Hơn 50 năm kể từ ngày chú tôi ngã xuống trên mảnh đất Quảng Trị, đã bao lần cả dân tộc tổ chức tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cũng từng ấy lần gia đình tôi tổ chức cúng giỗ, lên đường tìm kiếm hài cốt của chú. Nhưng rồi, theo thời gian, những người thân quen tóc cũng đã bạc, lưng cũng đã còng mà vẫn chưa thể nhìn thấy tấm bia đá ghi tên chú trong hàng ngàn ngôi mộ trên mảnh đất Quảng Trị thân thương. Có lẽ, giờ chỉ còn lại những nấm mộ, hàng cây, ngọn cỏ, làn gió suốt đêm ngày trò chuyện với chú và bao đồng đội thân thương đã ngã xuống nơi đây…

Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ

Chú tôi, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ, sinh năm 1947, trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Năm chú lên ba thì bà nội tôi mất, 10 năm sau ông nội tôi cũng qua đời. Nhà có bốn trai và một gái, người con gái đã mất lúc 5 tuổi trong một lần chạy giặc. Những đứa trẻ nhẳng nhiu được sự chăm sóc của người o ruột (bà Phan Thị Sương (thường gọi là bà trợ Bích) mẹ của GS Văn Như Cương  và  dì  ruột (bà Hồ Thị Diệp, mẹ của nhà văn Hồ Anh Thái, nhà báo Hồ Anh Tài). Thời điểm đó, gia đình nào cũng đông con, ăn không đủ, nên việc lo toan cho những đứa cháu cũng chỉ là cầm hơi. Rồi ba tôi và các chú cũng dần lớn lên, thoát ly, đi học, người vào Vinh, người ra Hà Nội… Mình chú ở lại nhà cho đến tuổi trưởng thành.

Cuộc sống từ một đứa trẻ nhà quê, thiếu thốn tình cảm bố mẹ, chú vào ở với ba tôi lúc đó đang công tác tại Báo Nghệ An. Được chung sống với tập thể những người cha, chú, cô, dì, trong sinh hoạt cũng như trong học tập đã rèn dũa chú trở thành một thanh niên có bản lĩnh, lập trường, sống tình cảm. Năm 1968, lúc 20 tuổi, đang công tác tại Ty Lâm nghiệp, chú xung phong lên đường nhập ngũ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, trong đó có chiến dịch đường 9 – Khe Sanh. Sau này được đọc lại những bức thư chưa kịp gửi của chú, mới thấy được sự gian khổ và lý tưởng cao cả của chú cũng như nhiều thanh niên tham gia quân đội lúc bấy giờ.

Năm 1972, chú tôi hy sinh. Một năm sau, người đồng đội của chú là Lê Đình Minh (xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã bàn giao toàn bộ tư trang của chú về cho gia đình. Tư trang vẻn vẹn có 2 album ảnh với hơn 200 bức ảnh, 1 chiếc túi dù lỗ chỗ vết dạn dính máu, chiếc kèn armonica và rất nhiều những lá thư viết cho người thân và bè bạn,… Đây là một thứ tài sản vô giá mà bất cứ thân nhân gia đình liệt sĩ nào cũng hy vọng trong giờ phút ấy. Những bức ảnh, những lá thư ấy đã cho tôi hiểu thêm về chú, về lý tưởng cao đẹp cũng như những khó khăn, gian khổ mà chú và đồng đội của mình đã trải qua.

Điều làm tôi xúc động đến thắt lòng, là trong số những bức thư của chú chưa kịp gửi về ấy, có nhắc đến tên tôi, khi tôi chỉ là đứa trẻ vài ba tháng tuổi. Tôi đã khóc rất nhiều mỗi khi đọc lại những lá thư của chú. Bức thư nào cũng kết thúc bằng lời hỏi thăm da diết đến những người o, người dì, anh em, bạn bè ở quê, những cô chú ở Báo Nghệ An, Đoàn văn công, bạn bè ở Vinh,… và rất nhiều người nữa. Những bức thư về các địa danh Khe Sanh, làng Vây- Lao Bảo  mà tôi chỉ từng được nghe, giờ đây nó đẹp hơn qua thư chú: “… Xác Mỹ, xác Ngụy, xe tăng, xe bọc thép nằm ngổn ngang sau những trận đánh. Những chiếc máy bay lên thẳng đến lấy xác chúng và chở luôn cả sự thất bại của chúng”. Thấy được lý tưởng cao đẹp của người chiến sỹ trong giai đoạn cam go của dân tộc: “Cái vinh quang trong gian lao của người chiến sĩ giải phóng với truyền thống quyết chiến quyết thắng được nhân lên gấp bội. Em càng thấy tự hào về đồng đội của em những con người sống và đã chết. Càng thấy mình cần đóng góp sao cho xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng. Sự vắng mặt của em hiện nay, ngày mai, hay mãi mãi (quy luật chiến tranh) đó là lẽ tất nhiên của cuộc đấu tranh cho công lý, cho lý tưởng”.

Ảnh chân dung cùng bút tích của chú và cậu tôi ghi phía sau mỗi tấm ảnh.

