Bây giờ thì Nghệ An đã là một trung tâm bóng đá và đào tạo bóng đá, nhưng ít ai biết rằng truyền thống bóng đá của Nghệ An đã có từ một trăm năm trước. Và, có một cầu thủ đã có một đường chuyền kết nối hai nền bóng đá, để cho truyền thống bóng đá Nghệ không bị đứt gãy, thất truyền.
Từ cầu thủ đội Hồng Bàng, Nam Định
Trần Xuân sinh năm 1910 tại thành phố Nam Định. Gia đình ông những năm đó mở hàng cơm ở phố Hàng Thiếc, mấy năm sau chuyển lên phố Paul Bert, gần chợ Rồng, để kinh doanh lớn hơn. Bố mẹ ông mở rộng hàng cơm, làm thêm 15 phòng trọ, đồng thời mở cả quầy rượu, phòng khiêu vũ, cả tổ tôm điếm. Thế nhưng, gặp buổi khủng hoảng kinh tế, giấc mơ làm ăn lớn của gia đình bị đổ bể. Lúc này Trần Xuân đang học lớp nhất tiểu học (Supérieur) đành phải bỏ dở, để ở nhà trông coi hàng cơm cho bố mẹ. Cầm cự được mấy năm thì cuối cùng gia đình ông cũng phải tuyên bố phá sản, bán rẻ đồ đạc của cửa hàng để trả nợ. Cả nhà dọn về thuê nhà ở Ngõ Huyện, nhờ vào sự giúp đỡ của người con rể là tây lai, làm đốc công máy chăn trong nhà máy dệt để sống qua ngày.
Thế nhưng, như một cái duyên tiền định, ngay từ bé, Xuân đã đam mê và sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm về bóng đá. Gia cảnh khó khăn chỉ là thử thách, chứ không hề làm nản chí chàng thanh niên mới lớn, có chiều cao gần một mét tám, có đôi chân biết khiêu vũ cùng trái bóng và cú đánh đầu mạnh như những cú sút. Một hôm, đâu vào quãng năm 1927-1928 gì đó, sau trận quần nhau với đám bạn quanh quả bóng ở bãi hoang cạnh nhà, thì Trần Xuân được một anh thanh niên vỗ vai: “Cậu đá khá lắm. Vào đội anh chơi nhá”. Khi biết đó là Vũ Đình Hiển – “ông bầu” của đội bóng Hồng Bàng của thị xã Nam Định, Xuân gật đầu.
Ông Hiển có một đội bóng chừng 20 cầu thủ, tất cả đều sống, làm ăn trong cái thị xã nhỏ bé ấy. Cơm nhà, quần áo nhà, giày nhà nhưng các cầu thủ Hồng Bàng tập và đá bốc lắm. Ở đất Nam Định này, Hồng Bàng đã đá là ít khi thua. Mà đá có kỹ thuật, đá đẹp hẳn hoi, nhất là trung ứng (bây giờ gọi là tiền vệ tấn công) Trần Xuân. Ra sân mà thấy anh là đội bạn nhắc nhau “coi chừng cái đầu của trung ứng Trần Xuân”. Họ ngán cũng phải. Cao tới gần một mét tám, sức bật lại tốt, anh ta mà tung người thì coi chừng.
Không chỉ quẩn quanh trong thành phố, Trần Xuân cùng đội Hồng Bàng cũng đã nhiều phen tiếp các đội từ các nơi khác đến, hoặc mang chuông đi đánh xứ người.
Đến đội Olympique Hải Phòng
Thế nhưng, đá bóng chỉ thỏa được đam mê chứ không ra tiền ra bạc để cứu gia đình qua cơn bĩ cực.
Gia cảnh túng thiếu, bản thân lại thất nghiệp, nên tháng 2 năm 1935 Xuân phải đăng lính, gia nhập đội quân lính thủy và đóng quân ở Hải Phòng.
