Dệt may thổ cẩm là nghề thủ công quan trọng của nhiều cộng đồng. Với người Thái ở bản Mác, dệt may thổ cẩm không chỉ là một nghề, mà còn là sự thể hiện của những giá trị con người, giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà họ luôn nỗ lực giữ gìn qua các thế hệ.

Từng được biết đến thổ cẩm bản Mác qua những trang ký của Vi Hợi, nhưng chưa có dịp để đến vùng đất nổi tiếng “đẹp người, khéo nết” này. Quả thật, đến đây, tôi không khỏi bị hấp dẫn bởi những tiếng cồng chiêng, những điệu nhảy sạp hay khắc luống, và đặc biệt là bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những tấm thổ cẩm, những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ màu sắc. Đó là những sản phẩm được tạo ra từ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ Thái nơi đây.

Một góc bản Mác

Trong tiếng Thái, mác có nghĩa là cây cau. Bản Mác là bản có nhiều cây cau. Theo những người già trong bản kể lại thì ngày xưa có ba thầy lang đi tìm cây thuốc, khi đến khu vực này thấy có cả một rừng cau bạt ngàn cạnh một mỏm đá lớn chồm lên như một chiếc đầu rồng. Thấy đây là vùng đất lành nên họ quyết định đưa gia đình và các anh em họ hàng về sinh sống rồi lập ra bản Mác. Trước đây bản Mác thuộc xã Thạch Giám, nay sáp nhập lại thuộc thị trấn Thạch Giám. Hiện trong bản có 128 hộ gia đình với 518 nhân khẩu sinh sống, hầu hết là người dân tộc Thái.

Hiện nay trong bản Mác vẫn còn 16 khung cửi đang hoạt động. Đa số là những người phụ nữ đã lớn tuổi làm dệt may, vì người trẻ chủ yếu đi làm ăn xa. Dệt thổ cẩm ở bản Mác  không diễn ra thường xuyên, thường chỉ những lúc rảnh rỗi người ta mới lắp khung cửi để dệt. Lúc dệt tại nhà, lúc tập trung tại một gia đình nào đó vừa thêu may vừa trò chuyện với nhau. Sản phẩm dệt may có vai trò quan trọng đối với người phụ nữ Thái. Theo ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương, là một nhà nghiên cứu văn hóa Thái, thì theo phong tục cổ truyền, các cô gái Thái khi về nhà chồng phải chuẩn bị ít nhất 12 tấm chăn bông thổ cẩm, 4 tấm chăn đơn cùng với 1 đôi nệm bông lau, 12 cái gối. Do vậy, từ khi chín, mười tuổi, họ đã phải theo mẹ học dệt may để khi thành thạo có thể dệt may chăn, nệm, gối chuẩn bị cho việc cưới chồng sau này.

Dệt may thổ cẩm là niềm vui, là sinh kế của nhiều người phụ nữ Thái ở bản Mác

Kỹ năng của nghề dệt may được truyền thụ trong gia đình, từ mẹ dạy cho con gái, bà dạy cho cháu gái. Những cô gái dệt may giỏi, tạo ra những sản phẩm đẹp thì được nhiều người yêu mến hơn, có nhiều chàng trai theo đuổi hơn. Bởi theo quan niệm của người Thái thì những cô gái dệt may giỏi là những người khéo léo, kiên trì và chăm chỉ. Những người như vậy thường sẽ trở thành vợ đảm, mẹ hiền. Những cô gái không biết dệt may sẽ bị coi là kém cỏi vì không tự dệt được trang phục, đồ dùng cho mình và cũng không thể dạy con gái các kỹ năng dệt may. Do vậy mà dệt thổ cẩm không chỉ là những kỹ năng để hành nghề, mà còn là những tiêu chí để đánh giá phẩm chất, tính cách của một người phụ nữ. Trước đây, người Thái bản Mác rất coi trọng chuyện này.

Thổ cẩm bản Mác có những đặc trưng riêng, ít khi lẫn lộn với các sản phẩm của các dân tộc khác hay các nhóm Thái khác. Hoa văn của thổ cẩm bản Mác khá đa dạng với nhiều loại họa tiết khác nhau. Theo bà Lương Thị Lan, Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi bản Mác, một phụ nữ rất giỏi dệt may và là đầu mối thu gom, buôn bán thổ cẩm của bản khẳng định: “Người Thái bản Mác thường thêu các loại hoa văn hình học, hoa văn xương cá, cây hoa, chim chóc… Màu sắc chủ đạo trong thổ cẩm là đen, trắng, vàng và xanh. Hoa văn trên thổ cẩm bản Mác rất đặc trưng, thổ cẩm bản Mác mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác. Có thể những người ngoài nhìn vào chưa hẳn đã phân biệt được, nhưng người Thái bản Mác khi nhìn sẽ phát hiện ra thổ cẩm của mình ngay”. Gần đây, người Thái bản Mác còn tiếp thu nhiều họa tiết hoa văn cách tân để phù hợp với thị hiếu khách hàng phục vụ nhu cầu bán ra thị trường.

