Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu chùm truyện của các tác giả, các em thiếu nhi với hy vọng đem đến thật nhiều niềm vui cho các em khi Tết đến, xuân sang.

Sức sống ngày mới

Hoài Linh

Chú chim sà đôi cánh mỏng, dưới chân chú, là ngôi nhà nhỏ được sơn màu kem nâu. Hình như ngôi nhà được xây từ lâu và không có người ở.

Đôi chân bé xíu của chú như chiếc tăm, thoăn thoắt di chuyển, nghiêng ngó bên cửa sổ, khung cửa sổ đón một vài chú mối, lỗ chỗ, thương cảm. Bên trong, mọi thứ đều được phủ một lớp vải màu hồng nhạt. Im ắng đến lạ thường. Đồng hồ thong thả tích tắc. Chú thấy hơi lạnh.

Chú quyết định rời khỏi nơi này. Chỗ này không thể là nơi trú ẩn của chú trong mùa xuân tươi đẹp này. Chú phải tìm kiếm một nơi thật sự ấm áp với những tia nắng nhẹ đầy quyến rũ, nơi có những mầm cây xanh nhú, hay những nụ hoa he hé mỉm cười.

Và điều kỳ diệu đã đến. Chú bắt gặp một đám đông đằng kia. Cuộc sống họ thật sự sôi động, họ đang nhún nhẩy theo điệu nhạc với những thân hình đầy quyến rũ. Tiếng nói cười rộn ràng, như đang chuẩn bị chào đón một sự kiện tốt đẹp nào đó. Đôi chân bé xíu của chú tung tẩy từ góc này sang góc khác để cảm nhận ự vui mừng của đám người kia. Họ đang đón chào một năm mới thì phải.

Mải theo sự sôi động ấy, chú không biết được thời gian đã vụt qua nhanh như tia chớp. Bầu trời bắt đầu tối lại, nhưng hình như cuộc vui của đám người vẫn chưa kết thúc. Còn chú không thể ở lại lâu được, lác đác tiếng pháo đì đùng lóe lên đem theo sắc màu cuộc sống. Chú nghĩ đến ngôi nhà ấy. Phải rồi, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn. Ngôi nhà vẫn đóng cửa im ỉm. Chú cần phải làm ấm lên căn nhà. Và chú vụt bay về.

Ngôi nhà đằng trước. Chú len vào những song cửa sổ, và bắt đầu cất lên tiếng hót. Chú hót thật sự say sưa. Và hình như mọi thứ trong căn nhà đang hồi sinh. Chú nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đang nhịp nhàng đua theo tiếng hót của chú. Những chiếc khăn hồng phủ lên tất cả mọi đồ vật đang dịch chuyển. Mọi thứ trong ngôi nhà hình như đang bắt đầu cựa quậy, sinh động và căn phòng trở nên ấm áp, đầy sinh khí.

Từ đó hằng ngày, chú vẫn trở về ngôi nhà và mong muốn một lúc nào đó, chủ nhân của ngôi nhà sẽ mở toang cánh cửa và bắt đầu cho cuộc sống tươi mới, đầy hạnh phúc!

Chiếc máy tính

Nguyễn Phan Bảo Chi

Nếu ngày ấy, tôi biết được cậu là kẻ đã làm cuộc sống của tôi có chút đảo lộn trong vài ngày, liệu còn có hôm nay khi tình bạn của chúng ta tốt đẹp như thế này?”
Không ai cho tôi câu trả lời, nhưng bản thân tôi có lẽ đã tự tìm được nó…
… Cùng với người bạn tốt của mình.

Đó là một ngày rất tuyệt. Bầu trời tháng 10 trong trẻo, xanh thẳm và mang năng lượng tươi mới. Thật không thể tin được khi nó đã cùng chúng tôi rong ruổi trên những cánh đồng, những con đường, những tán cây,… vào mùa hè oi bức! Các đám mây mỏng và nhẹ, thả mình trôi theo làn gió, trông như những đường cọ đầy nghệ thuật của các danh họa thế giới. Lúc tôi đẩy chiếc bàn đạp của xe mình thì thấy ánh sáng vàng rọi xuống lác đác trên các tuyến đường, một số còn đậu trên cặp, trên áo tôi. Mẹ nói rằng nếu ngày nào tôi thấy được những tạo vật xinh đẹp này thì đó chính là ngày may mắn của tôi. Chà, tôi đã thực sự tin vào lời mẹ nói, và quả thật mọi thứ trông đẹp ra hẳn!

