“Anh… có thể giúp tôi lấy lại dữ liệu được không? Tôi cần lắm.”

Tôi van vỉ tay kỹ thuật viên. Đây đã là chỗ thứ ba tôi ghé, hai chỗ kia tay nào ban đầu cũng bảo “ô-kê” cứ để đó rồi quần quật cho đã xong trả về kèm câu xin lỗi phũ phàng. Tôi không biết tiếp theo sẽ đi đâu nếu đến cái trung tâm số một thành phố này mà cũng lắc đầu. Có lẽ tôi phải yêu cầu gặp kỹ sư nào giỏi nhất ở đây rồi trả thêm tiền. Tôi nghĩ và sẵn sàng nói ra nguyện vọng này nhưng anh ta bỗng dưng đứng dậy cầm ổ cứng sang trao đổi với một tay khác, lát sau, quay lại bảo cần thêm thời gian đánh giá, mời tôi sang phòng bên uống cà phê chờ.

Miễn cưỡng, tôi sang bên đó ngồi nhưng không uống cà phê, không uống gì cả, không làm gì cả, không cần gì cả, tôi chỉ cần lấy lại dữ liệu, tôi không thể mất chúng được. Trời ơi, tôi muốn điên mất! Đã qua mười lăm phút, mắt tôi liên tục dán vào cánh cửa. Một tay nhân viên đi vào, tôi đứng dậy ngay nhưng hắn không tìm tôi mà tìm người khác. Mặc kệ, tôi bám theo hỏi, “ổ cứng của tôi thế nào, được chứ? “Anh vui lòng chờ cho một lúc”, hắn trả lời tôi với thái độ thờ ơ. Rõ ràng là hắn chỉ nói như phản xạ chứ chẳng quan tâm tôi cần dữ liệu đến mức nào.

Không chờ được nữa! Tôi xộc thẳng vào phòng chặn đầu tay kỹ thuật viên lúc nãy đã tiếp mình, hắn ta có vẻ hơi hoảng nhưng không đuổi tôi. Họ lại nói gì đó với nhau sau tấm kính. Tim tôi phập phồng, đôi lúc muốn nổ tung.

“Mời anh ký vào đây.”

Tôi nhìn vào tờ giấy biên nhận, tay run run ký. Họ không nói một trăm phần trăm sẽ được, họ chỉ bảo sẽ làm mọi cách. Phải chờ ba ngày, có thể sớm hơn. Sao họ không nói là chắc chắn được? Tôi cứ nhìn vào miệng anh ta hóng một câu nói nào đó. Cuối cùng nó cũng cử động thật.

“Anh cần dữ liệu nào nhất? Để chúng tôi còn biết mà ưu tiên.”

“Ảnh. Tôi chỉ cần những tấm ảnh. Còn lại không cần gì hết…”.

Phải chờ ba ngày, có thể sớm hơn. Giá mà họ đừng nói câu có thể sớm hơn ấy thì biết đâu hai ngày vừa rồi không dài đến thế. Tôi thấp thỏm ngay khi vừa về, đôi lúc lồng ngực muốn vỡ bung vì cảm giác sẽ nổ ra một cuộc điện thoại thông báo rằng họ không thể! Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không lấy lại được những tấm ảnh, thật ra chúng không phải chỉ là ảnh, chúng là cuộc đời tôi. Có cả vợ và con trai tôi nữa…

Đã đầu giờ chiều mà vẫn chưa có cuộc điện thoại nào. Tôi bấm số gọi đi, họ không biết đâu, cả tuần nay tôi chẳng ngủ được giấc nào tử tế, đêm, mắt chong lên như cú vọ. Họ không biết gì về tôi, không biết cuộc sống tôi trải qua thế nào, họ chỉ thấy chúng là ảnh. Tôi không biết nữa, chúng là thuốc ngủ, thuốc an thần hay cái gì đó đại loại thế vì chỉ có chúng mới giúp tôi chìm vào giấc ngủ. Đêm, tôi mở lần lượt từng tấm một, nếu còn ngồi ở máy tính tôi sẽ phóng to lên xem thật kỹ từng đôi giày hay chiếc áo chúng tôi mặc, tôi hầu như còn nhớ hết. Khi thấy mệt rồi thì cho tất cả ảnh chạy tự động trên màn hình trong khi tôi nằm trên giường, chúng cứ thế chạy vào mắt tôi cho đến khi tôi không biết gì nữa, nghĩa là đã ngủ. Sớm hôm sau, tôi thức dậy khi chúng vẫn mải miết chạy về chốn vô cùng.

