Khi phân tích tác phẩm (tạm giới hạn trong hội họa giá vẽ), các nhà nghiên cứu phê bình nghệ thuật thường xuyên sử dụng hai thuật ngữ: ý niệm và biểu hiện có hàm nghĩa đồng nhất với tư duy và cảm xúc – hai nguồn mạch của đời sống tinh thần – được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật xuyên suốt lịch sử hội họa. Theo thời gian, người ta đi tới chỗ phân biệt rành mạch tới mức có thể gọi tác phẩm này là Nghệ thuật Ý niệm, tác phẩm kia thuộc trường phái Biểu hiện, thậm chí còn được ví như là hai dòng cổ điển và lãng mạn trong âm nhạc!

Mạch ý niệm có xu hướng đề cao vẻ đẹp tạo nghĩa của trật tự, là những dạng thức cấu trúc của tư duy, của logic thị giác. Với mong muốn đem lại hình hài cho các ý tưởng/quan niệm, nên có hơi hướng suy tính cân nhắc, gợi cảm xúc theo cách gián tiếp. Trong khi yếu tố biểu hiện lại ưu tiên các khả năng và phương tiện bộc lộ tình cảm trực tiếp, càng ngẫu hứng, phong phú càng hay!

Yếu tố thứ ba: biểu tượng, là những hình ảnh hoặc trật tự hàm chứa ý nghĩa trong ngôn ngữ tạo hình, gợi ra những ý tưởng, kết nối tư duy và cảm xúc.

Vẫn biết rằng trong nghệ thuật, phân tích, mổ xẻ rồi phán đoán luôn là câu chuyện hai mặt. Một mặt, rõ ràng sẽ mang lại kiến thức, rèn giũa năng lực cảm thụ; mặt khác lại khiến cho những trạng thái cảm xúc của chúng ta đứng trước nguy cơ bị tiêu trừ, “ma lực” suy giảm. Song làm sao có thể khác nếu con người ta không muốn lạc lối trong mớ bòng bong ngôn từ thuần trực cảm hoặc tụng ca, bí hiểm đến độ kín bưng hũ nút!?

Trên thực tế, hai phẩm chất ý niệm và biểu cảm không loại trừ nhau, chúng luôn đồng hành trong quan hệ tương hỗ và có mức ưu trội khác nhau trong những tác phẩm cụ thể.

Ngoại trừ những nghệ sĩ yêu thích và có chủ đích đẩy nghệ thuật của mình đi tới các cực điểm: hoặc là ý niệm, hoặc là biểu hiện bằng cách quy giản tối đa mặt này hoặc mặt kia; chúng ta lại thường xuyên bắt gặp các tác phẩm nằm trong khoảng dao động (hoặc hòa trộn) giữa hai phẩm chất đó. Vậy, trong khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, toàn bộ các yếu tố nêu trên sẽ dẫn dắt chúng ta theo con đường nào?

Lấy hai hình vẽ đầu người của Picasso làm minh họa giúp ta dễ bề so sánh và nhìn ra mối liên hệ giữa chúng với nhau: đó là bức Đầu một người đàn bà (hình 1) và bức Người đàn bà khóc (hình 2).

Phẩm chất biểu cảm (thường gọi là biểu hiện) luôn gắn liền với cảm xúc – là những thái độ mang nhiều cảm tính, từ bình thản tới âu lo, hoan lạc hoặc đau khổ, bi quan cho tới lạc quan… tất cả đều có thể được biểu lộ trong các tác phẩm nghệ thuật. Hai hình ảnh dưới đây cho thấy có thể đạt được trạng thái biểu cảm như vậy bằng hai phương cách. Trong trường hợp đầu (hình 1), đó là dựa vào bản tính linh hoạt đầy sinh lực của những dấu vết tạo hình (đường nét, vạch, chấm…), họa sĩ đã thực hiện hình vẽ với tốc độ cao, thao tác ngẫu hứng không chút đắn đo, do đó tỏ bày được cảm xúc mãnh liệt của mình. Sự thôi thúc đã mang lại sức sống tinh thần phong phú cho phần đầu và mặt một người đàn bà, gợi ra cảm giác về một tính cách tươi trẻ, sống động.

Để đạt được điều này rất dễ nhận thấy rằng, tác giả ít quan tâm đến sự rõ ràng, trật tự của hình thể và sự suy tính về mặt cấu trúc. Sự vững chắc và chính xác trong hình hài của cái đầu gần như bị buông lơi. Nhưng, như người ta vẫn thường nói: được cái này thì phải mất cái nọ, một khi theo đuổi khả năng biểu cảm nhờ thủ pháp vẽ linh hoạt và tùy hứng, khi ấy, trật tự đành chịu rớt xuống hàng thứ yếu.

