Hàng trăm lần đi trên các chuyến xe hay chuyến tàu Vinh – Hà Nội rồi Hà Nội – Vinh, qua Quỳnh Lưu, quê hương cũa nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà mãi khi sắp chạm tuổi bảy mươi, tôi mới có dịp về thăm nơi đây và thắp nén tâm hương để tưởng nhớ Người.
Ấy là vào giữa đông năm 2015, khi mùa hoa hướng dương sắp nở rộ. Đoàn nhà văn của Chi hội của Hội nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đi thực tế tại Hoàng Mai do nữ nhà văn, Chi hội trưởng Đàm Quỳnh Ngọc làm trưởng đoàn. Tham dự đoàn còn có một số hội viên khác của Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An: nhà thơ Đình Anh, nhà văn Phan Thị Thanh Bình… Không đi thẳng theo con đường quốc lộ số 1 ra Hoàng Mai mà trước hết, đoàn ngược lên Thị xã Thái Hòa – thủ phủ của miền đất đỏ Phủ Quỳ ngắm hoa hướng dương trước. Lúc đó vào cuối tháng mười một dương lịch, hoa hướng dương mới nở rộ nên các đoàn đến ngắm hoa chưa nhiều.
Chúng tôi ngây ngất trước những thảm hoa vàng rực dưới chân đồi, mỗi bông hoa như một chú mặt trời vàng tí xíu nghiêng đầu lên nhau chạy thẳng tới chân trời. Mỗi lần gió thổi lên, thảm hoa dập dờn như sóng biển. Tận bây giờ tôi mới cảm nhận được thế nào là biển hoa. Không còn một chỗ cho màu xanh của lá, chúng bị dìm đi trong sắc vàng óng ả của hoa.
Người ta trồng hoa không phải để cho khách du lịch tới ngắm, mà để nuôi bò sữa. Nhưng vẻ đẹp của hoa hướng dương đã cuốn hút hàng vạn khách du lịch từ khắp nơi đổ về, kể cả các du khách từ thủ đô Hà Nội xa xôi.
Cái đẹp của hoa là thế, nhưng chúng tôi còn yêu vẻ đẹp của tình người ở đây hơn. Đoàn được Hội văn nghệ Thái Hòa đón tiếp thật nồng hậu, hướng dẫn rất chân tình. Hội trưởng lúc đó là bác Dương Tiến Ngọc, tuổi đã gần tám mươi vẫn còn xông xáo nhiệt tình với công tác hội, xứng đáng là con chim đầu đàn.
Tôi ấn tượng nhất với cố thi sĩ Chu Vĩnh Phương, cũng đã qua tổi xưa nay hiếm nhưng vẫn say sưa sáng tác và các công tác hoạt động của Hội. Đoàn chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng anh, một ngôi nhà đẹp và ấm cúng. Buồn thay chỉ vài năm sau đó, anh đột ngột ra đi. Mỗi lần nhớ tới anh, không khỏi bồi hồi với những tình cảm chân tình anh dành riêng cho tôi: Thơ và toán học/ Nửa thực nửa mơ/ Chiếc xe đạp rách/ Guồng quay đôi bờ / Âm dương đôi nẻo/ Bến bờ xa xăm/ Giảng đường Tiến sĩ/ Vỉa hè Thi nhân/ Người, xe cũ kỹ/ Dong dong cõi trần/ Sá chi hạt bụi/ cứa mòn gót chân
(“Khi mùa xuân đi qua”, NXB Nghệ An, 2004).
Sau khi ngắm hoa hướng dương, chúng tôi thẳng tới Thị xã Hoàng Mai. Anh Võ Văn Dũng, Phó bí thư Thị ủy (nay là Bí thư) và các nhân viên của thị ủy tiếp đón chúng tôi thật chu đáo. Buổi sáng, chúng tôi được trực tiếp nghe báo cáo về quá trình thành lập Thị xã và phương hướng đưa Thị xã tương lai trở thành khu công nghiệp phát triển của bắc Nghệ An. Thị xã thành lập vào ngày ngày 3.4.2013 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Hoàng Mai và chín xã bắc Quỳnh cũ.
Sau đó, anh Dũng trực tiếp đưa chúng tôi đi tham quan nhiều nơi, ấn tượng hơn cả là Hồ Vực Mấu, một hồ nhân tạo lớn nhất Nghệ An được xây dựng từ những năm 1978. Đứng trước một hồ nước nhân tạo rộng trên 1.000 ha, dài gần 1km cung cấp đủ nước cho mười xã huyện Quỳnh xưa thuộc Hoàng Mai nay được đào đắp chủ yếu với bàn tay của con người nơi đây mới thấy sức mạnh vĩ đại của nhân dân.
