Dốc núi xanh xanh. Thung lũng biếc rờn một màu lúa mới. Bầu trời nom như một tấm thảm màu nước biển khổng lồ, lác đác pha một vài vệt mây trắng. Xanh đến tận chân núi, xanh đến tận dòng suối, xanh đến tận chín bậc cầu thang nhà sàn. Và bắt đầu chuyển sang màu xanh thẫm khi lên cao dần. Lúc ấy màu của nắng pha vào màu xanh của cây lá làm cho núi non như trầm mặc lại trong những suy ngẫm của rừng già. Lưng chừng buổi sáng  nắng rải lên khắp thung lũng một màu xanh ngọc óng ả, mướt mát và trong vắt khiến con người buông lỏng mình sau một chặng đường dài quanh co đèo dốc. Tôi xuống xe, nhìn ra xa bằng đôi mắt ngưỡng mộ, thán phục. Đẹp như một bức tranh. Thơ mộng và bình yên quá đỗi! Vùng biên cương Tri Lễ (Quế Phong) – miền Tây xứ Nghệ này dường như không quá heo hút hoang sơ bởi con đường nhựa ngoằn ngoèo chạy dài len lỏi vào các vách núi, đệm nhịp cho những nhấp nhô của các sườn đồi đang nở trắng hoa trẩu, hoa sở. Mùi hoa dẻ cuối mùa quyện trong hương nắng cùng mùi bùn non vừa quen vừa lạ làm lòng người bỗng mềm đi bởi những cảm xúc không nói nên lời.

Tôi theo chân cô em gái lên nương chanh leo xanh mướt trên lưng đồi. Nắng vẫn vắt vẻo theo con đường trắng bạc xuyên sâu vào núi, cao dần về phía xa khuất nào đó. Con đường này nối liền Quế Phong với Kỳ Sơn, Tương Dương mới được hoàn thành mấy năm trước, mở thêm những giao thương cho người dân các huyện vùng cao, rút ngắn khoảng cách về địa lý cho các huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Vùng đất đồi này hợp với cây chanh leo. Chanh phủ khắp quả đồi thấp, quả chín, quả xanh treo lủng lẳng dưới giàn làm bằng các sợi thép nhỏ. Mùi hoa chanh thoang thoảng, màu tím nhàn nhạt thấp thoáng trong tán lá xanh. Hoa chanh leo giống như hoa lạc tiên với những sợi chỉ mảnh rung nhè nhẹ trong gió, e ấp khoe mình nhờ ong bướm kết quả ngọt lành. Tự nhiên tôi muốn đi hết cả nương chanh này, đi hết sườn đồi đang rì rào gió, đi theo tiếng râm ran đập cánh của lũ ong mật bay qua bay lại ở dãy thùng gác dưới bờ tre ven suối. Tôi buông lòng mình theo tiếng gió vi vu, theo hương thơm của hoa, của quả mà trôi cùng nắng, cùng mây. Kia là đỉnh núi cao ngất mà đứng trên đó là nhìn thấy đất bạn Lào, nhìn thấy cả những cánh rừng hàng trăm năm tuổi, nhìn thấy cả sông suối của đất Quế mà hình dung ra sự thay da đổi thịt của nơi này. Tôi ngước mắt nhìn bầu trời cao xanh vời vợi qua kẽ lá, nhìn những đốm nắng đang nhảy nhót xung quanh mình mà rung động. Mảnh đất này đâu có xa lạ gì với tôi nhưng mỗi lần đến là một lần mới mẻ, mỗi lần đi là một lần ngỡ ngàng vì điều gì đó vừa cảm nhận ra. Đất và người nơi này như giữ cho riêng mình những bí ẩn để đợi chờ người có lòng, để đợi người tri tâm.

Một vùng đất Quế (ảnh minh họa của Sách Nguyễn)

Chiếc giỏ bên hông em gái đã đầy những quả chanh tim tím. Còn tôi chỉ mới được nửa rổ nhưng đã đến lúc trở về rồi. Căn nhà sàn nhỏ nghiêng nghiêng bên sườn đồi chỉ dùng khi vào mùa chăm sóc chanh và cây trồng. Còn nhà chính đã dời xuống bên cạnh con đường lớn cho tiện việc đi chợ, đi học của trẻ và chăm sóc người già trong nhà. Bữa cơm trưa nơi nương chanh rất nhanh được dọn ra. Rau bầu xào tỏi, gà Mông sốt chanh leo, dưa chuột nại thái miếng, thịt lợn đen nướng vội và canh măng chua cá suối đãi người dưới xuôi. Hương rượu cần lửng lơ trên cánh mũi, phảng phất trong tiếng rì rầm của chủ nhà mời ông bà tiên tổ theo phong tục. Quanh chum rượu, mọi người nhắc lại kỉ niệm của nhiều năm trước, chuyện trồng chanh trên núi, chuyện về Đền Chín Gian và thác Sao Va, thác Bảy Tầng và cả chuyện làm ăn buôn bán với người bên kia cửa khẩu… Tiếng Kinh, tiếng Thái xen lẫn vào nhau trong tiếng cười giòn tan như nắng. Tôi ngồi trên bậc cầu thang cao nhất, dõi theo một chú ong bầu đang ngập ngừng trước một bông hoa chanh, mơ hồ nghe tiếng trò chuyện trong nhà. Vị chanh thanh ngọt ngấm dần trên miệng thơm ngát. Cây chanh được đầu tư trồng tại đây đã đem lại thu nhập cho người dân vùng cao nhưng hiện tại khó khăn vẫn là đầu ra. Vì giá công ty thu mua thấp hơn ngoài thị trường và người dân chỉ được bán cho họ. Điều đó đã tạo nên sự bất cập trong việc tiếp tục phát triển cây chanh dây ở đây. Thế nhưng chanh Quế Phong vẫn được người tiêu dùng ưa thích và vẫn theo chân người xuống vùng xuôi như những sản vật khác của núi rừng.

