Trở về xứ Nghệ sau chuyến công tác ở Đắk Lắk đã một thời gian nhưng dường như trong tôi vẫn âm vang dư vị của nắng gió, của thanh âm đại ngàn, của tiếng cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi từng mơ về một Tây Nguyên đại ngàn xanh thẳm qua những bài hát điệu múa, qua những bản trường ca chảy bất tận xuyên không gian, thời gian. Chuyến công tác hồi tháng 8 năm nay đã cho tôi cơ hội quý báu được đắm mình trong đất trời Đắk Lắk, nơi sản sinh ra trường ca Đam San, Xinh Nhã, nơi nuôi dưỡng Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, nơi có dòng Sêrêpôk huyền thoại cuồn cuộn chảy dọc theo những bản làng ôm ấp trong mình vô vàn nét độc đáo của vùng đất này…

Cây xanh trong thành phố Buôn Ma Thuột

Lần đầu đến cao nguyên lộng gió, ấn tượng đầu tiên với tôi là cây xanh. Tôi vẫn mường tượng về một Tây Nguyên với bạt ngàn núi, bạt ngàn cây. Nhưng chỉ khi đặt chân lên mảnh đất này, tôi mới thực sự ngỡ ngàng. Sân bay Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên Tây Nguyên “chào đón” chúng tôi. Cả đoàn không khỏi xuýt xoa trước những hàng cây xanh bao phủ khắp sân bay. Chúng tôi thả mình tận hưởng những phút giây thư thái dưới những tán cây rợp bóng mát trong khi chờ xe đón. Từ sân bay vào thành phố Buôn Mê Thuột, chúng tôi như bị mê hoặc bởi nhiều đoạn đường rợp cây cổ thụ mát rượi. Bác tài xế là người bản địa, vừa lái vừa tự hào giới thiệu những địa điểm du lịch và những đặc sản độc đáo của quê hương Đắk Lắk. Xe vào thành phố, thật nhiều thứ khiến chúng tôi phải sửng sốt, ngạc nhiên. Buôn Ma Thuột, quả đúng là thành phố xanh, sạch, vừa mang nét cổ kính vừa rất hiện đại. Nét đặc biệt là hệ thống cây xanh trong thành phố. Cây phủ khắp mọi ngả đường, nhiều cây cao lớn, hai ba người ôm mới hết. Cây vươn cao như không chịu thua những tòa nhà cao hàng chục tầng. Trên những thân cây xù xì mọc đầy rong rêu và các loại cây cộng sinh. Tôi cứ ngỡ điều đó chỉ có thể xuất hiện ở những khu rừng già, không ngờ ngay giữa thành phố vẫn có sự kì diệu này. Dựa lưng vào những gốc cây, tôi thích thú cảm thấy mình như một cô bé tý hon được “gã khổng lồ” che chở.

Tháng 8 ở Đắk Lắk đang là mùa mưa, nhưng may thay mấy ngày tôi đến thời tiết khá đẹp. Tôi thường tự hỏi, thời tiết Tây Nguyên có gay gắt, bỏng rát như xứ Nghệ quê tôi không? Đến đây mới biết nắng gió cao nguyên sinh ra là để làm say lòng người. Sáng sớm không khí mát mẻ, trưa và chiều có nắng dịu nhẹ. Càng về đêm càng mát mẻ, trong lành. Đó là thời điểm lý tưởng nhất để chúng tôi xuống phố, thưởng thức ly cà phê ở chính nơi nó được sản sinh ra. Ở Buôn Mê Thuột, tìm một quán cà phê sang trọng hay bình dân đều không khó. Dường như thưởng thức ly cà phê là thói quen không thể thiếu của người dân nơi đây. Mặc dù mật độ quán dày đặc trên mọi góc phố nhưng giờ nào cũng kín chỗ ngồi.

