Cửa sổ nhà Hiền đóng chặt mấy thì cái mùi phân lợn, phân gà, phân bò của nhà bà Đào hàng xóm vẫn cứ len lỏi luồn lách qua phòng thay đồ, phòng khách, phòng bếp rồi vô tận phòng ngủ; thậm chí còn len vào cả những bữa cơm. Ăn vội cho qua, nói chuyện cho quên, cười cười cho bớt… Hiền gọi thợ đến lắp thêm rèm cho kín mà cũng chẳng ăn thua gì. Lắp hai lần cửa cả gỗ, cả kính, mà cũng chả thấm vào đâu.

Trước khi có dịch Covid, chồng Hiền đi làm ở thành phố, Hiền làm ở công ty cách nhà mươi cây số. Hiền đi làm sớm tối, thỉnh thoảng về buổi trưa, tối có khi khuya mới về. Hai đứa con của Hiền cũng đi học chính, học thêm cả ngày, tối làm bài tập, xem tivi, ngồi máy tính, rồi cũng khuây khuây. Nay dịch, công ty cắt giảm nhân công, hai vợ chồng ở nhà. Thôi cũng là cơ hội để vợ chồng con cái có thời gian bên nhau, hiểu nhau, yêu thương nhau hơn. Coi như là một sự bù đắp vậy. Thế mà cái mùi ngấy ngấy, thum thủm, đắng gắt ấy của nhà hàng xóm làm cho cuộc sống nhà Hiền tê tái, chỉ nhìn nhau thở dài lắc đầu ngao ngán. Chồng Hiền nghiến răng kèn kẹt, rít lên: “Không thể sống thế này được nữa!” rồi vẽ ra một lối thoát: chuyển nhà. Hiền bảo:

– Anh dám không? Anh có đủ tiền không? Có dám bỏ ông bà bên cạnh để đi không? Dịch dã thế này có chỗ nào mà đi chứ?

Anh chồng mắt lóe lên “Phải sang nhà hàng xóm nói chuyện cho ra nhẽ! Sống phải biết điều chứ! Muốn tiêu cuộc sống của người ta chắc!”

– Sống được hơn mười năm rồi, gắng thêm chút có là bao. Vợ chồng mình vẫn sống được. Con mình vẫn lớn khỏe, sống vui vẻ. Anh cố chờ đi. Em tin là về già, hàng xóm sẽ tặng anh một vườn hoa ngát hương. Anh chồng lắc đầu lè lưỡi chậc chậc.

Chồng Hiền rất thích ăn canh vông vang chua, với gì cũng được. Một nắm tép đồng; một nắm moi biển; cá khô, mực khô xé nhỏ; cua đồng, ghẹ biển, cá tràu, cá rô đồng, rô phi… đều thích hết. Nếu không thì chỉ một thìa ruốc hôi, ngon phải biết! Cái vị chua thanh vô đến đâu là kích thích vị giác đến đó, lôi cuốn lạ thường. Bờ tường giữa nhà Hiền với hàng xóm vông vang nhiều vô kể. Quanh năm xanh um tươi tốt. Thân cây vươn cao vươn dài, lá xanh một cách đáng ngờ và dày dặn sức xuân. Chỉ nhìn thôi, nước miếng cũng theo dòng mà tuôn chảy khi hình dung ra vô khối món canh chua… Có hôm, Hiền thấy chồng đứng ghé mắt qua rèm cửa sổ nhìn vẻ thèm thuồng. Chỉ thèm vậy thôi chứ không ăn. Ăn sao được khi những lá vông vang xanh mướt xức lên mình cái mùi hôi thối ấy hàng ngày hàng đêm, hàng năm hàng tháng. Nó xanh, nó tốt đến vậy cũng vì cái mùi khủng khiếp ấy. Dường như lá nó cũng chẳng khi nào héo úa. Và đặc biệt, cả bờ vông vang phủ kín mà chưa thấy khi nào trổ hoa… Hiền bảo chồng: “Hay ta phá đi anh?” Chồng Hiền quắc mắt: “Không được. Ít ra nó cũng ngăn bớt cho mình…” và lảng sang chuyện khác.

