Tỉnh Nghệ An vừa đón nhận một niềm vui lớn, trong số 128 tác giả được trao tặng danh hiệu Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022 (trong số đó, 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh) thì Nghệ An có hai nhạc sỹ là: Lê Hàm và Dương Hồng Từ vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước. Đây là những tác giả đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nói chung, nền âm nhạc Nghệ An nói riêng.

Tạp chí Sông Lam xin gửi tới bạn đọc những dòng cảm xúc về niềm vui này cũng như tâm tình về “nghiệp” viết, về đam mê sáng tạo của hai nhạc sỹ trong văn học nghệ thuật, trong âm nhạc.

Vậy là khi đã ở cái tuổi 80, 90, trải qua 60-70 năm lao động miệt mài vì nền âm nhạc nước nhà, giờ đây hai nhạc sỹ đã thực sự được trải nghiệm niềm hạnh phúc lớn của người nghệ sỹ: được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Có lẽ, đây là mơ ước hầu như của mọi văn nghệ sỹ. Cảm xúc của hai ông thế nào ạ?

Nhạc sỹ Lê Hàm: Quả thực đó cũng là niềm vui lớn của người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Mỗi thành quả lao động dù được xã hội ghi nhận bằng cách nào đều đem đến cho tác giả, cho người tạo ra nó những sự khích lệ, động viên không nhỏ.

Nhạc sỹ Lê Hàm.

Tôi nhớ, khi bài hát Gái sông La (sáng tác khoảng năm 1967) của tôi được cất lên qua Đài Tiếng nói Việt Nam vào năm 1968, tôi sung sướng vô cùng, một cảm giác hạnh phúc đến khó tả. Sau đó, bài hát được rất nhiều ca sỹ chuyên và không chuyên biểu diễn trên công sự chống Mỹ, trên sân khấu liên hoan, trong cuộc sống thường nhật của Nhân dân Nghệ Tĩnh. Bài hát cũng được in trong tập sách “Tiếng hát chống Mỹ (1964-1968)” vào năm 1971 và trên rất nhiều tờ báo. Còn ca khúc “Mẹ Làng Sen” liên tục được các ca sỹ nổi tiếng chuyên và không chuyên thể hiện, dàn dựng khá công phu trong hầu như tất cả các cuộc liên hoan Tiếng hát Làng Sen của tỉnh Nghệ An và toàn quốc và cả trong các chương trình ca nhạc lớn của quốc gia, của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ lúc nó được công bố (1990) cho đến nay. Mỗi lần lên viếng mộ bà Hoàng Thị Loan ở Nam Đàn, Nghệ An, viếng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp bạn bè tôi được nghe ca khúc này và gọi điện báo cho tôi mừng. Những thành quả đó, có thể nói mới là niềm hạnh phúc, là vinh dự lớn lao nhất của người nghệ sỹ: đứa con tinh thần của mình đã thực sự sống trong lòng Nhân dân, thực sự có ý nghĩa với cuộc sống.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ: Tôi không nghĩ mình là một văn nghệ sỹ, chỉ tâm niệm mình là người làm công tác văn hóa, và một lòng vì công việc. Tôi lặng lẽ lao động, lao động miệt mài và hết sức cẩn thận, viết với một tấm lòng trân trọng bà con, trân trọng những giá trị văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số. Một khi mình đã làm việc với một tâm thế như vậy, tôi tin mình sẽ có thành quả.