Những tán cây lắc lư như chào đón tôi khi bước vào trường. Tôi cúi người, nhặt một chiếc lá bàng lớn và tiếp tục sải bước vào lớp. Nhẹ đặt chiếc cặp xuống chỗ ngồi, tôi bước ra ngoài để dùng bữa sáng của mình. Đó là lần đầu tiên mẹ cho phép tôi đem đồ ăn sáng tới trường. Chúng ngon phải biết! Khi tôi dùng xong bữa sáng thì mọi người đã đến gần đủ. Bình thường, tôi sẽ không giao tiếp với họ, nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt, nên tôi đã cởi mở hơn. Sáng hôm ấy có lẽ là buổi sáng khó quên nhất với tôi. Chúng tôi đã chơi đủ trò chơi cùng nhau, cùng di chuyển tới phòng học tiếng Anh. Thì ra đây là cảm giác được hòa nhập với những người xung quanh. Một chút cảm giác hạnh phúc len lỏi bên trong tôi…

Minh họa: Quỳnh Lâm

Bỗng dưng, chiếc máy tính của tôi không cánh mà bay sau giờ ra chơi, xui xẻo là trúng ngay tiết toán. Thực sự, điều này khá tệ hại. Chiếc máy tính của tôi thuộc dòng mới nhất, cao cấp nhất, và cũng đắt đỏ nhất trên thị trường khi ấy. Đó là món quà bố mua cho tôi nhân dịp năm học mới. Nếu bố mẹ biết chuyện vừa đi học được ít tuần đã làm mất đồ thế này chắc tôi sẽ bị đòn đau nhớ đời mất!

Trong tôi, nửa mang đầy những dấu chấm hỏi, nửa còn lại thì tức giận vô cùng. Có phải tôi đã để quên ở đâu đó? Tôi có thể làm rơi ở những nơi nào? Hay có ai đó đã lấy đi? Ai dám đụng vào đồ của mình cơ chứ? Những câu hỏi đó cứ chạy vòng quanh đầu khiến não tôi càng lúc càng khó chịu. Tôi thấy bực! Tôi cố giữ bình tĩnh để hỏi những người bạn của mình, và họ cũng rất nhiệt tình tìm hộ. Lúc đó, tôi đã tự thề với bản thân rằng, nếu tìm ra được kẻ nào lấy đi đồ của mình, chính tay tôi sẽ đánh nó nhừ tử cho hả giận. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đành chọn phương án xách cặp về nhà cùng bạn.

Suốt quãng đường từ trường về nhà, tôi thấy cặp mình nặng trĩu. Tôi bất chợt trở nên rất mạnh dạn, tìm tới sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm. Ngày hôm ấy, và nhiều ngày sau đó nữa, trôi qua trong sự lo lắng khôn nguôi của tôi. Nhưng sau một tuần, tôi vẫn chưa thấy hồi đáp từ giáo viên, sự chán nản trong tôi lộ rõ. Đáp lại câu hỏi của tôi chỉ là câu trả lời “Em yên tâm, chắc chắn sẽ tìm được!”

Sáng thứ Hai đầu tuần kế tiếp, tôi mang tâm trạng mệt mỏi lết tới trường. Mọi thứ với tôi bắt đầu trở nên xa lạ. Họ, chưa thân với mình, không thể tin tưởng được ai. Dẫu vậy, tôi không tỏ vẻ gì. Bất chợt, tôi nhận ra có gì đó bất thường trong hộc bàn. Một vật màu trắng, trơn nhẵn, hình chữ nhật nằm chễm chệ ngay trên quyển vở tôi để quên tuần trước đó. Không thể tin được! Máy tính của tôi! Nhưng tại sao chứ? Là ai? Rốt cuộc làm vậy vì mục đích gì? Nếu là trêu đùa thì cũng vừa phải thôi chứ!?