Trong nhà, điệu lăm trong trẻo cất lên, câu hát giao duyên truyền thống của người Thái vẫn được lưu truyền qua những thăng trầm của thời gian. Tiếng hát lan trên sườn núi trong trưa nắng vùng cao, chạy dọc theo con đường thưa vắng xe cộ, ướp đẫm hương hoa chanh và mùi vị mật ong chín già dưới giàn chanh. Dù không hiểu hết ý nghĩa nhưng giai điệu của những câu hát đối đáp đưa tôi về với những đêm trăng sáng bên bờ suối. Cọn nước quay quay, róc rách nhịp nước trôi trôi, thậm thình cối giã gạo vọng trong tiếng thác đổ óng ả ánh trăng. Tiếng hát len vào tiếng suối, len vào mùi hoa rừng thơm thơm. Tiếng hát quẩn vào vách núi, lửng lơ trong sương núi mùa thu, chập chùng trên bậc thang nhà sàn, ẩn hiện trong cây lá đang thay màu. Đã có rất nhiều nhiêu đôi trai gái nên duyên từ những đêm hát giao duyên như thế. Đi qua mùa trăng, anh mang sính lễ đến nhà hỏi cưới em, anh xin làm con rể bên ngoài sàn nhà em, xin được uống chung chén rượu, ăn cùng bát cơm với người anh yêu thương. Từ nay ta cùng lên rẫy, từ nay ta cùng xuống suối, cùng gặt chung mảnh ruộng đầu làng, cùng thành đôi trong lễ cưới họ hàng hai bên …

Người uống thì cứ uống, người hát thì cứ hát, mặt trời chếch bóng nắng trên giàn chanh. Lâng lâng môi em cười, ánh mắt nhìn càng say, hơi rượu nồng nàn, ngọt lừ trên môi người già, người trẻ. Khách phương xa ghé thăm, đã rất lâu rồi mà, đã xa lâu rồi đấy! Gió núi trăng ngàn vẫn kể những câu chuyện của mấy chục năm trước, vẫn thương ngày chia tay thuở ấy. Vẫn trông mong người năm cũ trở lại quê xưa. Và người ấy đã trở lại như ước nguyện trong cõi lòng nhớ thương. Tiếng hát xuôi theo dòng suối về nơi có ngôi Đền Chín Gian, huyền thoại về chín châu mười mường đầu tiên của người Thái miền Tây xứ Nghệ thờ Thẻn Phà (thờ trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường) cùng người của dòng họ Cắm. Điệu lăm, nhuôn mang tôi về miền cổ tích xa xưa có Náng Xỉ Đả, người con gái của trời (Thẻn Phà) nhận sứ mệnh xuống trần gian thay cha mình cai quản và giúp đỡ nhân dân chín mường. Yêu thương Mường Đất, người con gái Mường Trời đã kết duyên cùng chàng Khủn Tinh – một vị tù trưởng giỏi giang, khỏe mạnh, thông minh cai quản toàn bộ chín mường ở Quỳ Châu xưa. Để rồi trải qua 600 năm lịch sử ngôi đền thiêng vẫn sưởi ấm tâm hồn người dân chín mường, là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền độc đáo của người Thái Nghệ An. Tiếng hát chơi vơi đầu ngọn thác, lắt lẻo trên những chùm hoa lan vàng rực màu nắng bên mái nhà sàn. Tiếng hát ướp ngọt lên những trái đào lấm tấm sắc tím khiến những cô gái Mông thẹn thùng đỏ mặt. Những giỏ đào trĩu nặng trên lưng đang chờ chuyến xe chiều về xuôi với men say tình người.

Chia tay với lời hẹn trở lại, duyên nợ đất Quế vẫn còn trong tâm thức, vị chanh chua chua, ngọt ngọt còn thơm ngát đầu cánh mũi, câu hát vấn vương như níu giữ lòng người. Ánh đèn sáng trên các sườn núi, trong những căn lán nhỏ của mùa canh nương. Trăng non như mảnh liềm ai ném lên bầu trời đã chớm thu sâu thẳm. Ngàn sao lấp lánh trên dốc núi như dõi theo bước chân người đi xa. Huyền thoại đất Quế Phong vẫn đợi chờ người tri âm trong tiếng Sao Va vang vọng núi đồi, trong những bếp lửa nhà sàn không bao giờ tắt, trong những chua ngọt của trái mận rừng em trao tôi trước lúc lên xe. Dưới những mái nhà lợp bằng gỗ sa mu cheo leo triền núi đó, câu chuyện về những người khách phương xa vẫn còn nhắc bên bếp lửa như lưu giữ một tình thương mến, như một phần trong truyền thống hiếu khách của người Thái vùng biên cương.

Trần Thị Hồng Anh

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam, số 18, tháng 10/2021)