Cùng năm đó, bố mẹ ông cũng gồng gánh cả gia đình vào Vinh, mở một cửa hàng cơm ở phố Ga, với hy vọng lập nghiệp ở đô thị trẻ có tiếng là năng động đương thời. Chính họ và Trần Xuân cũng không biết rằng họ đang “lót ổ” trước cho con đại bàng Trần Xuân ở một trung tâm bóng đá lớn của Trung Kỳ.
Trong cái rủi có cái may, vừa chân ướt chân ráo xuống Hải Phòng, đôi chân và cái đầu của Trần Xuân đã làm mê hoặc viên chỉ huy tàu mê bóng đá. Viên sỹ quan này đã giới thiệu anh cho đội bóng giàu thành tích nhất đất cảng lúc đó là đội Olympique. Với 4 năm đá cho Olympique ở vị trí trung ứng, tên tuổi Trần Xuân đã được biết đến không chỉ ở Hải Phòng. Hồi này ông được cùng đội bóng của mình tham gia giải bóng đá Bắc Kỳ tổ chức ở Hà Nội. Nói là giải Bắc Kỳ cho oai nhưng thực ra chỉ có mấy đội của Hà Nội như đội Stade, đội Lạc Long và một đội của Nhà máy Dệt Nam Định. Giải đó đội ông vô địch. Tiền thưởng nếu chia đều ra cũng mua đâu được vài bộ quần áo cầu thủ. Hết giải, ai nấy trở về nghề của mình. Trần Xuân lại lên tàu làm lính thủy.
Thế nhưng, không chỉ có thế. Chính những năm tháng ở Hải Phòng trong màu áo của Olympique, Trần Xuân đã ghi được bàn thắng quan trọng nhất cuộc đời mình. Bàn thắng mang tên Phạm Thị Ngà, 18 tuổi, một hoa khôi đất cảng. Họ cưới nhau năm 1938.
Tháng 2/1939 Trần Xuân mãn lính, anh cùng người vợ trẻ dắt tay nhau về Vinh, nơi gia đình anh đã “lót ổ” sẵn từ bốn năm trước. Thế nhưng chưa kịp ấm chỗ thì chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6 năm 1939, một lần nữa, Trần Xuân lại bị gọi vào lính. Anh được điều vào Đèo Ngang, lên núi gác tàu biển, sau lại được điều vô Sài Gòn xuống tàu làm lính thủy. Tháng 9 năm 1941, anh mãn lính trở lại Vinh, cùng vợ và hai người em là Kim và Ngọc trông coi hàng cơm của gia đình.
Đến tuyển thủ Trung Kỳ
Đương thời Vinh – Bến Thủy là một trung tâm bóng đá lớn của Trung Kỳ. Ở đây, từ những năm 1920 đã có các đội bóng của lính tây. Năm 1921 “Lam Thành túc cầu đội” của trường Quốc học Vinh được thành lập. Đó là đội bóng đầu tiên của người Việt ở xứ Nghệ. Khi con “đại bàng” Trần Xuân hạ cánh xuống đây, Vinh có tới năm, sáu đội bóng (hồi đó gọi là “hội bóng tròn”) như: Candasport của lính tây; Garder Indigène của lính khố xanh; ASAT của Nhà máy Xe lửa Trường Thi; Corix Rouge của Hội Chữ Thập đỏ… Trong đó nổi tiếng nhất là đội ASNA (Association Sportive Nghe An ), là đội bóng của Hội thể dục Nghệ An. Đây là đội bóng gần như đại diện chính thức của Nghệ An khi tham gia các giải đấu khu vực và Trung Kỳ. Đội có trang phục áo vàng, quần trắng, nên thường gọi là đội Áo Vàng. Sân của đội ASNA (khu vực đường Phạm Ngũ Lão, phường Cửa Nam hiện nay) cũng được gọi là “Bãi Áo Vàng”.