Minh họa: Đình Truyền

Bão số 5 gây mưa ngắt quãng và gió cũng không nhỏ. Hai vợ chồng Hiền nằm thao thức nghĩ đến quần áo mới phơi, sợ nhà dột, sợ gió lùa qua cửa, sợ mấy cây cải non ngoài vườn phía bắc bị dập cho dù đã phủ rơm. Nghĩ đến Sài Gòn dịch chưa có dấu hiệu giảm, sợ những người về quê không khai báo, không cách ly kịp thời, lo hai đứa con ngày mai đi học trong mưa trong gió. Lo không biết bao giờ công ty của mình mới cho đi làm trở lại… Rồi cả vợ cả chồng đều tự an ủi: Mọi việc rồi sẽ ổn! Cây non rồi cũng phải chống chọi với mưa gió mới cứng cáp lên được. Con cái của mình cũng phải dầm gió dầm mưa để thích nghi. Cánh cửa đóng lại rồi cũng có lúc mở ra. Miễn sao cả nhà đều an toàn, khỏe mạnh. Niềm an ủi đưa họ vào giấc ngủ.

Đang ngủ ngon, chồng Hiền bật dậy bởi tiếng đập cửa cổng dồn dập và tiếng kêu khẽ nhưng rất đanh, rõ. Hiền cũng nhỏm dậy. Hai vợ chồng lò dò ra cổng. Ngoài cổng là bà Đào, giọng van lơn tha thiết:

– Chú Hoàng ơi, chú cứu ông nhà tôi với! Ông ấy đau bụng sắp chết rồi. Mồ hôi chảy, chảy nhớt chảy dãi ra… Xóm ta chỉ có nhà chú có xe hơi. Nhờ chú sang chở ông nhà tôi vô viện với…

Hiền vừa cầm ô vừa mở khóa cổng. Trong ánh chớp loang loáng và lất phất mưa, bà Đào mặt nhớt dãi, mắt lồi ra cầu cứu. Hiền bảo ngay:

– Được, được, bà yên tâm. Anh nhà tôi sẽ chở…

– Chở cái gì…! – Hoàng rít lên khe khẽ và quay ngoắt vô nhà.

Trước mắt anh, hình ảnh nhà hàng xóm hiện lên thật kinh tởm. Ông chồng cụt một tay, mắt thao láo, trăng trắng, trợn trợn, chửi rủa, sùi bọt mép, quệt nước miếng, nhổ khạc đờm bừa bãi… Người vợ trắng trẻo, thanh mảnh nhưng cái miệng ngoác ra như con nhái khi bị người ta dí cái lưng vào sát mặt đất, sắp chết đến nơi. Răng vừa vàng vừa trắng nhe ra như chó dại khi bị ông chồng đánh chửi và chửi lại. Cái mùi phân kinh tởm…

Hiền chạy theo chồng trong khi người đàn bà hàng xóm đứng nép vào cổng, run rẩy.

– Anh không đi thì em đi! – Hiền nói với theo, dứt khoát.

Chồng Hiền thoáng chậm lại, lòng hơi dịu đi. Hình ảnh vợ mình đi trong đêm đen mịt mù, chốc chốc có một trận mưa, chốc chốc có một cơn gió như hăm dọa. Chiếc xe con nhỏ bé với ánh sáng yếu ớt trước những con xe container khổng lồ lấn lướt, chệnh choạng…Chỉ thế thôi, anh đã thấy không cam lòng.

– Thôi được. Anh đi! – Hoàng vừa nói vừa đi thay quần áo.