Phong phú các mặt hàng nông sản của Đắk Lắk bày bán tại chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột

Đắk Lắk mê hoặc chúng tôi không chỉ bởi sự hấp dẫn từ hương vị những ly cà phê, mà còn bởi sự phong phú của nông sản. Tham quan chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, các gian hàng nông sản như níu chân chúng tôi. Các mặt hàng nông sản cho thu nhập cao như cà phê, caccao, macca, điều, tiêu, sầu riêng… được bày bán khắp nơi. Tất cả đều được đóng gói thật đẹp mắt. Khách tự do lựa chọn và dùng thử. Người bán hàng ở chợ rất chân chất, thật thà, không “thách giá”, ân cần hỏi han, giới thiệu từng mặt hàng cho chúng tôi cảm giác ấm áp. Chúng tôi thưởng thức tại chỗ thức quà yêu thích như sầu riêng và chọn mua một số đặc sản mang về làm quà mà lòng cứ tấm tắc, quả thật thiên nhiên đã quá ưu đãi cho vùng đất ba gian màu mỡ này.

Một số hình ảnh tại Nhà đày Buôn Ma Thuột

Không chỉ nổi danh với những nông sản, Đắk Lắk còn được biết đến là địa danh lịch sử, nơi có chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10 tháng 3 anh hùng. Chúng tôi đã được những người bạn đồng hương đón tiếp và dẫn đi tham quan một số nơi, trong đó không thể thiếu các di tích lịch sử. Một trong những địa danh chúng tôi ghé thăm là Nhà đày Buôn Ma Thuột – còn gọi là “địa ngục trần gian”. Nơi đây đã giam cầm hơn một ngàn người giai đoạn 1930 – 1945. Dù bây giờ cảnh quan được trùng tu sạch đẹp, gọn gàng nhưng lòng người vẫn chùng lại khi chứng kiến những hiện vật, được nghe kể những câu chuyện về tội ác, về sự tra tấn dã man của thực dân Pháp.

Nhà đày ngày nay nằm ở giữa thành phố Buôn Ma Thuật sầm uất, xung quanh dân cư đông đúc, khó có thể hình dung đây từng là nơi rừng thiêng nước độc với rừng rậm âm u, ẩm thấp, với muôn vàn hiểm nguy rình rập các tù nhân những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Đoàn chúng tôi được chị Thủy, cán bộ Nhà đày đưa đi tham quan các khu giam cầm: khu biệt giam, khu tra trấn, khu lấy lời khai… Tôi đã rưng rưng khi tận mắt chứng kiến những khu nhà như chuồng cọp, những chiếc gông cùm, những hiện vật mô phỏng quá trình các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm, bị tra tấn. Thiếu ăn uống, thiếu mặc, thiếu ánh sáng, thêm bệnh tật còn bị tra tấn dã man, đúng là “địa ngục trần gian”.

Theo như lời chị Thủy thuyết minh viên trước đây xung quanh nhà đày là rừng thiêng nước độc, bởi vậy những chiếc cửa sổ được mở nhiều phía trên các nhà giam để hứng những luồng khí độc cùng muỗi ở rừng vào, và những điều đó giết chết bệnh nhân một cách âm thầm, nhất là bệnh sốt rét. Khi tù nhân chết, thực dân Pháp không cho chôn cất mà ném xác ra ngoài bức tường nhà đày cho thú dữ ăn thịt, thậm chí nhiều tù nhân chưa chết hẳn, vẫn còn thoi thóp cũng bị chúng ném ra ngoài không thương tiếc… Càng nghe càng xót, càng khâm phục ý chí kiên cường của cha ông. Trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt tột cùng, với những trận đòn roi, gông cùm, bệnh tật, thậm chí phải uống nước tiểu để sống nhưng những chiến sĩ cộng sản vẫn giữ tinh thần và ý chí “thép”. Những người tù đã sáng tạo ra nhiều cách để liên lạc với nhau, bằng những vật dụng thường ngày như: đôi đũa, chiếc muôi đã được khoét lõi để giấu tài liệu bên trong, những đôi guốc gỗ giấu sẵn tiền, thuốc men, những giấy tờ cần thiết bên dưới đế để chuẩn bị cho những cuộc vượt ngục. Cũng chính nơi cùng khổ này, năm 1940, Chi bộ Đảng đầu tiên của Đắk Lắk đã được thành lập, đánh dấu một mốc son quan trọng, là tiền đề để Nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đứng lên giành chính quyền thành công. Rất nhiều chiến sĩ là người xứ Nghệ từng bị giam cầm ở đây. Mắt tôi nhòe đi theo từng hiện vật, từng lời thuyết minh. Nhà đày đã để lại trong tôi một cảm xúc khó tả, cho tôi hiểu hơn về lịch sử, nhiều hơn những gì tôi đọc được trong sách vở.