Vốn là một cầu thủ có danh tiếng trước đó, về Vinh lần này Trần Xuân như được tái sinh và thăng hoa, anh được đội Corix Rouge mời về. Một thời gian ngắn sau, đội Croix Rouge và một vài đội khác được nhập vào ASNA và danh thủ Trần Xuân trở thành đội trưởng đội Áo Vàng trứ danh. Quán cơm của anh em Trần Xuân cũng trở thành nơi gặp nhau của anh em, bạn bè trong giới thể thao. Do đó quán cũng đổi tên thành Restaurant Sport Jeunesse.
Thấy anh giò cẳng hay, nói năng lưu loát lại trọ trẹ được cả tiếng Pháp, một quan chức trong Tòa Công sứ Nghệ An vốn là một võ sĩ bên Pháp mê tít. Ông ta giới thiệu anh vào đội tuyển bóng đá Trung Kỳ dự giải bóng đá Đông Dương, mang tên Thống chế Pê tanh (Philippe Pétain), tổ chức năm 1942. Là lần đầu lên tuyển, nhưng Trần Xuân đã khẳng định được vị trí của mình trong đội. Mặc dù những năm này đang là thời của bóng đá Nam Kỳ, với nhiều hảo thủ lừng danh, nhưng nhìn lại mùa giải 1942, tờ Tràng An báo (số 245 ra ngày 21/12/1943) đã giành cho tuyển Trung Kỳ những lời có cánh: “Suốt mùa ban cũ ra quân 7 trận, phá lưới 17 bàn, thua lại 15 bàn, trong ấy đoàn quân Hương Bình đã hai phen chung sống với vinh quang: hàng phục được Bắc Kỳ 6-2 và bắt Cao Miên cuốn giáp quy cờ với tỷ số sâu cay 7 bàn gỡ 1. Trong những cơn chiến thắng ấy những danh tướng: Phong, Sin, Tương, Minh A, Tấn, Xuân, Đông, Lan, Tỷ, May, Minh B, Hối, Đạn, Bảo… là những cầu tướng đã gom góp một phần công lớn để đưa dẫn hội nhà lên con đường tốt đẹp. Và năm nay cũng chính họ sẽ bay nhảy trên sân vận động Miên thành hòng bảo vệ thanh giá của làng cầu xứ sở… Ở hàng tiếp ứng với Tấn, Xuân, Đông người ta thấy cả một sức mạnh của toán cầu đại biểu Hoành Sơn. Chính Tấn, Xuân, Đông đã đủ sức chống đỡ bao cơn bão táp của địch quân để dẫn dắt hội nhà lên chốn vinh quang. Bộ ba ấy tiến thoái có quy củ, có thể sánh với Bửu, Paccini, Blois của Nam Kỳ”.
Mùa giải Pê tanh năm 1943, Trần Xuân tiếp tục được lên tuyển Trung Kỳ.
Tuổi cũng đã lớn, nên ban đầu Trần Xuân chỉ được xếp đá dự bị. Thế nhưng, khi vào giải anh được đá chính thức. Trong đội hình tuyển Trung Kỳ năm đó, hàng trung ứng vẫn là ba hảo thủ: Đông, Xuân và Lan. Theo báo chí đương thời bộ ba này được phân vai như sau: “Đông và Xuân giữ phận sự bao sân, còn Lan thủ vai hậu vệ thứ ba”. Trong trận gặp đội Bắc Kỳ, một đội có tới tám cầu thủ người tây tham chiến, báo Tràng An (số ra ngày 9/12/1942) mô tả: “Xuân theo Luer như bóng với hình”, khiến cho tiền đạo cao to của đội bạn hầu như không có cơ hội. Trận đó Trung Kỳ đả bại Bắc Kỳ.