Hiền chạy ra cổng bảo bà Đào nhanh chân về chuẩn bị, anh nhà tôi sẽ qua liền. Rồi vào nhà lấy nước, áo khoác, khăn ướt, khẩu trang, bỏ vào xe; giày, tất để sẵn. Kiểm tra nước sát khuẩn trong xe, chìa khóa xe, bỏ vào xe hai củ tỏi, bỏ vào ví chồng bốn tờ 500 nghìn đồng. Mở toang hai cánh cổng. Trời vẫn lất phất mưa. Và gió. Và chớp…

Hoàng vòng sang cổng nhà hàng xóm. Rất đông người đang ở đó ngóng anh. Mọi người dìu ông Đào lên xe trong khi anh mở giữ cửa xe. Rồi chăn, chậu nhỏ, chai nước, mấy cái túi ni-lông nhét đầy đồ, nhanh chóng được đẩy vào xe. Hoàng lên xe, cho xe chạy, mang theo tiếng cảm ơn rối rít, lời thán phục: “May quá, may có hàng xóm tốt”, “Anh Hoàng tốt quá! Tốt thật!”…

Ông Đào rên hự hự, đứt quãng, quằn quại, nước dớt nước dãi trào ra. Hoàng ngồi trước, tưởng tượng đến cái xe của mình đầy dớt dãi, mùi phân bò phân lợn…Nhưng rồi anh lắc đầu rảy mấy cái ý nghĩ cố hữu đó ra, hít thở thật sâu… Bà Đào đỡ ông Đào ngồi, dần dần đỡ ông nằm gối đầu lên đùi mình, vỗ lưng cho ông, bóp chân bóp tay, vỗ về ông. Bà hát khe khẽ:

“Lấy chồng ơ ớ thì phải theo chồng…
Chồng đi hang rắn ơ hờ hang rồng cũng đi.
Vợ chồng đầu gối má kề
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang…
Người ta thích lấy nhiều chồng
Tôi đây chỉ thích một ông thật bền…
Thật bền như tượng đồng đen
Trăm năm quyết với cùng em một lòng ơ ờ ơ…”

Hoàng bĩu môi. Từ nhỏ, bao lần Hoàng cùng em gái trốn mẹ ghé qua cửa sổ nhìn sang nhà hàng xóm xem hai ông bà chửi nhau, đánh nhau. Đến đoạn bà xông vào cào cấu ông, ông xé quần áo của bà thì Hoàng bịt mắt em gái lại, lôi em ra khỏi cửa sổ nhà mình. Cho đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, tóc bạc nhiều hơn tóc đen, ông bà vẫn cứ đánh nhau, chửi nhau không dứt. Chỉ có điều, bây giờ, giọng bà bao giờ cũng to hơn, đanh hơn, còn giọng ông thì thầm, chì chiết. Nếu có dùng tay dùng chân thì cũng là bà. Bà xô cửa. Bà ném đồ. Bà dắt xe máy ra sân, đẩy cho nó ngã lăn cù chiềng. Bà dùng gậy phang chết mấy con gà, con ngan, có khi cả con chó. Cứ mỗi lần nghe giọng bà tru tréo lên là đứa con gái của Hoàng bảo: “Lại bắt đầu!” Rồi có nhiều lúc, nó cũng dắt anh nó trèo lên bàn, ghé mắt qua cửa sổ xem, thì thầm, rồi cười theo cách của trẻ con. Bởi thế, từ nhỏ, Hoàng chẳng bao giờ sang nhà hàng xóm chơi, hay lân la xin khế, xin sung như mấy trẻ con nhà khác, mặc dù, cây sung, cây khế nhà bà Đào cứ đến mùa là lúc lỉu. Hoàng nhớ có lần mẹ anh đang nấu cám lợn ngoài chái bếp. Rơm lúc cháy nghi ngút sém cả tóc, cả lông mày; lúc lại tậm tậm tịt tịt, khói um, cuộn lên khi gặp gió, tràn lên sang cả nhà hàng xóm. Tiếng qua, tiếng lại, ông Đào một tay vác dao chạy xộc sang dứ vào cổ mẹ dọa “giết cả nhà mày”…

Ghế sau, tiếng rên đứt quãng của ông Đào làm cho tiếng vỗ về, tiếng hát như đọc của bà Đào lộn xà lộn xộn. Mưa lúc to, lúc nhỏ, lúc tạnh; gió long dong trong chớp loang loáng. Hoàng ngáp mấy cái nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, tay lái vẫn mượt.