Sau khi lấy lại được sự bình tĩnh, tôi cầm chiếc máy lên để xác nhận rằng nó không biến mất lần nữa. Đúng là nó rồi! Tôi mừng khôn xiết, có lẽ sẽ không có từ ngữ nào để diễn tả. Nhưng liền sau đó, tôi lại bị bao vây bởi hình ảnh của kẻ bí ẩn đã “mượn” máy tính tôi hai tuần rồi đem trả lại như chưa có chuyện gì xảy ra. Tiếng trống vào học ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, và tiết học bắt đầu đầy hứng khởi. Hình như ngày đó bầu trời trong xanh trở lại. Tôi tạm gác chuyện đó sang một bên.
Hai năm trôi qua.
Nhanh chóng.
Ngày tốt nghiệp của chúng tôi đã tới.

Ai cũng trông rất vui vẻ và hào hứng. Cũng phải thôi, chúng tôi đã trải qua một kỳ thi tuyển sinh rất căng thẳng, giờ là giây phút mọi người có thể thư giãn và thả lỏng để đến bên nhau. Có vẻ sau bốn năm thì ai cũng tìm được cho mình một nhóm bạn phù hợp. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Những người bạn đó đã giúp tôi rất nhiều. Chúng tôi chia sẻ từ những thứ nhỏ với nhau như mấy miếng bánh quy hay một chai nước trong tiết trời mùa hè nóng nực. “Thật tiếc khi phải kết thúc quãng thời gian tươi đẹp bên tụi nó.” Tôi nán lại sân trường lúc ra về, cầm chiếc máy tính trên tay bâng khuâng nghĩ về câu chuyện năm nào. Một làn gió đi qua hất nhẹ mái tóc tôi, cùng lúc đó, một bóng dáng quen thuộc hiện ra trước mắt. Cậu ấy cầm trên tay một chiếc hộp được bọc kĩ càng với chiếc nơ ngay ngắn trên nắp, từ từ bước tới chỗ tôi.

Đôi mắt cậu long lanh, dịu dàng, những lọn tóc ngắn được cắt tỉa gọn gàng. Lúc cậu ấy bước tới bên tôi, cảm giác thật dễ chịu. Có phải vì chúng ta đã chơi với nhau trong một thời gian dài không? Hay vì một lí do nào khác không thể lý giải được bằng lời? Cậu ấy tiến tới, đặt chiếc hộp lên tay tôi, cầm lấy tay tôi lắc nhẹ, và nói rằng:
“Chúng ta sắp xa nhau rồi nhỉ? Dẫu vậy, tớ muốn nói với cậu vài điều.”
“Việc gì vậy?”
“Cảm ơn cậu vì đã trở thành bạn của tớ trong những tháng năm qua. Chúng ta đã cùng nhau tạo nên những kỉ niệm đẹp. Đây là món quà tớ muốn gửi tới cậu, và mong muốn cậu hiểu được tấm lòng này. Tớ cũng muốn xin lỗi cậu vì chuyện đã xảy ra, có thể cậu đã quên nó, và thực sự cảm ơn cậu rất nhiều.”

Tôi ngơ ngác. Cậu cảm ơn tôi? Tạo kỷ niệm gì, tại sao lại bỗng nhiên dùng ngôn ngữ như vậy? Lại còn xin lỗi? Cậu ấy tới bên tôi, nhập cái gì đó trong máy tính rồi nở một nụ cười tươi rói. Trưa hôm ấy, tôi tò mò mở hộp quà. Bên trong là một nửa tờ giấy được cắt tỉ mỉ, chỉn chu cùng với những hàng chữ đều tắp.