Tôi đã được bà con đón nhận, hài lòng mỗi lần lặn lội lên gặp lại để nhờ bà con kiểm chứng những điều tôi viết đã thực sự chính xác và có hữu ích với bà con không? Và khi tác phẩm ra đời bà con lại muốn được sở hữu một cuốn sách vừa để được thấy mình xuất hiện trong đó (trong hình ảnh, trong lời giới thiệu là người cung cấp thông tin), vừa để tìm hiểu, lưu giữ văn hóa của dân tộc. Đó là niềm tự hào, là hạnh phúc nhất của đời tôi. Vậy nên hôm nay tôi có nhận được giải thưởng này âu cũng là cái tâm của tôi không chỉ được bà con đón nhận, mà xét ở một góc độ nào đó nó cũng được chính danh hơn.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ đã dành cả cuộc đời mình để tìm hiểu, nghiên cứu và viết 4 cuốn sách về văn hóa dân gian, đặc biệt là âm nhạc dân gian của đồng bào Mông, Thổ, Thái. Nhạc sỹ Lê Hàm cũng đã gắn bó không ít với dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Từ khi bắt đầu sự nghiệp làm nghệ thuật của mình ông đã say mê và đã trở thành một trong những người đầu tiên trên đất Nghệ Tĩnh bỏ công sưu tầm tìm hiểu ví giặm để từ rất sớm ông đã có 3 tập “Dân ca Nghệ Tĩnh”. Rồi một trong những công trình để ông được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT là phần I: “Âm nhạc dân gian của người Việt ở xứ Nghệ” (trong cuốn “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” từng đạt giải Nhì Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, năm 1999. 2 trong 3 ca khúc nằm trong giải thưởng Nhà nước của ông cũng là những ca khúc phát triển thành công dân ca ví giặm. Phải chăng, điều gì đó đã khiến cho các ông “mắc duyên nợ” với văn hóa, với âm nhạc dân gian xứ Nghệ?

Nhạc sỹ Lê Hàm: Từ năm 1964, sau khi từ giã công việc phụ trách âm nhạc tại đặc khu giới tuyến Vĩnh Linh tôi về công tác tại Đoàn Văn công Hà Tĩnh. Những chuyến cùng đoàn đi về các địa phương biểu diễn phục vụ bà con, được nghe các bà, các o hò ví giặm trên sông La sao mà tôi mê đến thế. Cứ nghe và ngắm những con thuyền chầm chậm lướt trên dòng sông chở theo những câu ví giặm mượt mà, sâu lắng là tôi lại thấy mình như bị mê hoặc, chỉ muốn hát theo, muốn tìm hiểu thật sâu, thật kỹ về nó. Niềm yêu thích đó đã thôi thúc tôi tranh thủ mọi chuyến đi công tác tìm đến các bà, các cụ, các o hát hay, biết nhiều về dân ca ví giặm để ghi âm, ghi chép, rồi tìm hiểu, đối chiếu. Càng tìm, càng hiểu lại càng mê. Phải vậy chăng mà cái hay cái đẹp của dân ca ví giặm đã ngấm vào tôi một cách rất tự nhiên, không chỉ in rõ trong trí nhớ mà cả trong từng lời ăn tiếng nói, trong sáng tác âm nhạc của tôi. Một phần khá quan trọng sự nghiệp âm nhạc mà tôi có được thành công là nhờ đã phát triển vốn di sản đó của quê hương.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ: Bước vào đời là tôi gắn bó với tất cả các địa phương thuộc vùng biên tỉnh nhà Nghệ An. Tôi đã được ăn cơm, được uống nước, được bà con đùm bọc suốt thời gian hơn 10 năm là anh chiến sỹ công an vũ trang. Bà con rất tốt, rất thật. Bà con hồi ấy nghèo lắm, nhưng vào rừng lấy được tổ ong cũng dành cho chúng tôi bát mật. Đi chài lưới về được ít cá cũng san sẻ cho chúng tôi. Nhà no đủ một tí thì nhường đệm, nhà nghèo cũng dành chiếu cho chiến sĩ nằm. Tôi mang cái ân nghĩa đó suốt đời. Được cùng ăn, cùng ở, làm việc cùng bà con nên tôi biết được nhiều phong tục tập quán, nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con và thấy đó là di sản vô cùng quý giá. Hồi đó dù không có mảnh giấy để ghi chép, nhưng tôi đã rất thích tìm hiểu, hỏi han các thầy mo, thầy cúng, rồi ghi tất cả vào trí nhớ. Tự dặn lòng sẽ có ngày tôi phải đem những di sản này đến với mọi người, để nó không bị mai một đi và để nó tiếp tục được phát huy phục vụ đời sống của bà con. Thời gian vụt trôi, cơm áo gạo tiền thôi thúc khiến anh công chức văn hóa nghèo như tôi không sớm thực hiện được mong muốn. Từ ngày về hưu tôi đã “đóng cửa”, gần như không giao lưu nhiều để viết và viết như một sự tri ân, một sự trả ơn với đồng bào các dân tộc miền ngược. Làm được điều đó rồi tôi mới thấy lòng mình thanh thản.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ.

Là người sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là âm nhạc dân gian, đồng thời tham gia sáng tác, các ông có điều gì trăn trở về công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện nay?