Khi gần đến cửa ngõ thành phố thì gặp chốt. Hoàng nhìn đồng hồ, đã hơn 1 giờ sáng. Hai cảnh sát giao thông đứng trước chốt. Một người vừa rọi đèn sáng loáng vừa giơ dùi cui ra hiệu dừng xe. Trống ngực Hoàng hơi rộn. Tiếng rên, tiếng đọc, tiếng hát trong xe im bặt. Theo yêu cầu, Hoàng đưa giấy tờ và trình bày rằng xe chở người đi cấp cứu. Họ yêu cầu anh xuất trình giấy xét nghiệm covid, nếu âm tính mới được vào thành phố. Anh gãi đầu ấp úng:

– Bố tôi đau dữ quá, phải đi cấp cứu, không kịp chuẩn bị gì, mong các anh giúp đỡ!

Phía sau xe, ông Đào cũng cất tiếng rên rất dữ và bà Đào cũng lên tiếng vỗ về. Hai cảnh sát đề nghị anh quay lại một bệnh viện cách thành phố khoảng 3 cây số, xét nghiệm, chờ lấy kết quả, nếu âm tính thì quay lại, cho qua chốt. Hoàng hoảng hốt, lo lắng thực sự. Anh đưa tay mở cửa định xuống xe trình bày nhưng một cảnh sát khoát tay ra hiệu anh ở nguyên trong xe, không được xuống. Anh khẩn khoản nhưng nói rất rõ ràng:

– Thưa các anh, đây là bố mẹ tôi. Bố tôi nghi là đau ruột thừa, phải cấp cứu gấp, nếu không thì quá muộn. Tôi xin các anh!

Anh cảnh sát ngập ngừng, rọi đèn, ngó vào ghế sau, nhìn thấy ông Đào vừa rên, vừa nấc, vừa giãy quằn quại, bảo: “Chắc là bị đau ruột thừa rồi! Đi nhanh đi!” Và ra hiệu mở chốt. Hoàng thở phào.

Vào đến cổng bệnh viện, người ta yêu cầu anh phải test nhanh, cho phép anh “đưa bố vào phòng cấp cứu”, nhận kết quả âm tính mới được ra khỏi bệnh viện. Anh test nhanh, đưa hai ông bà vào phòng cấp cứu, đi làm thủ tục, nộp tiền viện phí, lấy thẻ người nhà, lấy đồ bệnh nhân giao hết cho bà Đào. Anh nấn ná ở lại, coi tình hình ông Đào thế nào nhưng người ta đuổi anh ra. Bệnh viện quy định, mỗi bệnh nhân chỉ được duy nhất một người nhà chăm sóc. Anh ra về, lòng đầy boăn khoăn, lo lắng như thể đó chính là bố mẹ mình…

Hoàng được công ty gọi đi làm, nhưng phải theo quy định “3 tại chỗ”.

Thành phố anh công tác từ vùng đỏ chuyển sang vàng, cam và bây giờ là vùng xanh. Sau gần một năm, anh mới được về nhà, vào đúng bữa cơm trưa.

Bữa cơm đón chồng, Hiền đãi món canh vông vang nấu cá tràu sông mà chồng rất thích. Hoàng vừa ăn vừa gật gù, xuýt xoa. Bát canh vừa ngon vừa đẹp. Màu vàng óng của nghệ, màu vàng rộm của hành tăm phi, màu đỏ thắm của ớt, màu xanh nhuốt nhuốt của vông vang, màu trắng nõn của gốc hành, những khúc cá tràu sông được rán sơ săn chắc, dậy màu, dậy mùi, thơm lạ. Cả nhà vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Khi nói đến món canh, Hiền vừa nháy nháy mắt tinh quái vừa bảo chồng:

– Em hái vông vang ngoài bờ nhà mình đó. Ngon phải biết!