“Chúng tôi cũng đang định gọi cho anh”, tay kỹ thuật viên nhanh chóng nhận ra tôi, ơn trời, anh ta nhận ra tôi và biết tôi sốt sắng.

“Xin lỗi anh!”, hắn nói, tôi muốn xông đến bóp cổ hắn lại, tôi đã đợi ba ngày rồi, không thể như vậy được. “Này, tôi chẳng cần lỗi phải gì trất, tôi chỉ cần ảnh của mình. Anh nghe rõ chứ, tôi cần lấy lại ảnh, trung tâm số một chẳng lẽ có cái ổ cứng mà không làm được. Anh nói đi, thêm bao nhiêu tiền thì các anh mới chịu làm cho tôi…”.

Tôi nói hẳn một tràng không cho anh ta cơ hội phản kháng. Cuối cùng anh ta phải hét lên trong điện thoại rằng họ đang xử lý và tôi chỉ phải đợi thêm một ngày.

Minh họa: Bá Siếu

Tôi xin nghỉ việc và đến sớm, trước giờ mở cửa nửa tiếng đồng hồ, vào ngay khi họ bắt đầu phục vụ. Anh chàng tiếp nhận ổ cứng hôm nọ dẫn tôi sang một phòng khác nơi người ta vẫn đang xử lí lấy lại dữ liệu cho tôi. Họ bảo tôi sẽ được nhìn thấy ảnh của mình sớm thôi, trên màn hình máy tính đang hiện mấy thứ gì đó, tôi chẳng quan tâm, tôi chỉ chờ những tấm ảnh.

Cuối cùng, chúng cũng trồi lên trên màn hình. Chúng hiện ra từ từ nhưng tôi nhận ra từng tấm một ngay lập tức. Tấm ảnh đầu tiên chụp khi tôi là sinh viên năm nhất, ngày hội của Câu lạc bộ kỹ năng mềm, nhân vật chính trong ảnh là tôi và hai thằng bạn nhưng tôi lưu giữ nó không phải vì tụi tôi mà vì đứa con gái vô tình xuất hiện phía sau. Yên. Tôi nhớ tên ngay trong màn giới thiệu dành cho sinh viên mới, bật cười khi nghe giọng nói ỏn ẻn rất miền Trung ấy. Suốt buổi tôi tìm cách bắt chuyện, cố tình nhại giọng để gây chú ý nhưng đáp lại chỉ một nụ cười miễn cưỡng. Những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ sau đó chẳng hiểu sao Yên không đến nữa. Trường lớn, sinh viên đông ngồn ngộn, mà tôi lại chẳng biết Yên học ngành gì lớp nào, vậy là mất hút. Chút cảm tình đầu tiên ấy tôi cũng dần quên đi cho đến ngày trời bất chừng đổ mưa phải tạt vào mái che trạm xe buýt trước cổng trường.

“Yên!”

Tôi nhận ra cô gái cột chỏm tóc đuôi gà dỏng dảnh trên đỉnh đầu ấy ngay lập tức. Hôm ấy trời tạnh mưa thì tôi đã biết Yên học ngành gì, lớp nào và cũng đã nhanh tay lén chụp một tấm hình lúc Yên nhìn vu vơ ngoài đường. Có phải Yên ngại ngùng? Tôi nghĩ thế mà lòng mát rượi như buổi chiều mưa ấy.