Báo Thể tháo Đông Dương (Báo này viết là “Thể tháo”) ngày 9/1/1943 viết: “Lần này vào Nam tranh hùng bá hàng ngũ hội có chấn chỉnh lại hơn trước nhiều. Ba tuyển thủ mới là hữu nội Hối, hữu ứng Nghẽn (cũng của ASNA) và trung ứng Xuân, nghệ thuật tướng nào cũng rất cao siêu rất đáng mặc áo đại biểu cho làng nhồi bóng Trung Kỳ”.
Vào vòng sau các trận đấu diễn ra trên sân của Cao Miên. Trong trận gặp đội Cao Miên, đến gần phút chót, trung ứng Trần Xuân lách được vào khu vực 16m50 hạ gục thủ môn đội này là một anh Tây bằng một quả lắc đầu cực mạnh. Sướng quá, ông được đồng đội và người hâm mộ, cả Tây lẫn ta công kênh chạy quanh sân.
Bóng đá đưa danh thủ đến với cách mạng
Mọi việc đang khá thuận lợi thì quân Nhật vào Vinh, hất cẳng Pháp và tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á. Ở Vinh xuất hiện nhiều xu hướng hoạt động chính trị xã hội khác nhau. Trần Xuân cùng với những người bạn tâm giao của mình là Trần Đăng Lân (công chức ngân hàng); Bảo Nguyên (chủ hiệu vàng); Vũ Công Giáp (dược sĩ, chủ hiệu thuốc) lập ra một đội thanh niên thể thao, do Trần Xuân làm đội trưởng. Đội đã tập hợp được cả trăm thanh niên, nhất là trí thức, học sinh, như anh em Trọng Bằng, Trọng Loan (sau này là hai nhạc sỹ nổi tiếng); Trần Đình Đắc (tức nhà thơ Chính Hữu); Nguyễn Văn Khánh (sau này là Thiếu tướng QĐNDVN); Tô Vinh (sau này là Bí thư Thành ủy Vinh); Nguyễn Đức Thái (tức nhà thơ Minh Huệ)…
Trong đội Trần Xuân lớn tuổi hơn, anh cao lớn như Tây và nét mặt cũng giống Tây, nhưng hiền lành, cởi mở, giọng Bắc cứ nhẹ như gió, nên ai cũng coi anh như anh trai mình. Không chỉ là đội trưởng kiêm huấn luyện viên mà anh còn là “nhà tài trợ”, nhờ quán cơm của gia đình.
Lúc này Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, luật sư Phan Anh được cử làm Bộ trưởng Thanh Niên. Phong trào Thanh niên Phan Anh phát triển. Đội thanh niên thể thao của Trần Xuân cũng đi theo hướng đó. Họ đã diễu hành bằng xe đạp ra tận Quán Hành để đón Bộ trưởng Phan Anh.
Trước ngày cướp chính quyền ít tháng, một thanh niên nói giọng Nghi Lộc bắt quen và vận động đội thanh niên thể thao của anh tham gia tổ chức cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Xuân mới biết người đó là Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng và là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam). Sau đó, ông Trần Văn Quang phân công ông Mười Uyển trực tiếp sinh hoạt và hướng dẫn đội. Mười Uyển là một nhà cách mạng nổi tiếng ở Vinh Bến Thủy. Ông đã ba lần bị bắt, lúc này vừa mãn hạn tù 12 năm từ Buôn Ma Thuột về. Khác với các nhà cách mạng theo chủ nghĩa khổ hạnh, ở tuổi ngoài ba mươi, lại qua 12 năm tù đày, nhưng Mười Uyển vẫn là một thanh niên hào hoa, được học hành tử tế lại chơi giỏi bóng đá và quyền Anh, đam mê đua xe đạp. Anh cùng chơi với đội thanh niên thể thao, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho họ về Việt Minh, về thuyết Đại Đông Á của phát xít Nhật, huấn luyện cho đội về võ thuật, về leo tường, về cách rải truyền đơn và vận động quần chúng. Nghe nói được tham gia Việt Minh, chuẩn bị cướp chính quyền, toàn đội hăng lắm, họ đặt luôn tên “Đội thanh niên Phan Đình Phùng” cho khí thế. Đội chia nhau bí mật đi treo cờ, rải truyền đơn, tuyên truyền ủng hộ Việt Minh. Một hôm, anh Mười Uyển đến gặp Trần Xuân, thông báo mời đội sang truông Hồng Lĩnh để họp. Toàn đội đến điểm hẹn thì thấy không khí rất trang nghiêm, trên có bàn thờ Tổ Quốc, với cờ đỏ sao vàng. Anh Lợi Lù (Nguyễn Văn Lợi, sau là Chủ tịch thị xã Vinh) đến dự tuyên bố công nhận đội là đội tự vệ chiến đấu. Anh cũng giao nhiệm vụ cho đội chuẩn bị khí giới đợi lệnh Tổng khởi nghĩa. Đội được cấp một số súng lục và lựu đạn.