“Việc này đáng lẽ nên nói với cậu sớm hơn, nhưng thời điểm đó tớ quá rụt rè nên chỉ có thể viết và gửi vào đây cho cậu lúc chúng mình chia tay. Chiếc máy tính năm đó của cậu, chính là tớ đã lấy đi. Tớ biết tâm trạng lúc đó của cậu rất tệ, nhưng tớ không có đủ dũng khí để đem trả lại cho cậu. Thực sự tớ rất hối hận khi trót lấy đồ của cậu, và chân thành xin lỗi cậu. Ngày đó, cô chủ nhiệm cũng có làm một cuộc khảo sát. Tớ rất sợ nhưng sau đó tớ thấy cậu không nói gì về vấn đề này cũng như không tỏ thái độ gì với tớ, nên tớ đã nói với cô về việc này. Và điều này được giữ bí mật tới lúc này, một lần nữa xin lỗi cậu. Tớ cũng chân thành cảm ơn cậu vì đã bao dung cho tớ cũng như tiếp tục mối quan hệ này. Nếu lúc ấy, cậu và cô giáo không sẵn sàng chấp nhận và bỏ qua, tớ bây giờ có lẽ sẽ trở thành một kẻ ăn cắp vặt bên đường. Tớ nợ cậu lần này, có thể để tớ trả được không? – Tái bút: Cậu nhớ xem máy tính nhé.”

Tôi mở nắp máy tính và nhìn thấy dòng chữ “CAM 0π CAu :)” bỗng bật cười. Làm sao cậu có thể tìm được những chữ cái trong máy tính nhỉ? Tìm một tờ giấy, tôi ngồi vào bàn lấy bút ghi câu trả lời của mình với tâm trạng vui vẻ.

“Tớ mừng vì cậu đã trả lại máy tính, và cũng rất bằng lòng việc sẻ chia cũng như đồng hành với cậu. Cậu là một người bạn rất tuyệt. Cậu có biết rằng, hoa không tàn là hoa in trên giấy? Điều đó chứng minh rằng, một tình bạn không thể lâu bền nếu không có sóng gió. Và thật tuyệt khi chúng ta vô tình cùng nhau vượt qua điều đó, rồi tiếp tục làm bạn của nhau cho tới lúc cậu tiết lộ chuyện này, và thậm chí là cả trong tương lai nữa. Thật đáng quý đúng không nào? Tớ hy vọng rằng sau này chúng ta vẫn có thể cùng nhau tiến bước trên mọi nẻo đường, và tạo ra đầy ắp kỷ niệm khó quên. – Tái bút: Cảm ơn cậu vì đã lấy máy tính của tớ, vì nếu lần đó tớ không được đặt mình vào trong tình huống ấy thì có lẽ bây giờ chúng ta cũng đã không thể nói chuyện thế này.”

Khẽ mỉm cười, tôi gấp tờ giấy lại, bỏ vào chiếc hộp có gắn nơ ngay ngắn phía trên nắp. Bầu trời hôm đó thật đẹp với những đám mây bồng bềnh và những tia nắng vàng ấm áp, rực rỡ.

Chiều Ba mươi Tết

Lô Thị Lệ Quyên

Y Nọng ơi! Chài ơi! Khi nào xong việc mấy đứa đưa bộ cồng chiêng ra lau sạch nhé!”.
Hai anh em tôi đang hì hục trang trí thì bà nội từ trong bếp gọi với ra. Bà nội đang nhào bột làm bánh ít, bà vừa làm vừa trông nồi bánh chưng. Bố mẹ tôi đang dưới gầm sàn. Bố cùng mẹ lựa 2 con gà trống to nhất để thịt cúng tối giao thừa đây. Tối giao thừa có lễ “pống cháy”, tạm dịch là lễ đặt mâm. Đồ cúng mỗi mâm chỉ có một con gà, một bát nước lạnh, hai chén rượu và một bát xôi, thêm vài ngàn tiền lẻ. Nhưng số mâm cúng thì tùy nhà, từ 2 đến 5 mâm. Nhà tôi có 2 mâm cúng nên mẹ chỉ bắt 2 con gà. Còn sáng mồng một Tết mới làm lễ cúng chính thức gọi là “xờ pàn kháu tốm”. Lễ này mới có bánh chưng và đủ loại bánh trái, thịt cá… Điều đặc biệt trong đêm “pống cháy” là phải để hương không được tàn, nến không được tắt. Mọi người sẽ cùng nhau thức cho đến sang canh, con gà trống gáy mới được đi ngủ.

