Người Nghệ có nhiều phẩm chất nổi trội đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập và được nhiều người công nhận. Một trong những phẩm chất nổi trội, đánh giá cao: xứ Nghệ là vùng đất có truyền thống coi trọng sự học, thời nào cũng có hiền tài làm rạng danh quê hương đất nước: “Người thì thuận hòa mà chăm học… được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”[1].

1. Mỗi người sinh ra và lớn lên, dù bất kì thời nào, cũng gắn liền với “sự học”. Lúc còn nhỏ dại thì gia đình là trường học đầu tiên, cha mẹ là người thầy đầu tiên bày dạy cho con những điều sơ đẳng (ăn, nói, ngủ, vệ sinh thân thể… ), tuổi đến trường thì gửi nhờ thầy kèm cặp, dạy dỗ ở trường làng. Thời trước, các vùng miền trong cả nước, trong đó có xứ Nghệ, đã hình thành những người học chữ Nho tự phát ở các gia đình do các thầy đồ mở lớp; rất nhiều ông nghè ông trạng đã được trui rèn từ các hình thức “dân lập” ấy mà về sau đỗ đạt, hiển vinh. Về sau, sự học không còn mang tính cá nhân, nhất thời và tự phát như vậy mà mang tính xã hội, tính “công lập” chính danh, có sự điều hành của hệ thống quản lí, có đường hướng và phương châm giáo dục minh định hơn.

Sự học đó ban đầu là thụ động, do ý muốn của ông bà, cha mẹ (bắt đi học) với mong muốn con cháu mình bằng chúng bạn. Đến tuổi trưởng thành người ta mới bắt đầu chủ động: học là cho bản thân, cao hơn là muốn “vinh thân phì gia”. Theo quan niệm trọng nam khinh nữ thời phong kiến, việc học hành và việc nước là của đấng mày râu. Khi chiến tranh loạn lạc thì “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa” (Đặng Trần Côn) còn khi yên bình, “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Có người nhận xét: Ngày xưa, ông cha ta vốn không phải vì hiếu học mà học, họ vì ý chí làm quan mà học (Cao Xuân Hạo). Nhưng ngay cả khi quan niệm như vậy thì việc học cũng rất đáng coi trọng. Học lấy cái chữ của thánh hiền là một cái chuẩn để nâng “đẳng cấp”, đổi thay cuộc đời. Về sau, sự học không bó hẹp ở tính thực dụng trước mắt (làm quan) mà hướng tới mục tiêu vĩ mô hơn (chẳng hạn, để nâng cao dân trí, phục vụ xã hội); sự học không chỉ là nhu cầu của cá nhân mà còn là nghĩa vụ, một tiêu chí văn hóa trong xã hội. Sự học trở thành nguồn mạch bền sâu, tự giác và có ý thức: cầu tiến, ham học hỏi; sự ham thích học hành dần dần hình thành tính hiếu học.

“Hiếu học” là từ nói về một trong những phẩm cách tích cực của con người. Có thể hiểu “hiếu học” là sự mong muốn hiểu biết, ham thích học hỏi với tinh thần tự giác; là sự học tập đã thành một thói quen và được duy trì lâu dài. Nói cách khác, hiếu học là việc học tập trở thành một niềm ham mê, một nhu cầu của cá nhân và không chỉ của một người mà nó lan sang cả gia đình, dòng họ và quê hương. Hiếu học thành một phẩm chất, được xã hội tôn trọng, khuyến khích, truyền từ đời này sang đời khác.

