Hàng năm, cứ đến những ngày tháng Ba, chúng ta không thể quên sự kiện Gạc Ma, một ký ức bi tráng về những người lính quả cảm mà sự hy sinh của họ đã thành tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.

Ký ức bi tráng

Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam mãi khắc ghi trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma ngày ấy. Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc đưa tàu chiến xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiêu khích, đưa quân chiếm đóng trái phép một số đảo. Giữa tháng 3/1988, các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 của Lữ đoàn 125 phối hợp với Lữ đoàn 146 và Trung đoàn Công binh 83 Hải quân được lệnh hành quân khẩn cấp về nhóm đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Đến chiều tối ngày 13/3, tàu HQ-604 đến vùng biển Gạc Ma, tàu HQ-505 đến Cô Lin và tàu HQ-605 thẳng tiến Len Đao. Lúc này, nhiều tàu địch kéo đến đảo chìm Gạc Ma khiêu khích nhằm buộc tàu vận tải và bộ đội ta rời khỏi đảo.

Sáng ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc thả thuyền nhôm cho quân đổ bộ lên đảo, giật cờ Việt Nam tại đảo Gạc Ma. Các chiến sĩ của ta tổ chức lực lượng quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc và đảo. Địch cậy thế đông, lăm lăm vũ khí xông vào cướp cờ của Việt Nam. Không lùi bước, người trước ngã xuống thì người sau xông lên, quyết giành lại cờ Tổ quốc. Các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng nắm tay nhau tạo thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ Gạc Ma.

Những người lính trên tàu 571 kết vòng hoa chuẩn bị lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma

Trong cuộc chiến không cân sức đó, 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh, quyết tử để bảo vệ biển đảo quê hương. Họ ngã xuống không phải là vĩnh viễn ra đi mà là chứng minh hùng hồn cho tinh thần yêu nước Việt Nam, cho quyết tâm sắt đá của người Việt Nam quyết bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc, là tấm gương ngời sáng nhắc nhớ các thế hệ đi sau soi vào để không nhạt phai tinh thần cảm tử, trách nhiệm công dân vì Tổ quốc.

Đảo Cô Lin sừng sững, hiên ngang giữa biển trời

Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc với hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc kết thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi trong sử sách, viết nên bản hùng ca bi tráng về tinh thần quyết tử, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Câu chuyện xúc động

Đoàn công tác chúng tôi đến vùng biển đảo Len Đao, Cô Lin vào một ngày đầu tháng 1 năm nay. Tàu 571 thả neo dừng lại cạnh thềm san hô cách đảo Cô Lin chừng vài hải lý. Thuyền trưởng ra thông báo “Toàn tàu chuẩn bị làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma”.

Đoàn công tác trên tàu 571 tổ chức lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988

Giữa mênh mông biển trời, khói hương bảng lảng, nhạc “Hồn tử sỹ” ngân lên trầm hùng. Những giọt nước mắt xúc động và tự hào lóng lánh trong mắt đồng đội của các anh – những người chiến sĩ dạn dày gió sương và hiểm nguy, lăn dài trên má các nhà báo, nghệ sĩ trong đoàn công tác. Biển cả dội sóng dường như cũng rưng rưng đồng cảm mà lặng lẽ áp vào thân tàu những cơn sóng nhè nhẹ. Trong không gian linh thiêng ấy ngỡ như nghe được cả âm vang của miền xa thẳm, văng vẳng tiếng Thượng tá Nguyễn Văn Thọ – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nghèn nghẹn: “36 năm qua, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức Gạc Ma. Thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm, không ai được phép lãng quên. Trong niềm nhớ thương vô hạn, chúng tôi nguyện tiếp bước, noi gương các Anh hùng liệt sĩ đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, quyết đem hết sức mình bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”. Giờ phút ấy, trong tôi dường như bỗng có một nguồn sinh khí thật mạnh mẽ, thật nóng bỏng chảy tràn trong huyết mạch. Tôi tin rằng, những người đồng nghiệp của tôi, những người có mặt trong đoàn công tác của tôi cũng tiếp nhận được dòng năng lượng ấy. Phải chăng từ tâm thức, từ trái tim, chúng tôi đã đón nhận lời truyền lưu trách nhiệm với đất nước, với Tổ quốc từ các anh – những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma.

Những chiến sĩ trẻ xúc động dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ
Đoàn công tác thực hiện nghi lễ thả vòng hoa cùng những cánh hạc giấy và hoa cúc vào biển khơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ

Đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma và đoàn công tác đã thả xuống sóng nước mênh mông vòng hoa có hình quốc kỳ đỏ tươi, những bông hoa cúc và những cánh hạc giấy mang theo sự hồi tưởng, niềm nhớ thương và lòng biết ơn của muôn triệu người Việt Nam hôm nay tới các liệt sĩ đang yên nghỉ trong lòng biển khơi của Tổ quốc.

Những chiến sĩ trang nghiêm, thành kính thả những bông hoa cúc xuống vùng biển Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma
Hạc giấy và hoa cúc trong lễ tưởng niệm

Và cũng tại lễ tưởng niệm chúng tôi còn chứng kiến câu chuyện cảm động của nhà báo Nguyễn Khắc An, khi được anh chia sẻ: trong số 64 liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, có liệt sĩ Lê Bá Giang cùng quê ở Hưng Dũng, thành phố Vinh là bạn học thời phổ thông. Lúc ấy nhận được tin Giang hy sinh qua Đài Tiếng nói Việt Nam, bạn bè, gia đình ai cũng bàng hoàng, thương xót. Giang hy sinh chỉ vừa tròn 20 tuổi, còn chưa kịp có người yêu”. Anh kể, sau khi học xong lớp 10 (hệ 10/10), tháng 1/1987, Giang nhập ngũ. Sau ít tháng huấn luyện, Giang được nghỉ phép một tuần để về thăm gia đình. Đó cũng là lần cuối anh được gặp gia đình, bạn bè trước lúc hy sinh.

Anh Nguyễn Khắc An tưởng nhớ người bạn cùng quê thuở thiếu thời – Liệt sĩ Lê Bá Giang cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu tại Gạc Ma 36 năm trước

Nhà báo Nguyễn Khắc An còn kể cho tôi, trước khi biết tin mình sắp được ra thăm Trường Sa, anh rất vui mừng vì có cơ hội được đặt chân lên biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đồng thời sẽ là dịp được viếng bạn khi đi ngang vùng biển Cô Lin. Anh đã lấy một nắm đất quê hương, gói gém kỹ lưỡng mang lên con tàu 571. Hôm nay mới có dịp thắp một nén hương, gửi vào biển Gạc Ma một nắm đất quê hương, nơi bạn anh và đồng đội đã anh dũng hy sinh. Mong bạn cùng đồng đội phù hộ cho mọi người mạnh khoẻ, an lành, cho đất nước hoà bình và phát triển. Tổ quốc đã ghi công bạn. Tôi muốn nói rằng, quê hương, gia đình, bạn bè luôn luôn nhớ và tự hào về bạn.

Hoàng Nguyên