Đó, nó là cái vừa xuất hiện trên màn hình. Tôi giữ nó như kỷ vật. Hồi ấy điện thoại cùi lắm nên ảnh mờ mờ rỗ rỗ thế thôi. Còn một tấm nữa cũng chụp bằng con di động ấy nhưng lần này Yên đã tự tin nhìn tôi cười, tấm mà Yên mặc chiếc áo sơ mi màu tím hoa cà ấy. Tôi thường chở Yên ra ngoại ô, đi trên những con đường rợp bóng cây, qua cánh đồng mênh mang sóng lúa, Yên thích những nơi như thế, nhiều màu xanh, nhiều hương diệp lục… Tôi cũng thích những nơi như thế, vì Yên. Yên biết tình cảm của tôi, tôi biết tình cảm của Yên nhưng chúng tôi không nói gì về tương lai. Ngày tháng ấy, điều chúng tôi sợ nhất chính là hứa hẹn.

Rồi tấm ảnh này là chụp chung trong ngày tốt nghiệp. Lúc này chúng tôi vui, lúc này chúng tôi buồn, có nỗi mênh mông mang tên gọi ngày mai. Ngành tôi học buộc tôi phải gắn bó với thành phố, ra khỏi đây thật khó để kiếm được việc làm còn Yên thì không thuộc về phố thị mà thuộc về những đồng cỏ mộng mơ. Bốn năm ở phố chỉ khiến tâm hồn khao khát quê hơn. Tôi đã yêu cô gái ấy vì những điều như thế, chỉ là không biết tương lai nào cho chúng tôi.

Một buổi sáng, tôi thức dậy đã thấy Yên trước cửa phòng. Em bảo sẽ đến một nơi có nhiều hoa vàng, đứa bạn thân nhắn rằng nơi ấy đang cần giáo viên. Tôi hiểu, nếu ở lại đây tôi cũng chẳng lo được cho em thứ gì. Hôm ấy là lần đầu tiên chúng tôi quyết định chụp chung một tấm hình với nhau. Kìa, tấm ảnh vừa đi qua màn hình. Có phải con người là giống loài kỳ cục? Chúng tôi chẳng nghĩ đến tấm hình chung nào trước đó cho đến khi ấy, sao đã biết sẽ xa nhau mà còn cố giữ lại một khoảnh khắc làm gì! Tôi không hiểu. Đến bây giờ vẫn không hiểu. Tôi buồn, buồn nhiều lắm nhưng cuộc sống đẩy tôi đi chứ không cho tôi dừng lại để chăm sóc một nỗi buồn. Những bộ hồ sơ xin việc khiến tôi bận rộn suốt mùa hè. Tôi đã tưởng mình sẽ trôi đi như thế, không biết điều gì chốt ở phía tương lai nhưng sẽ không còn Yên trong cuộc đời mình nữa.

Nhưng Yên trở về.

Cũng một buổi sáng, tôi mở cửa phòng và thấy Yên đứng đó. Em bảo những vạt hoa không còn đẹp nữa vì em không thể thấy tôi. Hôm ấy em mặc chiếc áo sơ mi màu vàng hướng dương, bây giờ nhìn ảnh mà tôi vẫn còn nghe đâu đây hương thảo mộc trên tóc. Vậy là bên nhau, tháng ngày chật vật. Thấy không, những tấm ảnh chúng tôi chụp trong ngày lãnh tháng lương đầu tiên, ngày mua xe, ngày đổi điện thoại, ngày về chung cư… mặt tôi hốc hác, mắt em thâm quầng. Khi ấy cả hai chúng tôi gầy nhẳng. Ngày cưới vẫn gầy như thế. Trông cô dâu thật già dặn góc cạnh, chú rể thì râu tóc lòa xòa như mấy người trốn trại. Mệt nhưng cũng qua trong hoan hỉ, chúng tôi sau này vẫn xem đó là ngày để nhớ dù không tha thiết như nhớ về thời sinh viên. Yên là phần đẹp nhất trong tuổi trẻ của tôi, bông hoa đồng nội gầy và mong manh thế.

