng văn hóa Việt Nam.

Phần đầu bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” in trên tạp chí Tiên phong, số 1, tháng 11/1945 (ảnh tư liệu)
  1. Sự tiếp nối của văn hóa Việt Nam trong tiến trình cách mạng

Tháng 11/1946), tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ, văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Như vậy, chúng ta thấy Đảng và Bác Hồ đã đặt vấn đề văn hóa lên trên nhiều vấn đề khác của đất nước. Cùng với việc lãnh đạo Nhân dân kháng chiến, kiến quốc, Đảng ta chủ trương phát động phong trào lớn là “Diệt giặc đói và giặc dốt”. Phong trào bình dân học vụ được mở ra từ thành phố đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược. Chồng dạy chữ cho vợ, mẹ dạy chữ cho con; già, trẻ, gái trai đều phải học chữ Quốc ngữ. Từng địa phương được xây dựng các trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 để đưa hệ thống giáo dục vào nề nếp. Cùng với việc xóa mù chữ, các địa phương đẩy mạnh công cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, chống mê tín dị đoan, bài trừ văn hóa phản động, lạc hậu, văn hóa nô dịch của thực dân và phong kiến để lại. Mọi hoạt động văn hóa nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân, giải phóng con người khỏi những tư duy lạc hậu, giải phóng phụ nữ ra khỏi kiếp sống nô tì, hèn mọn để đứng lên làm chủ bản thân, làm chủ gia đình và có vị thế nhất định trong xã hội. Trải qua hàng nghìn năm nô lệ của phong kiến phương Bắc và hàng trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ, những quan niệm lạc hậu dần dần được thay thế bằng những quan niệm tiến bộ, văn minh. “Tam cương ngũ thường”, hay “tam tòng tứ đức” và những lễ giáo phong kiến được chọn lọc để cái gì hay thì học, cái gì không hay thì loại bỏ. Đó là cuộc cách mạng rất lớn về văn hóa, làm thay đổi con người từ trong tăm tối bước ra dưới ánh sáng của bầu trời cách mạng.

Từ ánh sáng soi đường của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp bằng súng đạn, mã tấu, tầm vông. Bên cạnh đó có một sức mạnh từ văn hóa, bằng việc sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật vô cùng phong phú. Những nghệ sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, cổ vũ tinh thần cho quân và dân ta. Thời điểm đó văn xuôi có Truyện, ký của Trần Đăng; Xung kích của Nguyễn Đình Thi; Tình chiến dịch của Nguyễn Tuân; Ký sự Cao – Lạng của Nguyễn Huy Tưởng; Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Về thơ, có Thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh; Việt Bắc của Tố Hữu; Hội nghị non sông của Xuân Diệu; Tây Tiến của Quang Dũng; Đồng chí của Chính Hữu… Trong âm nhạc có Trường ca sông Lô của Văn Cao; Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi; Bình Ca của Nguyễn Đình Phúc; Trường chinh ca của Lương Ngọc Trác… Các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, hội họa, nhiếp ảnh, múa, điện ảnh cũng được phát triển. (Năm 1958 bộ phim nhựa đầu tiên Chung một dòng sông được ra đời). Tháng 7/1948, Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tại xã Đào Dã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ khi cả nước đang trường kỳ chống Pháp. Mục tiêu của hội nghị là vạch ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công tác văn hóa, văn nghệ kháng chiến, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Đại hội vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới”. Nghị quyết của hội nghị thực sự là ánh sáng soi đường, tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc (năm 1954), đế quốc Mỹ bộc lộ ý đồ xâm chiếm nước ta, củng cố chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm và thực hiện những chính sách thôn tính ở miền Nam Việt Nam. Từ đây, cả nước thực hiện hai nhiêm vụ chiến lược là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đường lối văn hóa của Đảng đã chỉ ra mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa XHCN với nhiều nội dung thiết thực để cải tạo nền văn hóa nước nhà sau nhiều biến cố của lịch sử. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với việc cải tạo xã hội và xây dựng nền văn hóa XHCN, các loại hình văn học nghệ thuật được phát triển rực rỡ phục vụ cho cuộc kháng chiến thần thánh của Nhân dân ta. Các tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… phát triển ở một tầm cao mới làm thay đổi rất lớn trong nhận thức, tư tưởng và nâng cao tâm hồn trong sáng, củng cố ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), đại hội IV của Đảng xác định “Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa”. Tiếp theo là các nghị quyết Đại hội V, Đại hội VI… đến Đại hội XIII (năm 2021), vấn đề văn hóa luôn được nhấn mạnh và đặt văn hóa trong một tầm cao mới. Đặc biệt, Nghị quyết TW 5, khóa VIII (năm 1998) ban hành chuyên đề về phát triển văn hóa Việt Nam, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển, hoàn thiện về lý luận văn hóa của Đảng, định hướng phát triển văn hóa trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết đưa ra các quan điểm chỉ đạo cơ bản có sự đổi mới, có giá trị về cả lý luận và thực tiễn, gồm:

  1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.
  2. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
  3. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
  4. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
  5. Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Nghị quyết khẳng định: Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương… Sau Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), các nghị quyết của Đảng tiếp tục kế thừa và phát triển lý luận văn hóa phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

  1. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 và giá trị hiện thực trong giai đoạn hiện nay

Trong thời đại ngày nay, cùng với nền kinh tế toàn cầu hóa thì các vấn đề về văn hóa cũng được giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, bao gồm toàn bộ các khía cạnh cơ bản của đời sống xã hội như ngôn ngữ, tôn giáo… Từ những điểm khác biệt về phong tục tập quán, những thói quen và xuất phát từ các khuynh hướng tư tưởng khác nhau thì nhận thức và quan điểm cũng khác nhau. Quá trình giao thoa ảnh hưởng lẫn nhau, có cái tốt, có cái không tốt, có cái lợi và có cái hại. Ví dụ, hiện nay đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine thì ở Việt Nam cũng có những quan điểm khác nhau; có người cho hành động quân sự của Nga là đúng, là cần thiết; có người lại có ý kiến ngược lại. Về xu thế văn học nghệ thuật và các vấn đề xã hội cũng có nhiều cảm nhận khác nhau. Có người cho lối sống thực dụng, đề cao bản năng con người là hay; nhưng có người cho rằng như thế là tha hóa, là thiếu đạo đức. Tóm lại, trong vô vàn những hiện tượng văn hóa trên thế giới, mỗi người cần có nhận thức đúng đắn và hành xử theo phong cách văn minh.

Nghị quyết Đại hội XIII (2021) của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người, con người với văn hóa, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời, coi trọng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Trên quan điểm “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng đã đề ra những mục tiêu cơ bản để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân. Từ những mục tiêu cụ thể, cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo ra những mô hình văn hóa có giá trị thiết thực. Đó là mô hình “Làng, bản Văn hóa”; “Khu phố văn hóa”; “Dòng họ văn hóa”; “Gia đình văn hóa”… Nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận như Dân ca quan họ Bắc Ninh – Bắc Giang, Hát xoan Phú Thọ, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế… đều là những sản phẩm văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc Việt Nam.

Đối với Nghệ An ta trong những năm qua, các hoạt động văn hóa thường xuyên được duy trì có nề nếp từ cấp xóm, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia các hoạt động trong toàn quốc. Đó là các hoạt động văn nghệ, sáng tác và biểu diễn dân ca ví, giặm, giao lưu dân ca Nghệ Tĩnh… Nhiều sáng tác ca khúc được phát triển trên nền dân ca Nghệ Tĩnh, cũng là thành công lớn của tỉnh nhà. Các ca khúc này đã đi vào đời sống Nhân dân. Ta dễ dàng nghe thấy trên xe ô tô của người dân Nghệ những đĩa hát giàu chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh này.

Việc sáng tác văn học nghệ thuật cũng được phát triển mạnh mẽ. Hội Liên hiệpVHNT Nghệ An được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm củng cố vững mạnh về tổ chức, đầu tư ngân sách ngày càng nhiều hơn. Hàng năm, nhiều cuộc trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật được tổ chức, các giải thưởng như giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương được duy trì đã khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo về văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Tóm lại, từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng đã tạo ra một dòng chảy về văn hóa song song cùng sự phát triển của đất nước. Nó thường xuyên được kế thừa, chọn lọc, phát triển nâng cao theo sự phát triển kinh tế và xã hội. Nó được giữ gìn, vun đắp phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, sự phát triển, hội nhập của quốc tế. Những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 sẽ mãi mãi là kim chỉ nam, là tinh hoa, trí tuệ của sự phát triển văn hóa Việt Nam.

Cao Khoa