Nhạc sỹ Lê Hàm: Văn hóa dân gian, trong đó có dân ca Nghệ Tĩnh là một kho tàng văn hóa vô giá. Từ cái nôi văn hóa này, từ truyền thống này rất nhiều văn nghệ sỹ đã thành danh nhờ biết kế thừa và phát huy, như nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, nhạc sỹ An Thuyên,…. đã phát triển rất tài tình vốn âm nhạc dân ca ví giặm của cha ông và để lại cho đời những ca khúc bất hủ. Bản thân tôi cũng đã được thụ hưởng di sản quý báu này trong cuộc đời nghiên cứu và sáng tác âm nhạc.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy hiện nay đang có vấn đề. Bảo tồn có nghĩa là chúng ta phải bảo đảm sự vẹn nguyên của di sản. Mà việc này đòi hỏi một quá trình lao động vô cùng tỉ mẩn, và ít nhiều phải chạy đua với thời gian khi mà di sản âm nhạc, dân ca Nghệ Tĩnh đang mai một do các nghệ nhân ngày càng cao tuổi, do những tác động của đời sống quá mạnh vào di sản, vào từng con người hiện hữu.

Còn việc phát huy thì vô cùng khó, bởi ngay chính trong nhận thức của các nhà nghiên cứu, của các văn nghệ sỹ cũng đang chưa thật thống nhất. Phát huy, phát triển thế nào để di sản thực sự đem đến những giá trị mới cho cuộc sống đương đại; phát huy phát triển thế nào để di sản không bị méo mó, đó là bài toán nan giải. Việc sân khấu hóa dân ca, đưa dân ca vào trường học hiện nay cũng đang có những vấn đề cần tiếp tục phải nghiên cứu. Hay phát triển vốn âm nhạc dân gian trong các ca khúc mới như thế nào để nó vừa không phải là dân ca, vừa không phải là ca khúc mới hoàn toàn, hay là những mảnh ghép sống sượng, điều đó đòi hỏi người nhạc sỹ phải có nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc về vấn đề này, phải có vốn âm nhạc dân gian thật phong phú, cũng như phải có kỹ năng xử lý thật tinh tế.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ: Người làm công tác văn hóa nói chung, văn nghệ sỹ nói riêng không được xem thường văn hóa dân gian, phải thực sự yêu quý nó, cái gì lạc hậu thì ta gạt bỏ, cái gì tốt đẹp, hữu ích thì phải lưu giữ, phải phát huy để phục vụ cuộc sống hôm nay. Những giá trị văn hóa này đã được bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng, vun đắp mà có, và bà con cũng đã sàng lọc trong quá trình sáng tạo và thụ hưởng. Chúng ta không trân quý, không gìn giữ nó là có tội với bà con.

 Hiện nay tôi thấy, số lượng các tác giả dày công tìm hiểu nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc thiểu số, nhất là ở Nghệ An chưa nhiều. Điều này cũng có thể hiểu do đây là một công việc vô cùng vất vả và tỉ mẩn. Là văn hóa dân gian nên kho báu này chủ yếu được lưu giữ trong đồng bào, mà việc tiếp cận nguồn tư liệu sống này hoàn toàn không đơn giản. Một chuyến lên ngược, tìm các già làng, các nghệ nhân nắm giữ di sản, có khi phải vào rừng, lên nương mới gặp được. Khi tư liệu được thành hình, cần lên đối chiếu lại thì bản thân người đó đã mất, lại một hành trình tìm kiếm mới. Rồi phải đối chiếu tư liệu giữa nghệ nhân này với nghệ nhân khác, giữa địa phương, vùng miền này với địa phương, vùng miền khác. Đó là một thử thách lớn về tính kiên trì, sự chịu khó và ít nhiều cả kinh phí cho nó nữa. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều hơn các tác giả dành công sức cho địa hạt “khó nhằn” này.

Thêm nữa, trong sự tác động khá tiêu cực của các xu hướng phát triển văn hóa mới, cũng như sự phát triển kinh tế trong môi trường mới hoàn toàn khác trước, ý thức về bản sắc dân tộc, niềm tự hào của bà con về nền văn hóa của dân tộc mình có phần suy giảm. Đó là một báo động không thể coi thường. Người làm công tác văn hóa, người hành nghề viết cần tự thấy trách nhiệm của mình trong việc bồi dưỡng, vun đắp niềm tự hào, ý thức về dân tộc của bà con các dân tộc thiểu số.