Em chỉ mập lên khi mang bầu. Tôi đặt tên thằng bé là Bình, nghĩ từ đây tôi đã có “bình yên” cho mình. Tôi nhớ hết mọi khoảnh khắc về thằng bé. Tấm ảnh này là lúc vừa sinh trong bệnh viện, thằng bé chậm khóc khiến tôi phát run. Bác sĩ tét đít cho mấy phát rồi thằng bé ré lên, tôi vỡ òa. Xem này, trong ảnh tôi vẫn còn đội mũ bảo hiểm. Rồi nữa, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật hai tuổi, ba tuổi. Từ khi có con chúng tôi ít chụp hình chung với nhau mà thường luân phiên chụp với con. Tôi vẫn nhớ đôi tay bé xíu chúm chím, chúm chím tóm lấy tóc tôi mỗi khi tôi cúi xuống hít hà. Kìa, thằng bé cũng tóm lấy tóc của mẹ nó như thế. Tin được không, cô gái tôi quen trong câu lạc bộ ngày nào giờ đã là phụ nữ tuổi ba mươi, đậm người hơn, đuôi mắt cũng dài hơn.

… Hôm thằng bé phát ra âm “ba, ba” đầu tiên chúng tôi đã chụp mấy tấm này, tôi hát bài gì mà “con có đôi mắt to, có bàn tay bé xíu, đôi môi chúm chím cười cứ gọi lớn ba ba…”, tôi không nhớ tên bài hát nhưng giờ vẫn hát lại được “thương ba lắm phải không…”. Rồi thì con trai tôi biết đi, chập chững mấy bước, kỳ diệu lắm. Rồi đi khắp nhà, leo lên cửa sổ, lấy cây chùi nhà, nghịch vòi nước… Chúng tôi muốn ghi lại mọi khoảnh khắc của thằng bé. Chuyện dễ hiểu thôi. Anh có con chưa? Nếu có con chắc chắn anh cũng thế. Làm sao không xúc động cho được, mình tạo ra nó đúng không, mỗi ngày một chút tôi thấy thằng bé giống tôi, giống vợ tôi nữa.

Rồi thằng bé đi nhà trẻ. Sự kiện lớn đến thế làm sao không có ảnh cho được. Thời gian này tôi và vợ hầu như không có ảnh, quần quật lo cho con và chuẩn bị về nhà mới. Đúng rồi, đây là tất cả ảnh tôi cần. Không ngờ nhanh thế, tôi cảm giác như vừa lấy lại cả cuộc đời, dợm đứng dậy về thì màn hình hiện ra thêm tấm nữa. Tôi khựng lại. Dường như sợ hãi. Dường như khó chịu. Dường như mất kiểm soát.

“Này, ai cho các anh lấy lại nó. Tôi không muốn thấy, tôi xóa rồi mà. Các anh đang làm gì với bộ nhớ của tôi thế?”

Tôi đứng bật dậy, tôi không biết mình đang nói với cái giọng gì đâu nhưng âm thanh từ miệng tôi truyền tới tai tôi bắt đầu méo mó. Hình như họ tưởng tôi đùa, hai tay kỹ thuật viên ban đầu có vẻ không để ý lời tôi lắm nên vẫn chăm chú vào bộ nhớ của tôi, nhưng khi tôi tiến tới gần hơn chút thì họ đổi sắc mặt, dường như hốt hoảng. Một tay đứng dậy như muốn ngăn tôi lại.

“Thưa anh, chúng tôi chỉ lấy lại ảnh cho anh. Đúng là anh đã xóa, nó nằm trong thùng rác nhưng đã được khôi phục. Nếu anh không thích tôi có thể xóa đi, có thể xóa mà…”.

Người tôi rũ xuống. Đó là tấm hình vợ tôi tải trên mạng và gửi cho tôi trước ngày sinh nhật lần thứ năm của cu Bình. Một cái bánh kem màu pha giữa hồng và cam, tôi nhớ là chúng tôi cãi nhau vì màu của cái bánh. Không, không đúng rồi, chẳng phải vì màu chiếc bánh đâu, đúng là có nói qua nói lại về màu hồng pha cam ấy thật nhưng không phải cãi nhau vì nó, ai lại cãi nhau chỉ vì màu của một cái bánh sinh nhật chứ. Màu gì chẳng được, hồng pha cam hay pha tím, pha xanh, pha đỏ gì thì kệ nó chứ, liên quan gì mà cãi. Tôi phải nhớ đã, hôm ấy chúng tôi cãi nhau. Không phải vì màu cái bánh đâu, không thể nào. Nhưng không phải nó thì là cái gì mới được? Chắc chắn đã cãi nhau, cãi to lắm, cãi không tiếng nói vì lúc đó cả hai đang ở chỗ làm. Tôi mất kiểm soát đến nỗi quăng luôn điện thoại vào hộc.