Hôm đó trời nắng đẹp, chúng tôi đứng trên đập nước cạnh bờ hồ phóng tầm mắt nhìn ra mặt hồ rộng mênh mông. Bên kia hồ những rặng núi chạy dài sát biển tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Đồng chí Phó bí thư cho biết Hoàng Mai có nhiều tiềm năng du lịch, mà Hồ Vực Mấu sẽ là một điểm du lịch trong tương lai.
Rồi đoàn đến thăm Đền Cờn, ngôi đền thiêng nhất Nghệ An: “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Ngôi đền chính (Đền Cờn trong) nằm cận biển, sát núi, trên gò Diệc, dưới bóng cây cổ thụ, hướng mặt ra dòng Mai Giang thơ mộng, Đền mẫu Cờn Nghệ An có phong thủy đẹp, thế đứng giống đầu chim phượng hoàng với hai cánh là hai đồi cát giăng dài phía sau đền, hai mắt phượng là giếng. Đò và giếng Đình nằm trên hai ngọn đồi này. Ngoài ra còn có đền phụ nằm bên bãi biển Quỳnh Phương (Đền Cờn ngoài), cách đền chính chừng 1km.
Theo truyền thuyết, đền thờ Tứ vị Thánh Nương. Theo thần phả tại đền và một số tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, có ghi: Vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), quân Tống thất bại trong trận chiến Tống – Nguyên, vua Tống Đế Bính cùng quan quân tự vẫn. Thái hậu Dương Nguyệt Quả, cùng 2 công chúa Triệu Nguyệt Khiêu, Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu cũng nhảy xuống biển tự vẫn, thân xác trôi dạt đến cửa Cờn, được người dân nơi đây vớt lên chôn cất và thờ tại Đền. Đền được xây dựng từ thời vua Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 19 (1331), trải bao triều đại và sau mấy lần trùng tu, trở thành ngôi đền linh thiêng vào loại bậc nhất Xứ Nghệ.
Trên đường từ Hoàng Mai về Vinh, đoàn vào Quỳnh Đôi để thắp hương cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một trong ba thi hào dân tộc. Mộ của nữ sĩ sát đường làng chạy từ đường quốc lộ vào, khá đẹp, văn bia được khắc bằng 4 thứ tiếng: Việt, Trung, Anh, Pháp. Cạnh mộ bà còn có mộ của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu và Liệt sĩ Cù Chính Lan.
Đoàn còn vào tham quan và thắp hương tại nhà họ Hồ, một dòng họ nổi tiếng bậc nhất Nghệ An. Trên văn bia Họ Hồ cho hay cho hay, ngoài nữ sĩ Hồ Xuân Hương còn nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam như Hồ Quý Ly, Quang Trung Nguyễn Huệ (Hồ Thơm), Hồ Chí Minh… cũng gốc từ đây. Tôi bồi hồi đứng trước
Bức tượng Hồ Xuân Hương – Bà Chúa thơ Nôm, do nhà điêu khắc Nguyễn Minh Châu tạc, được dựng trước nhà thờ Họ với một phong thái ung dung đĩnh đạc như từng ướm chân đo thử trời cao thấp, bàn tay hoa thảo của Bà những nét rồng bay phượng múa để tạc vào trời đất những bài thơ hay vào bậc nhất trong lịch sử thi ca cổ điển Việt nam. Nhìn bức tượng làm sao biết được cuộc đời của nữ sĩ tài hoa ấy đã trải qua bao nỗi thăng trầm nhưng đã vượt lên thách thức tất cả, tạo nên một cốt cách riêng sừng sững đứng giữa trời Nam.
Nghĩ đến đó mắt tôi chảy xuống hai hàng lệ, không chỉ vì xót thương “đau đớn thay phận đàn bà/ lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” (Nguyễn Du) mà chủ yếu vì lòng khâm phục và ngưỡng mộ Người – một nữ hoàng không ngai đã suốt đời dùng ngòi bút đấu tranh chống áp bức cường quyền với một khát khao:
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Sau này tôi còn nhiều lần về thắp hương tưởng nhớ Người,
và lần nào cũng rưng rưng cảm động
ngỡ như mới đến lần đầu.
Lê Quốc Hán