Từ những trăn trở đó, theo các ông, văn nghệ sỹ cần có trách nhiệm gì đối với văn hóa, văn học nghệ thuật, đối với đời sống xã hội?

Nhạc sỹ Lê Hàm: Tôi vẫn thường nói với anh em, với các đồng nghiệp, “là thỏ thì cho xem tai, là nai thì cho xem gạc”. Anh là văn nghệ sỹ thì anh hãy cứ viết đi, viết bằng cái tâm của mình. Khi tâm ta trong sáng, hoàn toàn vì nghệ thuật, vì Nhân dân ta sẽ có những tác phẩm tốt.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ: Đời tôi, tôi chuyên tâm vào công tác sưu tầm, nghiên cứu. Tôi không nghĩ mình là văn nghệ sỹ. Tôi cứ viết bởi đó là một nhu cầu tự thân, nhu cầu muốn làm một cái gì đó hữu ích cho bà con dân tộc thiểu số, cái gì đó để di sản văn hóa quý báu của bà con được giới thiệu một cách chân thực, rộng rãi, góp phần bảo tồn và phát huy nó vào trong đời sống hiện nay. Vì ý nghĩ đó mà không phải tất cả những điều, những thứ tôi biết, nắm rõ tôi đều công bố trong các quyển sách của mình. Có những phong tục, tín ngưỡng, những sinh hoạt văn hóa của bà con đã lạc hậu, đã cổ hũ tôi giữ lại cho sự biết của riêng mình, hoặc thể hiện một cách nào đó khi cần thiết và không gây ảnh hưởng tiêu cực. Bởi vậy sự viết của tôi là có chọn lọc.

Nhân đây, xin các ông chia sẻ một chút về những dự định của mình trong thời gian tới?

Nhạc sỹ Lê Hàm: Tôi không có một kế hoạch, dự định dài hơi, mang tính bài bản cho thời gian tới. Nhưng mỗi khi cảm xúc đến, thì tôi lại viết, lại sáng tác. Sáng tạo, tôi nghĩ, đó là một nhu cầu không ngưng nghỉ đối với văn nghệ sỹ.

Nhạc sỹ Dương Hồng Từ: Có lẽ, cuộc đời tôi đã ngấm những kỷ luật khắt khe của người chiến sỹ trong lực lượng vũ trang thời kỳ đầu tôi công tác. Bỏ mất cả một quãng dài không đủ điều kiện dành cho sự viết. Bây giờ nghỉ hưu tôi mới thực sự dành hết tâm lực cho khát khao, ước nguyện này. Tự đề ra cho mình một kế hoạch 5 năm xuất bản một cuốn sách, rất may tôi đã thực hiện được. Năm 2002 tôi nghỉ hưu, năm 2006 tôi đã xuất bản cuốn: Âm nhạc dân gian dân tộc Thái; 2006-2010: Âm nhạc dân gian dân tộc Mông; 2010-2015: Văn hóa dân gian người Mông ở Nghệ An; và 2019: Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An.

Hai tác phẩm xuất sắc của nhạc sỹ Dương Hồng Từ giúp ông đạt được Giải thưởng Nhà nước.

Hiện tôi đang tập trung cho hai việc lớn. Khoảng 2023 tôi sẽ xuất bản cuốn Mo sử thi Hoa tiêng tiếng (dân tộc Thổ). Tiếp theo tôi sẽ hoàn thiện phần hai của cuốn Văn hóa dân gian dân tộc Thổ. Phần 1 đã xuất bản chủ yếu tập trung giới thiệu văn hóa dân gian dân tộc Thổ nói chung. Phần hai tôi muốn đi sâu phân tích một cách khoa học những bài bản âm nhạc đã sưu tầm được. Hy vọng thời gian sẽ ủng hộ tôi.

Xin cảm ơn hai ông! Mong các ông luôn dồi dào sức khỏe để những dự định, những cảm xúc sáng tạo tiếp tục được thăng hoa thành những đứa con tinh thần xuất sắc và đem đến những giá trị văn hóa quý báu cho Nhân dân, cho sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh của Nghệ An nói riêng, của đất nước nói chung!

Đào Thúy Hoa (thực hiện)

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam số 29, tháng 11+12/2022)