Một trong những biến thể của Người đàn bà khóc

Trái lại, nếu bàn về bức Người đàn bà khóc (hình 2) ta sẽ thấy, ngay cái tiêu đề của bức tranh đã tự chứa đựng cảm xúc – song cách xử lý tạo hình lại chẳng có chút bột phát, phóng khoáng nào; hành động vẽ đã được kiểm soát kỹ và có chủ ý đi theo một trật tự riêng. Hình thức tổng thể không bộc lộ vẻ khoáng hoạt giống như bức vẽ trước mà được xác định rõ ràng. Vậy nếu không có khía cạnh diễn cảm ở những dấu vết tạo hình thì những xúc cảm như thế được thể hiện theo cách nào? Lời giải đáp sẽ nằm ở sự bóp méo biểu cảm (expressive distortion) chính bản thân cái đầu người. Tác giả đã cường điệu một số đặc điểm trên khuôn mặt rồi bố cục lại các nét mặt, nghĩa là trình bày lại cái cấu trúc xương cốt tựa như “địa hình” của hộp sọ nhằm gợi tả một gương mặt vừa quay nghiêng vừa nhìn thẳng, đầy đủ các bộ phận được lồng ghép vào nhau, biểu thị theo quan niệm đồng hiện – không bộ phận nào bị che khuất dù chỉ ở một góc nhìn – một cấu hình mới mẻ đã ra đời, bao gồm các diện phẳng và mặt cong. Các góc như có lực đẩy của hình ảnh vặn vẹo dị thường này tạo ra sự nhấn mạnh thể chất cho phần xương cốt. Rõ ràng, sự bóp méo chức năng sinh lý của cơ thể theo cách đó khiến ta liên tưởng và cảm giác được nỗi đớn đau mãnh liệt về tâm lý. Nếu chưa đủ, thì còn có thêm cái miệng với cặp môi mở rộng, đang cùng quẫn cắn chặt lấy một chiếc khăn tay. Vì vậy, tính chất phi tự nhiên đến độ xù xì góc cạnh vượt ra khỏi sự cân xứng của cái đầu người, sẽ cho ta nhìn ra được nỗi khổ đau và truyền đạt được sức mạnh của cảm xúc. Rất khác với sinh lực tạo hình trong đường nét và dấu vết của bức vẽ trước (hình 1).

Hơn thế nữa, hiệu quả gây tác động mạnh của bức vẽ này không hoàn toàn chỉ do sự bóp méo biểu cảm, mà còn do một hình ảnh đang gây ảnh hưởng như một chất xúc tác – nhân tố biểu tượng. Chúng ta nhìn nhận những dòng lệ đang rơi mang hình thù giống như đinh sắt kia thực chất là gì? Tác giả đã thể hiện chúng ở những vị trí đâm vào, hướng theo trục dọc giống như trạng thái đeo đẳng – tự thân những nét vẽ đinh ấy đầy hiệu quả biểu lộ một nỗi đau. Một khi chúng ta nhận ra đó là những “đinh sắt” thì một tiến trình nhận thức mang tính biểu tượng, chứ không phải biểu cảm, bắt đầu diễn ra. Những chiếc đinh làm nảy ra những ý tưởng – gắn với tính chất sắc nhọn, sự đâm sâu, cảnh khổ nạn, tình trạng bị tổn thương – những hình ảnh trong tâm trí ấy hẳn nhiên có liên quan tới ý niệm của chúng ta về cảm xúc bi thương trong cuộc đời.

Picasso dùng hình ảnh chiếc đinh sắt như là một biểu tượng; và dĩ nhiên, người xem sẽ bất giác đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó, để rồi tâm trí mọi người sẽ cùng nảy ra những ý tưởng tương tự nhau bởi lẽ phần lớn chúng ta vẫn thường có trải nghiệm giống nhau trong quá trình sống. Những ý nghĩ như thế làm tăng lên phẩm chất biểu cảm của hình vẽ, thêm khía cạnh “ý niệm” cho một thứ “cảm xúc”!

Câu hỏi được đặt ra là: khi nào thì một chiếc đinh không còn là đinh? Và câu trả lời hẳn sẽ là: khi nó biểu tượng hóa cho nỗi sầu muộn đến tái tê của con người!

Chẳng dễ dàng để “nghĩ ra” được các biểu tượng, song ta sẽ có cơ may được chúng tự loan báo ở mức sâu sắc và bất ngờ một khi có đủ nhiều trải nghiệm, hòa nhịp cùng trạng thái say mê cuốn hút trong công việc hay trong chính cuộc sống.

Vương Tử Lâm