Hôm ấy, tôi xong việc muộn. Đến đâu tầm gần sáu giờ thì có điện thoại, chuông đổ trong hộc, tôi bấm nút nghe, dội vào tai tôi là giọng nói của Yên, em gọi tôi trong cơn nức nở. Cu Bình mất tích rồi. Không biết đang ở đâu. Tôi lao ra đường, gọi taxi. Giờ tôi vẫn nhớ như in quãng đường ba ki-lô-mét tôi đã đi từ công ty đến nhà trẻ, đó là ba ki-lô-mét dài nhất đời tôi vì phải đi trên nỗi ăn năn, lo lắng và bất lực. Khi ấy, tôi đã xâu chuỗi lại được mọi thứ. Chúng tôi cãi nhau, vì cái quái quỷ gì đó mà cãi nhau, tôi quăng điện thoại vào hộc, em đã nhắn tin cho tôi sau đó bảo là em có chút việc gấp không đón con được để tôi biết mà đến đón nhưng tôi đang điên, tôi biết thế nào được. Em cũng không thèm gọi điện, mặc định là tôi đã đọc nhưng đang bực nên không trả lời. Dạo ấy, chúng tôi thường cãi nhau. Nếu chuyện chỉ thế thôi thì cũng không đáng lo vì nhà trẻ sẽ trông các bé cho đến sáu giờ, các con sẽ được tập trung lại chơi với nhau trong phòng chờ, sẽ luôn có người bận không đến đón con vào lúc bốn rưỡi chiều được. Nhưng rồi họ không thấy con tôi đâu cả, không biết bằng cách nào mà họ không thấy con tôi nữa. Hôm ấy trời mưa, tôi ngồi trong xe nhìn ra thấy một thế giới mờ nhòe, méo mó sau lớp kính. Những dòng nước trên cửa kính ngoằn ngoèo, những dòng nước trên mặt tôi cũng thế.

Chúng tôi đến nhưng không biết làm gì cả. Người trông trẻ khóc. Vợ tôi cũng khóc, cứ khóc rồi đấm ngực. Giữa lúc ấy, có người bảo vào xem camera rồi báo công an, camera trước cổng lúc nào cũng hoạt động. Xem một lúc vẫn chẳng thấy ai ra vào. Khi bình tĩnh hơn một chút, tôi cảm giác mình không mất con, thằng bé không bị bắt cóc đâu. Tôi đứng dậy ra ngoài, lúc nãy khi đi vào tôi cảm thấy có chút ngờ ngợ vì hình như có cái gì đó để ngoài hành lang bên phòng chờ. Phải rồi, một vật hình ống, đồ chơi cho trẻ con chui qua chui lại.

Tôi bế con trai mình ra từ đó. Thằng bé đã trốn cô một mình ra hành lang chui vào đó và ngủ, ngủ mê ngủ mệt, tôi bế con lên nghe thằng bé ú ớ trong cơn mê. Lưng thằng bé bị ướt, ban đầu tôi tưởng là mồ hôi nhưng không phải, là nước mưa. Mưa tạt vào hành lang. Mưa khiến con tôi nhiễm lạnh và khiến con tôi ở mãi trong bệnh viện không về được.

Từ lúc sinh, hô hấp của con trai tôi đã không được tốt, thường xuyên bị viêm phổi, lần nào nhập viện cũng nằm rất lâu. Trận ấy khiến thằng bé suy kiệt hẳn. Có đôi lần bác sĩ bảo phổi con đã trong lại rồi nên cho về nhưng chỉ được vài hôm lại trở vào và lần sau cứ nặng hơn lần trước. Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao lại thế? Nhưng không có câu trả lời nào cả chỉ biết rằng nó đã diễn ra. Thật tệ, tôi nhớ mọi thứ về những ngày ấy. Nhớ mùi thuốc, mùi cồn sát khuẩn, tiếng báo động của thiết bị trong phòng hồi sức… Lạ thật, có những thứ không thể chụp lại như một bức ảnh được mà sao chúng vẫn rõ ràng? Tôi nhớ hết nhưng nhớ nhất là ánh mắt thằng bé. Một buổi, tôi thấy bầu trời trong veo. Qua cửa sổ thằng bé cũng thấy.