Nói về sự hiếu học của thời trước thì không thể không nói đến sự “khổ học”, nhất là vùng có nhiều đặc thù như xứ Nghệ. Khổ học thể hiện ý chí bền bỉ, vượt khó vượt khổ, là sự khổ luyện của người học. Trong đêm trường nô lệ trước đây, làng quê ta ở đâu cũng xơ xác tiêu điều, “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên) nhưng điển hình nhất vẫn là xứ Nghệ. Đây là xứ đất trời không thuận, đời cha cho chí đời con “Xây cái sống nơi đầu gành cuối bãi/Đôi tay trần chống chọi với thiên nhiên” (Tế Hanh). Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn ấy không làm người ta nản chí, thối chí trái lại đó lại là động lực tức chí bấm chí để thoát nghèo. Thoát nghèo bằng nhiều cách. Người thì bám quê chân chỉ làm ăn: “Bởi anh chăm việc canh nông/Nên anh mới có bồ trong bịch ngoài/ Ngày mùa tưới đậu trồng khoai/Ngày ba tháng Tám mới ngồi mà ăn” (Ca dao); người thì rời quê đi làm thuê làm mướn, tha phương cầu thực: “Đói nghèo nên phải chia ly/ Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường” (Nguyễn Đình Thi)… Nhưng có một hướng thoát cảnh bần cùng “sáng nước” hơn, bền vững hơn là quyết học lấy cái chữ để đổi đời, chí ít thì cũng “khôn” hơn: “Đi cho biết đó biết đây/Ở nhà thầy mẹ biết ngày nào khôn” (Ca dao). Nhiều gia đình, dù túng thiếu đến mấy cũng quyết không để con cái thất học, mù chữ. Nhiều truyện Nôm do các nhà nho sáng tác nói về sự khổ học thành danh (“Tống Trân – Cúc Hoa”, “Phạm Tải – Ngọc Hoa”) lưu truyền trong dân gian thể hiện rõ điều đó. Câu chuyện con cá gỗ trước đây chắc có gốc từ thời các nho sinh nghèo đi học đi thi, nó trở thành một thành ngữ như là sự định danh cho người Nghệ với tính hai mặt: mỉa mai, cười chê tính tằn tiện, khắc khổ, keo kiệt (dân cá gỗ); nhưng mặt khác, “cá gỗ” còn có hàm ý khâm phục, tự hào (cá gỗ biểu trưng cho tinh thần hiếu học, vượt khó, cái khó ló cái khôn) và ngầm cả ý thành công (cá vượt vũ môn). Tôi nghĩ, nếu chọn một trong những khí chất nổi bật của người Nghệ thì tính chịu khổ, vượt khó có lẽ là rõ trội nhất. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh nhận xét: “Người Nghệ… luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. Họ chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn”[2]. Suy cho cùng, ý chí, nghị lực của con người quyết định thành bại của một cuộc đời, một sự nghiệp. Điều này lí giải vì sao ở khắp mọi vùng đất nước và cả ở nước ngoài, đâu cũng thấy người Nghệ lao động cần cù, chí thú làm ăn; ở đâu cũng có người đỗ đạt, làm quan (thời trước), học giỏi, chính khách, quan chức và các doanh nhân thành đạt, thành triệu phú tỉ phú (thời nay)…

Xin dẫn một vài số liệu để minh chứng cho kiết quả của sự khổ học, “Có chí thì nên”; “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Theo các tài liệu ghi lại, chế độ khoa cử ở nước ta bắt đầu từ thời Lý (năm 1075, đời vua Lý Nhân Tông) và kết thúc vào thời Nguyễn (năm 1919, đời vua Khải Định). Trong thời gian 845 năm các kì khoa cử, số người khoa bảng gốc Nghệ thường ở tốp trên, mở đầu từ ông Bạch Liêu (Yên Thành) đỗ Trạng nguyên vào thế kỉ XIII (1266). Trong 82 bia ở văn miếu ở Quốc tử giám qua 82 kì thi (từ năm 1442 đến năm 1779) có 57 bia ghi danh là người quê Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời nhà Nguyễn, riêng xứ Nghệ có 595 vị đậu cử nhân trong tổng số 882 cử nhân cả nước.

Với truyền thống hiếu học, thời nào cũng có số lượng đông đảo người khoa bảng, nhiều hiền tài đóng góp cho đất nước nên xứ Nghệ được mệnh danh là một trong những vùng “đất học” nổi tiếng. Ở nước ta có nhiều vùng được xem là đất học, như thành Nam (Nam Định), xứ Thanh, xứ Quảng… nhưng xứ Nghệ vẫn là vùng nổi danh hơn cả, là một trong bảy nơi được triều đình tin tưởng chọn làm trường thi. Vùng đất học có nhiều người đỗ đạt cao thời trước phải kể đến là Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc – Hà Tĩnh) nơi có nhiều người đỗ đạt thành danh (nổi tiếng khắp xứ thành câu tục ngữ “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”); Đông Thành (Yên Thành và Diễn Châu – Nghệ An ngày nay) nơi mở đầu cho thời kì khoa bảng; Nam Đàn vùng “tứ hổ”… Vùng đất học cũng là nơi có các dòng họ nổi tiếng truyền thống khoa bảng, tiêu biểu là họ Lê (ở Thiên Lộc – Can Lộc): hai anh em đỗ Tiến sĩ, họ Lê (Yên Thành): hai cha con đều đỗ Trạng nguyên, họ Hồ (Quỳnh Lưu và Yên Thành): dòng họ có thành tích khoa bảng đông đảo nhất. Các dòng họ khác, như: họ Nguyễn ở Tiên Điền – Nghi Xuân, họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu – Can Lộc… đều là những dòng họ nổi tiếng về khoa cử, hiền tài. Truyền thống hiếu học còn liên quan đến các gia đình trong họ trong làng. Có nhà cả ba thế hệ đều có người đỗ Trạng nguyên (như ba cha con ông cháu ở huyện Yên Thành là Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành). Tên tuổi của những người đỗ đạt được lưu truyền, ghi danh, được đặt tên cho các đường phố, trường học (như: Bạch Liêu, Hồ Tông Thốc, Phạm Kinh Vỹ, Nguyễn Thúc Tự… ).