Hoa văn thổ cẩm Thái bản Mác

Trong cuộc sống hiện đại, nghề dệt thổ cẩm cũng trở thành một sinh kế quan trọng cho nhiều hộ gia đình của người dân nơi đây. Bà Lương Thị Lan là đầu mối quan trọng thu gom, tiếp nhận các sản phẩm dệt may của người dân trong bản để cung cấp ra thị trường. Tại nhà riêng của bà ngay trên quốc lộ 7, đầu cửa ngõ vào thị trấn Thạch Giám có một kho để hàng và giới thiệu sản phẩm. Hàng ngày, có nhiều phụ nữ trong bản tập trung về đây để thêu may và trò chuyện. Bà Lan cũng thường đi gặp, trao đổi với khách hàng để nhận mẫu và nhận các đơn đặt hàng về rồi cùng những người khác sản xuất và bàn giao cho khách. Mỗi khi có sự kiện văn hóa thì bà cùng các cộng sự mang thổ cẩm của mình đi giới thiệu, từ thị trấn Thạch Giám, xuống TP Vinh, hay ra đến Hà Nội. Không những thế, bà còn mở trang mạng facebook để quảng bá hình ảnh và bán hàng. Qua những lần đi giới thiệu sản phẩm và bán hàng online, nhiều sản phẩm thổ cẩm người Thái bản Mác đã đến với khách hàng các vùng miền. Những người Thái trong vùng khi chuẩn bị cưới con gái cũng đến bản Mác đặt trang phục truyền thống và mua chăn, gối, nệm. Những dịp lễ tết người ta cũng đến đặt một số bộ trang phục để mặc. Mới đây, chuẩn bị cho ngày Đại đoàn kết toàn dân, một nhóm phụ nữ ở xã Tam Thái đã lên đặt 30 chiếc thắt lưng. Với mức giá mỗi chiếc váy từ 500 ngàn đến 1,2 triệu đồng, áo từ 300 đến 400 ngàn đồng, khăn từ 400 đến 500 ngàn đồng, thắt lưng từ 300-500 ngàn đồng, hàng tháng cũng mang lại cho những người phụ nữ này một nguồn thu nhập đáng kể.

Bà Lương Thị Lan đang xếp sản phẩm dệt may để chuyển cho khách

Dù dù sản phẩm thổ cẩm bản Mác khá bắt mắt, lượng người làm nghề có nhiều hơn so với nhiều địa phương, nhưng hiện tại, dệt may thổ cẩm của người Thái bản Mác vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức lớn.

Bản Mác chưa đào tạo được lớp trẻ kế cận để giữ và phát triển nghề. Sự lan tỏa của sản phẩm dệt thổ cẩm đang trong phạm vi hẹp. Dệt thổ cẩm bản Mác đang mang tính nhỏ lẻ, hướng tới nhu cầu phục vụ khách hàng đơn lẻ, chưa liên kết được với các nhóm, các địa phương khác để tạo nên quy mô lớn và xây dựng chiến lược cho sự phát triển dài hơi. Bà Lương Thị Lan cũng chia sẻ về những vấn đề này: “Hai thách thức lớn nhất với dệt may thổ cẩm là nghề thủ công này đang bị mai một và sản phẩm khó tiếp cận được thị trường. Cũng như nhiều nơi khác, nghề đệt thổ cẩm ở đây chủ yếu là duy trì trong lớp người già, lớp trẻ không muốn tiếp nối nghề truyền thống này. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thị trường không hề dễ dàng. Dù đã cùng chính quyền và nhiều người khác nỗ lực để quảng bá sản phẩm qua các sự kiện văn hóa hay trên mạng xã hội nhưng số đơn hàng vẫn còn hạn chế. Sản phẩm dệt may chủ yếu cũng phục vụ nhu cầu của người dân trong bản và vùng bên cạnh”.

Để vượt qua những khó khăn, đưa dệt may thổ cẩm của người Thái bản Mác phát triển mạnh mẽ hơn, theo ông Vi Tân Hợi thì phải: “Có sự giúp đỡ của nhiều người, từ chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Tôi đi nhiều nơi và thấy nhiều câu lạc bộ thổ cẩm sau khi được các doanh nghiệp hợp tác hay nhận được tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ đã vươn lên và sống tốt. Với nghề dệt bản Mác, hiện vẫn còn tiềm năng để phát triển trong bối cảnh kinh tế thị trường. Số người biết dệt may còn nhiều là một lợi thế. Vậy nên cần có sự giúp đỡ để đưa sản phẩm ra thị trường rộng lớn hơn nhằm kích thích người dân tập trung sản xuất và truyền nghề. Chỉ khi nào tạo ra được nguồn thu nhập khá thì mới giữ chân được con em ở lại quê nhà học nghề và sinh sống với nghề của cha ông để lại”.

Trang Tuệ