“Chân ông trời dài lắm phải không ba?”

Tôi nhìn đôi mắt trong hơn tất cả nỗi trong veo của bầu trời nói với con rằng “phải, chân trời dài lắm. Dài và sâu hun hút như ngày con bỏ ba đi”.

Tôi có thể kể về thằng bé nhưng không thể kể về Yên trong những ngày đó dù chúng tôi vẫn bên nhau, những gì tôi trải qua là những gì em trải qua, nỗi đau này chúng tôi chung chia đến cùng tận. Chúng tôi không thể quay trở lại cuộc sống như trước được nữa dù luôn nói với nhau đừng bao giờ nghĩ về những lỗi lầm, đừng bao giờ nói ra từ “lỗi” nữa, không phải tôi, không phải em, không phải chúng tôi, không phải ai cả. Những gì đã đến là những gì buộc phải đến, ai cũng bảo thế. Vài lần, Yên đồng ý.

Một buổi chiều, tôi đi làm về thấy căn nhà trống rỗng. Tôi đã có linh cảm từ trước nhưng không ngờ đột ngột đến vậy. Nó đến như cú đánh cuối cùng cuộc đời dành cho tôi để hạ gục tôi, một lần mãi mãi. Yên bảo rằng em sẽ đến nơi có nhiều hoa vàng, những đồng cỏ ấy luôn có mùi không biết hôi hay thơm mà em thấy dễ chịu. Em còn bảo đã xóa tất cả rồi, không còn lưu gì trên điện thoại nữa, đã cài đặt lại hoàn toàn và đưa bộ nhớ về số không. Tôi thì làm điều ngược lại, tôi chắt chiu gom góp mọi thứ, chỉ xóa đi tấm ảnh về chiếc bánh sinh nhật. Các anh nghĩ xem, chúng tôi liệu có khác nhau không?

Tôi ngồi bệt xuống sàn. Cuộc đời đã hạ đo ván tôi thật rồi. Giữa bộ nhớ máy tính và bộ nhớ trong đầu tôi, rốt cuộc cái nào mạnh hơn?

“Chúng tôi xin lỗi, thật sự xin lỗi, chúng tôi chỉ làm dịch vụ…”.

Phải rồi, chỉ là một dịch vụ. Tôi đứng lên, bây giờ tôi kiểm soát mình lại được rồi, không còn cảm thấy thứ gì chẹn ngang trong ngực nữa. Tôi nhớ ra mình cần thanh toán cho dịch vụ khôi phục bộ nhớ này. Lúc tôi chào họ về thì tay kỹ thuật viên gọi tôi lại.

“Anh à, tôi nghĩ là không cần phải xóa hết tất cả nhưng có thể ghi đè lên, ý tôi là có thể nạp thêm những thứ mới vào bộ nhớ đó anh. Mong anh sẽ ổn. Có cần gì, gọi tôi.”

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, nhìn rất lâu, ánh mắt này thật ấm áp. Tôi nghĩ mình hiểu những gì anh ta nói.

“Cảm ơn.”

Tôi nói rồi quay lưng đi thẳng. Biết mình vừa bỏ lại sau lưng những gì.

“Anh không lấy dữ liệu của mình nữa sao?”, anh ta gọi với theo.

“Không. Có lẽ tôi không cần chúng đến thế.”

“Vậy tôi xóa chúng nhé.”

Tôi khẽ gật đầu mà không quay lại. Bao lâu rồi tôi không biết nữa nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi nghe được tiếng bước chân mình, chúng gõ nhẹ trên vỉa hè. Chẳng có thứ gì mất đi cả, trong bộ nhớ của tôi, nhưng có lẽ bây giờ tôi cần một chút gì đó, chẳng hạn như thứ mùi không biết hôi hay thơm mà khiến lòng dễ chịu.

Lệ Hằng