Trong cuộc biểu tình chiều ngày 20/8/1945 (mục đích để thăm dò thái độ của Nhật) đội được mật lệnh bảo vệ cuộc biểu tình, riêng Trần Xuân được giao nhiệm vụ cầm súng bảo vệ ông Nguyễn Tạo, vị lãnh đạo dẫn đầu đoàn biểu tình. Ngày hôm sau, 21/8/1945 cuộc biểu tình cướp chính quyền chính thức nổ ra ở Vinh. Đội của Trần Xuân được giao nhiệm vụ tham gia chiếm Dinh Tổng đốc và Sở Mật thám, bảo vệ Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An Lê Viết Lượng nhận ấn tín từ Tổng đốc Đặng Hướng. Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, Đội thanh niên Phan Đình Phùng được giao tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình… Bức ảnh đội Thanh niên Phan Đình Phùng diễu hành, dẫn đầu là đội trưởng Trần Xuân đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của Cách mạng Tháng Tám ở Vinh.
Cuối năm 1946, đầu năm 1947 thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” của Chính phủ Cụ Hồ, cả thành phố Vinh lục tục tản cư về các vùng thôn quê. Trần Xuân dắt vợ và 4 đứa con nhỏ ra Nông Cống – Thanh Hóa sống tạm. Tại đây làm ruộng thì bị lụt lội, mất mùa, tháng 5/1948 anh lại đưa gia đình xuống Cầu Bố mở hàng cơm. Vài tháng sau, anh gặp ông Pua (tức Nguyễn Duy Hài) Trưởng ty Công an Nghệ An. Ông Pua khuyên anh nên chuyển về Vinh. Về Vinh, anh Xuân được ông Pua cấp tiền, giao mở lại hàng cơm để chuẩn bị làm nhiệm vụ. Ít ngày sau, anh được một cán bộ công an mời về trụ sở dạy một số nghiệp vụ nắm tình hình, cách thức liên lạc, mật khẩu nếu quân Pháp đổ bộ chiếm Vinh, chiếm Nghệ An.
Tuy nhiên, không lâu sau, quân Pháp không đổ bộ lên Vinh mà lại tập kích vào bờ biển Quỳnh Lưu cách đó không đầy trăm cây số. Hai bên đánh nhau vài ngày thì bọn Pháp rút ra tàu biển đỗ sẵn ngoài đảo Hòn Ngư. Sau đận ấy, Trần Xuân lại nhân được yêu cầu đưa cả nhà lên thị trấn Đô Lương. Tại đây, vợ chồng anh cũng được giao mở hàng cơm để “chờ” quân Pháp.