Bảo tàng Đắk Lắk có kiến trúc độc đáo

Cảm xúc nghèn nghẹn, cay cay nơi khóe mắt chưa kịp tan khi tham quan Nhà đày, chúng tôi đã lại phải thốt lên ngạc nhiên khi được đến với Bảo tàng Đắk Lắk. Bảo tàng có kiến trúc rất độc đáo. Đặc biệt phần trưng bày của Bảo tàng sử dụng tới 4 ngôn ngữ: cùng với tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh còn có tiếng Êđê – ngôn ngữ của cư dân địa phương đông nhất trên địa bàn. Tại đây còn sử dụng phim trình chiếu giúp du khách thu nhận một cách sinh động nội dung, thông tin mà không cần thuyết minh. Ba không gian trưng bày thường xuyên tại bảo tàng là Văn hóa dân tộc, Lịch sử và Đa dạng sinh học đều rất hấp dẫn, với hiện vật vô cùng phong phú. Du khách được tìm hiểu về văn hóa của 44 dân tộc đang sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng thu hút rất đông du khách. Những bộ cồng chiêng, mô hình nhà dài, những tượng nhà mồ, dụng cụ sản xuất, những bộ trang phục đồng bào các dân tộc… được trưng bày một cách sinh động. Các hiện vật lịch sử giúp chúng tôi có thể hình dung về quá khứ của quân và dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; các hiện vật khảo cổ đã phần nào tái hiện toàn cảnh lịch sử phát triển, những giá trị văn hóa độc đáo của con người, thiên nhiên của vùng cao nguyên hoang dã từ thời kỳ đồ đá cho đến ngày nay.

Một số không gian trưng bày trong Bảo tàng Đắk Lắk

Sa bàn chiến thắng Buôn Ma Thuột cũng là một điểm độc đáo của bảo tàng. Xem sa bàn, tôi có cảm giác như được sống lại những phút giây hào hùng của dân tộc. Âm thanh, hình ảnh, ánh sáng… tái hiện lịch sử một cách sống động. Tấm bản đồ Việt Nam được tạo nên từ những mẫu đất lấy từ các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước thực sự gây ấn tượng mạnh khiến lòng tôi rưng rưng khi chạm tay vào từng mô hình trên đó. Những điều “đặc biệt” ấy đã tạo nên sự khác biệt của Bảo tàng Đắk Lắk và cho chúng tôi, những vị khách phương xa có một trải nghiệm tuyệt vời.

Phong cảnh hồ Lắk

Đắk Lắk còn níu chân tôi bởi cảnh sắc đậm chất cao nguyên. Quãng đường dài khoảng 40km từ thành phố Buôn Mê Thuột tới huyện Lắk, thu vào mắt tôi là núi non trùng điệp, là những đồng lúa chín vàng, những đàn bò thung thăng trên đường về bản. Cảnh làng quê thanh bình ẩn hiện dưới chân núi, vừa gần gũi, vừa lạ lẫm. Xuyên qua những cung đường đầy hấp dẫn đó, hồ Lắk hiện ra như một thiếu nữ dịu dàng với mặt hồ mênh mông, trong xanh, yên ả. Dưới bầu trời trong xanh, thả bước dọc bờ hồ nước ngọt rộng 500 ha được những dãy núi kỳ vỹ bao bọc, che chắn giữa lòng cao nguyên lộng gió, con người như được thả mình vào thiên nhiên. Chiều tà, nắng dát vàng trải khắp mặt hồ tạo nên một vẻ đẹp huyền bí. Gần hồ Lắk là Biệt điện Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn. Ngôi Biệt điện tọa trên đồi cao 422m so với mực nước biển, xung quanh cây cổ thụ bao phủ, trước mặt là mênh mang hồ Lắk. Một bức tranh sơn thủy hữu tình, tuyệt sắc.