Chiều Ba mươi Tết nào cũng vậy, không chỉ nhà tôi mà cả bản đều bận rộn cuống cả lên. Lẽ ra tôi có thể trang trí sớm hơn để đỡ bận rộn nhưng anh trai không chịu, cứ bảo chờ anh về, sợ tôi không biết lắp cái bóng nháy thế nào cho đẹp. Tôi làm gì anh cũng chê vụng, cơ mà suốt ngày sai vặt tôi. Nhưng tôi chẳng lấy làm phiền lòng, vì Tết đến, có anh có em, nhà vui hẳn. Anh trai tôi học xong lớp 12 thì theo học nghề nấu ăn. Anh không thi đại học. Anh bảo: “Nấu ăn là niềm đam mê, mình thích gì học nấy. Sau này anh sẽ xin nấu ăn trong các nhà hàng. Có vốn sẽ mở nhà hàng riêng. Vả lại, để còn nấu cho đứa vống như mày ăn!” Nói rồi anh cốc lên đầu tôi một cái. Có hơi đau, mà tôi chỉ cười trừ.

Minh họa: Quỳnh Lâm

Anh em tôi vừa trang trí xong thì bà nội lại gọi: “Hai đứa vớt bánh hộ bà đi”. Tôi long tong chạy theo anh để hộ vớt bánh. Cả ba bà cháu ì ạch khiêng nồi bánh chưng xuống khỏi kiềng. Tôi kê cái sọt cho chắc để anh Chài vớt bánh vào. Mùi bánh thơm ngậy tỏa ra nóng hổi. Tôi hít hà, nuốt nước miếng. Chà thèm quá, nhưng bà bảo chờ cúng xong mới được ăn. Đành nhịn vậy!

Ở quê tôi, mỗi loại bánh chưng có một cái tên riêng. “Kháu tốm póm” (bánh chưng tròn) nhỏ như hộp diêm, khi nấu chín thì trông hơi tròn, rất xinh. Ý nghĩa là cầu cho năm mới sung túc, tròn đầy. “Khâu tôm kháu khoài” (bánh sừng trâu) nhọn hình sừng con trâu mang hàm ý cầu cho đàn trâu khỏe mạnh, sinh sôi để cày kéo. “Khâu tôm cộp” (bánh đôi), mỗi chiếc bánh là một cặp nhỏ hình trụ hoặc hình vuông để cầu cho gia đình hạnh phúc. “Khâu tôm khuản tụ”(bánh gậy) dài như hình chiếc gậy mang ý nghĩa cầu cho người già được sống lâu trăm tuổi mà chống cây gậy lên với Pò Then (trời)… Mỗi loại bánh bà khéo buộc thành mỗi chùm 5 cái, trông thật hấp dẫn. Tôi hỏi bà sao lại buộc chùm 5 cái mà không làm 10. Bà nói: “Người Thái ta luôn làm đồ cúng số lẻ, nên phải buộc 5 con ạ”. Ra vậy, chả trách mẹ tôi thường bảo tôi bỏ 5 đôi đũa vào mâm cúng.

Bánh chưng quê tôi còn nấu 2 loại, một loại gạo đen và một loại gạo trắng. Loại đen lại không phải là gói bằng nếp cẩm, mà bằng nếp trắng, nhuộm đen bằng tro rơm. Cái này lúc đầu tôi cũng thắc mắc lắm, nhưng bà tôi nói tục này bắt nguồn từ một câu chuyện.