Năm 1950, cựu danh thủ Trần Xuân được tuyển chính thức vào ngành công an và được kết nạp Đảng. Sau một khóa học nghiệp vụ ngắn ngày, anh được cử làm Đồn trưởng Đồn Công an Đô Lương. Thời đó mà được cái chức như thế dễ “hét ra lửa” lắm. Trần Xuân thì không. Máu cầu thủ nổi lên, ông lại tụ tập thanh niên Đô Lương tổ chức đá bóng. Có mấy tay anh chị vì phục Trần Xuân có những quả đá phạt “sầu đời”, có những quả lắc đầu điệu nghệ mà bớt ngỗ ngược. Có tay còn xung phong tham gia tuần tra, nắm tình hình giúp công an. Đặc biệt, một vụ giết người cướp của với nhiều tình tiết phức tạp xảy ra trên địa bàn, do nắm chắc tình hình và được một “fan” bóng đá cung cấp thông tin, Trần Xuân đã cùng anh em trong đồn tìm ra hung thủ chỉ sau một tuần lễ. Dân trong vùng cứ nức nở khen công an mãi…
Một đường chuyền nối hai nền bóng đá của Nghệ An
Vì biết tiếng Pháp, sau ngày hòa bình lập lại, có một thời gian ngắn, Trần Xuân được điều về làm công tác đối ngoại, phục vụ Ban Giám sát quốc tế thực hiện Hiệp định Giơ ne vơ về Việt Nam. Từ ngày 22/12/1956, ông chính thức nhận nhiệm vụ tại cơ quan thể dục thể thao tỉnh Nghệ An cho đến khi nghỉ hưu.
Lúc này mặc dù đã ở tuổi gần năm mươi, nhưng niềm đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá của ông thì hầu như còn nguyên vẹn. Ông say sưa gây dựng lại phong trào, đặc biệt quan tâm đến đào tạo các thế hệ vận động viên trẻ. Sau này, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ty TDTT ông có nhiều cơ hội hơn để chỉ đạo phát triển thể thao, mà nhất là bóng đá. Với trách nhiệm và lòng đam mê, ông chỉ đạo bộ môn này với thái độ hào hứng, tận tụy dồn sức trong việc đào tạo các lứa cầu thủ trẻ. Nhiều người nổi tiếng trong làng bóng đá nước nhà hiện nay như HLV Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Hồng Thanh… đều là học trò cưng của Trần Xuân một thuở.
Nhiều người coi ông là vị “khai quốc công thần” của bóng đá xứ Nghệ thời hiện đại, nhưng chính xác hơn có lẽ phải coi ông như một đường chuyền kết nối nền bóng đá Nghệ An thời thuộc Pháp với nền bóng đá Nghệ An hiện đại. Những người như ông đã làm cho bóng đá xứ Nghệ không bị đứt quãng, thất truyền. Màu vàng của ASNA thần thánh ngày xưa vẫn còn lưu lại trên trang phục của Sông Lam máu lửa hiện nay.
Với tầm vóc một mét tám mươi và thể hình lý tưởng, sinh thời ít ai biết rằng bản thân Trần Xuân có hai căn bệnh rất kỵ với… bóng đá. Trước hết ông bị bệnh sâu quảng ở chân, kéo dài nhiều năm. Ông kiên trì tự chữa bệnh bằng một phương thuốc bí truyền rất đơn giản, rồi cũng khỏi. Nhưng bệnh thứ hai thì phức tạp hơn, đó là bệnh tim to. Các đốc tờ tây thời đó sau khi khám cho ông đều lắc đầu, khuyên ông không nên đá bóng, nhất là đá bóng đỉnh cao. Thế nhưng, đam mê bóng đá đã khiến ông chiến thắng bệnh tật.
Trái tim của danh thủ Trần Xuân chỉ ngừng đập vào năm 2007, khi trọng tài Thiên Đình nổi còi mãn cuộc trận bóng cuộc đời của ông vào “phút” thứ 97!
Đúng, Trần Xuân có một trái tim to, rất to. Đó là trái tim ông dành cho bóng đá và quê hương thứ hai của mình là xứ Nghệ!
Phạm Xuân Cần
[1] Bài có sự cộng tác của nhà báo Việt Long