Nghe đến đó, bao nhiêu cơm, canh trong miệng Hoàng văng ra tứ tung. Văng xuống đất, lên quần áo, vào cả những món ăn trên bàn. Hiền phát hoảng. Con trai lo lắng:

– Bố làm sao thế mẹ? Bố bị ốm rồi!

– Đúng vậy. Bố bị ốm các con ạ! Bố vừa đi xa về nên rất mệt!

Mặt Hoàng cau có, đỏ tía, rồi tím bầm giận dữ. Cái mùi phân lợn quện với phân gà, phân bò, nước dớt nước dãi; lồng trong những tiếng chửi tục tằn và cả những hình ảnh thô thiển của nhà hàng xóm hiện lên sống động trong anh. Anh nổi khùng quát vợ:

– Em làm cái quái gì thế? Muốn giết anh à?

Hiền vừa rối rít xin lỗi chồng vừa lấy khăn lau bàn, lau quần áo cho chồng, lau sàn nhà đầy thức ăn vung vãi. Khi chồng đã nguôi nguôi, Hiền lại mỉm cười thích thú:

– Nay khác rồi anh ơi! Em giấu anh để tạo bất ngờ cho anh đó!

Rồi cô tỉ tê:

– Từ lúc anh về, có còn thấy cái mùi… cái mùi… như trước đây nữa không nào?

– Vẫn cái mùi khủng khiếp ấy! Có gì khác đâu chứ! Đồ quỷ! – Hoàng càm ràm.

– Đó là anh bị ám ảnh đấy thôi! Anh có biết vì sao ông Đào bị mất một tay không nào?

– Không biết!

– Đó là vì khi lên mười hai tuổi, nhà cụ Mân, hàng xóm của ông Đào bị cháy. Bà cụ thì bị mù. Cả làng đến chữa cháy nhưng không ai dám xông vào cứu người, vì cái nhà tranh giống như một mồi lửa ấy. Chỉ có ông Đào, lúc đó mới có mười mấy tuổi thôi, xông vào đám lửa, bồng được cụ Mân gần thoát khỏi đám lửa thì cái kèo gỗ rớt xuống phang trúng cánh tay, sau này phải cắt bỏ. Anh không tin á? Anh sang nhà mấy cụ ông, cụ bà mà hỏi coi!

– Anh chẳng cần hỏi ai cả.

Nói rồi Hoàng đứng dậy, bước ra sân.

Ánh nắng giao mùa từ hạ sang thu vàng lấp lánh, tinh nghịch trước mắt anh. Anh nhìn ra đầu hồi nhà mình, ra bờ rào nhà mình, và ngẩn người ra. Những bông hoa vông vang nở vàng rực rỡ, thắm thiết, rung rinh trên nền thảm lá xanh rờn hình chân vịt. Anh thốt lên:

– Kỳ diệu quá! Đẹp quá!

Anh nhìn sang nhà ông Đào thấy một vườn rau xanh biếc, tươi tốt, gần đến kỳ thu hoạch. Luống cải bẹ Hà Nội, bẹ đã cứng cáp. Luống su hào củ bằng nắm tay. Luống súp lơ hoa bằng cái bát. Luống rau mùi, húng quế, mùi tàu đã mẩy cây. Luống cà chua có vài quả ương ương, xanh xanh đỏ đỏ… Một khu vườn đẹp như bức tranh mà người họa sĩ tài năng quên đặt vào trên giấy vẽ. Không còn dấu vết của khu nhà đầy chuột, nuôi lợn, nuôi gà, nuôi bò bừa bộn, bẩn thỉu nữa.

Anh hình dung rất rõ hình ảnh người hành xóm cụt một tay, một tay xách ô doa tưới vườn, bắt sâu, nhổ cỏ. Những cánh hoa vông vang mịn màng, lúc e ấp, khi bung mình trong nắng. Và vợ anh đang nhìn anh cười đầy tinh nghịch…

Trương Nguyên Loan