Chuyện kể rằng khi người Tày Thanh bắt đầu dựng bản lập mường, ông chủ của gia tộc được Pò Then (Ông Trời) ban cho báu vật là một hòn than đỏ rực và dặn rằng: người phụ nữ chủ nhà (dâu trưởng) phải là người giữ lửa. Hòn than đỏ được giấu kín trong nhà, khi nấu ăn thì đem bỏ trong bếp, lửa sẽ giúp nấu các món theo ý muốn. Chỉ cần bắc nồi lên và gọi, thế là món như ý hiện ra đầy nồi. Chỉ cần một nguyên liệu nấu một ít thôi cũng đầy ắp thức ăn. Vì thế, cả gia tộc làm ít mà no đủ bởi vật báu giúp sức. Một hôm, người dâu trưởng được phân công giữ lửa đã sơ ý, không cất than sau khi nấu nướng. Thế là hòn than cháy bùng, thiêu đốt cả ngôi nhà. Vật báu mất, nhà bị cháy, người phụ nữ ấy phải chịu phạt theo gia quy. Người ta bắt nhốt trong dìa (chòi để thóc) 10 ngày đêm, chỉ được ăn phân trâu. Nếu không chết xem như được ông trời tha thứ.

Người ta giao chính con dâu của bà ấy hàng ngày đưa phân trâu cho mẹ chồng ăn. Ông trưởng tộc sẽ ngồi ở đầu cầu thang giám sát. Cô con dâu thương mẹ quá nhưng không thể chống lại gia quy. Chị ta liền nghĩ ra một cách là chọn thứ gạo nếp dẻo và thơm nhất đem giã trắng, sau đó đốt rơm, lấy tro rơm bỏ vào giã cùng gạo để nhuộm thành màu đen. Để xôi thơm hơn, khi giã, chị ta cho thêm hạt nga chiếng (một loại vừng mọc tự nhiên trong rừng), sau đó đem thứ gạo đen ấy gói lại, luộc chín. Khi qua cầu thang cho tộc trưởng kiểm tra, nhìn màu cơm thấy đen xỉn, tộc trưởng nhầm tưởng đó là phân trâu. Nhờ đó mà qua 10 ngày chịu phạt, người mẹ chồng vẫn sống. Cả gia tộc mừng rỡ, tin là Pò Then đã tha thứ, vì thế, người dâu trưởng vẫn làm chủ nhà.

Được sống lại, người đàn bà chủ nhà ấy càng tích cực bảo ban con cháu, chăm chỉ làm ăn, bà yêu thương con dâu như con gái. Họ vẫn có tục giữ lửa trong nhà bằng cách chọn loại củi tốt nhất, than đỏ và không tắt, vì vậy bếp lửa của người Thái luôn đỏ, khiến khi bước vào nhà, ta cảm thấy ấm cúng, bình yên. Khi về già, trước lúc chết, bà ấy trăng trối lại rằng hãy làm thứ bánh đen ấy để thờ cúng cho bà.

Mãi sau này, mọi người đều biết chuyện, nhưng họ không trách phạt việc làm của cô con dâu nhà ấy, mà trái lại người ta truyền nhau cách làm bánh để thờ cúng tổ tiên, cũng là cách để nhắc nhở con cháu trong nhà phải biết yêu thương lẫn nhau, có lòng bao dung độ lượng, biết cách ứng xử, thông minh, khéo léo như nàng dâu kia. Đó mới chính là ngọn lửa ấm nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Đang mải nghĩ về câu chuyện “Bánh chưng đen” thì giọng anh Chài làm tôi giật mình “Gì mà mày thần người ra thế? Cho mày cái này này.” Anh vừa nói vừa chìa ra trước mặt tôi hai cái bánh vuông, hai cái này to nhất trong số bánh đã gói, được đan các múi lạt thành hình vuông rất cẩn thận, lại còn có cái quai để đeo bên hông như túi xách. Bánh này gọi là “kháu tốm pế” (bánh chưng gùi), dân bản thường gói loại này chỉ dành cho trẻ con, để đeo chơi. Chơi chán có thể ăn. Mỗi khi Tết đến, bà nội vẫn thường gói cho 2 anh em. Ông nội thì mất sớm, khi bố còn chưa cưới mẹ. Thành ra, mọi việc đều do bà nội làm. Nay chúng tôi đã lớn cả, vậy mà bà vẫn gói thứ bánh này cho 2 anh em. Tôi chọn một cái bánh từ tay anh Chài và cảm thấy thương bà quá. Trong mắt bà nội chúng tôi luôn bé nhỏ. Tôi ôm bà và nói: ”Cháu cảm ơn bà ạ!”. Bà nhìn tôi cười: “Cha bố cô, ơn cái gì, các con vui là bà mừng lắm rồi!”