Điều dễ nhận thấy là những vùng được xem là đất học lại phần lớn là những vùng quê khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, xa các trung tâm văn hóa đô thị. Quả thật, đi đến các vùng của xứ Nghệ, ta đều thấy hầu như gia đình, dòng họ, làng quê nào cũng có người đỗ đạt mặc dù họ sinh ra từ gia đình nghèo, sau này đỗ đạt thì cũng là những nhà nho nghèo. Dân gian còn lưu truyền câu đối nói đến cái thanh bần mà thành danh của các nhà nho: “Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”. Các nho sĩ đỗ đạt thành Trạng nguyên được vời ra gánh vác việc nước; còn những ông nghè, ông cử, ông tú, ông đồ được xã hội trọng vọng; họ không ra làm quan thì mở trường dạy chữ, bốc thuốc, ươm mầm gieo giống thúc đẩy sự học ở các miền quê. Các nhà nho, trong đó có những bậc khoa bảng nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu… đã góp công lớn đưa dân ca ví, giặm xứ Nghệ vốn nôm na bình dân mang màu sắc bác học (như: Phụ tử tình thâm, Thập ân phụ mẫu… ). Không những thế, như Bùi Dương Lịch đã chép lại, họ lại thường đem công việc tục lệ bàn thảo với dân làng, nên lễ nghĩa liêm sỉ địa phương trông vào đó trở nên tốt[3].

Xã hội Việt Nam có những thay đổi, biến chuyển mạnh mẽ về mọi mặt thời Pháp thuộc. Một thế hệ mới xuất hiện tiếp nhận nền văn hóa phương Tây, “hương đồng gió nội” của thời phong kiến – Nho học “đã bay đi ít nhiều”, thậm chí mai một, thay thế dần bằng Tây học. Tuy vậy, người xứ Nghệ vẫn giữ được cái cốt cách riêng có (như lời bài hát: “Dù cho bão nổi mưa sa/Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An”). Đó cũng là điều mà Bùi Dương Lịch tự hào khi viết trong Nghệ An ký: “Phong tục thuần hậu chưa từng bị gián đoạn bao giờ”. Trong các phong tục thầu hậu ấy có sự học. Những năm 30 – 45 của thế kỉ trước, cùng với phong trào cách mạng Xô viết, xu hướng Tây học, phong trào học chữ Quốc ngữ “giết giặc dốt” ngày càng lan rộng khắp xứ ta; truyền thống hiếu học, đạo học vẫn tiếp nối trong điều kiên mới. Nghệ An vẫn là vùng đất có nhiều người học giỏi. Năm 1928, có bốn người đỗ đầu kì thi tú tài Đông Dương (Nguyễn Văn Định, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Trần Văn Tỷ). Câu đối còn lưu truyền: “Hồng Lam chung đúc từ trước nhiều tài vui đón tân khoa về cựu tộc/Âu Á văn minh đến nay đồng hóa giương cao cờ đỏ dẫn thanh niên”. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, những người trí thức Tây học, tiếp đó là thế hệ trí thức được đào tạo ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng đông đảo, vừa hồng vừa chuyên, có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước (Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Nguyễn Đình Tứ… ).

Truyền thống hiếu học vẫn như mạch ngầm xuyên suốt các thời kì, càng được phát huy trong thời đại mới. Giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục của hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh luôn đứng ở tốp đầu trong cả nước về phong trào học tập, về chất lượng dạy và học. Nhiều tấm gương nhà nghèo vượt khó học giỏi, nhiều em đậu thủ khoa trong các kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh; rất nhiều học sinh xuất sắc đạt giải cao trong các kì thi quốc tế. Nhiều trường có chất lượng đào tạo tốt, là lá cờ đầu của ngành giáo dục, được học sinh và phụ huynh thừa nhận. Ở Nghệ An là các trường THPT: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập… ; ở Hà Tĩnh là các trường THPT: Trường chuyên Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng, Trần Phú và rất nhiều trường khác ở các cấp học trong hai tỉnh.

2. Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo bắt nguồn từ ý thức và quan niệm rất đúng đắn về sự học của người Việt Nam nói chung, người Nghệ nói riêng, là mạch ngầm xuyên suốt, không bị đứt gãy. Có thể nhận thấy, người Nghệ thời trước và thời nay có một đặc tính nổi bật, hầu như không thay đổi, là nuôi chí lập thân lập nghiệp bằng con đường học hành; tính ham học, hiếu học và chí vượt khó vượt khổ vẫn như ngày nào. Các phẩm chất đó luôn được tiếp biến và thích ứng, tạo thành bước chuyển sự học từ tinh thần hiếu học thành ý thức đạo học; nó làm sâu sắc thêm sự học và cách thức thụ đắc tri thức của người Nghệ trong thời đại có nhiều thay đổi, biến động.

Có thể hiểu “đạo học” là đường hướng, cách thức, phương châm (đạo) gìn giữ và kế thừa những phẩm chất và các giá trị tinh hoa khi tìm hiểu, khám phá và tiếp nhận tri thức (học). Cụ thể hơn, đạo học là i) con đường, chí hướng lập thân lập nghiệp bằng sự học tập, ii) là nhận thức đúng đắn về sự học: tôn trọng, khuyến khích sự học, xem học là một phẩm chất, một giá trị trong xã hội, và iii) có phương châm, triết lí về giáo dục. Đạo học được đề cập ở tầm giáo dục quốc gia hay ở một thời kì nhất định. Ở một vùng đất học như xứ Nghệ, nói về đạo học là đặt nó trong bối cảnh giáo dục chung, đồng thời chỉ ra những nét đặc thù, nổi bật của địa phương. Theo hướng đó, có thể nêu quá trình phát triển từ tinh thần hiếu học đến phương châm đạo học xứ Nghệ trong các giai đoạn vừa qua. Biểu hiện rõ nhất của đạo học là các quan niệm, ý thức về sự học đã hình thành và tiếp nối từ truyền thống và xây chắc ở hiện tại, là nói đến kết quả nổi bật và bền vững của việc học qua các giai đoạn khác nhau. Các kết quả nổi bật và bền vững về sự học của người Nghệ thể hiện sinh động qua các thời kì của lịch sử xã hội, từ thời Bắc thuộc (chế độ giáo dục phong kiến – Nho học) qua thời Pháp thuộc (chế độ giáo dục thực dân – Tây học) đến thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chế độ giáo dục xã hội chủ nghĩa). Những nội dung này, chúng tôi đã sơ bộ phân tích và minh chứng qua phần trình bày ở trên.

3. Xứ Nghệ, trải qua bao thiên biến của thời cuộc, vẫn là nơi nuôi dưỡng ý chí, chắp cánh cho khát vọng vươn lên, trở thành vùng đất nổi danh từ thời khoa cử phong kiến, đến thời kì giáo dục thực dân và càng phát huy trong thời đại mới. Sự học là một khái niệm bao hàm một quá trình học hành của con người cá nhân và con người xã hội, có cả mặt lý luận và thực tiễn, qua các thời kì trong mối quan hệ tương hỗ giữa các vùng miền và trong bối cảnh nền giáo dục chung của cả nước. Đề cập đến sự học liên quan đến truyền thống hiếu học, sự hình thành và vinh danh của một vùng đất học, nhân thể chúng tôi cũng lạm bàn thêm về đạo học như là một sự kế tục và phát huy tinh thần hiếu học của cha ông. Đó là quá trình từ cảm tính (thích học) đến ý chí tinh thần (hiếu học) và phương châm, nhận thức giá trị (đạo học); từ bị động (bắt học) và nhất thời (thích học) đến chủ động (tự giác) thành thói quen (hiếu học) và có đường hướng rõ ràng, luận lý thấu đáo (đạo học); từ tiếp nhận các điều sơ đẳng (chữ nghĩa trong sách vở) đến hệ thống tri thức mới mẻ, cập nhật thời cuộc (thực tiễn, thời đại). Tính hiếu học, tư tưởng đạo học là một phẩm chất tốt đẹp, quan yếu của cá nhân, gia đình và cộng đồng, là nền tảng cho sự thành công và phát triển xã hội một cách lâu dài và bền vững. Tinh thần và truyền thống ấy như một mạch nguồn trong lành, nuôi dưỡng bao thế hệ hiền tài đóng góp và làm rạng danh quê hương, đất nước.

Phan Mậu Cảnh

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 10.
  2. Vũ Ngọc Khánh, Văn học dân gian, Nxb Nghệ An, 2003, trang 109.
  3. Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018, trang 259.