Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam – một Văn kiện quan trọng của Đảng, đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua năm 1943. Đây được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có vai trò định hướng cho đường đi của văn hóa Việt Nam.

Trước hết, cần hiểu rõ hoàn cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Lúc bấy giờ, Nhân dân ta đang sống dưới ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Về mặt tư tưởng, văn hóa do Pháp và Nhật đưa vào nước ta là các loại quan điểm thù địch với văn hóa dân tộc như: chủ nghĩa Phục cổ,  chủ nghĩa Tờ – rốt – kít, văn hóa ngu dân,  văn hóa thời trung cổ, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi…. Thực dân Pháp và phát xít Nhật ra sức đàn áp các nhà văn hóa cách mạng, đồng thời chúng ra sức lôi kéo, mua chuộc một số trí thức, văn nghệ sĩ vào các tổ chức văn hóa trá hình để làm công cụ truyền bá văn hóa phản động của chúng.

Trước tình hình ấy, có một bộ phận tri thức văn nghệ sĩ có biểu hiện chán nản, bi quan, thờ ơ với thời cuộc, một số khác tỏ ra hoang mang, mất phương hướng.

Trong bối cảnh ấy, Đảng nhận định rằng, lúc này cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên hoạt động về văn hóa văn nghệ để gây dựng, thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc, chống lại văn hóa phản động, bảo thủ, lạc hậu. Lúc này cần có hướng đi đúng đắn cho văn hóa Việt Nam, vì vậy, từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943 hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng đã họp bàn các biện pháp đối phó với tình hình và đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo (dưới đây chúng tôi gọi tắt là Đề cương).

Về mặt kết cấu, Đề cương gồm có 5 phần

Phần I: Cách đặt vấn đề

Phần II: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt

Phần III: Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp

Phần IV: Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam

Phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Macxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mác xít Việt Nam.

Trên cơ sở phương pháp luận Mác xít gắn liền với sự phân tích sâu sắc thực tiễn, nhất là sự phân tích thực trạng của nền văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp, Đề cương đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng.

Trước hết, Đề cương nói về khái niệm “văn hóa”,  nội hàm văn hóa gồm 3 thành tố chính là: 1/ tư tưởng; 2/  học thuật (khoa học); 3/ nghệ thuật (văn học nghệ thuật) và mối quan hệ biện chứng giữa 3 thành tố đó. Trong ba thành tố đó, tư tưởng là thành tố có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, tư tưởng gắn liền trực tiếp đến thế giới quan, nhân sinh quan, đến nhận thức, hiểu biết, tình cảm của con người đối với xã hội, đối với tự nhiên và đối với bản thân. Còn học thuật (khoa học) là thành tố làm nền tảng quyết định đến chất lượng, tính chất của nền văn hóa. Học thuật liên quan trực tiếp đến tri thức khoa học, đến học vấn, đến hiểu biết, là điều kiện để con người khám phá và cải tạo thế giới. Bởi vậy, học thuật đòi hỏi mọi người phải nêu cao tinh thần học tập, học tập suốt đời. Còn nghệ thuật (văn học nghệ thuật) là thành tố quan trọng và tinh tế của văn hóa, có vai trò to lớn trong việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho mọi người. Không có gì có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc đưa con người hướng tới khát vọng chân, thiện, mỹ.

Tiếp đó, Đề cương nêu rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Người cộng sản không những làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Đảng có lãnh đạo được phong trào văn hóa thì việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả, mới có tác dụng thiết thực.

Đề cương đề ra hai điều kiện để cách mạng văn hóa thành công:

  1. Cách mạng văn hóa phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo thì mới thành công.
  2. Khi cách mạng chính trị thành công thì cách mạng văn hóa mới thành công.

Đề cương cũng phân tích kỹ mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, quan hệ này thể hiện ở chỗ: ở Việt Nam, cách mạng văn hóa phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc thì mới có điều kiện để phát triển và thắng lợi; mặt khác, cách mạng giải phóng dân tộc có thể đưa văn hóa Việt Nam tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới. Đồng thời, Đề cương cũng nói về mục tiêu trước mắt của cuộc vận động cách mạng văn hóa đó là: xây dựng một nền văn hóa, về lâu dài là xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Về tính chất của nền văn hóa mới: nền văn hóa mới sẽ có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.

Trong phần “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của phát xít Nhật, Pháp”, Đề cương nói rõ 7 thủ đoạn của bọn Nhật, Pháp đó là:

  1. Đàn áp các nhà văn hóa cách mạng dân chủ chống phát xít.
  2. Ra tài liệu, tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ quần chúng.
  3. Kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa.
  4. Mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa.
  5. Mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa trung cổ văn hóa ngu dân.
  6. Tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng và chủ nghĩa ái quốc mù quáng, hẹp hòi
  7. Làm ra vẻ chăm sóc đến trí dục, thể dục và đức dục cho dân.

Tất cả 7 thủ đoạn nói trên đều nhằm mục đích trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng của Đề cương là đã nêu ra 3 nguyên tắc vận động để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam, đó là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Dân tộc hóa nhằm chống lại mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, dân tộc hóa làm cho văn hóa Việt Nam phát triển một cách độc lập, không phụ thuộc bất kỳ thế lực nào. Còn đại chúng hóa nhằm chống lại chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng. Và khoa học hóa nhằm chống lại tất cả những chủ trương, những việc làm cho văn hóa lạc hậu, phản khoa học.

Ba nguyên tắc này là nội dung thể hiện một trong những giá trị cơ bản của Đề cương: Dân tộc hóa là đưa văn hóa đến với dân tộc, phục vụ cho cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam. Nguyên tắc dân tộc hóa yêu cầu văn hóa phải gắn bó với cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Trong 3 nguyên tắc trên, dân tộc hóa được đặt ở vị trí đầu tiên. Còn đại chúng hóa nằm ở vị trí thứ hai. Nguyên tắc đại chúng hóa yêu cầu văn hóa phải là văn hóa của quần chúng nhân dân, phục vụ cho Nhân dân, làm cho quần chúng biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật, sáng tạo nên giá trị tinh thần để phục vụ quần chúng. Và khoa học hóa sẽ góp phần đấu tranh chống mọi nhận thức sai lầm trên con đưởng đi, con đường phát triển của văn hóa. Khoa học hóa đòi hỏi trí thức, văn nghệ sỹ nắm chắc chủ nghĩa Mác – Lê Nin để tham gia vào cách mạng văn hóa. Có thể khẳng định rằng, ba phương châm, 3 nguyên tắc nói trên đã nhanh chóng tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức và phương hướng cho trí thức, văn nghệ sỹ con đường đi đúng đắn. 80 năm đã trôi qua, giờ đây, hoàn cảnh lịch sử đã có một số thay đổi, nhưng chắc chắn rằng 3 nguyên tắc đó sẽ tiếp tục là nền móng vững chắc, khai phá, mở đường cho sự phát triển của Văn hóa Việt Nam.

Tóm lại, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có giá trị to lớn và sâu sắc, Đề cương đã chỉ ra nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc; chỉ ra nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, thực dân Pháp, xác định mục tiêu của cuộc vận động văn hóa, tính chất của nền văn hóa mới, đề ra 3 nguyên tắc vận động để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở Việt Nam. Tám thập kỷ đã trôi qua nhưng tính chất soi đường của Đề cương văn hóa vẫn còn vẹn nguyên giá trị.

Đoàn Mạnh Tiến