Hai anh em tôi đeo bánh bên hông như hồi còn bé. Vừa đeo vừa sắp bánh ít, mọc, nạp, những món cúng tổ tiên ở quê tôi trong ngày Tết vào nồi giúp bà nội. Đang làm thì nghe tiếng bố cười:
– Hai đứa cứ như là còn trẻ con lắm ý, đã lau xong cồng chiêng chưa? Đưa ra gian ngoài cho bố!
Ối chà, chưa kịp làm! Hai anh em lại cuống lên, lau cồng chiêng giúp bố. Cũng như chuẩn bị đồ cúng, treo cồng chiêng cũng không kém phần quan trọng. Sáng mai, trước khi bưng mâm cúng ra, bố mẹ và bà nội sẽ đánh một hồi cồng chiêng để báo tin cho ông bà tổ tiên về ăn Tết. Không có tiếng cồng chiêng là không ra không khí Tết. Treo xong bộ cồng chiêng thì bố lại bảo: “Chốc nữa hai mẹ con với bà đi gội đầu trước nhé, bố và anh Chài chuẩn bị đồ để làm mấy món cá cúng cho ngày mai. Bố và anh sẽ gội đầu sau”.

Lại còn thế nữa, sao mà lắm việc quá! Cá cúng thì có đến mấy loại cơ: “pá pính tộp” (cá nướng gấp), “pá pính phe” (cá nướng xòe), “pá pính chằm” (cá nướng xiên que), “pá lòi lé” (cá bơi trong đĩa), ”pá lòi pàn” (cá bơi trong mâm),… phức tạp lắm.

Trời đã nhá nhem tối, tôi lười gội đầu quá. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, hay là mai gội được không, giờ trời sắp tối mất rồi!” Mẹ tôi chưa kịp trả lời, bà nội đã nói: “Không được, trước lễ Pống cháy, thân thể, đầu tóc mỗi người phải hoàn toàn sạch sẽ, như vậy mới thể hiện được lòng thành kính với tổ tiên. Các cụ mới phù hộ cho mình mạnh khỏe, ăn nên làm ra, con ạ!” Tôi hiểu ra, liền ngoan ngoãn theo bà và mẹ ra suối gội đầu. Lúc chúng tôi trở về thì trời đã tối hẳn. Đêm 30 trời tối như mực, thế mà cả bản lại sáng bừng lên với đủ loại bóng nháy. Đâu đó tiếng nhạc xập xình, tiếng nhà ai thử cồng chiêng thì thùng, tiếng hò reo của bọn trẻ trong bản. Náo nhiệt quá!

Mẹ giục tôi “Bước nhanh một chút đi, bố và anh Chài đang chờ ta về để cùng bưng mâm Pống cháy đó!” Tôi bước thật nhanh, không nhìn đường mà chỉ chú ý soi đèn cho bà nội. Ngoài 70 mà bà tôi vẫn bước nhanh và chắc chắn. Có lẽ, cuộc sống vất vả đã giúp bà khỏe mạnh đến thế.

Chúng tôi đã về nhà. Tất cả đã sẵn sàng cho đêm giao thừa. Tôi luôn chờ đợi giây phút này, chờ đợi thời khắc hết năm cũ, chuyển sang năm mới; chờ đợi ngày mà cả gia đình được sum họp. Ngày mà cả bản dù ai có đi làm ở đâu cũng về quê để ăn Tết. Ngày Tết, với chúng tôi, đó là những ngày thiêng liêng tràn ngập tiếng cười và niềm hy vọng về một năm mới tốt đẹp hơn.