Phong cảnh say đắm của buôn cổ AKô Dhông

AKô Dhông, một buôn cổ yên bình với nét đẹp cổ xưa của đồng bào Ê đê ngay giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột đã thực sự mê hoặc chúng tôi. Buôn AKô Dhông theo tiếng Ê đê có nghĩa là “đầu nguồn”, được lập ở thượng nguồn của 6 dòng suối: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và Ea Nuôl. Với hơn 200 hộ dân, trong đó hơn 60 hộ người Ê đê, khi đến đây, chúng tôi được khám phá buôn đẹp nhất Đắk Lắk và có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người Êđê. Buôn Akô Dhông có những ngôi nhà dài truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ. Các ngôi nhà trong buôn đều xinh xắn, được trang trí rất đẹp mắt. Hoa được trồng xung quanh nhà, dọc các con đường. Chúng tôi vỡ òa trước vẻ đẹp hoang sơ của buôn làng. Người bạn cùng đi với tôi quá yêu thích thốt lên điều mơ ước “có tiền mua ngay một ngôi nhà ở đây để sống”. Mọi hoạt động trải nghiệm như tham quan, thưởng lãm ở đây đều miễn phí, điều đó khiến cho chúng tôi rất thoải mái. Tôi tìm thấy ở đây sự yên bình, nhẹ nhàng, đậm phong vị núi rừng dù buôn nằm giữa thành phố Buôn Mê Thuột sôi động.

Cảnh sắc Làng cà phê Trung Nguyên

Tôi còn say mê trước cảnh sắc Làng cà phê Trung Nguyên, nơi sở hữu không gian thoáng mát rộng rãi cùng lối kiến trúc độc đáo, được kết hợp với một số điểm nhấn văn hóa đặc sắc tô điểm thêm cảnh quan đậm chất núi rừng. Ở đây có một quần thể các công trình bao gồm nhiều khu vực khác nhau. Kiến trúc của làng cà phê là sự kết hợp giữa sự sáng tạo của con người và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Chúng tôi còn được chiêm ngưỡng các hiện vật mang tính lịch sử của người dân bản địa. Đó có thể là các loại nhạc cụ, công cụ sản xuất, v.v… để du khách thoải mái đắm chìm vào không gian văn hóa riêng biệt chỉ có ở Tây Nguyên. Đến đây mới thấy hết sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Chỉ một thoáng thôi nhưng đủ để tôi phải vỡ òa, thích thú.

Không chỉ cảnh vật mà con người Đắk Lắk cũng mang đậm hồn cốt của núi rừng. Những người tôi được gặp, từ bác tài xế, cô bán hàng, cho đến những người bạn đồng hương của chúng tôi, tất cả họ đều rất thân thiện, mến khách. Tôi nhìn thấy ở họ sự mộc mạc, chân thành như nắng gió cao nguyên. Đắk Lắk quả là nơi “đất lành chim đậu”, mảnh đất có sức hấp dẫn đặc biệt về văn hóa, sinh thái, lịch sử…, là mảnh đất níu lòng người. Vẫn biết còn nhiều địa chỉ, nhiều cảnh sắc tôi chưa được khám phá, nhiều con người tôi chưa được gặp, nhưng chỉ chừng đó thôi đã gây thương nhớ trong tôi về một cao nguyên mà lần đầu được đặt chân đến. Tôi nhâm nhi ly cà phê thơm lừng, một sản phẩm của Đắk Lắk được những người bạn đồng hương gửi tặng, lòng ngân lên câu hát “Một cao nguyên ở trong tôi vừa thật gần vừa xa xôi. Có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ không mang tên không mang tên người ơi…” (Nguyễn Cường).

Lê Nhung