Trong số tập ảnh, tôi thực sự xúc động về hai tấm ảnh chân dung của chú tôi và cậu tôi (họa sĩ Hồ Đức Định lúc ấy đang học tại Đại học Mỹ thuật, Hà Nội). Tình bạn giữa chú tôi và cậu tôi được xây đắp từ thuở còn ở quê, lúc ấy gia đình ông bà nội tôi và ông bà ngoại tôi là hàng xóm. Tuổi thơ của họ chứa đầy kỷ niệm với những trò chơi tinh nghịch và chung lý tưởng sống khi trưởng thành. Họ đã chia sẻ với nhau lý tưởng sống mãnh liệt, khát khao được độc lập, tự do và động viên nhau nỗ lực vì điều đó. Khi chú tôi vào chiến trường Quảng Trị, hai người bạn đã dành những lời lẽ rất tình cảm ghi sau bức ảnh tặng nhau năm 1971: “Tứ Kỷ thân mến, người bạn giàu lòng yêu nghệ thuật. Và chúng ta sẽ cố gắng làm theo lời dạy của Bác Hồ:… Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng. Thân Hồ Đức Định”. Chú tôi đáp lại: “Thân tặng Hồ Đức người bạn đã cùng mình xây đắp nên những kỷ niệm tốt đẹp của thuở xưa, và tình bạn đó mãi mãi vẫn bền chặt. Tứ Kỷ”. Đến hôm nay, hai người bạn đã không còn trên cõi đời này nữa, nhưng những nét chữ ấy như một lời nhắc nhở tới thế hệ chúng tôi một câu chuyện đẹp về một thế hệ gian khổ nhưng đầy nhiệt huyết với cách mạng, với non sông.

Khát vọng về độc lập, tự do luôn cháy bỏng trong thế hệ thanh niên thời chú. Những người bạn trong thời chiến luôn là động lực để họ phấn đấu, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Là một phóng viên nhiếp ảnh chiến trường thuộc Phòng Chính trị, Sư đoàn 304, chú tôi đi nhiều, biết nhiều bạn bè. Trong đó kể đến những người bạn, những người đồng chí cùng quê, hay khác quê nhưng tình cảm của họ dành cho nhau thật trong sáng, đầy nhiệt huyết và có cùng niềm tin mãnh liệt về ngày chiến thắng.  Gia đình tôi, đã lần tìm địa chỉ, lần tìm tên tuổi trong mỗi bức thư, tìm gặp lại những đồng đội cũ để được nghe kể về chú, về những kỷ niệm của một người lính trong quân ngũ. Đó là những chuyến đi về Đô Lương gặp chú Lê Đình Minh, ra Ninh Bình gặp bác Diệu, rồi chú Khôi ở Hà Nội. Chú Văn Hải (người bạn thân thời niên thiếu) ở Sài Gòn đã rất xúc động khi nhận được lá thư người bạn thân viết trước ngày hy sinh mà chưa kịp gửi. Chú vẫn còn trong ký ức tốt đẹp của các bạn. Chúng tôi hiểu thêm về con người chú, nghẹn ngào khi nhìn lại bức ảnh sau lần chết hụt (tháng 6/1970) ở chiến trường, về chiếc máy ảnh, tập tư liệu ảnh của đơn vị, về sự hóm hỉnh, sôi nổi và đầy chất nghệ sĩ của chú…

Cũng như bao gia đình người dân Việt Nam khác, gia đình tôi dần chấp nhận việc không tìm thấy hài cốt chú. Chính vì điều đó càng thôi thúc ba tôi hiến tặng những tư liệu quý cho Bảo tàng Quân khu IV, những bức ảnh chiến trường, những kỷ vật của một người lính cho thế hệ sau được biết và thêm trân quý những giá trị lịch sử, trân quý sự hy sinh cao cả của những người lính. Những bức thư đã nói lên tất cả, đó hơn hết là lý tưởng sống cao cả vì mọi người, là sự hy sinh vì sự nghiệp chung của Tổ quốc; là cách thức đối đầu trước cái chết và trước quân thù… của chú và bao đồng đội trong cuộc chiến này.

Tháng 7 lại về, chú vẫn còn đâu đó trên mảnh đất Quảng Trị đầy thân thương. Nhớ chú biết bao!

Nhớ chú
(Tưởng nhớ 50 năm ngày giỗ chú)

50 năm rồi nhỉ, chú ơi!
Bao ngôi mộ, ngôi mộ nào có chú
Dưới đất lạnh, kèn armonica vẫn thổi
Đồng đội nghe, mang theo cả tiếng cười.

Tháng 7 đến, tháng 7 lại qua rồi
Chú chưa kịp về quê, làng Quỳnh ta đó.
Nước mắt tình thân ứ tràn hốc mắt
Hương quẩn quanh, bông huệ trắng lao xao.

Tháng 7 về, nhớ chú xiết bao
Dẫu chú – cháu, chưa một lần gặp mặt
Trời Quảng Trị trắng hàng ngàn mộ chí
Còn Liệt sỹ nào không xác định được tên?

Tháng 7 đến, tháng 7 lại qua đi
Chú ơi chú, chú trở về chú nhé!

Phan Thanh Bình